A DI ĐÀ KINH SỚ SAO DIỄN NGHĨA
Chủ giảng: Lão pháp sư Tịnh Không
Tập 16
Xin xem A Di Đà Kinh Sớ Sao Diễn Nghĩa, trang mười bảy, đoạn “nhị, tán kinh. Sơ, tổng tán, nhị, biệt tán”.
Sơ tổng tán.
(Tự) Trừng trược nhi thanh, phản bối nhi hướng, việt tam kỳ ư nhất niệm, tề chư thánh ư phiến ngôn, chí tai diệu dụng, diệc bất khả đắc nhi tư nghị giả. Kỳ duy Phật Thuyết A Di Đà Kinh dư?
初總讚.
(序)澄濁而清,返背而向,越三祇於一念,齊諸聖於片言,至哉妙用,亦不可得而思議者,其惟佛說阿彌陀經歟。
(Thứ nhất, tán thán chung.
Lời tựa: Lắng đục thành trong, bỏ trái nghịch để hướng về, vượt ba A-tăng-kỳ kiếp trong một niệm, ngang với chư thánh bởi một lời, diệu dụng đến tột bậc cũng chẳng thể nghĩ bàn được, chỉ có mình Phật Thuyết A Di Đà Kinh đó chăng?)
Đoạn này nhằm tán thán kinh A Di Đà, cũng có thể nói là tán thán cả bộ kinh này đến mức tột cùng. Kể từ phần Tựa trở đi, chúng ta đã tốn không ít thời gian để giới thiệu đoạn Minh Tánh (nêu rõ Tánh). Đoạn trước hoàn toàn nói về giáo lý, từ đây trở đi là nói về giáo nghĩa. Lý chẳng những xuyên suốt hết thảy kinh giáo mà còn xuyên suốt vô lượng pháp môn. Thật ra, hết thảy các pháp thế gian và xuất thế gian đều chẳng lìa Lý Thể của tự tánh.
Học Phật, nhất là nghiên cứu kinh điển hoặc nghe kinh, nếu có thể hiểu được Lý Thể thì sẽ là cao minh nhất. Nghe kinh mà nghe hiểu được giáo lý thì sẽ là cao minh nhất, vì nếu hiểu rõ giáo lý thì “một ngộ, hết thảy ngộ”, tức là “một kinh thông, hết thảy kinh thông”. Đây là điều trọng yếu nhất. Giáo Hạ gọi điều này là “đại khai viên giải”, còn Thiền Tông bảo là “đại triệt đại ngộ”. Đấy là biết nghe, nhưng điều này thật chẳng dễ dàng, phải nhất tâm lắng nghe. Chẳng đạt được nhất tâm, sẽ không có cách nào ngộ nhập giáo lý, bất đắc dĩ, phải cầu điều kém hơn là giáo nghĩa. Nếu thông hiểu giáo nghĩa, sẽ có thể thông đạt một phần đạo lý. Tuy chẳng thể thông đạt toàn thể, nhưng có thể thông đạt một phần thì cũng coi như là khá lắm. Nói cách khác, đối với những kinh đồng loại[1] với kinh này đều có thể hễ tiếp xúc bèn thông hiểu, cũng được coi là khá cao minh. Đáng sợ nhất là nhớ nguyên văn từng câu nói, tôi ở đây giảng như thế nào, quý vị nhớ y hệt như thế ấy, giống hệt như máy thâu âm! Tuy có thể nhớ toàn bộ, nhưng quý vị chỉ hiểu được một bộ kinh, thay bằng bộ kinh khác sẽ không hiểu nữa! Như vậy là dở nhất, được coi là [căn tánh] hạng ba. Những điều nghe được đều có thể ghi nhớ, đều có thể nói lại, thì đã được coi là rất khá, nhưng thật ra, chỉ là hạng ba.
(Diễn) Trừng trược nhị cú, tiên tự công phu.
(演) 澄濁二句,先敘功夫。
(Diễn: Hai câu “lắng đục”... trước hết giảng về công phu).
“Trừng trược nhị cú” tức là [hai câu] “trừng trược nhi thanh, phản bối nhi hướng” (lắng đục thành trong, bỏ trái nghịch để hướng về); hai câu này “tiên tự công phu” (trước hết nói về công phu), tức là nói về sự tu hành, nhìn thấy công phu ở chỗ nào? Trước hết, chúng tôi giải thích ý nghĩa của những chữ này. “Trược” là chẳng thanh tịnh, tâm chúng ta hiện thời chẳng thanh tịnh. Nếu dùng Phật hiệu để biến tâm niệm chẳng thanh tịnh thành thanh tịnh, đấy là “bước vào công phu”, là “trừng trược nhi thanh” (lắng đục thành trong). “Phản bối nhi hướng”, “bối” là gì? Bối giác hợp trần (trái ngược với giác, xuôi theo trần lao). Chúng ta trái nghịch tự tánh giác, nay đang phơi bày ra những thứ mê hoặc, điên đảo. Nếu chúng ta có thể từ nơi trái nghịch giác tánh mà quay trở lại, hướng về giác tánh, khôi phục Bổn Giác thì đấy là công phu. Do vậy, người niệm Phật phải thường xuyên kiểm nghiệm xem chính mình có công phu hay là không, niệm Phật đạt hiệu quả như thế nào? Thành tích như thế nào?
(Diễn) Tam kỳ nhị cú, thứ tán siêu thắng.
(演) 三祇二句,次讚超勝。
(Diễn: Hai câu “tam kỳ” là ý tiếp theo, ca ngợi sự siêu việt thù thắng [của kinh A Di Đà]).
“Việt tam kỳ ư nhất niệm, tề chư thánh ư phiến ngôn” (Vượt ba A-tăng-kỳ kiếp trong một niệm, bằng với chư thánh trong một lời): Tán thán sự siêu thắng (Thắng là thù thắng). Tám vạn bốn ngàn pháp môn, bất luận một tông phái nào cũng đều chẳng thể sánh bằng pháp môn này. Nó siêu việt tất cả các pháp môn, thù thắng nhất trong hết thảy pháp môn. Đây là tán thán kinh A Di Đà, tán thán hạnh trì danh niệm Phật.