A DI ĐÀ KINH SỚ SAO DIỄN NGHĨA
Chủ giảng: Lão pháp sư Tịnh Không
Tập 4
Hàng thứ ba trang thứ nhất trong quyển Thượng [cuốn Di Đà Kinh Sớ Sao Diễn Nghĩa], hoặc trang thứ ba cuốn Hội Bản, hàng thứ hai đọc từ dưới lên.
(Sớ) Thử kinh sớ sao, đại văn phân tam: Sơ Thông Tự đại ý, nhị khai chương thích văn, tam kết thích chú ý, vị thuận chư kinh Tự, Chánh, Lưu Thông tam phần, diệc thuận Tịnh nghiệp Tín - Hạnh - Nguyện cố.
(疏)此經疏鈔,大文分三:初通序大意,二開章釋文,三結釋咒意。為順諸經序、正、流通三分,亦順淨業信行願故。
(Sớ: Toàn bộ lời Sớ Sao của kinh này được chia thành ba phần: Phần thứ nhất là Thông Tự đại ý, phần thứ hai là chia thành chương đoạn để giải thích kinh văn, phần thứ ba là tổng kết lời giải thích, giảng ý nghĩa của chú Vãng Sanh, nhằm thuận theo thứ tự ba phần Tự, Chánh Tông, Lưu Thông của các kinh, mà cũng thuận theo Tín - Hạnh - Nguyện của Tịnh nghiệp).
Trong lần trước, tôi đã giới thiệu phần Thông Tự Đại Ý. Hôm nay, chúng ta xem phần thứ hai là Khai Chương Thích Văn.
(Diễn) Khai chương giả, thị biệt khai chương đoạn, tức tổng khải Thập Môn thị. Thích Văn giả, thị tiêu thích kinh văn, tức biệt giải văn nghĩa thị. Đại ý tuy minh, bổn văn vị ủy, cố biệt khai chương đoạn, tiêu thích kinh văn, sử nhất kinh huyền văn ủy tất tường tận, nhân nhân hiểu liễu dã.
(演)開章者,是別開章段,即總啟十門是。釋文者,是消釋經文,即別解文義是。大意雖明,本文未委,故別開章段。消釋經文,使一經玄文委悉詳盡,人人曉了也。
(Diễn: “Khai chương” là tách riêng từng chương từng đoạn, tức là chia ý nghĩa tổng quát của kinh thành mười môn (mười chủ đề lớn, mười thiên sách lớn). “Thích văn” là giải thích trọn vẹn ý nghĩa kinh văn, tức là giải thích ý nghĩa riêng biệt của từng đoạn văn. Phần đại ý tuy rõ ràng, nhưng ý nghĩa của kinh văn chưa được trình bày cặn kẽ, nên tách riêng từng chương, từng đoạn, nhằm giải thích tỉ mỉ ý nghĩa kinh văn, khiến cho huyền nghĩa của bản kinh được giảng giải tường tận, ai nấy đều hiểu rõ).
Văn từ của pháp sư Cổ Đức rất rành mạch, chúng ta thường thấy cách kết cấu giống như vậy trong những bản chú sớ của cổ nhân, [cách kết cấu] được chú giải tường tận như thế này hết sức khó có. “Chương” (章) là chương cú (章句: câu, đoạn), phân đoạn. “Khai chương” là tách riêng thành từng chương, từng đoạn. Tiếp theo đó, đại sư dựa theo cách chia thành mười môn như ngài Hiền Thủ đã làm để tạo thành mười đoạn lớn nhằm giới thiệu đại ý của toàn bản kinh, cách này gọi là “tổng khải thập môn”, chúng ta thường gọi là “huyền nghĩa” hoặc còn gọi là “huyền đàm”. Trong tông Thiên Thai, phần này gọi là Ngũ Trùng Huyền Nghĩa, tức là dùng năm điều, [những cách phân chia thành mười đoạn hay năm điều như vậy] đều gọi là “khai chương”. “Thích văn” là giải thích kinh văn hay chú giải kinh văn; còn “khai chương” nhằm giải thích giảng giải đại ý hay huyền nghĩa của toàn bộ cuốn kinh. Trong phần Huyền Nghĩa, nêu rõ đại ý của toàn bộ cuốn kinh, nhưng hoàn toàn chưa nói tới kinh văn. “Bổn văn vị ủy”: Ủy (委) là nói rõ ràng, cặn kẽ, giảng rõ một cách tường tận, uyển chuyển. [Nói cách khác], phần giải thích kinh văn gồm hai đoạn lớn:
- Huyền đàm.
- Giải thích kinh văn.
Có như vậy mới hòng giải thích tường tận, cặn kẽ những ý nghĩa huyền vi trong kinh văn nhằm mục đích làm cho mỗi một người đọc sẽ đều có thể thấu hiểu rõ rệt.
Phần thứ ba của Sớ Sao là “kết thích chú văn”. Nói thật ra, chú Vãng Sanh hoàn toàn không nằm trong kinh này, vì sao đại sư lại ghép thêm chú văn vào cuối kinh? Có ý nghĩa rất sâu, trong lời chú giải [của pháp sư Cổ Đức], Ngài sẽ giảng rõ.
(Diễn) Kết thích chú ý giả, chú bổn bất khả thích, nhi chú ý khả thích.
(演) 結釋咒意者,咒本不可釋,而咒意可釋。
(Diễn: Phần kết thúc là giải thích ý nghĩa của chú Vãng Sanh. Chú vốn chẳng thể giải thích được, nhưng ý nghĩa của chú thì có thể giải thích).
Vì sao không thể giải thích thần chú? Chú ngữ là ngôn ngữ của lục đạo. Do vậy, phiên âm, không dịch nghĩa; tuy dịch âm, nhưng ý nghĩa của thần chú thì có thể phiên dịch được.
(Diễn) Chú ý giả, bạt nghiệp căn sanh Tịnh Độ dã.
(演) 咒意者,拔業根生淨土也。
(Diễn: Ý nghĩa của chú này là dứt trừ nghiệp căn, sanh về Tịnh Độ).
Ý nghĩa của bài chú này là: Dứt trừ nghiệp chướng căn bản, được sanh về Tịnh Độ.