A DI ĐÀ KINH SỚ SAO DIỄN NGHĨA
Chủ giảng: Lão pháp sư Tịnh Không
Tập 15
Xin coi A Di Đà Kinh Sớ Sao Diễn Nghĩa Hội Bản, trang thứ mười sáu:
(Sớ) Hựu dĩ Tứ Pháp Giới hội chi, tắc “thanh, trược, hướng, bối” thị Sự pháp giới. Linh minh trạm tịch thị Lý pháp giới. Linh minh trạm tịch nhi bất biến tùy duyên, thanh, trược, hướng, bối nhi tùy duyên bất biến, thị Lý Sự vô ngại pháp giới. Bất khả tư nghị thị Sự Sự vô ngại pháp giới. Dĩ thử kinh phần nhiếp ư Viên, diệc đắc thiểu phần Sự Sự vô ngại cố. Mạt ngôn tự tánh, diệc thị kết thuộc Tứ Pháp Giới quy nhất tâm dã.
(疏)又以四法界會之,則清濁向背,是事法界。靈明湛寂,是理法界。靈明湛寂而不變隨緣,清濁向背而隨緣不變,是理事無礙法界。不可思議,是事事無礙法界。以此經分攝於圓,亦得少分事事無礙故。末言自性,亦是結屬四法界歸一心也。
(Sớ: Lại nữa, đem phối hợp với Tứ Pháp Giới thì “thanh, trược, hướng về, trái nghịch” là Sự pháp giới. “Linh minh trạm tịch” là Lý pháp giới. Linh minh trạm tịch nhưng bất biến, tùy duyên, “thanh, trược, hướng về, trái nghịch” tùy duyên nhưng bất biến là Lý Sự vô ngại pháp giới. “Chẳng thể nghĩ bàn” là Sự Sự vô ngại pháp giới. Do kinh này có vài phần thuộc về Viên Giáo nên cũng có được chút phần Sự Sự vô ngại; cuối cùng nói tới tự tánh thì cũng là gom bốn pháp giới về nhất tâm).
Đoạn kinh này có ý nghĩa khá sâu. Nếu từ chỗ này mà có thể thật sự hiểu được mấy phần, chúng ta sẽ chẳng mê mất phương hướng trong khi tu học Phật pháp. Người học Phật thì nhiều, người thành tựu hết sức ít ỏi. Vì sao chẳng thành tựu? Do mê mất phương hướng. Những điều được giảng mấy lượt ở đây đều nhằm giảng về đoạn văn thứ nhất “nêu ra tông chỉ (khai tông), minh thị ý nghĩa” trong lời tựa của tổ Liên Trì; [những điều này] đúng là cột mốc chỉ đường chính xác nhất cho sự tu học Đại Thừa Phật pháp của chúng ta, hoặc như chúng ta nói là Phật pháp [để tu học nhằm] “thành tựu trong một đời”, quyết chẳng thể coi thường. Đoạn lời tựa này chỉ gồm sáu câu, nhưng bao gồm ý nghĩa nhiều ngần ấy. Như trong phần trên chúng ta đã thấy, dùng giáo nghĩa của kinh này để nói thì [những ý nghĩa trong sáu câu ấy] có thể phối hợp với Tam Đại, Tam Đức, nay lại dựa theo Tứ Pháp Giới để giảng. Tứ Pháp Giới chính là giáo nghĩa trọng yếu trong kinh Hoa Nghiêm. Do vậy, nhất định phải hiểu rõ ràng định nghĩa của Tứ Pháp Giới.
(Diễn) Hựu dĩ Tứ Pháp Giới hạ, phối Tứ Pháp Giới.
(演) 又以四法界下,配四法界。
(Diễn: Từ câu “Lại nữa, đem Tứ Pháp Giới” trở đi là phối hợp [đoạn văn Minh Tánh trong lời tựa] với Tứ Pháp Giới).
Sáu câu trong lời tựa, nếu dựa theo giáo nghĩa Hoa Nghiêm [để luận định] thì có thông suốt hay không? Cũng thật thông suốt, thật sự vô ngại! Trước hết, giảng rõ “pháp giới” là gì?
(Diễn) Pháp giả, quỹ tắc dã.
(演) 法者,軌則也。
(Diễn: Pháp là quỹ tắc).
“Quỹ” (軌) là quỹ đạo (orbit); nói theo cách bây giờ là trình tự phát triển của vũ trụ và nhân sinh, nó có quy tắc, chẳng lộn xộn tí nào. Theo Duy Thức Luận thì: “Vô minh bất giác sanh tam tế, cảnh giới vi duyên trưởng lục thô” (Vô minh bất giác sanh ra ba thứ tướng tế, cảnh giới làm duyên tăng trưởng sáu tướng thô). Đủ thấy nó có lớp lang không rối loạn, giống như quỹ đạo vậy. “Tắc” (則) là nguyên lý, nguyên tắc. Đấy là Pháp. Hết thảy toàn bộ vũ trụ và nhân sinh đều bao gồm trong ấy, “đại nhi thế giới, tiểu nhi vi trần”: Lớn như vô lượng vô biên đại thiên thế giới, nhỏ như một vi trần, đều gọi là Pháp. Chữ này là danh xưng chung cho hết thảy các pháp thế gian và xuất thế gian.
(Diễn) Giới hữu tánh, phân nhị nghĩa.
(演) 界有性分二義。
(Diễn: “Giới” có hai nghĩa là Tánh và Phân).
Chữ Giới (界) có hai ý nghĩa, một là Tánh, hai là Phân (phân biệt, phần hạn). Ý nghĩa này quả thật tuyệt diệu đến cùng cực! “Giới” là giới hạn. Do vậy, nó có ý nghĩa phân biệt. Ví như kinh Phật thường nói “thập bát giới”[1]. Trong mỗi một pháp sẽ có một giới hạn, nhưng giới hạn ấy chính là “tánh, phân” của nó, [tức là] mỗi pháp trong hết thảy pháp đều có tánh chất, giới hạn riêng biệt. Đấy là ý nghĩa của chữ Giới.