/ 289
479

A DI ĐÀ KINH SỚ SAO DIỄN NGHĨA

Chủ giảng: Lão pháp sư Tịnh Không

Tập 19

 

  Xin đọc A Di Đà Kinh Sớ Sao Diễn Nghĩa, trang hai mươi:

 

  (Sớ) Sở vị: Tu chứng tức bất vô, nhiễm ô tức bất đắc dã.

  (疏) 所謂修證即不無,污染即不得也。

  (Sớ: Nói: “Tu chứng tức là chẳng không, nhiễm ô là chẳng đắc”).

 

  Đây là hai câu trong Lục Tổ Đàn Kinh, bao hàm ý nghĩa vô cùng sâu xa, mang nguyên tắc chỉ đạo rất hay cho sự tu học của chúng ta, hãy nên học tập. Đoạn công án này phát xuất từ chương Tham Thỉnh Cơ Duyên trong [Pháp Bảo] Đàn Kinh.

 

  (Diễn) “Tu chứng tức bất vô” giả, Nam Nhạc Nhượng thiền sư tham Lục Tổ.

  (演) 修證即不無者,南岳讓禪師參六祖。

  (Diễn: “Tu chứng tức chẳng không”: Thiền sư Nam Nhạc Hoài Nhượng tham yết Lục Tổ).

 

  Vị này là thiền sư Hoài Nhượng, Ngài là sư phụ của thiền sư Mã Tổ. Thiền sư Đạo Nhất họ ngoài đời là Mã, nên trong Thiền Tông gọi Ngài là Mã Tổ, Ngài có ảnh hưởng hết sức sâu xa đối với Phật giáo Trung Quốc: “Mã Tổ kiến tùng lâm, Bách Trượng lập Thanh Quy” (Mã Tổ dựng tùng lâm, Bách Trượng lập Thanh Quy). Thoạt đầu, hai vị này hợp tác kiến lập chế độ tùng lâm cho Trung Quốc. Lục Tổ là đời thứ sáu, thiền sư Hoài Nhượng là đời thứ bảy, Mã Tổ là đời thứ tám, là đồ tôn của Lục Tổ. Thiền sư Hoài Nhượng đến chỗ Lục Tổ tham học.

 

  (Diễn) Tổ vấn: “Thậm xứ lai?”

  (演) 祖問甚處來。

  (Diễn: Tổ hỏi: “Từ đâu đến?”)

 

  Lục Tổ hỏi Ngài: “Ông từ nơi nào đến đây?”

 

  (Diễn) Nhượng vân: “Tung Sơn”.

  (演) 讓云:嵩山。

  (Diễn: Ngài Hoài Nhượng thưa: “Tung Sơn”).

  Ngài từ Tung Sơn đến. Tung Sơn[1] là Trung Nhạc. Về sau, Ngài trụ tại Nam Nhạc. Nam Nhạc là Hành Sơn thuộc tỉnh Hồ Nam.

 

  (Diễn): Tổ vân: “Nhẫm ma vật? Nhẫm ma lai?”

  (演) 祖云:恁麼物,恁麼來。

  (Diễn: Tổ nói: “Vật gì thế? Đến như thế nào?”)

 

  Đây là cách nói thông dụng thời Đường, nói theo cách bây giờ là: “Rốt cuộc là vật gì vậy? Đến như thế nào?” Có ý nghĩa như vậy đó! Tức là hỏi: “Ngươi đến rồi, vậy thì ngươi là vật gì vậy?” Đây là cách cật vấn trong nhà Thiền, học trò đến xin tham học phải vượt qua được câu trắc nghiệm này, lời cật vấn được gọi là “cơ phong”[2]. Lục Tổ khảo nghiệm ngài Hoài Nhượng. Thiền sư Hoài Nhượng hết sức thông minh, liền hiểu ngay “âm thanh ngoài dây đàn” trong câu nói của Lục Tổ, Ngài trả lời:

 

  (Diễn): Nhượng vân: “Thuyết tự nhất vật, tức bất trúng”.

  (演) 讓云:說似一物即不中。

  (Diễn: Hoài Nhượng thưa: “Nếu nói là dường như có một vật sẽ chẳng trúng”).

 

  Ý nghĩa của câu này là “ngôn ngữ dứt bặt, tâm hạnh xứ diệt”, nói không được. Nếu nói là dường như có vật chi đó, là vật gì đó, thì đã sai rồi! Đúng như Thiền gia đã nói: “Khai khẩu tiện thác, động niệm giai quai” (Mở miệng liền trật, suy nghĩ đều sai). Câu trả lời này hết sức cao minh, đủ thấy cảnh giới của Ngài cao lắm. Nếu tổ sư hỏi hai câu mà Ngài đáp: “Tôi là một người tu hành”, tôi đến như thế nào ư? “Tôi đi bộ đến đây” hay: “Tôi ngồi xe đến đây”. Đáp kiểu ấy cũng không sai, nhưng Tổ Sư nói: “Hay lắm! Biết ngươi thuộc tiêu chuẩn phàm phu, không có kiến địa!” Thiền sư Hoài Nhượng đáp như vậy, gần như là đã đạt đến cảnh giới kiến địa, đương nhiên cảnh giới khá cao. Lục Tổ tiếp tục hỏi:

Nguồn: www.niemphat.net

/ 289