A DI ĐÀ KINH SỚ SAO DIỄN NGHĨA
Chủ giảng: Lão pháp sư Tịnh Không
Tập 7
Xin xem A Di Đà Kinh Sớ Sao Diễn Nghĩa Hội Bản, trang thứ sáu:
Sơ minh tánh.
初明性。
(Thứ nhất là giảng về Tánh).
Đây là tên gọi của tiểu đoạn này. Dưới đây là đoạn văn trong lời Tựa, đoạn thứ nhất giảng về Tánh.
(Tự) Linh minh đỗng triệt, trạm tịch thường hằng, phi trược, phi thanh, vô bối, vô hướng, đại tai chân thể, bất khả đắc nhi tư nghị giả, kỳ duy tự tánh dư?
(Diễn) “Linh minh” nhị cú thị thuần chân, “phi trược” nhị cú thị tuyệt vọng.
(序)靈明洞徹,湛寂常恆,非濁非清,無背無向,大哉真體,不可得而思議者,其唯自性歟。
(演)靈明二句是純真,非濁二句是絕妄。
(Tựa: Linh giác sáng suốt, thấu triệt rỗng rang, trong trẻo, tĩnh lặng, thường hằng, chẳng đục, chẳng trong, không trái nghịch, không hướng về. Chân thể lớn lao thay! Chẳng thể nghĩ bàn được! Chỉ có mình tự tánh đấy chăng?
Diễn: Hai câu “linh minh” là thuần chân, hai câu “phi trược” là dứt vọng).
Một tác phẩm văn chương hay phải hội đủ bốn điều kiện là “giản, yếu, tường, minh”, tức là phải đơn giản, nói lên được những điều trọng yếu, cặn kẽ, rõ ràng. Trong văn chương của Liên Trì đại sư, hai câu này hội đủ ý nghĩa ấy, thật sự phù hợp với tiêu chuẩn ấy. Có rất nhiều đồng tu thường nghĩ: Chúng ta phải nên học thể loại văn chương Văn Ngôn ra sao? Đọc Sớ Sao là được rồi, [đây là tác phẩm] văn chương bậc nhất. Trong đoạn lớn này, tiểu đoạn thứ nhất nói về thuần chân, tức Chân Như bổn tánh. Tiểu đoạn thứ hai, trong thuần chân không có hư vọng. Tiểu đoạn thứ ba, “đại tai chân thể” (chân thể lớn lao thay), đấy là lời tán thán, cũng nhằm [tán thán] chân thể đã được nói trong đoạn trên. Câu cuối cùng là quy kết. Trong phần này có bốn tiểu đoạn rõ rệt.
(Diễn) “Linh minh” thị Chiếu đỗng triệt, ngôn thử Chiếu Thể hoành biến thập phương. “Trạm tịch” thị Tịch thường hằng, ngôn thử Tịch Thể thụ cùng tam tế, tức Lăng Nghiêm sở vị: “Thường trụ diệu minh bất động châu viên” dã.
(演)靈明是照洞徹,言此照體橫遍十方。湛寂是寂常恆,言此寂體豎窮三際。即楞嚴所謂,常住妙明不動周圓也。
(Diễn: “Linh minh” là Chiếu thấu suốt, rỗng rang, ý nói: Thể của Chiếu theo chiều ngang trọn khắp mười phương. “Trạm tịch” là Tịch luôn thường hằng, ý nói: Thể của Tịch theo chiều dọc tột cùng ba đời, tức là như kinh Lăng Nghiêm dạy: “Tánh sáng mầu nhiệm thường trụ, bất động mà viên mãn trọn khắp”).
