/ 600
389

Tịnh Độ Đại Kinh Giải Diễn Nghĩa

Tập 447

Chủ giảng: Tịnh Không Pháp Sư

Chuyển ngữ: Minh Tuệ

Biên tập: Bình Minh

Thời gian: 10.06.2011

Địa điểm: Cang Sơn Tịnh Tông Học Hội_Nhật Bản

 

Chư vị Pháp sư, chư vị đồng học, mời ngồi xuống. Mời quí vị xem Đại Thừa Vô Lượng Thọ Kinh Giải, trang 564, hàng thứ tư từ dưới đếm lên. Bắt đầu xem từ câu “thiên nhạc chi trung”.

“Thiên nhạc chi trung, dĩ vi diệu âm ca than Phật đức, thị biểu chư Bồ tát ư lễ cúng trung kiêm tu tán thán dã”

Đây là điều thứ ba trước trong mười đại nguyện vương của Bồ tát Phổ Hiền: “Lễ kính chư Phật, xưng tán Như lai”. Xưng tán ở đây còn gọi là tán thán. “Quảng tu cúng dường”, khi đến thế giới Cực lạc, gặp được Phật A Di Đà, các Bồ tát thường tu ba cách này.

“Phật đức giả, Như lai sở cụ chi công đức”. Đây là việc ca ngợi công đức của Phật. Đức Phật khi chưa thành Phật, ngài giống chúng ta, đều là phàm phu, ngài phát nguyện tu hành, tinh tấn không biếng nhác, và đã thành tựu vô lượng công đức trong quả vị của mình. Việc này chứng minh điều đức Phật nói trong kinh: “Tất cả pháp đều do tâm sinh”, “chế tâm nhất xứ vô sự bất biện”, người xưa thường nói: “nhất môn thâm nhập, trường thời huân tu”, mới có thể thành công. Những người bình thường như chúng ta ít có tâm nhẫn nại, tu ít hôm, hoặc vài ba năm bèn mong công đức thành tựu, chẳng những không thể, mà cách dùng tâm của hàng phàm phu cũng không đúng. Quí vị nghĩ thử xem, phàm phu dùng tâm nào? Tâm vọng tưởng, tâm tự tư tự lợi, tâm gấp gáp tranh công, tất cả đều sai lầm. Người tu hành thực sự dụng tâm chân thành, không nghĩ đến quả báo sẽ ra sao, họ không suy nghĩ về vấn đề này. Đúng như câu: “chỉ lo chăm bón, không nghĩ thu hoạch”. Khi nào thành tựu, có thành tựu hay không, không quan trọng, đúng lúc nó sẽ tự thành tựu. Vả lại công đức trang nghiêm khi thành tựu, tất cả đều nằm ngoài ý muốn của bản thân, bản thân họ chưa bao giờ nghĩ đến điều đó. Nguyên nhân gì vậy? Nguyên nhân từ lòng chí thành cảm thông. Ngày nay chúng ta thiếu mất lòng chí thành, mới tu mấy bữa đã mong có ngay kết quả, đâu dễ dàng như thế! Tất cả đều do chúng ta sai lầm khi dụng tâm, còn trách Phật Bồ tát không linh. Vì thế phần lớn người tu hành đi ngược lại với đường tu chứ không phải đi trực diện. Kết quả đó là gì? Khổ báo trong tam đồ, tất cả đều đi về đó. Bồ tát chỉ có một suy nghĩ, đó là vì chúng sanh, không lúc nào nghĩ về bản thân. Còn chúng sanh như chúng ta, coi như không tệ, tất cả khởi tâm động niệm đều vì chúng sanh, nhưng trong ý niệm vì chúng sanh vẫn còn trộn lẫn lợi ích của riêng mình, như thế là sai lầm, nó sẽ phá hỏng công đức thanh tịnh, nên hiệu quả đạt được không cao. Bởi thế học Phật không thể không đọc kinh, học kinh điển cốt yếu là ở chỗ thành tâm, tâm cung kính, tâm thiết tha để thấy được việc dụng tâm của chư Phật Bồ tát, phương pháp tu tập và tâm thái của các ngài. Khi đã hiểu được thì chúng ta sẽ học tập dần dần. Nếu không hiểu rõ thì chúng ta sẽ học tập ra sao. Vì thế đọc kinh, nghe giảng, điều kiêng kị nhất là cỡi ngựa xem hoa.

