/ 289
603

A DI ĐÀ KINH SỚ SAO DIỄN NGHĨA

Chủ giảng: Lão pháp sư Tịnh Không

Tập 21


Xin xem A Di Đà Kinh Sớ Sao Diễn Nghĩa, trang hai mươi ba:


(Sớ) Hựu tiền thị Tánh Đức, kim thị Tu Đức. Tiền thị tự tánh thanh tịnh, kim thị ly cấu thanh tịnh, nãi chí tánh tịnh chướng tận đẳng, hỗ dung bất nhị như Giáo trung thuyết.

(疏)又前是性德,今是修德。前是自性清淨,今是離垢清淨。乃至性淨障盡等,互融不二,如教中說。

(Sớ: Lại nữa, phần trước nói về Tánh Đức, phần này nói về Tu Đức. Phần trước là tự tánh thanh tịnh, phần này là ly cấu thanh tịnh, cho đến tánh thanh tịnh, hết chướng v.v... dung nhập lẫn nhau, chẳng hai, như trong Giáo đã nói).


Đoạn này là lời tổng kết cho khoa này, trình bày rất rõ ràng. Chữ “tiền” (前) chỉ đoạn thứ nhất, tức là phần Minh Tánh. Phần Minh Tánh giảng về Tánh Đức, còn đoạn thứ hai này là Tán Kinh (khen ngợi kinh). Tán Kinh chính là nói về Tu Đức. Trong đoạn Minh Tánh, kinh văn khá sâu, giảng về “tự tánh thanh tịnh”, câu nào cũng đều bàn luận xứng tánh; còn đoạn Tán Kinh này giảng về Tu Đức. Tánh Đức tuy vốn sẵn đủ, nhưng nếu không có Tu Đức, Tánh Đức của chúng ta sẽ chẳng thể hiện tiền. Tánh Đức nhất định phải dựa vào Tu Đức mới có thể hiện tiền, “Tánh - Tu bất nhị”. Nếu hiểu đạo lý này, chắc chắn chẳng thể chấp Lý phế Sự, hoặc chấp Sự phế Lý. Do đây có thể biết: Người niệm Phật chẳng thể không hiểu giáo nghĩa, chẳng thể không hiểu giáo lý. “Tự tánh thanh tịnh tâm” là giáo lý, mà cũng là giáo thể, nhất định phải hiểu rõ [giáo lý và giáo thể] rồi mới có thể thật sự “đoạn Hoặc, chứng Chân”.


(Diễn) Hựu tiền thị hạ, thị tổng kết lưỡng tiết, Tánh Đức, Tu Đức, xuất Thiên Thai giáo.

(演)又前是下,是總結兩節。性德、修德,出天台教。

(Diễn: Lại nữa, từ chữ “tiền thị” trở đi, tổng kết hai đoạn [Minh Tánh và Tán Kinh, khái niệm] Tánh Đức và Tu Đức phát xuất từ tông Thiên Thai).


Đoạn kinh văn này là nhằm tổng kết hai đoạn kinh văn ở phía trên, đoạn thứ nhất là Minh Tánh, đoạn thứ hai là Tán Kinh. Đoạn thứ nhất nói về giáo lý, xuyên suốt tất cả kinh luận. Chẳng những kinh luận trong nhà Phật đều từ Tánh Đức lưu lộ, mà thậm chí hết thảy pháp thế gian lẫn xuất thế gian, có thể nói là hết thảy pháp trong tận hư không, trọn khắp pháp giới, không gì chẳng từ Tánh Đức biến hiện. Do vậy, kinh Hoa Nghiêm nói: “Duy tâm sở hiện, duy thức sở biến”. Đoạn thứ nhất hết sức trọng yếu.

Chúng sanh tuy sẵn có Tánh Đức, nhưng nếu không có Tu Đức thì từ đầu đến cuối Tánh Đức bị vô minh, phiền não trói buộc, chẳng thể hiển hiện. Giống như chúng ta trong hiện thời, có ai trong chúng ta chẳng sẵn đủ Tánh Đức? Nói theo phương diện Tánh Đức, kinh Hoa Nghiêm và kinh Viên Giác đã dạy: “Nhất thiết chúng sanh bổn lai thành Phật” (Hết thảy chúng sanh vốn đã thành Phật). Không sai! Quả thật vốn sẵn là Phật! Trong [giáo nghĩa] Lục Tức Phật, Thiên Thai đại sư có nói Lý Tức Phật, tức là nói theo phương diện Tánh Đức. Tuy bổn tánh của chúng ta vốn chẳng hai chẳng khác với chư Phật, nhưng hiện thời cảnh giới của chúng ta khổ sở chẳng thể kham nói nổi! Vì sao biến thành như vậy? Vì mê mất Tánh Đức, còn Phật, Bồ Tát thì ngộ Tánh Đức này; có thể thấy Tánh Đức không hai, chỉ có mê hay ngộ khác nhau. Mê bèn là phàm phu lục đạo, giác ngộ sẽ là chư Phật, Bồ Tát.

Nay chúng ta đã mê, phải phá mê khai ngộ ra sao? Chính là phải nói đến Tu Đức. Trong phương diện Tu Đức, ở đây, Liên Trì đại sư đặc biệt nói đến Tán Kinh. Nói cách khác, chúng ta muốn tu hành thì kinh điển có quan hệ mật thiết nhất đối với chúng ta. Chúng ta dựa vào đâu để tu? Nương tựa vào thứ gì? Kinh điển là chỗ nương tựa duy nhất. Kinh điển có thật sự đáng nương cậy hay chăng? Chúng ta không khỏi nẩy sanh hoài nghi. Nếu hiểu đoạn thứ nhất đôi chút thì những nghi vấn ấy sẽ được giải quyết. Kinh điển từ Tánh Đức của Phật lưu lộ. Nói cách khác, chúng ta nương vào kinh điển là nương vào Tánh Đức. Tu Đức là nương vào Tánh Đức để khởi tu, làm sao có thể nói là chẳng thể khôi phục Tánh Đức? Đấy là sự mạch lạc trong văn tự, nói Tánh Đức xong, lập tức bàn về Tu Đức, đạo lý là ở chỗ này!

Khi đức Thế Tôn sắp nhập diệt, Ngài đã dạy các đệ tử mai sau hãy nương theo Tứ Y Pháp, điều thứ nhất là “y pháp, bất y nhân”. Quý vị phải hiểu: Pháp là Tánh Đức, là viên mãn. Như Lai chứng đắc cực quả rốt ráo, Pháp từ quả đức viên mãn rốt ráo mà lưu lộ. Vì sao chẳng thể nương theo người? Con người dẫu tu tốt đẹp tới đâu đi nữa, Tánh Đức vẫn chưa thể phô bày trọn vẹn. Đẳng Giác Bồ Tát còn có một phần vô minh chưa phá, chưa chứng Tánh Đức viên mãn. Đạo lý là ở chỗ này! “Xuất Thiên Thai giáo”: Hai danh từ Tánh và Tu thoạt đầu do Thiên Thai đại sư lập ra.

/ 289