/ 289
725

A DI ĐÀ KINH SỚ SAO DIỄN NGHĨA

Chủ giảng: Lão pháp sư Tịnh Không

Tập 10


Xin xem A Di Đà Kinh Sớ Sao Diễn Nghĩa Hội Bản, trang thứ mười:


(Sớ) Cử thanh, trược, hướng, bối, ý cai thiện, ác, thánh, phàm, hữu, vô, sanh, diệt, tăng, giảm, nhất, dị đẳng.

(Diễn) “Ý cai thiện ác phàm thánh đẳng” giả, Mạnh Tử đạo tánh thiện, Thiên Thai thuyết tánh ác, nhất tắc tựu Sự tạo biên thuyết, nhất tắc tựu Lý cụ biên thuyết.

(疏)舉清濁向背,意該善惡聖凡有無生滅增減一異等。

(演)意該善惡凡聖等者。孟子道性善,天台說性惡,一則就事造邊說,一則就理具邊說。

(Sớ: Nêu “thanh, trược, hướng về, trái nghịch”, bao gồm những ý nghĩa thiện, ác, thánh, phàm, có, không, sanh, diệt, tăng, giảm, một, khác v.v...

Diễn: Bao gồm những ý nghĩa thiện, ác, phàm, thánh v.v... Mạnh Tử nói tánh thiện, ngài Thiên Thai nói tánh ác, một đằng là nói theo phương diện “Sự tạo tác”, một đằng là nói theo phương diện “Lý đầy đủ”).


Chúng ta đã từng thảo luận những ý nghĩa này. Nói thật ra, pháp giới quả thật là viên dung. Do vậy, cổ nhân nói “viên nhân thuyết pháp, vô pháp bất viên” (người viên mãn thuyết pháp, không pháp nào chẳng viên mãn). Chúng ta bắt chước nói theo kiểu ấy: “Viên nhân quán pháp, vô pháp bất viên”, “viên nhân thính pháp, vô pháp bất viên”. Nói cách khác, sáu căn của người viên mãn tiếp xúc hết thảy cảnh giới đều là viên dung tự tại, quyết định không bị chướng ngại. Cảnh giới ấy là cảnh giới Hoa Nghiêm, Lý - Sự vô ngại, Sự - Sự vô ngại, đấy mới tính là người khỏe mạnh, không bệnh tật gì! Nếu có chướng ngại, tức là có bệnh, chướng ngại là có bệnh. Không bệnh, lẽ đâu có chướng ngại? Giống như một người thân thể khỏe mạnh, huyết khí thông suốt chẳng bị chướng ngại. Nếu bộ phận nào đó trên thân thể bị chướng ngại, huyết mạch chẳng thông, sẽ đổ bệnh. Do vậy, người thật sự mạnh khoẻ là Phật và các vị đại Bồ Tát, các Ngài nhập Nhất Chân pháp giới. Từ đấy trở đi, hết thảy chướng ngại đều không còn. Nếu hiểu rõ đạo lý này, chẳng những chúng ta có thể nắm vững một cương lãnh trọng yếu trong tu học mà đồng thời cũng có thể quán sát rất nhiều chứng bệnh của người tu hành ở chỗ nào. Nếu không thâm nhập các bộ kinh lớn, quả thật hết sức khó nhận biết vấn đề lớn này. Nói tới “tánh thiện” hay nói tới “tánh ác” đều là nói lệch vào một bên, nên Nho gia nói “Mạnh Tử chủ trương tánh thiện”, “Tuân Tử chủ trương tánh ác”, những cách nói như vậy đều chẳng phải là Đệ Nhất Nghĩa. Vì sao? Thiện và ác, trong tập tánh mới có, chứ trong bổn tánh chẳng có. Khổng lão phu tử cao minh hơn các vị này một bậc, Phu Tử nói: “Tánh tương cận, tập tương viễn” (Về tánh thì gần giống như nhau, do được rèn luyện mà trở thành khác nhau). Ngài không nói thiện hay ác, “tương cận” là không khác nhau lắm, Tánh là một, trong Phật pháp cũng nói hoàn toàn giống hệt như vậy. Khổng lão phu tử nói “tánh gần giống như nhau” [là nói về bổn tánh], nói tánh thiện hay tánh ác là nói về “tập tánh” (cái tánh do được huân tập, do được rèn luyện mà có), do huân tập nên khác nhau, chúng ta thường gọi tập tánh là “tập quen thành bổn tánh tự nhiên”, “thiếu thành nhược thiên tánh” (tập quen từ nhỏ nên trở thành giống như bẩm tánh), đấy là tập tánh, chứ không phải bổn tánh.

Trong Phật pháp nói tới cả chân tánh lẫn tập tánh. Phật pháp nói Chân Như là nói đến bổn tánh, nói A Lại Da Thức là nói tập tánh. Vì sao? Trong A Lại Da Thức, thiện, ác, vô ký (không thiện, không ác) đều có. Do đây có thể biết: Thiện, ác, vô ký đều là tập tánh. Bổn tánh vốn sẵn có; tập tánh vốn không. Tánh của bổn tánh vốn là Không, nên gọi là Chân Không, bản thể của tập tánh là Không. Vì sao? Không có tự tánh; tập tánh không có tự tánh. Chúng ta nhất định phải nhận biết điều này. “Ngài Thiên Thai nói tánh ác” cũng là nói theo tập tánh, chứ không phải nói theo bổn tánh. Trong đoạn mở đầu lời Tựa này, Liên Trì đại sư nói tới “tánh” thì tánh ấy là bổn tánh, chứ không phải tập tánh.


(Diễn) Kim tắc như thật không trung, thiện ký bất lập, ác diệc hà tồn?

(演) 今則如實空中,善既不立,惡亦何存。

(Diễn: Nay như trong Thật Không (Chân Không), thiện đã chẳng lập, ác cũng làm sao còn?)


“Thật” là chân thật, chữ Không ở đây là Chân Không, do vậy gọi là Thật Không, đấy chính là ý nghĩa của chữ Không như trong Tâm Kinh đã nói: “Sắc chính là Không, Không chính là Sắc, Sắc chẳng khác Không, Không chẳng khác Sắc”, nói đến cái Không ấy. Nó chính là Chân Như bổn tánh. Trong Chân Như bổn tánh, “thiện đã chẳng lập, ác cũng làm sao còn?” Cả hai bên thiện và ác đều tìm chẳng được, Thiền gia bảo “một pháp chẳng lập, vốn chẳng có một vật”. Đấy là chân tánh. Chúng ta phải tu, phải chứng điều này.

/ 289