998

A DI ĐÀ KINH SỚ SAO DIỄN NGHĨA

Chủ giảng: Lão pháp sư Tịnh Không

Tập 2

 

  Giải thích tựa đề kinh, lần trước đã giảng đến hai chữ “Phật Thuyết”. Hôm nay chúng ta bắt đầu từ chữ “A Di Đà”.

 

  (Diễn) A Di Đà, thị Phạn ngữ, thử vân Vô Lượng, dĩ công đức, trí huệ, thân tướng, quang minh, nhất thiết giai tất vô lượng cố. Thị vô lượng Phật vãng tích nhân trung, vi Pháp Tạng tỳ-kheo thời, phát tứ thập bát nguyện, kim tại Tây Phương, nhiếp niệm Phật nhân quy vu Tịnh Độ. Cố Thích Ca Như Lai vị chúng tuyên dương dã.

  (演) 阿彌陀,是梵語,此云無量,以功德智慧身相光

明一切皆悉無量故。是無量佛往昔因中,為法藏比丘時,發四十八願,今在西方攝念佛人歸于淨土,故釋迦如來為眾宣揚也。

  (Diễn: A Di Đà là tiếng Phạn, cõi này dịch là Vô Lượng, do công đức, trí huệ, thân tướng, quang minh, hết thảy đều vô lượng vậy. Vị Vô Lượng Phật này trong quá khứ khi tu nhân, là tỳ-kheo Pháp Tạng, đã phát ra bốn mươi tám nguyện, nay đang ở Tây Phương nhiếp thọ người niệm Phật về cõi Tịnh Độ. Vì thế, Thích Ca Như Lai tuyên dương cho đại chúng biết).

 

  Đoạn này giới thiệu đơn giản những điểm trọng yếu trong danh hiệu đức Phật, ý nghĩa hết sức tinh tường, xác đáng. A Di Đà là tiếng Ấn Độ, dịch sang tiếng Hán, A dịch là Vô, Di Đà dịch là Lượng. A Di Đà có nghĩa là Vô Lượng. Thông thường chúng ta gọi Ngài là Vô Lượng Thọ Phật hoặc Vô Lượng Quang Phật; thật ra, Thọ và Quang chỉ là một phần trong vô lượng mà thôi. Không có cách nào diễn đạt hoàn toàn những nghĩa lý trong danh hiệu đức Phật. Trên thực tế, hai chữ Vô Lượng hết sức hay.

  Tiếp đó, sách Diễn Nghĩa nói đại lược về “công đức”. Hai chữ này cũng cần phải giải thích một cách đơn giản. Công là nói về công phu, Đức là cái quý vị thâu hoạch, có được. Quý vị dùng một phần công phu, nhất định có một phần thâu hoạch. Chữ Đức này có cùng một ý nghĩa với chữ Đắc (得) trong “đắc thất, đắc đáo” (được mất, đạt được). Công phu là gì? Giới - Định - Huệ là công phu. Chẳng hạn như bố thí chủ yếu trừ keo kiệt, tham lam; nếu bố thí thật sự khiến cho chúng ta trừ bỏ được phiền não keo kiệt, tham lam thì nó là công phu, đạt được tâm địa thanh lương, tự tại, giống như Lục Tổ đại sư nói: “Bổn lai vô nhất vật, hà xứ nhạ trần ai?” (Vốn chẳng có một vật, chỗ nào nhuốm bụi trần). Như vậy, cái quý vị đạt được chính là đạt được tâm thanh tịnh. Công đức phải do chính mình tu. Trong nhà Phật hiện thời, chúng ta thường dùng tiền của để bố thí. Chỉ là bố thí thì chẳng thể trở thành công đức, vì trong ấy không có công phu; không có công phu sẽ chẳng thể đoạn được keo kiệt, tham lam. Tuy tu bố thí, nhưng sức mạnh của bố thí chẳng đủ để trừ keo kiệt, tham lam, chẳng đạt được công phu, chẳng thể trở thành công phu. Có lúc chẳng những không thể trở thành công phu mà còn hoàn toàn ngược lại, tức là nghe trong nhà Phật nói “xả nhất, đắc vạn báo” (xả một phần, được quả báo vạn phần) thì mới chịu bố thí. Đấy chính là mua bán kiếm lời trong thế gian, không có lợi ích nào to lớn hơn. Ngày hôm nay bố thí một đồng, ngày mai sẽ được quả báo một vạn đồng; vậy thì hãy mau bố thí! Bố thí kiểu đó chẳng những không thể đoạn được tham lam, keo kiệt, mà ngược lại còn tăng trưởng keo kiệt, tham lam. Vì sao người ấy bố thí? Vì tâm keo kiệt, tham lam mà bố thí, chứ không phải vì Phật pháp mà bố thí; Phật pháp dạy “do đoạn keo kiệt, tham lam mà bố thí”. Trong Phật môn, dùng cái tâm keo kiệt, tham lam để bố thí thì có đạt được gì hay chăng? Có chứ, nhưng không phải là công đức, mà là phước đức, hay phước báo.

  Đâm ra, quý vị bố thí hoàn toàn trở thành có phước. Quả báo là phước báo hữu lậu trong tam giới. Rộng gieo phước điền, không sai, nhưng chẳng thể gọi là “công đức”. Phải phân biệt rõ ràng giữa phước đức hay là công đức! Công đức khác với phước đức. Phước đức có thể trao cho người khác, phước báo của tôi rất lớn, tôi không hưởng, tôi có thể tặng cho quý vị hưởng, quý vị hưởng được; chứ công đức thì không được. Công đức là trí huệ, tài nghệ của tôi, không cách gì trao cho người khác được! Thiền Định, Bát Nhã, Trì Giới của tôi cũng không có cách nào trao cho người khác được. Công đức nhất định phải do chính mình tu, chính mình đạt được, còn phước đức do chính mình tu có thể ban cho người khác. Người khác tu cũng có thể ban [phước đức của họ] cho chúng ta. Ngày mai, đạo tràng này sẽ cử hành pháp hội tế lễ tổ tiên vào tiết Đông Chí, chúng ta có thể hồi hướng phước đức do chính mình tu được cho lịch đại tổ tiên. Tụng kinh cũng giống như vậy, đối với chính mình thì là công đức, chúng ta hồi hướng công đức ấy cho tổ tiên thì họ sẽ được hưởng phước đức.

Nguồn: www.niemphat.net">www.niemphat.net">www.niemphat.net