/ 20
632

Trung Phong Tam Thời Hệ Niệm

Pháp Sự Toàn Tập Giảng Ký,

Phần 17

Chủ giảng: Lão pháp sư Tịnh Không

Giảng tại: Tịnh Tông Học Viện Úc Châu

Chuyển ngữ: Bửu Quang Tự đệ tử Như Hòa

 

  Chư vị đồng học!

  Xin xem tiếp phần khai thị của thiền sư Trung Phong. Ngày hôm qua giảng đến “tâm, Phật, chúng sanh”. Về Tâm, giảng đến Duyên Lự Tâm và Linh Tri Tâm. Những danh từ này rất quan trọng, chúng ta phải hiểu ý nghĩa của những danh từ ấy. Vũ trụ vạn hữu, những hiện tượng ấy do đâu mà có? Hư không do đâu mà có? Pháp giới do đâu mà có? Sát-độ (ksetra), nay chúng ta gọi là rất nhiều “tinh cầu” trong không gian (trong kinh Phật gọi vô lượng vô biên tinh cầu và tinh hệ ấy là “sát-độ”) do đâu mà có? Chúng sanh do đâu mà có? Hữu tình chúng sanh và vô tình chúng sanh do đâu mà có? Chúng ta gọi cái có thể sanh ra vạn vật, hư không, sát-độ và hết thảy chúng sanh là Tâm.

  Vì thế, Tâm ấy chẳng phải là tâm tạng (quả tim) trong thân thể chúng ta, tâm tạng chẳng thể sanh ra trời đất vạn vật được. Kinh Phật gọi “có thể sanh” (năng sanh) là “có thể hiện” (năng hiện), không gọi là Sanh mà gọi là Hiện. Nói Hiện có ý nghĩa hay hơn Sanh, bởi lẽ, chúng ta đều lầm tưởng Hữu Sanh Hữu Diệt là thật; Năng Hiện là hư huyễn. Giống như chúng ta xem phim, cái màn bạc có thể hiện ra tướng, gọi là “hiện tướng”, chứ không gọi là “sanh”. Vì thế, “hiện” có ý nghĩa hay hơn. Năng Hiện, hoặc như ta gọi là Năng Sanh, những danh từ ấy đều có thể gọi là Tánh. Lại còn có Năng Biến, hiện tượng thiên biến vạn hóa, Năng Biến là gì vậy? Chúng ta gọi Năng Biến là Thức.

  Thức và Tâm là một chuyện. Tâm không đèo thêm vọng tưởng, phân biệt, chấp trước thì gọi là Tâm; nếu kèm thêm vọng tưởng, phân biệt, chấp trước thì gọi là Thức. Trong Phật pháp cũng thường nói đến chân tâm và vọng tâm. Chân tâm không kèm thêm vọng tưởng, phân biệt, chấp trước; còn thức tâm xen tạp vọng tưởng, phân biệt, chấp trước, nên gọi là vọng thức. Phải hiểu rành rẽ, rõ ràng sự việc này thì mới biết được chân tướng sự thật của vũ trụ và các pháp, kinh gọi sự thật ấy là “chư pháp Thật Tướng” (Thật Tướng của các pháp), tức chân tướng của vũ trụ vạn hữu, chúng ta phải hiểu rõ ràng. Vì thế, ở đây thiền sư nêu lên

một tổng kết:

 

  Thị dĩ Phật tức chúng sanh, chúng sanh tức Phật.

  是以佛即眾生。眾生即佛。

  (Do vậy, Phật chính là chúng sanh, chúng sanh chính là Phật).

 

  Nói như vậy nghĩa là sao? Tâm chính là Thức, Thức chính là Tâm. Thức và Tâm là một, không phải hai, lúc mê gọi là Thức, lúc ngộ gọi là Tâm. Ở đây chỉ có mê và ngộ, ngoại trừ mê và ngộ ra, cái gì cũng không có. Vì thế, ở đây mới nói: “Chư Phật ngộ chi, giả danh duy tâm, chúng sanh mê chi, tiện thành vọng thức. Thị dĩ Phật tức chúng sanh, chúng sanh tức Phật” (Chư Phật ngộ nên giả gọi là duy tâm; chúng sanh mê bèn thành vọng thức. Do vậy, Phật chính là chúng sanh; chúng sanh chính là Phật). Chữ “chúng sanh” ở đây chỉ hữu tình chúng sanh, nhưng sau đó lại nói:

 

  Thả tâm ngoại vô Phật, diệc vô chúng sanh.

  且心外無佛。亦無眾生。

  (Nhưng ngoài tâm không có Phật, cũng không có chúng sanh).

 

  Phạm vi của “chúng sanh” rất rộng. Chữ “chúng sanh” này bao quát tất cả hết thảy những hiện tượng do các duyên hòa hợp mà sanh khởi, những hiện tượng ấy đều được gọi là “chúng sanh”. Ngay cả hư không cũng là chúng sanh. Phạm vi của các hiện tượng do các duyên hòa hợp mà sanh khởi rất lớn. Vì thế, chúng ta phải hiểu cách sử dụng danh từ này: Tên gọi tương đồng, danh từ tương đồng, nhưng tùy mỗi chỗ lại giải thích khác nhau, phạm vi bao quát của danh từ ở mỗi chỗ khác nhau.

 

  Duy mê ngộ chi hữu gián.

  唯迷悟之有間。

  (Chỉ do mê hay ngộ mà có sai biệt).

 

  “Gián” (間) là sai biệt, gián cách (間隔) là sai biệt. Nói thật ra, do mê hay ngộ mà có sai biệt.

 

  Cố phàm thánh nhi huýnh dị.

  故凡聖而迥異。

  (Vì thế, phàm - thánh sai khác vời vợi).

Nguồn: www.niemphat.net

/ 20