/ 289
698

A DI ĐÀ KINH SỚ SAO DIỄN NGHĨA

Chủ giảng: Lão pháp sư Tịnh Không

Tập 11


Xin xem A Di Đà Kinh Sớ Sao Diễn Nghĩa Hội Bản, trang thứ mười một:


(Sớ) Chân giả, bất vọng. Dĩ tam giới hư ngụy, duy thử chân thật. Sở vị: Phi huyễn bất diệt, bất khả phá hoại, cố vân Chân dã.

(疏)真者,不妄。以三界虛偽,唯此真實。所謂非幻不滅,不可破壞,故云真也。

(Sớ: Chân là chẳng vọng. Do tam giới hư ngụy, chỉ có tánh này là chân thật. Có nghĩa là: Chẳng phải là huyễn, bất diệt, chẳng thể phá hoại, nên bảo là Chân).


Trong đoạn chú sớ này, không chỉ đã dùng phương tiện thiện xảo nhất để chỉ rõ chân tánh cho chúng ta, đấy là chuyện rất chẳng dễ dàng, mà còn đồng thời dạy chúng ta phương pháp tu hành xảo diệu nhất. Nếu từ nơi đây, chúng ta có thể hiểu được những đạo lý, phương pháp, cảnh giới ấy, quả thật sẽ thụ dụng bất tận! Không chỉ thụ dụng một đời này chẳng hết, mà còn sẽ thuận buồm xuôi gió trên toàn bộ con đường Bồ Đề. Văn tự trong cả một đoạn lớn này đều nói về Chân Như bổn tánh.

“Tam giới hư ngụy”: Trước hết, chúng ta phải nhận biết, lại càng phải nhận biết thân tâm của chính mình là hư huyễn, chẳng thật. Hết thảy pháp hữu vi, bao gồm tâm pháp, tâm sở pháp, sắc pháp, bất tương ứng hành pháp, tổng cộng gồm chín mươi bốn pháp, đều là từ hết thảy các pháp quy nạp thành. Hết thảy pháp, nếu nói rộng thì chúng là toàn thể vũ trụ, trong Phật pháp, nó được gọi là pháp giới; nói hẹp thì là mỗi cá nhân chúng ta. Mỗi người trong chúng ta và vũ trụ phức tạp giống hệt như nhau. Khoa học hiện thời cũng phát hiện: Kết cấu của thân thể con người và vũ trụ chẳng khác. Những nguyên tố được sử dụng để tạo nên thân thể con người và những nguyên tố của các tinh cầu trong đại vũ trụ cũng chẳng khác nhau. Do vậy, khoa học công nhận con người là đại vũ trụ thu nhỏ, đại vũ trụ là mỗi cá nhân chúng ta được phóng to, không hai, không khác. Trong hóa học, nếu đem phân tích thì nguyên liệu của hết thảy những vật chất trong thân thể chúng ta và cây cối hoa cỏ hoàn toàn tương đồng. Sự quan sát này quả thật rất giống như trong kinh điển Đại Thừa đã nói, nhưng khoa học gia vẫn chưa biết rốt ráo hết thảy pháp hữu vi ấy, còn Phật pháp đã nói rốt ráo: “Phàm những gì có hình tướng đều là hư vọng”, “hết thảy pháp hữu vi, như mộng, huyễn, bọt, bóng”, chẳng chân thật.

Chúng ta học Phật, trước tiên phải tự giác, chúng ta nói tới Phật: “Tự giác, giác tha, giác hạnh viên mãn”. Thứ nhất là phải tự giác, tự giác điều gì? [Tự nhận biết] bệnh tật trong cái thân hiện thời của chúng ta. Quý vị nhận biết chính mình có bệnh thì mới mong chữa trị, mới có hy vọng khôi phục sức khỏe. Nếu thân bị bệnh mà chính mình chẳng biết có bệnh, chẳng chịu cầu chữa trị thì người ấy gần như đã chết, chẳng có hy vọng gì! Do vậy, biết chính mình có bệnh, đấy là tự giác; chỉ sợ chẳng biết chính mình có bệnh, bệnh gì vậy? Mê là bệnh, bất giác là bệnh, phiền não là bệnh, tà kiến là bệnh, nhiễm ô là bệnh, quá nhiều! Phật pháp quy nạp bệnh tật thành ba loại lớn: Vô Minh, Trần Sa, Kiến Tư phiền não. Những bệnh này chẳng nhẹ! Từ vô thỉ kiếp đến nay, Pháp Thân huệ mạng của chúng ta đã mắc bệnh ngặt nghèo, đến hiện thời những căn bệnh ấy ngày càng nghiêm trọng. Do vậy, chính mình nhất định phải giác ngộ: Chúng ta quả thật có bệnh! Có bệnh thì mới cầu chữa trị.

Phật là đại y vương, chúng ta thỉnh giáo vị đại phu (thầy thuốc) ấy, dùng thuốc của Ngài. Phải dùng dược tánh từ những món thuốc của Ngài để chữa căn bệnh của chúng ta, ngàn vạn phần đừng lấy bã thuốc làm thuốc, kẻo hỏng bét! Thuốc Bắc đem sắc thành thang thuốc, quý vị đổ nước thuốc đi, ăn bã thuốc, càng ăn bệnh càng nặng hơn. Bã thuốc là gì vậy? Kinh điển giấy trắng mực đen là bã thuốc. Ở đây, chúng tôi thưa cùng quý vị: Ngôn thuyết là bã thuốc! Nếu quý vị đọc kinh, chấp vào tướng văn tự, nghe giảng bèn chấp vào tướng âm thanh, chấp vào tướng ngôn thuyết, chấp vào tướng văn tự, chấp vào tướng tâm duyên, sẽ giống như uống thuốc Bắc, sắc thuốc cẩn thận rồi đổ nước thuốc đi, nhai bã thuốc, làm sao lành bệnh cho được? Bệnh chỉ có nặng thêm! Nhất định phải giác ngộ [điều này].

Trong đại kinh nói rất hay, tổ sư cũng luôn trích dẫn ở đây. Chúng ta hãy đọc [những lời tổ sư dạy] trước, đọc xong, tôi lại hé lộ những tin tức ấy cho quý vị. Chân tánh là chân thật, chẳng phải hư vọng, chẳng phải là huyễn hóa, vì nó chẳng diệt. Đại sư dẫn một đoạn kinh Viên Giác, trong phần trước, chúng ta đã đọc đoạn này rồi.

/ 289