/ 289
2.668

A DI ĐÀ KINH SỚ SAO DIỄN NGHĨA

Chủ giảng: Lão pháp sư Tịnh Không

Tập 1

 

  Chư vị đồng tu! Hôm nay chúng tôi tuyên giảng bộ Di Đà Kinh Sớ Sao Diễn Nghĩa lần thứ ba.

Kể từ hôm nay, [Hoa Tạng] Đồ Thư Quán chính thức kiến lập Liên Trì Hải Hội. Chúng tôi đã từng giảng bộ [A Di Đà Kinh] Sớ Sao hai lần, [chứ đọc bộ sách này] thì đương nhiên càng đọc nhiều lần hơn. Đối với đức hạnh, sự tu học, sự giáo hóa của Liên Trì đại sư lão nhân gia, chúng ta đều cảm thấy bội phục năm vóc sát đất. Trong đó, điều quan trọng nhất là phải học theo đại sư giống như Ngẫu Ích đại sư vậy. Ngẫu Ích đại sư là tư thục đệ tử của tổ Liên Trì, có nghĩa là sau khi Liên Trì đại sư đã vãng sanh Tây Phương Cực Lạc thế giới, tổ Ngẫu Ích mới bắt đầu học Phật, ngưỡng mộ Liên Trì đại sư, lấy di giáo của Liên Trì đại sư làm phương châm tu học của chính mình. Cách thức này rất đáng cho chúng ta học theo.

Hôm nay, kiến lập Liên Trì Hải Hội ở nơi đây, tôn Liên Trì đại sư làm thầy để nương theo, mọi người chúng ta là đồng học, là đồng tham bạn lữ. Chúng ta chiếu theo tác phẩm chú sớ này của đại sư để nghiêm túc giảng giải, học tập, tu hành, mong sao trong một đời này chẳng phụ bạc niềm kỳ vọng của tổ Liên Trì đối với chúng ta, mai sau ai nấy đều Thượng Phẩm Thượng Sanh, hoa nở thấy Phật thì hội này mới thật sự là một hội thù thắng. Những điều khác chúng tôi sẽ nói chút sơ lược vì phân lượng của bộ sách này khá dài, khi bước vào phần kinh văn, quý vị sẽ tự nhiên hiểu rõ.

  Bây giờ, xin quý vị mở quyển kinh ra. Chúng ta dùng bản in này gồm hai tập Thượng và Hạ. Tập Thượng là Sớ Sao, tập Hạ là phần chú giải Sớ Sao, tức cuốn [Sớ Sao] Diễn Nghĩa. Diễn Nghĩa là phần chú giải lời Sao. Trước hết, chúng ta hãy xem tựa đề kinh.

 

  Phật thuyết A Di Đà Kinh Sớ Sao quyển đệ nhất.

  Minh Cổ Hàng Vân Thê Tự sa-môn Châu Hoằng thuật.

  說阿彌陀經疏鈔卷第一

明古杭雲棲寺沙門袾宏述

  (Phật thuyết A Di Đà Kinh Sớ Sao, quyển thứ nhất,

  Đời Minh, sa-môn Châu Hoằng chùa Vân Thê đất Cổ Hàng soạn).

 

  Hai hàng này, hàng thứ nhất là “kinh đề” (tựa đề kinh), hàng thứ hai “nhân đề” (ghi tên người biên soạn), chữ “nhân” (人) này không phải là người dịch kinh mà là người chú giải.

 

  Di Đà Kinh Sớ Sao Diễn Nghĩa Định Bổn, quyển nhất.

  Vân Thê Cổ Đức pháp sư diễn nghĩa, môn nhân Từ Phàm, Trí Nguyện định bổn.

  陀經疏鈔演義定本卷一

雲棲古德法師演義,門人慈帆智願定本。

  (Di Đà Kinh Sớ Sao Diễn Nghĩa, bản hoàn chỉnh, quyển một.

  Pháp sư Cổ Đức chùa Vân Thê diễn nghĩa, học trò là Từ Phàm và Trí Nguyện chỉnh lý).

