/ 289
728

A DI ĐÀ KINH SỚ SAO DIỄN NGHĨA

Chủ giảng: Lão pháp sư Tịnh Không

Tập 20


Xin đọc A Di Đà Kinh Sớ Sao Diễn Nghĩa, trang hai mươi hai:


(Sớ) Dụng tùng Thể Tướng nhi xuất, cố chỉ ngôn diệu dụng dã.

(疏) 用從體相而出,故止言妙用也。

(Sớ: Dụng do Thể và Tướng mà có, nên chỉ nói đến diệu dụng).


“Dụng” là tác dụng, nhất định là phải nương vào Lý Thể hiện tướng mà sanh ra.


(Diễn) Dụng tùng Thể Tướng nhi xuất giả, Phật chứng bình đẳng Chân Như Hằng sa tánh đức.

(演) 用從體相而出者。佛證平等真如恆沙性德。

(Diễn: “Dụng do Thể Tướng mà có”: Phật chứng Hằng sa tánh đức của Chân Như bình đẳng).


Câu này nói về Thể. “Phật” được nói ở đây chính là mười phương ba đời hết thảy chư Phật, đặc biệt là Phật trong Viên Giáo, mà cũng là nói những vị đã chứng Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác, tức là “bình đẳng Chân Như”. “Hằng sa tánh đức”: Ở đây, hai chữ “Hằng sa” (cát sông Hằng) hình dung ý nghĩa vô lượng vô biên, hình dung đức dụng của bổn tánh, tức là tác dụng của nó.

Những tác dụng ấy vốn sẵn có đầy đủ, chẳng phải do học từ bên ngoài mà có. Trong câu này, chúng ta đặc biệt chú ý chữ “bình đẳng”. Nay chúng ta tu học, chẳng thể chứng quả, chẳng thể khai ngộ, là vì tâm chẳng bình đẳng. Đấy là vấn đề lớn! Vì sao tâm chẳng bình đẳng? Chấp trước cứng ngắc, Ngã Chấp, Pháp Chấp. Thật sự học Phật, thật sự tu hành, ắt phải chuyển thức thứ bảy thành Bình Đẳng Tánh Trí.

Cổ nhân thường nói: “Tu hành quan trọng là chuyển Thức thành Trí”. Câu nói này là chân lý ngàn vạn phần chính xác, vĩnh viễn chẳng thay đổi. Tâm bình đẳng chính là chân tâm, tướng bình đẳng là như như. Tác dụng của tâm tướng bình đẳng là “Hằng sa tánh đức”. Chúng ta phải nỗ lực tại chỗ này, trong mười hai thời, hễ tâm vừa mới bất bình đẳng (vừa mới phát hiện bất bình đẳng) liền phải dấy lên Phật hiệu, Phật hiệu đánh thức cái tâm mê của chúng ta, khiến cho tâm bất bình đẳng khôi phục sự bình đẳng. Bình đẳng mới là bình thường, đúng mực, bất bình đẳng chẳng phải là bình thường, đúng mực. Đức Phật đã chứng bình đẳng.

Nói cách khác, chẳng những thức thứ sáu và thức thứ bảy đã chuyển thành Diệu Quán Sát Trí và Bình Đẳng Tánh Trí, năm thức trước và thức thứ tám cũng chuyển. Chuyển A Lại Da thành Đại Viên Kính Trí, chuyển năm thức trước thành Thành Sở Tác Trí.


(Diễn) Nhiên hậu lưu xuất Báo, Hóa chi Dụng, diễn thuyết thử kinh, thị Như Lai chi Dụng, cố tùng Thể Tướng nhi xuất.

(演)然後流出報化之用演說此經,是如來之用,固從體相而出。

(Diễn: Rồi mới lưu xuất tác dụng của Báo Thân và Hóa Thân, diễn nói kinh này. Đấy là Dụng của Như Lai vốn do Thể và Tướng mà có).


Kinh này không đơn giản! Nó từ Hằng sa tánh đức của Chân Như bình đẳng lưu lộ. Kinh là như vậy, mà Tây Phương Cực Lạc thế giới cũng là như vậy. Chứng đắc cái Thể bình đẳng của Chân Như rồi mới hiện tướng Hóa Thân và Báo Thân.

Báo Thân Phật diễn nói kinh A Di Đà cho bậc Địa Thượng Bồ Tát, còn Hóa Thân Phật vì lục đạo phàm phu, Quyền giáo, Tiểu Thừa mà diễn nói kinh này. Đấy là đại dụng thuộc quả báo nơi địa vị Như Lai, “vốn từ thể tướng mà có”, cố nhiên nó thật sự từ Chân Như Lý Thể Thật Tướng lưu xuất.

(Diễn) Kim chúng sanh y kinh niệm Phật.

(演) 今眾生依經念佛。

(Diễn: Nay chúng sanh vâng theo kinh, niệm Phật).


Kinh văn của bộ kinh này, Phật hiệu, từng tiếng đều tương ứng với Như Lai Thể Tướng. Nếu chẳng hiểu rõ đạo lý trong ấy, làm sao một câu Phật hiệu của chúng ta có thể tương ứng với Thể - Tướng - Dụng của Như Lai bổn tánh cho được? Thể - Tướng - Dụng được nói đến ở đây chính là ba chữ Đại Phương Quảng trong tựa đề kinh Hoa Nghiêm, ba chữ này đều nhằm tán thán: Đại là tán thán Thể, Phương là tán thán Tướng, Quảng là tán thán Dụng. Do vậy, làm thế nào để một câu Phật hiệu của chúng ta tương ứng với Đại Phương Quảng? Chẳng hiểu rõ đạo lý này, quả thật sẽ chẳng tương ứng. Vì chẳng tương ứng nên hiệu quả thành tựu không to, chẳng rõ ràng. Nếu mỗi tiếng đều tương ứng thì hiệu quả sẽ chẳng thể nghĩ bàn. Đại sư nói mấy câu này nhằm khích lệ chúng ta, khuyên chúng ta hãy giác ngộ, vâng theo kinh mà niệm Phật.


(Diễn) Đốn siêu tức chứng, diệc dĩ bổn hữu Chân Như, bổn cụ tánh đức, phương hữu như thị lực dụng, cố vân: “Tùng Thể Tướng nhi xuất” dã.

/ 289