Tịnh Độ Đại Kinh Giải Diễn nghĩa
Tập 459
Chủ giảng: Tịnh Không Pháp Sư
Chuyển ngữ: Hạnh Chơn
Biên tập: Minh Tâm
Thời gian: 19.06.2011
Địa điểm: Cao Hùng_Đài Loan
Chư vị pháp sư, chư vị đồng học, mời ngồi xuống. Mời quý vị xem Đại Thừa Vô Lượng Thọ Kinh Giải, trang 581, hàng thứ hai, câu thứ hai. Bắt đầu xem câu: ngũ, niệm giác chi.
“Ngũ, niệm giác chi. Thường minh ký định tuệ nhi bất vọng, sử chi quân đẳng”. Ý này nói rõ định tuệ nhất thể, nghĩa là tương tức tương dung, không phải hai. Thông thường khi dụng công, hoặc là tham thiền, niệm Phật, trì chú, cho đến nghiên cứu giáo nghĩa, đều có hiện tượng này. Nếu định nhiều tuệ ít, dễ bị hôn trầm, nếu tuệ nhiều định ít sẽ cảm thấy trôi nổi, thân tâm bất an, ý niệm rất nhiều. Thế nên niệm nhất định là định tuệ quân bình, họ mới có thể sanh khởi tam muội.
Người niệm Phật, bất luận là dùng phương pháp tu hành nào cũng không rời Phật hiệu. Định tuệ quân bình sẽ được niệm Phật tam muội. Thế nên niệm giác chi rất quan trọng. Đối với vấn đề này không những phải nhớ rõ, mà còn phải thiện dụng. Thiện dụng ở đây chính là tuệ, dùng trí tuệ để điều chỉnh tâm trạng tu học của chính mình. Bình thường chúng ta nói, trong ổn định cầu tinh tấn. Chỉ có quân bình định tuệ, trí tuệ mới có thể hiện tiền.
Bên dưới là thứ sáu: định giác chi. Khiến tâm trú vào một cảnh giới, không tán loạn. Điều này trong kinh điển Đức Thế Tôn thường nói: “chế tâm nhất xứ, vô sự bất biện”. Tâm phàm phu đều tán loạn. Trong nhà Phật lễ kính dùng cách chắp tay, chắp tay là tượng trưng sự nhất tâm, mười ngón tay tượng trưng sự tán loạn. Đem tâm tán loạn quy về một chỗ, nên tay phải bằng, ở giữa không nên trống, trống sẽ phân tán, sẽ phân thành hai bên. Nhất định phải chắp thành một, tượng trưng cho nhất tâm, nhất tâm là cung kính nhất, không có tạp niệm. Thế nên đây đều là thuộc về biểu pháp, biểu cho định, biểu nhất tâm bất loạn.
Tâm trú vào một cảnh giới, trong Tịnh độ, đặc biệt là trong thời đại hiện nay, trú vào câu danh hiệu Phật A Di Đà quan trọng hơn bất cứ điều gì. Như Trung Phong thiền sư dạy chúng ta trong Hệ Niệm Pháp Sự: “Tâm tôi tức là Phật A Di Đà, Phật A Di Đà tức là tâm tôi”. Trong tâm ngoài Phật A Di Đà ra, tất cả đều buông bỏ, khiến tâm định trên Phật A Di Đà, sức mạnh này rất lớn. Hiệu quả của nó là gì? Hiệu quả là có thể tương ưng với nguyện lực của Phật. Nghĩa là nói 48 nguyện của Phật A Di Đà gia trì chúng ta, chúng ta có thể cảm nhận được. Trên thực tế, Phật lực gia trì là phổ biến, Ngài rất từ bi, không có phân biệt, gia trì tất cả mọi người. Nhưng có người được lợi ích, có người không được lợi ích. Không được lợi ích thì không thể tiếp thu, tâm tán loạn không tiếp thu được. Nếu nhất tâm liền tiếp nhận được, xem tâm quý vị chuyên nhất đến trình độ nào, càng chuyên nhất thì cảm nhận năng lực gia trì càng mạnh. Có thể giúp quý vị_như ở trước nói được pháp hỷ, được khinh an, đây là cảm xúc rõ ràng nhất.
Thường xuyên để Phật A Di Đà trong tâm, niệm Phật vãng sanh Tịnh độ mới chắc chắn được. Đối với tất cả pháp của thế gian nhất định phải tùy duyên, không nên có chút miễn cưỡng nào, không thể để cảnh giới bên ngoài làm dao động. Không tùy duyên, thì chắc chắn là phan duyên, phan duyên làm phá hoại tất cả công phu của chúng ta. Thế nên Phật thường dạy chúng ta tùy duyên chứ không phan duyên.
Khi tùy duyên, có thuận cảnh, có nghịch cảnh, có thiện duyên, có ác duyên, tự mình cũng phải dùng trí tuệ để chọn pháp. Ta nên tùy thuận như thế nào, dùng phương pháp nào để đối phó, đây đều là dùng trí tuệ, chắc chắn là tự tha đều có lợi. Nhiều người không hiểu, không biết lợi tha là thật sự tự lợi. Tự lợi thường hay hại mình, đối với người khác cũng bất lợi, chúng ta thường nói là dùng tâm sai, vì sao dùng sai tâm? Vẫn là do mê mà không giác, giác chắc chắn không như vậy. Ở đây quan trọng nhất, học Phật nhất định phải buông bỏ cái ta. Quý vị xem trong kiến tư phiền não, cái đầu tiên của kiến phiền não là thân kiến. Lục đạo phàm phu, người nào không chấp trước thân này là ta? Có ý niệm này, nhất định có tự tư tự lợi, đây là thông bệnh của phàm phu lục đạo, bệnh lớn thứ nhất. Tất cả mọi vấn đề đều xảy ra từ đây- không biết thân này là giả.
Trong kinh luận đại thừa và tiểu thừa, Đức Phật đối với vấn đề này, không biết ngài đã nói bao nhiêu lần. Nếu chúng ta không thể giác ngộ, không chịu buông bỏ, cho dù là làm việc tốt, lợi ích xã hội, lợi ích chúng sanh, nhưng luôn chen lợi ích cá nhân vào trong đó. Mặc dù hết 99% là vì xã hội, trong đó có một phần tự tư tự lợi, công phu quý vị liền bị phá hoại, vì sao vậy? Vì không thuần, không thuần đến mức độ nào? Nghiêm trọng đến mức mất hết toàn bộ công đức. Có phước đức, quý vị đã làm phước đức, nhưng không có công đức.