/ 20
867

Trung Phong Tam Thời Hệ Niệm

Pháp Sự Toàn Tập Giảng Ký

phần 19

Chủ giảng: Lão pháp sư Tịnh Không

Giảng tại: Tịnh Tông Học Viện Úc Châu

Chuyển ngữ: Bửu Quang Tự đệ tử Như Hòa

 

Chư vị đồng học!

Xin xem tiếp phần Tăng Bảo Tán trong thời thứ ba của Hệ Niệm Pháp Sự, chúng tôi đọc kinh văn một lượt:

 

Tăng Bảo bất tư nghị,

Thân phi tam sự vân y,

Phù bôi quá hải sát-na thời,

Phó cảm ứng quần cơ,

Kham tác nhân thiên công đức chủ,

Kiên trì giới hạnh vô vi,

Ngã kim khể thủ nguyện dao tri,

Chấn tích trượng đề huề.

僧寶不思議。

身披三事雲衣。

浮盃過海剎那時。

赴感應群機。

堪作人天功德主。

堅持戒行無違。

我今稽首願遙知。

振錫杖提攜。

(Tăng Bảo chẳng nghĩ bàn,

Chén nổi vượt biển trong khoảnh khắc,

Cảm ứng mọi căn cơ,

Đáng làm trời người công đức chủ,

Giới hạnh giữ vững chẳng trái nghịch,

Con nay đảnh lễ nguyện xa hay,

Rung tích trượng đề huề).

 

Đoạn tán tụng gây ấn tượng sâu đậm nhất cho chúng ta. Bởi lẽ, hiện nay về mặt hình tướng mà nói thì chúng ta ở vào địa vị Tăng Bảo, nhưng chúng ta có đáng gọi là Tăng Bảo hay chăng? Chúng ta có thường phản tỉnh như thế hay không? Cổ nhân nói rất hay:

Thí chủ nhất lạp mễ,

Đại như Tu Di Sơn,

Kim sanh bất liễu đạo,

Phi mao, đới giác hoàn.

(Một hạt gạo thí chủ,

To như núi Tu Di,

Đời này không liễu đạo,

  Đeo lông, đội sừng đền).

  Chúng ta có thực sự nghĩ đến điều này hay không? Đã phát tâm xuất gia, phải khéo lo liệu sự nghiệp xuất gia. Sự nghiệp của người xuất gia là gì? Bài tán tụng này đã nói rõ ràng. Chúng ta phải tự vấn, chúng ta đã làm được hay chưa?

  Trong buổi giảng trước, tôi đã thưa cùng quý vị đại ý của chữ Tăng rồi, Tăng là một đoàn thể hòa hợp. Từ bốn người trở lên gọi là Tăng, tức Tăng đoàn. Lúc chúng ta quy y Tam Bảo, đọc lời thệ nguyện “quy y Tăng, chúng trung tôn”.Chúng” (眾) là đoàn thể, Tăng cũng là đoàn thể, trong thế gian, đoàn thể ấy đáng được mọi người tôn kính nhất trong tất cả các đoàn thể trên thế gian. Tôn (尊) nghĩa là tôn kính. Vì sao đáng được người khác tôn kính? Vì là một đoàn thể hòa hợp, tuân thủ giáo huấn Lục Hòa Kính của Thích Ca Mâu Ni Phật. “Kiến hòa đồng giải” trong Lục Hòa Kính tôi đã trình bày rồi. “Giới hòa đồng tu”: Giới Luật quan trọng lắm! Mức độ thấp nhất phải thực hiện là Sa Di Luật Nghi: Mười giới, hai mươi bốn oai nghi. Chúng ta cùng ở với nhau một chỗ phải nương theo đại chúng, dựa vào đại chúng, khích lệ lẫn nhau, cảnh tỉnh và sách tấn lẫn nhau. Thấy đồng học không đúng pháp, tiêu chuẩn đúng pháp hay không đúng pháp chính là mười giới, hai mươi bốn oai nghi.

  Trong thực tại, cũng có chỗ không làm được vì hoàn cảnh và hình thức thực tiễn bức bách nên không có cách gì làm được. Chẳng hạn như giới điều “bất trì kim tiền” (không được giữ vàng, tiền), trong hoàn cảnh hiện thời không thể giữ được. Quý vị ra khỏi cửa, người hiện thời ra khỏi cửa chẳng mang tiền theo là không xong; nếu ở trong quốc gia Phật giáo thì được. Như ở Thái Lan, Miến Điện, Tư Lý Lan Kha (Sri Lanka, Tích Lan) là những quốc gia Phật giáo, người xuất gia không cần mang theo một đồng tiền nào, vì sao? Quý vị gặp khó khăn gì, người chung quanh đều giúp đỡ, đều cúng dường, không cần phải bận tâm. Trừ những quốc gia đó ra, đại chúng trong xã hội không bằng lòng cúng dường quý vị. Quý vị đi xe phải mua vé, không có tiền, chẳng ai đem một tấm vé nào cúng dường quý vị cả, bắt buộc quý vị không mang theo tiền cũng chẳng được. Nếu muốn thực sự thực hiện rất thanh tịnh, rất viên mãn thì bất đắc dĩ cũng có biện pháp này: Khi quý vị ra khỏi cửa có tại gia cư sĩ tháp tùng. Trên thân quý vị quả thật không mang tiền, lúc cần phải dùng tiền, người ấy sẽ giúp đỡ quý vị, như vậy là được. Vào thời cổ, Giới kinh cũng cho phép [làm như vậy]. Làm được rất thanh tịnh như vậy thì cũng là chuyện nên làm. Người xuất gia tốt nhất không nên hành động một mình, hành động nhất định phải là từ hai hay ba người trở lên. Như vậy mới là đúng pháp, tránh được điều tiếng, đức Phật nghĩ rất chu đáo!

Nguồn: www.niemphat.net

/ 20