Tịnh Độ Đại Kinh Giải Diễn Nghĩa
Tập 571
Chủ giảng: Tịnh Không Pháp Sư
Chuyển ngữ: Hạnh Chơn
Biên tập: Bình Minh
Thời gian: 01.09.2011
Địa điểm: Phật Đà Giáo Dục Hiệp Hội_HongKong
Chư vị pháp sư, chư vị đồng học, mời ngồi xuống. Mời quý vị xem Đại Thừa Vô Lượng Thọ Kinh Giải, trang 755, hàng thứ ba. “Nên trong kinh nói”, bắt đầu xem từ đây.
“Nên trong kinh nói: Bồ Tát ma ha tát, luôn dùng công đức trí tuệ để tu tâm mình. Nếu người mới học chưa thể phá tướng, nhưng có thể nương tướng chuyên chí, không có ai không vãng sanh, không cần nghi ngờ”. Đây là lời trong An Lạc Tập, sách này do đại sư Đạo Xước trước tác, cũng là giải thích Kinh Vô Lượng Thọ.
Ở trước nói với chúng ta, nên biết niệm niệm bất khả đắc, đây chính là trí tuệ. Được mấy người biết niệm niệm bất khả đắc, đây là gì? Đây là thật tướng các pháp, đích thực là như vậy. Nhưng biết niệm niệm bất khả đắc, còn có thể hệ niệm tương tục không gián đoạn. Chính là niệm câu Phật hiệu này câu này nối câu kia không gián đoạn. Đây là công đức, chư vị thử nghĩ xem công đức là gì? Vì sao ngài nói là công đức? Biết niệm niệm bất khả đắc là trí tuệ, dùng trí tuệ làm việc đều là công đức. Nếu chấp tướng thì sao? Trước tướng chính là phước đức, công đức và phước đức sai khác ở điểm này. Không biết niệm niệm bất khả đắc, mà tịnh niệm tương tục, câu Phật hiệu không gián đoạn, đây là phước đức. Biết niệm niệm bất khả đắc, biến thành công đức, phước đức biến thành công đức, khác nhau ở điểm này. Chúng ta có biết chăng? Hình như biết, lại hình như không biết. Vì nghe kinh nhiều, nói đến cũng có một chút ấn tượng, đặc biệt là đối thoại của Đức Phật và Bồ Tát Di Lặc.
Thế Tôn hỏi Di Lặc: “Tâm có mấy niệm”, đây là nói phàm phu. Trong tâm phàm phu khởi ý niệm, trong một niệm này có mấy niệm? Như vậy mới biết, ý niệm này rất thô. Trong ý niệm này, có bao nhiêu ý niệm vi tế? Có mấy tướng, có mấy thức? Quý vị xem, trong ý niệm này quá phức tạp.
Bồ Tát Di Lặc đáp_thật ra Phật và Bồ Tát người hỏi người đáp là để chúng ta nghe, là để chúng ta học tập. Bồ Tát Di Lặc đáp rằng: Một khảy móng tay có 32 ức trăm ngàn niệm. Một khảy móng tay, thời gian một khảy móng tay quá ngắn. 32 ức trăm ngàn niệm, đơn vị của nó là trăm ngàn. 10 lần ngàn là một vạn, 100 ngàn là 10 vạn. Cũng chính là nói 32 ức nhân 10 vạn, có được một đáp án là 320 triệu. Quý vị xem, một khảy móng tay có 320 triệu, rất nhiều ý niệm, niệm niệm thành hình. Thành hình chính là tướng mà Đức Như Lai hỏi- có mấy tướng. Mỗi ý niệm đều có tướng, tướng là hiện tượng vật chất. Có mấy thức? Thức là thọ tưởng hành thức, là hiện tượng tinh thần, gọi là “niệm niệm thành hình, hình đều có thức”, đây là Bồ Tát Di Lặc nói, trong mỗi hiện tượng đều có thọ tưởng hành thức. Quý vị nên biết một khảy móng tay có một phần trên 320 triệu, bây giờ chúng ta quen dùng giây, một giây chúng ta khảy được mấy lần? Tôi có thể khảy bốn lần, tôi tin có người khảy nhanh hơn tôi. Người trẻ tuổi sức mạnh, nếu họ khảy được năm lần, 5 nhân 320 là 1600 triệu. Một giây, một giây có 1600 triệu ý niệm, có rất nhiều ý niệm. Mỗi ý niệm đều đầy đủ ngũ uẩn, chính là sắc thọ tưởng hành thức. Vật chất là sắc, thọ tưởng hành thức là tinh thần, nên tinh thần và vật chất không thể tách rời nhau. Quý vị xem, trong một ý niệm vi tế như vậy, có đầy đủ thọ tưởng hành thức. Như vậy chúng ta mới hiểu được trong Tâm Kinh nói: Quán Bồ Tát Thế Âm chiếu kiến ngũ uẩn đều là không. Chiếu kiến như thế nào mà ngũ uẩn đều là không? Chính là một giây, chúng ta nói là một giây trên 1600 triệu, ý niệm đó là ngũ uẩn giai không, đây là gì? Đây là cơ bản nhất của vật chất và tinh thần. Tất cả các pháp đều từ đây biến hiện ra. Trong Kinh Bát Nhã nói: “Phàm sở hữu tướng giai thị hư vọng”, không có pháp nào là thật. Quý vị biết niệm niệm này bất khả đắc, đây là trí tuệ, vì sao vậy? Niệm niệm bất khả đắc, tâm quý vị sẽ buông bỏ, không khởi bất kỳ một ý niệm nào.
Ông Viên Liễu Phàm được tướng số đoán chắc, xem không sai chút nào, nên ông không có vọng tưởng, vì sao vậy? Nghĩ cũng vô dụng, hà tất phải nghĩ? Có thể ngồi ba ngày ba đêm trong thiền đường với thiền sư Vân Cốc, không khởi một ý niệm. Thiền sư Vân Cốc khâm phục ông ta, một người có thể không khởi ý niệm nào trong suốt ba ngày ba đêm, không khởi ý niệm nào, quả là không đơn giản. Đây là định công khá sâu! Liền thỉnh giáo ông, ông tu như thế nào? Ông nói, tôi không có công phu, Khổng tiên sinh đoán chắc số mạng tôi, nên có nghĩ cũng không lợi ích gì, nên thà rằng đừng nghĩ. Thiền sư Vân Cốc nghe xong cười lớn: Tôi cứ nghĩ ông là thánh nhân, thì ra ông vẫn là một kẻ phàm phu. Phàm phu này là gì? Gọi là vô tưởng định, công phu của Viên Liễu Phàm chính là vô tưởng định, không nghĩ gì cả, không biết gì cả, vô minh. Nếu là thiền thật sự, không như vậy! Không nghĩ gì cả nhưng hỏi họ đều biết hết, vì sao vậy? Trí tuệ của họ đã hiện tiền, đây chính là điểm không tương đồng. Nên biết vạn pháp đều là không, niệm câu A Di Đà Phật này, niệm niệm không gián đoạn. Biết được thế giới Cực Lạc cũng là “phàm sở hữu tướng giai thị hư vọng”, vẫn bằng lòng sanh đến thế giới Cực Lạc, bằng lòng thân cận Phật A Di Đà. Đây là gì? Đây là công đức, trí tuệ công đức.