/ 289
609

A DI ĐÀ KINH SỚ SAO DIỄN NGHĨA

Chủ giảng: Lão pháp sư Tịnh Không

Tập 9

 

  Xin xem A Di Đà Kinh Sớ Sao Diễn Nghĩa Hội Bản, trang thứ tám:

 

  (Sớ) Triệt giả, thông dã. Đỗng giả, triệt chi cực dã. Nhật nguyệt tuy biến, bất chiếu phúc bồn, thị triệt nhi vị triệt. Kim thử linh minh, huy thiên địa, thấu kim thạch, tứ duy thượng hạ, tằng vô chướng ngại, cái đỗng nhiên chi triệt, mị sở bất triệt, phi đối cách thuyết thông chi triệt, vân “đỗng triệt” dã.

  (疏) 徹者通也,洞者徹之極也。日月雖遍,不照覆盆

,是徹而未徹。今此靈明,輝天地,透金石,四維上下,曾無障礙,蓋洞然之徹,靡所不徹。非對隔說通之徹,云洞徹也。

  (Sớ: “Triệt” là thông suốt. “Đỗng” là thông suốt đến tột cùng. Mặt trời, mặt trăng tuy trọn khắp, nhưng chẳng thể soi chậu úp, nên tuy là “triệt” mà chưa “triệt”. Nay sự linh minh này sáng ngời trời đất, xuyên suốt vàng, đá, bốn phương, trên, dưới, chưa hề chướng ngại. Ấy là vì thấu suốt rỗng rang, không đâu chẳng thấu triệt, chứ không phải là sự thấu suốt do đối lập với ngăn cách mà nói là thông suốt, nên bảo là “đỗng triệt”).

 

  Chúng ta tiếp tục xem phần giải thích câu  “linh minh đỗng triệt” trong lời Sớ. Hai chữ “linh minh” đã được giảng trong phần trước, hôm nay bắt đầu giảng từ hai chữ “đỗng triệt”. “Triệt” (徹) có nghĩa là triệt để, là thông đạt chẳng chướng ngại. Lời chú giải giảng Triệt có nghĩa là “thông”, tức thông đạt; “đỗng” (洞) là “triệt chi cực” (thấu triệt đến cùng cực), tức là thông đạt đến cùng cực. Tiếp đó, đại sư nêu lên một tỷ dụ, “nhật nguyệt tuy biến” (mặt trời, mặt trăng tuy trọn khắp), quang minh chiếu trọn khắp, “bất chiếu phúc bồn”: Chúng ta lật úp cái chậu thì ánh sáng mặt trời, mặt trăng chẳng thể chiếu vào lòng chậu được, bị chướng ngại, đấy là “triệt nhi vị triệt” (tuy là “thông suốt” mà chưa “thông suốt”). Nói cách khác, chỉ cần có chướng ngại chẳng thể xuyên qua được, thì “triệt” đó hoàn toàn chẳng phải là đã thật sự đạt đến viên mãn rốt ráo. Bổn tánh của chúng ta khác hẳn, giác tánh linh minh là “huy thiên địa, thấu kim thạch” (sáng ngời trời đất, xuyên thấu vàng, đá). “Huy” (輝) là sáng ngời, [câu “huy thiên địa”] có nghĩa là thấu trời tột đất, trời lẫn đất đều chẳng thể chướng ngại được. “Thấu kim thạch”: Vàng hay đá cũng chẳng thể chướng ngại được.

 

  (Diễn) “Bất chiếu phúc bồn” giả, dĩ nhật nguyệt chi quang thuộc Tướng, bất thuộc Tánh cố.

  (演) 不照覆盆者,以日月之光屬相,不屬性故。

  (Diễn: “Chẳng soi chậu úp” là vì ánh sáng của mặt trời, mặt trăng thuộc Tướng, chẳng thuộc Tánh).

 

  Lời chú giải này rất quan trọng. Sự thấu triệt của Tướng chẳng phải là rốt ráo viên mãn, sự thấu triệt của Tánh mới thật sự là rốt ráo viên mãn.

 

  (Diễn) “Huy thiên địa, thấu kim thạch” giả, dĩ tâm quang biến hồ pháp giới, nhất thiết chư pháp vô phi Phật pháp cố.

  (演) 輝天地透金石者,以心光遍乎法界,一切諸法無

非佛法故。

  (Diễn: “Sáng ngời trời đất, xuyên thấu vàng đá” là vì tâm quang trọn khắp pháp giới, hết thảy các pháp không gì chẳng phải là Phật pháp).

 

  Cũng có những vị hỏi: “Tâm quang là như thế nào?” Chúng ta thấy ánh sáng mặt trời, ánh sáng mặt trăng cũng có thể thấy được, ánh sáng của mấy ngọn đèn trong giảng đường hiện thời chúng ta cũng trông thấy, nhưng chẳng thấy tâm quang. Hình dạng của tâm quang là như thế nào? Có không ít người nghĩ như vậy, cách nghĩ ấy có chính xác hay chăng? Không chính xác! Vì sao nói là không chính xác? Họ chấp vào tướng! Quý vị thấy ánh sáng mặt trời, ánh sáng mặt trăng, quý vị chấp vào tướng. Chẳng chấp tướng sẽ kiến tánh. Chấp tướng chướng ngại kiến tánh. Nếu lìa hết thảy tướng thì “tâm quang biến hồ pháp giới” (tâm quang trọn khắp pháp giới), quý vị thấy đạo, nhà Thiền gọi là “kiến tánh”, minh tâm kiến tánh. Khi ấy, quý vị sẽ hiểu “nhất thiết pháp vô phi Phật pháp”, [tức là] không có pháp nào chẳng phải là Phật pháp. Nếu quý vị chấp tướng, trong hết thảy pháp, không có pháp nào là Phật pháp cả! Chẳng chấp tướng thì là Phật pháp, chấp vào tướng sẽ chẳng phải là Phật pháp.

Nếu chúng ta hỏi, rốt cuộc là có Phật pháp hay không? Nếu quý vị nghĩ là “có Phật pháp”, sai rồi! Quý vị nói “không có Phật pháp” cũng sai luôn, sai ở chỗ nào? Sai ở chỗ quý vị chấp tướng! Quý vị chấp vào tướng “có Phật pháp”, trật rồi! Quý vị chấp vào tướng “không có Phật pháp”, cũng trật luôn! Nếu quý vị chẳng chấp tướng, quý vị nói “có Phật pháp”, đúng! Nói “không có Phật pháp”, cũng đúng luôn! Từ chỗ này, quý vị phải thấu hiểu, hễ trong tâm có một niệm phân biệt, chấp trước sẽ hoàn toàn trật; lìa hết thảy phân biệt, chấp trước sẽ là đúng, phải thấu hiểu chỗ này!

Nguồn: www.niemphat.net

/ 289