/ 289
757

A DI ĐÀ KINH SỚ SAO DIỄN NGHĨA

Chủ giảng: Lão pháp sư Tịnh Không

Tập 13


Xin coi A Di Đà Kinh Sớ Sao Diễn Nghĩa Hội Bản, trang thứ mười bốn:


(Sớ) Kim vân tự tánh, thả chỉ Phật tánh nhi ngôn dã. Tánh nhi viết Tự, pháp nhĩ như nhiên, phi tác đắc cố, thị ngã tự kỷ, phi thuộc Tha cố. Thử chi tự tánh, cái hữu đa danh, diệc danh Bổn Tâm, diệc danh Bổn Giác, diệc danh Chân Tri, diệc danh Chân Thức, diệc danh Chân Như, chủng chủng vô tận. Thống nhi ngôn chi, tức đương nhân linh tri linh giác bổn cụ chi nhất tâm dã. Kim minh bất khả tư nghị giả, duy thử tâm nhĩ, cánh vô dư vật hữu thử bất tư nghị thể dữ tâm đồng dã.

(Diễn) Thả chỉ Phật tánh nhi ngôn giả.

(疏)今云自性,且指佛性而言也。性而曰自,法爾如然,非作得故;是我自己,非屬他故。此之自性,蓋有多名,亦名本心,亦名本覺,亦名真知,亦名真識,亦名真如,種種無盡,統而言之,即當人靈知靈覺本具之一心也。今明不可思議者,惟此心耳,更無餘物有此不思議體與心同也。

(演)且指佛性而言者。

(Sớ: Nay nói tới tự tánh là nói về Phật tánh mà thôi! Tánh được gọi là Tự, do pháp vốn sẵn như vậy, chẳng phải do làm mà có, nó là chính mình, nên chẳng thuộc gì khác. Do vậy, tự tánh này có nhiều danh, còn gọi là Bổn Tâm, còn gọi là Bổn Giác, còn gọi là Chân Tri, còn gọi là Chân Thức, còn gọi là Chân Như, vô tận các thứ tên gọi. Nói tóm lại, nó chính là nhất tâm trọn đủ linh tri linh giác của con người. Nay giảng về ý nghĩa “chẳng thể nghĩ bàn” thì chỉ có cái tâm này, chứ không còn vật nào khác mà có cái Thể (bản thể) chẳng thể nghĩ bàn giống như tâm được!

Diễn: “Nói về Phật Tánh” là...)


Nghĩa lý của đoạn này quả thật chẳng cùng tận, những điều này đều do “bất khả tư nghị” trong phần trên mà có, nhất là đại sư đã bảo “bất khả tư nghị” là tên gọi tột bậc của lý tột cùng, đều là dựa trên bản kinh này và tựa đề kinh này để mà nói. Kinh này vốn có tên là Xưng Tán Bất Khả Tư Nghị Công Đức Nhất Thiết Chư Phật Sở Hộ Niệm Kinh.


(Diễn) Tự tánh thật thông nhị chủng.

(演) 自性實通二種。

(Diễn: Thật ra, Tự tánh gồm cả hai thứ).


Phật Tánh và Pháp Tánh đều là tự tánh.


(Diễn) Nhược nhân dục thức Chân Không lý, tâm nội Chân Như hoàn biến ngoại, tình dữ vô tình đồng nhất thể, xứ xứ giai đồng Chân pháp giới.

(演)若人欲識真空理,心內真如還遍外,情與無情同一體,處處皆同真法界。

(Diễn: Nếu ai muốn biết lý Chân Không, Chân Như trong tâm trọn khắp bên ngoài, hữu tình và vô tình có cùng một Thể, chỗ nào cũng đều là Nhất Chân Pháp Giới).


Hãy nên học thuộc bốn câu này, toàn bộ Đại Phương Quảng Phật Hoa Nghiêm Kinh chỉ nói về chuyện này. Tâm Kinh cũng nói về chuyện này. Thông suốt chân nghĩa của bốn câu này thì cảnh giới của quý vị sẽ khác hẳn, sẽ chuyển được cảnh giới. Chuyển cảnh giới gọi là tiêu nghiệp chướng. Nếu từng tiếng Phật hiệu của chúng ta đều chuyển được cảnh giới, đấy là tiêu nghiệp chướng. Nếu Phật hiệu chẳng chuyển được cảnh giới, sẽ chẳng thể tiêu nghiệp chướng. Vì sao có người tiêu được, có người chẳng tiêu? Vấn đề là ở chỗ quý vị có hiểu hay là không, tức là có hiểu được diệu lý trong ấy hay không? Nếu quý vị hiểu được diệu lý trong ấy, mỗi câu đều có thể tiêu nghiệp chướng, chẳng giả tí nào. Đấy thật sự là công đức vô lượng!


(Diễn) Kim vân nhĩ giả, đản dĩ thử kinh trọng nhất tâm niệm Phật cầu nguyện vãng sanh.

(演) 今云爾者,但以此經重一心念佛求願往生。

(Diễn: Nay nói như thế, chỉ vì kinh này chú trọng nhất tâm niệm Phật, cầu nguyện vãng sanh).


Câu này hết sức quan trọng. Kinh Di Đà và pháp môn này đặc biệt chú trọng “nhất tâm niệm Phật”. Bốn chữ này quyết định chẳng để coi thường! Chúng ta bình thường ngày ngày niệm Phật, vì sao Phật hiệu chẳng thể chuyển cảnh giới, chẳng thể tiêu nghiệp chướng? Vì không dùng nhất tâm! Do vậy, Phật hiệu chẳng đắc lực! Nếu quý vị nhất tâm niệm, đương nhiên Phật hiệu sẽ đắc lực. Nói một cách đơn giản nhất, nói “nhất tâm” chính là trong một câu Phật hiệu không có phân biệt, không có chấp trước, chẳng khởi tâm, chẳng động niệm, đó gọi là “nhất tâm niệm”. Một mặt niệm Phật, một mặt suy nghĩ loạn xạ, chẳng những không thể tiêu nghiệp chướng mà niệm niệm đều tạo nghiệp. Niệm Phật mà vẫn khởi vọng tưởng, vẫn suy nghĩ loạn xạ, tức là tạo nghiệp to lớn. Do vậy, phải biết: Nhất tâm niệm Phật. Niệm Phật để làm gì? “Cầu nguyện vãng sanh”, chẳng có ý niệm thứ hai, một lòng, một dạ mong cầu Tây Phương Cực Lạc thế giới. Do vậy, nhất định phải biết thế giới này khổ sở, thế giới này đáng sợ!

/ 289