/ 289
742

A DI ĐÀ KINH SỚ SAO DIỄN NGHĨA

Chủ giảng: Lão pháp sư Tịnh Không

Tập 3

 

  Xin mở cuốn Hạ của bộ kinh, chúng ta đang đọc phần Nhân Đề.

 

  (Diễn) Minh Cổ Hàng Vân Thê Tự sa-môn Châu Hoằng thuật.

  (演) 明古杭雲棲寺沙門袾宏述 .

  (Diễn: Đời Minh, sa-môn Châu Hoằng chùa Vân Thê tại Cổ Hàng thuật).

 

  Đây là tác giả của bộ Sớ Sao. Liên Trì đại sư viết Sớ Sao, tựa đề trong nguyên bản ghi là “hậu học Cổ Hàng Vân Thê Tự”. Về sau, người khắc in do thấy đại sư là người đời Minh nên đã bỏ bớt hai chữ “hậu học”, thay bằng chữ Minh để [độc giả] vừa đọc liền biết ngay Ngài là người sống vào đời Minh.

 

  (Diễn) Nhân đề trung, học giả, hiệu dã. Hậu giác giả, tất hiệu tiên giác chi sở vi. Cố cổ nhân hữu đại triệt chi hậu, nãi chung thân cư học địa giả. Kim đại sư tự xưng hậu học, diệc thử ý dã.

  (演) 人題中 。學者 ,效也。後覺者,必效先覺之所

為,故古人有大徹之後,乃終身居學地者。今大師自稱後學,亦此意也 .

  (Diễn: Trong phần Nhân Đề, “học” là phỏng theo. Kẻ hậu giác ắt sẽ noi theo hành động của bậc tiên giác (người giác ngộ trước). Vì thế, cổ nhân sau khi đại triệt, bèn suốt đời giữ địa vị là người cầu học. Nay đại sư tự xưng là “hậu học” cũng do ý này).

 

  Tiếp theo đó là giới thiệu Liên Trì đại sư. Trước hết, giảng ý nghĩa của chữ “hậu học”. “Học” cũng có nghĩa là giác, mà cũng có nghĩa là “phỏng theo” (bắt chước theo, làm theo). Kẻ hậu giác nhất định phải phỏng theo hành vi của bậc “tiên tri, tiên giác” (hiểu biết trước, giác ngộ trước). Hành vi của những vị ấy chính là cách thức để cầu giác ngộ. Vị ấy giác ngộ như thế nào? Chứng quả như thế nào? Những điều ấy đáng để chúng ta bắt chước làm theo, đáng để chúng ta học theo. Cổ nhân nêu gương tu học cho chúng ta: Sau khi đại triệt đại ngộ vẫn giống hệt như kẻ mới học; khiêm hư như thế đó, hiếu học như vậy đó, rất khó có. Chúng ta càng phải nên học theo điểm này, nhất định chớ nên “được chút ít đã cho là đủ”, học được chút xíu đã tự cảm thấy ta rất ngon lành, cảm thấy bản thân ta hơn hết thảy mọi người, ngạo mạn, ngông cuồng! Đấy chính là chướng ngại. Người thật sự hữu tu hữu học nhất định hết sức khiêm hư, mãi cho đến khi chứng địa vị Như Lai vẫn khiêm hư như thế, quý vị thấy có vị Phật nào chẳng khiêm hư hay chăng? Phàm những ai dính mắc tập khí ngạo mạn nhất định sẽ chẳng có thành tựu. Trong hết thảy các kinh, chúng ta chẳng thấy có vị Bồ Tát hay Phật nào ngạo mạn, ngay cả tập khí ngạo mạn cũng chẳng thấy. A La Hán có tập khí ngạo mạn, nhưng từ Bích Chi Phật trở lên đều không có, tuyệt đối chẳng vướng mắc tập khí ngạo mạn; nhưng những kẻ tu học về sau này, chúng ta thường thấy họ ngạo mạn đầy dẫy. Phải đặc biệt tự mình kiểm điểm, thường là [chính mình] chẳng hay chẳng biết, dường như là học vấn tăng trưởng một phần thì ngã mạn cũng tăng trưởng một phần, đích xác là có trường hợp như vậy.

  Thậm chí, chúng tôi còn nghe nói trong thế gian thật sự có chuyện như thế này: Con cái coi thường cha, cha không biết chữ, làm ruộng, vun vén cho con cái tốt nghiệp đại học. Con cái tự cảm thấy mình giỏi giang quá, cha chẳng hiểu biết gì hết, chưa từng đi học; [con cái] trở về nhà, ngay cả cha mẹ cũng xem thường. Quý vị hãy suy nghĩ: Học vấn của gã ấy là gì vậy? Làm cho cha mẹ hối hận không kịp. Thuở ấy, giá mà bảo con đi làm ruộng sẽ tốt hơn, nó còn biết hiếu thuận với cha mẹ. Đâu ngờ học vấn càng cao, tròng mắt sẽ dần dần trợn ngược lên đỉnh đầu, chẳng thấy ai hết! Tập khí phiền não ngày càng tăng trưởng. Đấy chẳng phải là học vấn! Tục ngữ thường nói: “Học vấn thâm thời, ý khí bình” (Khi học vấn sâu xa, ý chí, tánh tình bình ổn), đấy mới là học vấn thật sự. Đương nhiên [kẻ ngạo mạn] càng chẳng phải là giác ngộ như trong Phật pháp đã nói; kẻ mê hoặc điên đảo mới có tập khí tham, sân, si, mạn, người giác ngộ quyết định chẳng thể có tập khí ấy. Do vậy, kẻ mê, người giác, chúng ta có thể quan sát được! Hãy đặc biệt hồi quang phản chiếu, xét xem chính mình có thật sự giác ngộ hay chăng? Hay là mỗi ngày một mê sâu hơn? Điều này khẩn yếu đấy nhé! Liên Trì đại sư là nhân vật như thế nào? Nếu không phải là Phật tái lai thì cũng là Bồ Tát tái lai. Tuy chúng ta chẳng biết bổn địa của Ngài, nhưng xác thực Ngài chẳng phải là kẻ tầm thường. Ngài trở thành bậc “nhất đại tổ sư” trong thế gian mà vẫn khiêm hư như thế đó, xưng là “hậu học” cũng là do ý nghĩa này, phỏng theo cổ đại đức mà tự xưng là “hậu học”.

Nguồn: www.niemphat.net

/ 289