 

  Trước hết, chúng tôi nói đại lược cội nguồn [tác phẩm này] cho quý vị biết. Kinh này là do Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật giảng tại tinh xá Kỳ Viên ở nước Xá Vệ, tôn giả A Nan kết tập, chép thành Phạn bản. Sau khi kinh được truyền đến Trung Quốc, nguyên văn tiếng Phạn được dịch sang tiếng Hán bởi một vị pháp sư là Cưu Ma La Thập đại sư. Từ xưa đến nay, bộ kinh này có rất nhiều bản chú giải. Sau khi đọc đến phần văn bản chính thức, chúng ta sẽ thảo luận [vấn đề này]. Cuốn Sớ Sao này do vị tổ sư đời thứ tám của Tịnh Độ Tông, sống vào đời Minh, là Liên Trì đại sư biên soạn. Sớ là giải thích kinh, chú giải kinh. Lời chú giải quá sâu, sợ người đời sau đọc không hiểu nên lại chú giải lời chú giải, đó là Sao (Sao là chú giải Sớ). Sớ và Sao đều do đại sư tự viết, Diễn Nghĩa là chú giải lời Sao vì lời Sao vẫn còn quá sâu. Học trò của Ngài (mà cũng là thị giả của Liên Trì đại sư) là pháp sư Cổ Đức, thân cận tổ Liên Trì nhiều năm. Sau khi tổ sư vãng sanh, những tác phẩm của Ngài được lưu truyền hậu thế, đều do pháp sư Cổ Đức chỉnh lý, khắc ván, lưu thông, đúng là đối với chúng ta có ân đức không chi lớn bằng. Càng khó có hơn nữa là do bản Sớ Sao này quá hay, Sư cũng sợ người đời sau khó thể thấu hiểu ý nghĩa chân thật của tổ sư nên đã dựa theo những lời giảng nghĩa của đại sư để ghi lại những điều tâm đắc trong khi chính Ngài theo hầu đại sư, soạn thành bộ Diễn Nghĩa, nhằm giúp đỡ hàng hậu học chúng ta. Đấy là lai lịch của bộ Diễn Nghĩa.

  Cuốn [Diễn Nghĩa] này lưu thông rất ít. Có thể nói là không ai chẳng biết bộ A Di Đà Kinh Sớ Sao, nhưng rất ít người biết đến Sớ Sao Diễn Nghĩa. Có rất nhiều pháp sư tu Tịnh Độ chưa hề thấy cuốn sách này. Có thể nói là tôi rất may mắn, lúc mới xuất gia đọc Vạn Tục Tạng, trong Vạn Tục Tạng có thâu nhập tác phẩm này. Vì vậy, lần đầu tiên tôi đọc Vạn Tục Tạng, tôi biết A Di Đà Kinh Sớ Sao có một bản chú giải rất hay là Diễn Nghĩa. Do vậy, khi giảng A Di Đà Kinh Sớ Sao lần thứ nhất, tôi dùng văn bản trong Vạn Tục Tạng, dùng bản Diễn Nghĩa trong tạng ấy. Lúc đó, chưa có bản in lưu hành riêng. Lần thứ hai, khi giảng bộ kinh này, tôi tìm được một bản in tại Hương Cảng. Đấy chính là cuốn Hạ trong cuốn sách quý vị đang xem. Bản này ngẫu nhiên tìm được tại Hương Cảng, khi trông thấy nó, tôi hết sức vui mừng. Tôi tìm được bản này từ Tàng Kinh Lâu của Đông Lâm Niệm Phật Đường. Tôi hỏi các pháp sư ở nơi ấy: “Quý vị có biết tác phẩm A Di Đà Kinh Sớ Sao của Liên Trì đại sư hay không?” Họ nói: “Biết chứ”. Tôi nói: “Sớ Sao còn có một bản chú giải, quý vị có biết hay không?” Họ thưa: “Chưa từng nghe nói ạ!” Tôi chỉ vào kệ đựng sách, bảo: “Ở đây nè, quý vị lấy ra đi”. Bọn họ đem sách ra, mới biết nó đã nằm trên kệ sách bao nhiêu năm rồi mà chẳng ai biết cả. Tôi nói: “Được rồi! Để tôi mang cuốn sách này về Đài Loan ấn hành, lưu thông”. Sau khi quay về bèn in tác phẩm này, in gộp chung cuốn Thượng và cuốn Hạ, tạo thành bộ Sớ Sao Diễn Nghĩa, bản này được lưu thông lần đầu tiên tại Đài Loan, trong quá khứ chưa có ai in cả. Mở hai tác phẩm này ra để đọc và đối chiếu cảm thấy chẳng thuận tiện cho lắm; hiện thời chúng tôi muốn in A Di Đà Kinh Sớ Sao Diễn Nghĩa Hội Bản, tức là chiếu theo từng đoạn mà gộp chung [phần Sớ Sao và phần Diễn Nghĩa] lại, nhằm tạo thành một bản sẽ chẳng cần phải lật qua, giở lại. Hiện giờ chúng tôi đang làm chuyện này, sau khi làm xong sẽ hết sức có ý nghĩa, sẽ có ích rất lớn cho những người niệm Phật tu học Tịnh Độ.

Nguồn: www.niemphat.net

/ 289