Trung Phong Tam Thời Hệ Niệm
Pháp Sự Toàn Tập Giảng Ký,
Phần 16
Chủ giảng: Lão pháp sư Tịnh Không
Giảng tại: Tịnh Tông Học Viện Úc Châu
Chuyển ngữ: Bửu Quang Tự đệ tử Như Hòa
Tập 46
Chư vị đồng học!
Trong phần trên, chúng ta đã học về mười nguyện của Phổ Hiền Bồ Tát, cũng có thể nói mười nguyện của Phổ Hiền Bồ Tát chính là nguyện chung của các Bồ Tát. Thế nhưng, ngoại trừ những nguyện chung này ra, lại còn có một tổng nguyện, tức là lời nguyện chung của hết thảy chư Phật, ngay cả mười nguyện của Phổ Hiền Bồ Tát cũng chẳng thể tách rời Tứ Hoằng Thệ Nguyện này. Ngay cả bốn mươi tám nguyện của A Di Đà Phật, nếu quy nạp lại thì Tứ Hoằng Thệ Nguyện bao trùm trọn vẹn. Như vậy, Tứ Hoằng Thệ Nguyện là cương lãnh, triển khai thành vô lượng vô biên đại nguyện của chư Phật, Bồ Tát. Chúng ta đọc bài kệ đầu tiên:
Chúng sanh vô biên thệ nguyện độ,
Phiền não vô tận thệ nguyện đoạn,
Pháp môn vô lượng thệ nguyện học,
Phật đạo vô thượng thệ nguyện thành.
眾生無邊誓願度。
煩惱無盡誓願斷。
法門無量誓願學。
佛道無上誓願成。
Trong Tam Thời Hệ Niệm Pháp Sự, Tứ Hoằng Thệ Nguyện được đọc ba lần, mỗi một thời đọc một lần, bốn câu kệ này chúng tôi dành lại, sẽ nói sau. Tiếp đến là bài Tam Bảo Tán, phần tán thán ở đây chính là xưng tán Như Lai. Tam Bảo Tán là tán Phật, tán Pháp, tán Tăng, gọi là Tam Bảo Tán. Bảo (寶) là tỷ dụ, người thế gian có của báu thì cuộc sống rất giàu có, sung sướng, cuộc sống rất hạnh phúc, có thể giải quyết những vấn đề thuộc đời sống vật chất.
Phật - Pháp - Tăng gọi là Tam Bảo, là ba món báu thực sự, vì của cải thế gian chỉ có thể giải quyết những vấn đề trong một đời này, chẳng thể giải quyết những vấn đề thuộc đời đời kiếp kiếp, càng chẳng thể giải quyết vấn đề sanh tử luân hồi trong lục đạo. Ngoài chuyện luân hồi ra, còn có vấn đề chẳng thể thoát khỏi mười pháp giới, còn có vấn đề chẳng thể chứng đắc Vô Thượng Bồ Đề, nhiều vấn đề quá! Thế nhưng Tam Bảo là của báu thực sự, chắc chắn của báu thế gian không thể sánh bằng! Vì sao? Vì Tam Bảo có thể giải quyết được vấn đề sanh tử trong lục đạo, giải quyết vấn đề mười pháp giới, có thể giúp chúng ta trong vấn đề chứng đắc Phật quả rốt ráo, đấy mới là đồ báu thực sự!
Nếu chúng ta hỏi Tam Bảo có thể giải quyết vấn đề sinh hoạt trong thực tế hay không thì câu trả lời là khẳng định: “Đương nhiên!” Vì sao? Chuyện trong lục đạo là vấn đề nhỏ nhặt, Vô Thượng Bồ Đề là vấn đề lớn. Vấn đề lớn còn giải quyết được thì vấn đề nhỏ nhoi sẽ thấm vào đâu! Rất đáng tiếc, trong thế gian rất nhiều người mê không giác, coi thường Tam Bảo. Tam Bảo chẳng phải ở bên ngoài mà ở ngay nơi Tự Tánh. Phật Bảo là Tự Tánh Giác, Pháp Bảo là Tự Tánh Chánh, Tăng Bảo là Tự Tánh Tịnh, Giác - Chánh - Tịnh Tam Bảo. Giác - Chánh - Tịnh là Tánh Đức; bởi vậy, Tam Bảo chẳng ở bên ngoài, không ai cầu chẳng được, đúng là có cầu ắt ứng. Cầu nơi đâu? Hướng về Tự Tánh mà cầu.
Đức Thế Tôn dạy cho chúng ta lý luận và phương pháp để cầu. Tam Bảo đã hiện tiền thì cũng nói được cảnh giới rất tường tận, rất minh bạch. Cảnh giới ấy chính là thế giới Hoa Tạng, thế giới Cực Lạc, Nhất Chân pháp giới. Như vậy, chỉ có Tam Bảo mới có thể giúp chúng ta chuyển mê thành ngộ, chuyển phàm thành thánh, chuyển Sa Bà thành Cực Lạc, chuyển uế độ thành tịnh độ, chuyển mười pháp giới thành Nhất Chân pháp giới. Đấy mới thực sự là đồ báu! Nay chúng ta hãy xem đoạn thứ nhất, đoạn thứ nhất là tán Phật:
14. Tán thán Phật Bảo
Phật bảo tán vô cùng.
佛寶讚無窮。
(Phật Bảo khen ngợi khôn cùng).
Câu này mang ý nghĩa kép: Phật Bảo nơi Tự Tánh và Phật Bảo trên mặt sự tướng. Phật Bảo về mặt sự tướng thì nêu lên vị gần nhất là Thích Ca Mâu Ni Phật. Vì sao? Nếu Ngài không thị hiện thành Phật, dạy cho chúng ta pháp chân thật Giác - Chánh - Tịnh chân chánh thì chúng ta vĩnh viễn chẳng biết, không ai có thể nói ra cả. Do vậy, tán Phật ở đây bao gồm cả tán thán Tự Tánh Phật lẫn Sự Tướng Phật. “Thán vô cùng”: Tự Tánh vô cùng, sự tướng cũng vô cùng.
Công thành vô lượng kiếp trung.
功成無量劫中。
(Thành tựu công phu trong vô lượng kiếp).