658

A DI ĐÀ KINH SỚ SAO DIỄN NGHĨA

Chủ giảng: Lão pháp sư Tịnh Không

Tập 8

 

  Xin xem A Di Đà Kinh Sớ Sao Diễn Nghĩa Hội Bản, trang thứ bảy:

 

  (Sớ) Kim sơ minh tánh. Thử kinh cái toàn chương tự tánh. Hựu chư kinh giai bất ly tự tánh, cố thủ tiêu dã.

  (Diễn) Thử kinh dĩ tự tánh vi Tông giả, tự tánh vị chúng sanh tánh đức chi Phật, phi Tự, phi Tha, phi nhân, phi quả, tức thị viên thường Đại Giác chi Thể, nhi thử kinh sở đàm hành pháp, chánh vị hiển thử chi giác thể. Cái dĩ cứ hồ tâm tánh, xưng bỉ danh hiệu, danh hiệu khả chương, thác bỉ danh hiệu, quán vu tâm tánh, tâm tánh dị phát dã.

(疏) 今初明性,此經蓋全彰自性,又諸經皆不離自性

,故首標也。

(演) 此經以自性為宗者,自性謂眾生性德之佛,非自

非他,非因非果 ,即是圓常大覺之體。而此經所談行法,

正為顯此之覺體。蓋以據乎心性 ,稱彼名號,名號可彰,

託彼名號,觀于心性,心性易發也。

  (Sớ: Nay, trước hết là nêu rõ tánh. Kinh này nêu bày tròn vẹn tự tánh. Hơn nữa, các kinh đều chẳng rời tự tánh, cho nên nêu ra tánh trước hết.

  Diễn: Kinh này lấy tự tánh làm Tông. Tự tánh được gọi là vị Phật trong tánh đức của chúng sanh, chẳng phải Tự, chẳng phải Tha, chẳng phải nhân, chẳng phải quả, chính là Thể của Đại Giác viên thường; nhưng hành pháp được bàn luận trong kinh này chính là nhằm nêu rõ giác thể. Ấy là vì dựa trên tâm tánh, xưng danh hiệu ấy, danh hiệu có thể phô bày, nhờ vào danh hiệu ấy, quán sát tâm tánh, tâm tánh dễ phát).

 

  Đoạn này thuộc quyển thứ nhất của bộ Sớ Sao. Những diệu lý sâu kín của một bộ kinh hoàn toàn nằm trong phần Huyền Nghĩa của lời tựa. Lý quá sâu đương nhiên chẳng dễ giảng, giảng đã chẳng dễ dàng thì đương nhiên nghe cũng chẳng dễ hiểu! Nói và nghe đều có phương tiện, hy vọng quý vị hãy đặc biệt lưu ý. “Tự tánh”: Trước hết phải biết định nghĩa của chữ Tánh trong Phật pháp. Nói thông thường, Tánh là tên gọi khác của bản thể, “tự tánh” là bản thể, tức bản thể của chính mình. Thiền gia gọi nó là “bổn lai diện mục trước khi được cha mẹ sanh ra”. Nó chính là tự tánh, là cái Tôi thật sự của chúng ta, là Chân Ngã. Thân và tâm hiện thời của chúng ta là Giả Ngã, có một Chân Ngã. Tự tánh không chỉ là chân tánh của chính mình mà đồng thời nó còn là bản thể của muôn pháp trong vũ trụ. Nói cách khác, muôn pháp trong vũ trụ và chính mình đều do cùng một Lý Thể phát hiện (sanh khởi). Cảnh giới này quả thật chẳng dễ thấu hiểu cho lắm! Cổ đại đức dùng tỷ dụ để giảng rõ: Ví như nằm mộng, mỗi người đều có kinh nghiệm này, đều đã từng nằm mộng. Cái tạo ra mộng là tâm, những cảnh giới trong mộng là do cái tâm ý thức của chính mình biến hiện. Chủ thể biến hiện là cái tâm ý thức, cái được biến hiện là cảnh giới trong mộng. Chúng ta dùng ngay tỷ dụ này [để giảng giải] thì cái tâm có thể tạo ra mộng ấy ví như tâm tánh, có bản thân ta trong cảnh giới trong mộng hay không? Có! Trong mộng mà không có chính mình thì sẽ là chuyện không thể nào xảy ra được, nhất định phải có bản thân ta. Bản thân ta hiện diện trong giấc mộng ấy là do cái tâm của chính mình nằm mộng biến hiện ra. Trừ chính mình ra, trong mộng còn có núi, sông, đại địa, và hết thảy nhân vật, toàn là do chính mình biến hiện ra. Đủ thấy tự tánh chỉ có một, tận hư không, trọn pháp giới, y báo và chánh báo trang nghiêm trong mười pháp giới hễ nói tới tự tánh thì chỉ một, nói tới hết thảy pháp thì quá nhiều, nói chẳng thể hết, đều do tự tánh biến hiện ra. Bộ kinh này đương nhiên cũng chẳng ra ngoài lệ ấy, Thể của kinh cũng là tự tánh. Hiểu rõ ý nghĩa này, sẽ dễ hiểu được phần tiếp theo. Nó là chính mình mà cũng là bản thể của vạn pháp trong vũ trụ.