Ý nghĩa này có mức độ khá sâu, vì nói đến Chân Như bổn tánh, có thể nói là giảng về Lý Thể rốt ráo. “Linh minh đỗng triệt”: Câu này nói về đại dụng vốn sẵn có trong bản thể. Ở đây, đại sư nói: “Thử Chiếu Thể hoành biến thập phương” (Thể của Chiếu ấy theo chiều ngang trọn khắp mười phương). Nói về điều gì vậy? Nói về tác dụng của sáu căn. Mắt chúng ta có thể thấy trọn khắp pháp giới, tai chúng ta có thể nghe trọn khắp pháp giới, đấy là “hoành biến thập phương” (theo chiều ngang trọn khắp mười phương). Sáu căn có công năng rộng lớn như thế. Hiện thời nghe nói có những người có tiểu thần thông, [nhưng những thứ thần thông ấy] chẳng đáng coi là lạ! Thiên Nhãn. Thiên Nhĩ, và Tha Tâm Thông của họ đều khá hữu hạn. Ở đây, [sách Sớ Sao] nói tới những điều không có hạn lượng, vô lượng, vô biên, đúng là thần thông rộng lớn. Những năng lực rộng lớn ấy đều sẵn đủ trong bản thể của mỗi người chúng ta, chứ không phải từ bên ngoài mà có. Ai nấy đều có, nhưng rất bất hạnh, chúng ta tuy có, hiện thời đã biến thành chẳng có. “Hiện thời chẳng có” không phải là nói thật, mà là nói phương tiện, vì sao? Hiện thời vẫn có, tuy có, nhưng chính quý vị chẳng thể cảm thấy, chẳng biết là chính mình có, giống như là không có vậy; chuyện là như vậy đó, chứ không phải là thật sự mất đi. Nếu thật sự mất đi, sẽ chẳng gọi là “chân”. Như thế nào mới có thể gọi là “thuần chân”? Đấy là nói rõ sự thấy, nghe, hay, biết của chúng ta theo chiều ngang trọn khắp mười phương, theo chiều dọc tột cùng ba đời, đấy là bổn năng (năng lực sẵn có) của chúng ta, nhà Thiền gọi nó là “bổn lai diện mục” (mặt mắt sẵn có, diện mạo chân thật). Tu học trong Phật pháp không gì chẳng nhằm khôi phục bổn lai diện mục của chính chúng ta mà thôi!
Trong Phật pháp quyết định chẳng có mê tín, chẳng có những thứ cưỡng ép kèm theo. Phật pháp là muốn tìm được bổn lai diện mục của chính mình. Phật pháp là tự ngộ, tự tu, tự chứng. Ngay như pháp môn Tịnh Độ được gọi là “nhị lực pháp môn”, điều chủ yếu nhất vẫn là dựa vào chính mình. Nếu hoàn toàn dựa vào người khác, rốt cuộc nhất định xôi hỏng bỏng không! Ở đây, đại sư dẫn dụng kinh Lăng Nghiêm vì kinh Lăng Nghiêm nói rất rõ ràng. Tôn giả A Nan có quan hệ mật thiết với Thích Ca Mâu Ni Phật, nhưng tôn giả A Nan có thể dựa dẫm Thích Ca Mâu Ni Phật hay chăng? Ngài A Nan tự nghĩ: “Phật là anh lớn của ta, là chỗ dựa tốt nhất!” Kết quả chẳng được gì, không thể dựa dẫm được, nhất định phải cậy vào chính mình! Hiểu rõ đạo lý này, quý vị mới biết hết thảy ngoại đạo trong thế gian vẫn dựa dẫm, ỷ lại thần minh, dựa dẫm Thượng Đế, rốt cuộc nhất định xôi hỏng bỏng không! Học Phật mà chẳng biết nghĩa chân thật trong Phật pháp, dựa dẫm, ỷ vào Phật, Bồ Tát! Ngay cả ngài A Nan cũng không có cách nào [dựa dẫm] được! Chúng ta và Thích Ca Mâu Ni có quan hệ càng nhẹ mỏng hơn [so với quan hệ giữa Phật và A Nan], càng chẳng thể dựa dẫm, nhất định phải biết cậy vào chính mình! Trong phần trước có nói: Cầu Phật, Bồ Tát gia trì, cũng phải dựa vào năng lực của chính bản thân mình. Bản thân không có sức thì thần lực của Phật, Bồ Tát chẳng thể gia trì được! Bản thân đầy đủ Tam Học, Tam Tư Lương, thần lực của Phật mới gia trì được. Nếu bản thân chẳng có mảy may điều kiện nào, hoàn toàn dựa dẫm, ỷ vào Phật, Bồ Tát, chắc chắn chẳng thể dựa dẫm được, chúng ta nhất định phải hiểu rõ điều này. Đại sư đem ý nghĩa này bảo với chúng ta, nói cho chúng ta biết pháp môn này có căn cứ lý luận chân thật, chúng ta mới có thể tin tưởng. Ngài nói pháp môn này “bao trùm tám giáo, nhiếp trọn năm tông”, chúng ta tin tưởng, biết cách nói ấy là sự thật, chẳng khoa trương.