/ 289
667

A DI ĐÀ KINH SỚ SAO DIỄN NGHĨA

Chủ giảng: Lão pháp sư Tịnh Không

Tập 6

 

  Xin coi sách A Di Đà Kinh Sớ Sao Diễn Nghĩa Hội Bản, dòng thứ mười, trang thứ năm:

 

  (Diễn) Sơ minh tánh giả, tánh tức thường trụ chân tâm, toàn thể thị Cực Lạc thế giới A Di Đà Phật. Sơ minh giả, khủng nhân nhận A Di Đà Phật tại tự tánh chi ngoại, cố cổ vân: “Nhược nhận tha thị Phật, tự kỷ khước thành ma”. Hựu vân: “Cầu nhân bất như cầu tự kỷ”.

  (演) 初明性者 ,性即常住真心 ,全體是極樂世界阿

彌陀佛。初明者,恐人認阿彌陀佛在自性之外。故古云:若認他是佛,自己卻成魔。又云:求人不如求自己。

  (Diễn: Thứ nhất, minh tánh: Tánh chính là chân tâm thường trụ, toàn thể là A Di Đà Phật nơi thế giới Cực Lạc. Trước hết phải nói rõ [tánh] vì sợ người ta sẽ nghĩ A Di Đà Phật ở ngoài tự tánh. Vì thế, cổ nhân nói: “Nếu nghĩ ai khác là Phật thì chính mình đã trở thành ma”. Lại nói: “Cầu nơi người khác chẳng bằng cầu chính mình”).

 

  Trong buổi giảng lần trước, chúng tôi đã giảng đến chỗ này. Lời chú giải trong tiểu đoạn này hết sức trọng yếu, dùng văn tự rất ít mà giới thiệu [đầy đủ] căn cứ lý luận và công đức thù thắng của kinh này. Đây là điều hết sức khó đạt được, hy hữu. Chúng ta còn chưa đọc kinh văn mà đã sanh lòng kính ngưỡng đối với kinh này, đương nhiên hết sức ngưỡng mộ pháp môn này. Đoạn trên đây luận theo mặt Sự, nửa đoạn sau luận theo mặt Lý.

 

  (Diễn) Đản dĩ vô thỉ ám động, chướng thử tĩnh minh, cố thác bỉ danh hiệu, hiển ngã tự tâm nhĩ.

  (演) 但以無始暗動 ,障此靜明 ,故託彼名號,顯我

自心耳。

  (Diễn: Nhưng do tối tăm, xao động từ vô thỉ, chướng ngại sự tĩnh lặng, sáng suốt này, nên dựa vào danh hiệu ấy để hiển lộ tự tâm của ta).

 

  Mấy câu này rất trọng yếu. “Tĩnh minh” chính là Chân Như bổn tánh, là con người thật sự của chúng ta, Thiền gia gọi nó là “bổn lai diện mục”, kinh Lăng Nghiêm gọi nó là “chân tâm thường trụ”. Nó vốn sẵn tĩnh lặng, vốn sẵn sáng suốt. “Tĩnh” (靜) là tịch tĩnh, “minh” (明) là hiểu rõ. Minh là Huệ, Tĩnh là Định. Tĩnh là Niết Bàn, Minh là Bồ Đề. Thế nhưng hiện thời chúng ta Tĩnh và Minh của chúng ta bị chướng ngại, bị chướng lấp. Vật gì gây chướng ngại vậy? Động! “Ám động” từ vô thỉ, “ám” chính là vô minh, tức là vô minh từ vô thỉ. Tướng của vô minh là động, chân tâm vốn bất động, do xáo động, chân tâm biến thành vọng tâm, biến “bổn minh” (vốn sẵn sáng suốt) thành vô minh. Nói vô minh từ vô thỉ là do ý nghĩa nào? Vô thỉ ở đây hoàn toàn chẳng phải là không tìm được chỗ khởi đầu, mà là từ nhiều kiếp trước rất lâu trong quá khứ, Chân Như bổn tánh bị động.

Đương nhiên đây cũng là một cách nói, Chúng ta rất khó thể vừa ý với cách nói này được, nghe xong khó thể vui lòng! Trên thực tế, Phật pháp nói tới vô thỉ thì “vô” là không có, [vô thỉ] về căn bản không có khởi đầu. Bởi lẽ, vô minh là hư vọng, không chân thật, vô minh là bất giác.

Trong Đại Thừa Khởi Tín Luận, Mã Minh Bồ Tát nói: “Bổn giác bổn hữu” (Bổn giác vốn có), tức là như trong phần sau nói “tĩnh minh là vốn có”, “bất giác vốn không”. Vốn là không, sao lại có? Do tâm động nên có. Khi nào tâm động thì khi ấy có, khi nào tâm chẳng động sẽ không có. Do vậy, chẳng thể nói nó bắt đầu vào lúc nào được!

  Hiện thời, nếu tâm quý vị bất động, sẽ chẳng còn vô minh nữa; nhưng tâm chúng ta động không ngừng, đấy là “vô thỉ ám động”, chướng ngại tánh bổn giác của quý vị. Tâm ấy vọng động, phàm phu chúng ta không có cách nào nhận biết cái tâm vọng động ấy vì tướng động của nó quá vi tế. Hiện thời, chúng ta có thể cảm nhận những khởi tâm động niệm trong tâm là vì những ý niệm ấy rất thô. Chúng ta dấy lên tâm tham, dấy lên tâm nóng giận, dấy lên tâm nghi, chúng ta có thể cảm nhận được.

Những tướng ấy hết sức thô, nhưng đối với những tướng động cực vi tế, chúng ta sẽ không có cách nào cảm nhận được. Chẳng phải chỉ riêng chúng ta không thể cảm nhận mà quý vị thấy như trong kinh đã nói, bậc A La Hán công phu định lực khá sâu, đạt Cửu Thứ Đệ Định cũng chẳng có cách nào cảm nhận được.

Tại Ấn Độ vào thời cổ có hàng ngoại đạo công phu quả thật khiến người khác kính ngưỡng, bội phục, công năng định lực họ đã đạt đến Tứ Thiền Bát Định, có thể lên tới Phi Tưởng Phi Phi Tưởng Thiên, công phu Thiền Định thế gian đã đạt đến tột cùng, đạt đến đỉnh cao nhất. Ở trong cảnh giới ấy, họ thấy vũ trụ và nhân sinh là một khối hỗn độn, giống như sách Ấu Học Cố Sự Quỳnh Lâm[1] của Trung Quốc đã chép: “Hỗn độn sơ khai, càn khôn thỉ điện” (lúc hỗn độn sơ khai, trời đất mới bắt đầu thành lập), hoàn toàn giống với cảnh giới của ngoại đạo [Ấn Độ]. Đủ thấy công phu định lực của cổ nhân Trung Quốc đã đạt đến cõi trời Phi Tưởng Phi Phi Tưởng, cho rằng đó là đầu mối của vũ trụ nhân sinh, đại khái sự khởi đầu của vũ trụ nhân sinh được bắt đầu từ nơi ấy. Ngoại đạo gán tên gọi cho cảnh giới ấy là Minh Đế (冥諦,Minh ở đây là tối tăm). Trong hai mươi lăm Đế [của ngoại đạo Ấn Độ], thì Đế thứ nhất là Minh Đế, một bầu vô minh, không có cách nào quán sát được!

Nguồn: www.niemphat.net

/ 289