/ 289
676

A DI ĐÀ KINH SỚ SAO DIỄN NGHĨA

Chủ giảng: Lão pháp sư Tịnh Không

Tập 12


Xin đọc A Di Đà Kinh Sớ Sao Diễn Nghĩa Hội Bản, trang thứ mười hai:


(Sớ) Bất khả tư nghị giả, như thượng minh nhi phục tịch, tịch nhi phục minh, thanh trược bất hình, hướng bối mạc đắc, tắc tâm ngôn lộ tuyệt, vô dung tư nghị giả hĩ.

(Diễn) Bất khả tư nghị giả hạ, thị tiên hợp giải, tâm ngôn lộ tuyệt, vị tùng bổn dĩ lai, ly ngôn thuyết tướng, ly tâm duyên tướng, nhất thiết pháp bất khả thuyết, bất khả niệm, danh vi Chân Như cố.

(疏)不可思議者,如上明而復寂,寂而復明,清濁不形,向背莫得,則心言路絕,無容思議者矣。

(演)不可思議者下,是先合解。心言路絕,謂從本以來,離言說相,離心緣相,一切法不可說、不可念,名為真如故。

(Sớ: “Chẳng thể nghĩ bàn” là sự sáng suốt như đã nói ở trên lại vắng lặng, tuy vắng lặng mà sáng suốt, “thanh, trược” chẳng thể hình dung, hướng về hay trái nghịch chẳng được, chẳng thể suy nghĩ hay nói năng, không thể nghĩ bàn được.

Diễn: Từ “chẳng thể nghĩ bàn” trở đi, trước hết là giải thích gộp chung. “Tâm ngôn lộ tuyệt” ý nói: Vốn lìa tướng ngôn thuyết, tướng tâm duyên, hết thảy pháp đều chẳng thể nói, chẳng thể niệm, nên gọi là Chân Như).


Chúng ta đã thảo luận cặn kẽ đoạn văn này trong lần trước, nhất định phải chú tâm lãnh hội, những điều này có quan hệ rất lớn với sự thâm nhập kinh tạng và công phu tu hành của chúng ta. Phần “tổng thuyết” đã giới thiệu, tiếp theo đây là “biệt thuyết”, tức là tách ra [từng điều] để giảng: Chẳng thể nghĩ là gì? Chẳng thể bàn là gì? “Bất khả tư nghị” là chẳng thể nghĩ, chẳng thể bàn.


(Sớ) Bất khả tư giả, sở vị pháp vô tướng tưởng, tư tắc loạn sanh. Kinh vân: “Nhữ tạm cử tâm, trần lao tiên khởi”, thị dã. Hựu pháp vô tướng tưởng, tư diệc đồ lao! Kinh vân: “Thị pháp phi tư lượng phân biệt chi sở năng cập”, thị dã. Cố viết: “Tâm dục duyên nhi lự vong dã”.

(疏)不可思者,所謂法無相想,思則亂生。經云:汝暫舉心,塵勞先起,是也。又法無相想,思亦徒勞。經云:是法非思量分別之所能及,是也。故曰心欲緣而慮亡也。

(Sớ: “Chẳng thể nghĩ” có nghĩa là: Pháp chẳng có tướng để suy tưởng, hễ suy nghĩ sẽ sanh rối loạn. Kinh dạy: “Ông vừa tạm khởi tâm, trần lao đã dấy trước”, là nói tới điều này. Lại nữa, pháp không có tướng để suy tưởng, suy nghĩ cũng uổng công! Kinh dạy: “Pháp này chẳng thể suy lường, phân biệt mà hòng thấu hiểu được” là nói về ý này. Do vậy, nói: “Tâm muốn duyên mà lự đã mất”).


Đoạn này giải thích đạo lý vốn có trong “bất khả tư”. “Bất khả tư” là gì? Chúng ta phải hiểu rõ đạo lý này. “Sở vị: Pháp vô tướng tưởng” (Nghĩa là: Pháp không có tướng để suy tưởng): Chữ “pháp” chỉ hết thảy pháp. Hết thảy pháp chỉ “tâm pháp, tâm sở hữu pháp, sắc pháp, bất tương ứng hành pháp, hữu vi pháp” cho đến vô vi pháp. Hết thảy pháp thế gian và xuất thế gian đều chẳng có tướng để suy tưởng, đây là nói tới Thật Tướng của hết thảy các pháp. Kinh Bát Nhã đã giảng Thật Tướng rất rõ ràng như sau: “Thật Tướng vô tướng”. Không có tướng gì? Chính là không có tướng để suy tưởng. Vì vậy, kinh Kim Cang Bát Nhã đã giảng về hết thảy tướng rất hay: “Phàm những gì có hình tướng đều là hư vọng”. Bản thể của hết thảy tướng là Không, nó không có tự tánh. Do không có tự tánh nên tướng chính là chẳng phải tướng (phi tướng). Trong Tâm Kinh có nói: “Sắc chính là Không, Không chính là Sắc, Sắc chẳng khác Không, Không chẳng khác Sắc”. Đủ thấy, tướng chân thật của hết thảy tướng là không có tướng để suy tưởng. Câu nói này vẫn rất khó hiểu. Vì sao rất khó hiểu? Vì nó vượt khỏi nhận thức thông thường của chúng ta! Vượt khỏi nhận thức thông thường như thế nào? Do chúng ta suốt ngày từ sáng đến tối luôn suy nghĩ lung tung. Nói cách khác, không có cách nào hết! Từ trước đến nay chưa hề ngưng dứt sự suy nghĩ lung tung ấy, do vậy, rất khó thể lãnh hội chân tướng của sự thật này, nguyên nhân là vì đây.

Cận đại, có những thứ trong khoa học quả thật đã giúp ích Phật pháp rất lớn. Chẳng hạn như, các nhà khoa học phát hiện hết thảy vật chất trong vũ trụ đều giống nhau, có hơn một trăm nguyên tố (chemical elements), chúng đều do những lạp tử cơ bản (elementary particles) tạo thành. Nói cách khác, do công thức cấu tạo (structural formula, bài liệt phương trình thức) của những lạp tử cơ bản khác nhau, tổ hợp (combination) không giống nhau, mà thành ra hơn một trăm nguyên tố. Vì thế, các nhà khoa học công nhận cấu tạo và vật liệu của thân thể con người cũng như mỗi bộ phận trong thân thể con người có cấu tạo giống như cấu tạo của cây cối, hoa, cỏ, vật liệu giống nhau, đều do các lạp tử cơ bản tổ hợp thành. Dùng cùng một thứ nguyên liệu, có thể chế thành gạch, thành ngói, có thể làm thành những thứ thực vật cây cỏ, hoa lá, mà cũng có thể tạo thành loài người chúng ta. Nguyên liệu giống nhau, không khác nhau!

/ 289