  “Tự tánh vị chúng sanh tánh đức chi Phật” (Tự tánh là vị Phật trong tánh đức của chúng sanh): Chữ “chúng sanh” chỉ hết thảy chúng sanh, bao gồm hữu tình chúng sanh, nay chúng ta gọi [hữu tình chúng sanh] là động vật. Động vật có tình cảm, [chúng sanh] còn bao gồm cả thực vật và khoáng vật. Kinh Hoa Nghiêm nói: “Tình và vô tình cùng viên mãn Chủng Trí”. Ý nghĩa chánh yếu của hai chữ “chúng sanh” là hiện tượng do các duyên hòa hợp sanh ra. Chúng ta hãy suy nghĩ, có hiện tượng nào chẳng phải là do nhiều nhân duyên mà hiện hữu hay chăng? Hết thảy các tướng cảnh giới đều do các duyên hòa hợp mà sanh. Thân thể của loài hữu tình chúng sanh chúng ta, cái thân xác thịt là do Tứ Đại Địa, Thủy, Hỏa, Phong tụ hợp nên mới có thân hình, tinh thần của chúng ta do bốn Uẩn Thọ, Tưởng, Hành, Thức tổ hợp thành. Thân và tâm đều do các duyên hòa hợp. Chúng ta lại thấy các loài động vật, khoáng vật, cũng là do rất nhiều nhân duyên tụ hội mới hiện ra những hiện tượng ấy, đó gọi là “chúng sanh tướng”. “Vị Phật trong tánh đức của chúng sanh” là gì? Kinh Hoa Nghiêm, kinh Viên Giác có nói: “Nhất thiết chúng sanh, bổn lai thành Phật” (hết thảy chúng sanh vốn đã thành Phật), vốn đã thành Phật là nói tới vị Phật trong tánh đức. Ở chỗ này, chúng ta phải hiểu rõ: Tánh đức là gì, Phật là gì? Nói theo cách bây giờ, tánh đức là “bản năng” (năng lực sẵn có). Tánh là căn bản, là bản thể. Đức là năng lực. Trí huệ vốn có sẵn, năng lực vốn có sẵn, vô lượng trí huệ, vạn đức, vạn năng, [những năng lực, phẩm đức ấy] gọi chung là “tánh đức”. Phật có nghĩa là Giác, vị Phật trong tánh đức chính là Tự Tánh Giác. Tự tánh giác chứ không mê, mỗi một người, dù hữu tình hay vô tình đều giống như thế, chẳng thể nghĩ bàn! Nói thật đấy, chẳng giả đâu! Là thật Sự, là thật Lý, quả thật là như thế. Vì sao chúng ta chẳng thấy được? Do bản thân chúng ta mê, mê điều gì? Mê mất vị Phật trong tánh đức của chính mình và mê mất vị Phật trong tánh đức của chúng sanh. Mê rồi bèn đổi tên gọi thành phàm phu. Nếu chẳng mê sẽ gọi là Phật. Phàm phu là chính mình, Phật vẫn là chính mình. Trong ấy chỉ có Mê hay Ngộ. Trừ Mê và Ngộ ra thì Lý cũng như vậy mà Sự cũng như vậy, không có mảy may biến đổi nào! Do vậy, đức Phật nói “hết thảy chúng sanh, vốn đã thành Phật”, đây là sự thật ngàn phần đúng đắn, vạn phần xác đáng, trọn chẳng phải là cố ý khen ngợi, muốn đề cao chúng ta!

Nguồn: www.niemphat.net">www.niemphat.net">www.niemphat.net