Quí vị xem học sinh ở một số trường ngày nay, khi lên lớp quan sát thái độ của họ: hời hợt! Đa phần là như thế. Không thấy học sinh nào thực sự định tâm, chăm chú vào lớp học, không thấy. Tâm họ tâm vọng động. Nghe một tiếng động nhỏ ngoài giảng đường, tất cả mọi học sinh đều quay đầu nhìn ra, tâm hồn đều bay hết đi đâu. Những học sinh như thế làm sao thành công được.

Chúng ta đọc sách cổ ngày xưa, Trịnh Huyền- một nhân vật trong Hán thư, quí vị xem truyện kí của Trịnh Huyền, đây là một nhà Nho lớn đời Hán. Thuở nhỏ cầu học, thầy của ông là Mã Dung, vừa là học giả, vừa quan lớn đời Hán, tương đương cấp bộ ngày nay, nhưng rất thích dạy học. Trịnh Huyền là học trò của ông quan này, theo ông học ba năm. Mã Dung là người thích dạy học và rất thích nghe nhạc. Âm nhạc ngày đó không giống như bây giờ có truyền hình, phát thanh, không có những phương tiện này, cũng không có đĩa nhạc, làm thế nào? Sau bục giảng của ông có bức màn, phía sau bức màn đó là một đội nhạc công, nam nữ luyện tập nhạc trong đó, ông vừa dạy học vừa thưởng thức âm nhạc. Quí vị nghĩ xem những học sinh lên lớp, có ai là người không muốn xem phía sau bức màn? Nhưng có Trịnh Huyền, đã ba năm chưa bao giờ để mắt đến đó, Mã Dung đã phát hiện ra điều này, tất cả những kiến thức ông truyền đạt Trịnh Huyền đều học hết. Ông có tính ghen ghét, biết đứa học trò này về sau sẽ hơn mình, thầy giáo vẫn có tâm đố kị với học trò, ông là người có học vấn, được xem là có đạo đức, nhưng chưa đoạn được tập khí này. Muốn đứa học trò này, sau ba năm, sau khi học xong ba năm sẽ cho về. Ngày hôm sau, họ đi đến một trạm nghỉ, đích thân thầy giáo đến cách đó mười dặm để tiễn học trò, đến trạm nghỉ cách đó mười dặm để tiễn chân, mang theo cả rượu thịt, bảo mỗi học trò mời anh này mỗi người ba ly, hơn một trăm học trò. Trịnh Huyền đã uống đến ba trăm ly rượu, câu chuyện ba trăm ly là có thật, không phải giả. Câu chuyện này xuất hiện từ Trịnh Khương Thành, lúc này Trịnh Khương Thành đã chia tay thầy giáo, thầy giáo làm cơm tiễn đưa học trò, ý của thầy giáo là gì? Chuốc cho say, không ngờ anh này là một tay ghê gớm, ba trăm ly rồi nhưng vẫn chưa thất lễ, thầy giáo phục sát đất. Vẫn chưa vừa lòng, dọc đường cho phục sẵn một tên sát thủ, muốn ám sát anh học trò này. Nhưng Trịnh Huyền là một người rất thông minh, anh ta đã tiên liệu mọi việc, đi khuất một đoạn, anh ta rẽ sang một con đường nhỏ mà đi. Đây là câu chuyện tôi nghe được từ cư sĩ Lí Bỉnh Nam. Nó nói lên một điều, lòng ghen ghét gây trở ngại rất lớn cho mọi người, ngay một người như thầy giáo kia hãy còn vướng. Lòng đố kị của con người ngày nay, quí vị có thể lí giải đó là chuyện rất bình thường, không có gì kỳ lạ. Khi đã hiểu rồi, ta nên cố gắng tránh xa, bất kể ở thời điểm nào, lúc nào cũng nên phòng ngừa, đừng để người khác sinh tâm đố kị. Khi đã sinh tâm đố kị, họ sẽ tìm cách hại quí vị, là tai họa tự thân quí vị chuốc lấy, đừng trách người khác, chúng ta phải nhận thức rõ điều này. Vì thế việc chúng ta khiêm tốn cung kính, ở đâu cũng khiêm nhường, đừng với lên chỗ cao quá. Đây cũng nói lên điều gì? Giáo hoá những chúng sanh trong thời hiện đại, con người ngày nay, tập khí ngạo mạn đã nặng nề ngay từ bé, không ai dạy dỗ, vì vậy tâm đố kị càng nguy hiểm, tâm tranh quyền đoạt lợi cực kì nặng nề.

/ 600