/ 289
827

A DI ĐÀ KINH SỚ SAO DIỄN NGHĨA

Chủ giảng: Lão pháp sư Tịnh Không

Tập 14


Xin xem A Di Đà Kinh Sớ Sao Diễn Nghĩa Hội Bản, trang thứ mười lăm:


(Sớ) Nhược tựu đương kinh, sơ cú tức Vô Lượng Quang, đỗng triệt vô ngại cố. Nhị cú tức Vô Lượng Thọ, thường hằng bất biến cố. Tam tứ cú tức linh tâm tuyệt đãi, quang thọ giao dung, nhất thiết công đức giai vô lượng cố. Ngũ cú tổng tán, tức kinh vân: “Như ngã xưng tán A Di Đà Phật bất khả tư nghị công đức”. Mạt cú kết quy, ngôn A Di Đà Phật toàn thể thị đương nhân tự tánh dã.

(疏)若就當經,初句即無量光,洞徹無礙故。二句即無量壽,常恆不變故。三四句即靈心絕待,光壽交融,一切功德皆無量故。五句總讚,即經云:如我稱讚阿彌陀佛不可思議功德。末句結歸,言阿彌陀佛全體是當人自性也。

(Sớ: Nếu xét theo kinh này thì câu đầu tiên là Vô Lượng Quang vì thấu suốt rỗng rang không ngăn ngại. Câu thứ hai là Vô Lượng Thọ vì thường hằng chẳng biến đổi. Câu thứ ba và câu thứ tư là nói tới cái tâm ấy linh minh, dứt bặt đối đãi, vì Quang và Thọ hòa lẫn vào nhau, hết thảy công đức đều vô lượng. Câu thứ năm là khen ngợi chung, tức là như kinh đã chép: “Như ta nay khen ngợi công đức chẳng thể nghĩ bàn của A Di Đà Phật”. Câu cuối cùng là lời tổng kết, nói: Toàn thể của A Di Đà Phật chính là tự tánh của con người vậy).


Đoạn này giảng giải rõ ràng một dòng rưỡi thuộc phần Minh Tánh trong lời tựa, hết sức khó có. Những ý nghĩa được chứa đựng trong đoạn này cũng hết sức tinh tường, sâu xa, rộng lớn. Sách Diễn Nghĩa đã giảng rõ như sau:


(Diễn) Nhược tựu đương kinh hạ.

(演) 若就當經下。

(Diễn: Từ chữ “nếu xét theo kinh này” trở đi...)


“Hạ” là trở đi, từ câu này trở đi...


(Diễn) Thị giải thích tự văn dĩ cánh.

(演) 是解釋序文已竟。

(Diễn: Là giải thích phần lời tựa đã xong).


Từ đoạn này trở đi, “thị giải thích văn tự dĩ cánh” tức là đã giải thích xong phần Tựa.


(Diễn) Hạ phục phối thuộc chư kinh.

(演) 下復配屬諸經。

(Diễn: Tiếp đó, lại đối chiếu [những ý nghĩa đã nêu trong lời tựa] với các kinh).


Tiếp đó, lại đem những ý nghĩa ấy so với các kinh để nói.


(Diễn) Kim tiên tựu đương kinh phối Quang Thọ dã.

(演) 今先就當經配光壽也。

(Diễn: Nay trước hết, phối hợp với ý nghĩa Quang và Thọ trong kinh này).


Đem đối chiếu với các kinh thì trước hết, lấy ngay kinh này để đối chiếu xem câu nào [trong lời tựa] sẽ tương ứng với ý nghĩa nào trong kinh văn, câu nào cũng được giảng giải rõ ràng. Trong đoạn này, “sơ cú” chính là câu thứ nhất trong lời tựa, tức câu “linh minh đỗng triệt”. Câu thứ hai là “trạm tịch thường hằng”. Linh minh đỗng triệt tương ứng với ý nghĩa Vô Lượng Quang, vì “thấu suốt rỗng rang không ngăn ngại”. Câu thứ hai là ý nghĩa Vô Lượng Thọ, “thường hằng bất biến”. Câu thứ ba và câu thứ tư trong lời tựa là “phi trược phi thanh, vô bối vô hướng”.

Hai câu này đã được giảng là: “Linh tâm tuyệt đãi, quang thọ giao dung”, bao gồm những ý nghĩa ấy. “Nhất thiết công đức giai vô lượng cố” (vì hết thảy công đức đều vô lượng), nói chung về các thứ vô lượng. Câu thứ năm là lời khen ngợi chung: “Đại tai chân thể, bất khả đắc nhi tư nghị giả” (Lớn thay chân thể, chẳng thể nghĩ bàn được), thật sự chẳng thể nghĩ bàn, đặc biệt là đối với những ý nghĩa được bao hàm trong bốn chữ “bất khả tư nghị”, chúng ta phải chú tâm thấu hiểu. Trong kinh này, chính Thích Ca Mâu Ni đã nói: “Như ngã xưng tán A Di Đà Phật bất khả tư nghị công đức”, mười phương chư Phật cũng xưng tán Bất Khả Tư Nghị Công Đức Nhất Thiết Chư Phật Sở Hộ Niệm Kinh. Do vậy, sự bất khả tư nghị này có căn cứ, chứ chẳng phải là nói tùy tiện. Câu cuối cùng nhằm quy vào tự tánh của chính mình, công đức chẳng thể nghĩ bàn ấy là của ai? Là của chính mình, thật sự chẳng thể nghĩ bàn. Do đây có thể biết: Tây Phương Cực Lạc thế giới A Di Đà Phật là ai? Là chính chúng ta.

Trong A Di Đà Kinh Yếu Giải, Ngẫu Ích đại sư đã nêu ra ba cương lãnh lớn: Tín, Nguyện, Hạnh. Thứ nhất là Tín, Ngài nêu ra sáu điều, điều thứ nhất là Tín Tự. Ở đây, Liên Trì đại sư dạy rõ: Đấy là tự tánh. Nếu chẳng tin vào tự tánh sẽ chẳng thể gọi là tin Phật được! Trong Phật pháp có nói “tín, giải, hạnh, chứng”, thứ nhất là phải tín Tự, rồi sau đấy mới tín Tha. Tha Phật có thể làm Tăng Thượng Duyên cho chúng ta, Tín Tự là Thân Nhân Duyên, Sở Duyên Duyên và Vô Gián Duyên, Tín Tâm được kiến lập như thế. Tín Tha là Tăng Thượng Duyên. Tín tâm được kiến lập như vậy đó. Ở đây, lời chú giải cũng rất hay, đơn giản, trọng yếu. “Kim tiên tựu đương kinh phối Quang Thọ” (Nay trước hết phối hợp với ý nghĩa Quang và Thọ trong kinh này), tức là trong kinh văn của kinh này có nói Vô Lượng Quang và Vô Lượng Thọ.

/ 289