A DI ĐÀ KINH SỚ SAO DIỄN NGHĨA
Chủ giảng: Lão pháp sư Tịnh Không
Tập 17
Xin đọc A Di Đà Kinh Sớ Sao Diễn Nghĩa, trang mười tám:
(Sớ) Kim vị ước Sanh Diệt môn, dĩ bất như thật tri Chân Như pháp nhất cố, bất giác tâm khởi nhi hữu kỳ niệm, tắc vô minh sở phú, thất bổn lưu mạt, hỗn loạn chân thể, cố danh viết Trược. Như trừng nê sa, phục sử tịnh khiết, tư chi vị thanh, tức chỉ chuyển Ngũ Trược nhi thành Thanh Thái dã.
(疏)今謂約生滅門,以不如實知真如法一故,不覺心起而有其念,則無明所覆,失本流末,渾亂真體,故名曰濁。如澄泥沙,復使淨潔,斯之謂清,即指轉五濁而成清泰也。
(Sớ: Nay ước theo Sanh Diệt môn thì do chẳng như thật biết “trong Chân Như, các pháp là một”, tâm bất giác dấy lên ý niệm, liền bị vô minh che lấp, đánh mất gốc, chạy theo ngọn, hỗn loạn chân thể, nên gọi là Trược. Như lắng bùn cát, khiến cho [nước] trong sạch trở lại, đó gọi là Thanh, tức là chuyển Ngũ Trược thành cõi Thanh Thái).
Đối với những đồng tu nghiên cứu Phật học chúng ta mà nói thì đoạn kinh văn này hết sức trọng yếu. Có nhiều vị đồng tu hỏi: “Vô minh do đâu mà có? Vì sao có vô minh?” Ở đây, Liên Trì đại sư đã bảo cho chúng ta biết chuyện này, nhưng đoạn kinh văn này có ý nghĩa khá sâu, nhất định phải rất chú tâm lãnh hội. Quá nửa lời chú giải trích dẫn những câu văn từ Đại Thừa Khởi Tín Luận để giải thích.
“Ước Sanh Diệt môn, dĩ bất như thật tri Chân Như pháp nhất cố” (Ước theo Sanh Diệt môn thì do chẳng như thật biết: Trong Chân Như, các pháp là một): Đây là nói cho chúng ta biết nguyên nhân vì sao vô minh khởi lên. Xin hãy xem phần chú giải:
(Diễn) Ước Sanh Diệt môn giả.
(演) 約生滅門者。
(Diễn: Ước theo Sanh Diệt môn thì...)
Nhìn từ phía Sanh Diệt môn.
(Diễn) Thượng Minh Tánh nhất khoa, thị ước Chân Như môn thuyết.
(演) 上明性一科,是約真如門說。
(Diễn: Khoa mục Minh Tánh (giảng rõ Tánh) trong phần trước là dựa theo Chân Như môn để nói).
Đoạn lớn Minh Tánh trong phần trước là căn cứ trên Chân Như môn để nói. Trong Chân Như môn, hoàn toàn nói tánh thể của bổn tánh là bất sanh bất diệt, đó là nói theo phương diện Pháp Tánh; còn nói theo Sanh Diệt môn, tức là luận theo Pháp Tướng thì Tướng có sanh diệt, Tánh bất sanh bất diệt.
(Diễn) Kim tán kinh, thị ước Sanh Diệt môn thuyết dã.
(演) 今讚經,是約生滅門說也。
(Diễn: Nay phần khen ngợi kinh này bèn ước theo Sanh Diệt môn để nói).
Nay chúng ta tán thán bộ kinh này. Đây là đoạn lớn thứ hai trong lời Tựa. Lời Tựa có tất cả năm đoạn, [phần Tán Kinh] là đoạn thứ hai. Phần Tán Kinh dựa trên Sanh Diệt Môn để nói.
(Diễn) Luận vân.
(演) 論云。
(Diễn: Khởi Tín Luận chép).
“Luận” ở đây là Khởi Tín Luận.
(Diễn) Y nhất tâm pháp hữu nhị chủng môn.
(演) 依一心法有二種門。
(Diễn: Pháp được kiến lập trên nhất tâm có hai môn).
Hai môn được kiến lập trong nhất tâm, quyết chẳng phải là hai cái tâm, mà là trong nhất tâm có hai môn.
(Diễn) Nhất giả, tâm Chân Như môn, nhị giả, tâm Sanh Diệt môn.
(演) 一者心真如門,二者心生滅門。
(Diễn: Một là tâm Chân Như môn, hai là tâm Sanh Diệt môn).
Một đằng là nói theo phương diện Lý Thể của chân tâm, một đằng là nói theo phương diện tác dụng của chân tâm, có thể thấy: Vẫn là nói về cùng một chuyện! Nói theo tâm thể (bản thể của cái tâm) thì là Chân Như môn; nói theo phương diện tác dụng của cái tâm thì là Sanh Diệt môn. Do vậy, Sanh Diệt và Chân Như là một, không phải hai, tức là Thể và Dụng là một, không hai. Hiểu được mối quan hệ giữa Thể và Dụng, quý vị sẽ hiểu được ý nghĩa “một tâm hai môn”.
(Diễn) Tâm Chân Như giả, tức thị nhất pháp giới đại tổng tướng pháp môn thể.
(演) 心真如者,即是一法界大總相法門體。
(Diễn: Tâm Chân Như chính là Thể của pháp môn đại tổng tướng Nhất Chân pháp giới).
Bài giảng thứ nhất trong Phật Học Thập Tứ Giảng được mở đầu bằng câu: “Nhất Thiết Trí, tri pháp tổng tướng” (Nhất Thiết Trí biết tổng tướng của các pháp). “Tổng tướng” là dựa trên Thể để nói, tổng tướng là Không tướng, như thường nói: “Vạn pháp đều không”. Không chẳng phải là Vô, Không là Có. Lũ phàm phu chúng ta sợ Không nhất, cho rằng đã là Không thì sẽ chẳng được gì cả, hết sức kinh sợ, hoảng hốt! Phàm phu chấp Có, do chấp Có nên có phiền não, sanh tử, luân hồi, phiền phức to lớn. Nếu quý vị thật sự liễu giải Không, phiền não sẽ chẳng còn nữa. Phiền não đã Không, thì sanh tử cũng Không, luân hồi cũng Không, quý vị chứng được Pháp Thân, Bát Nhã và đại tự tại (giải thoát). Lợi ích công đức của Không thù thắng, quả thật chẳng có cách nào hình dung được. Phàm phu sợ Không, người học Phật chẳng sợ Không; do Không nên mới có thể kiến tánh, mới có thể tương ứng với Nhất Chân pháp giới, đấy là tương ứng với bản thể của pháp môn. Đây là dựa trên Chân Như bổn tánh để nói.