Tịnh Độ Đại Kinh Giải Diễn nghĩa
Tập 436
Chủ giảng: Tịnh Không Pháp Sư
Chuyển ngữ: Hạnh Chơn
Biên tập: Bình Minh
Thời gian: 04.06.2011
Địa điểm: Cang Sơn Tịnh Tông Học Hội_Nhật Bản
Chư vị pháp sư, chư vị đồng học, xin mời ngồi. Mời quý vị xem Đại Thừa Vô Lượng Thọ Kinh Giải, trang 548, hàng thứ ba, bắt đầu xem từ kinh văn.
“Đông phương chư Phật sát, số như hằng hà sa, hằng sa Bồ Tát chúng, vãng lễ vô lượng thọ. Nam tây bắc tứ duy, thượng hạ diệc phục nhiên, hàm dĩ tôn trọng tâm, phụng chư trân diệu cúng”.
Đây là Đức Thế Tôn giới thiệu cho chúng ta, Bồ Tát trong biến pháp giới hư không giới quốc độ của chư Phật. Họ đến thế giới Cực Lạc đi tham bái, cúng dường, nghe pháp. Trong hai bài kệ này nói đến cúng dường.
Chúng ta xem chú giải: “Thủ ngôn”, mới mở đầu đã nói như vậy. “Đông phương hằng sa thế giới”, thế giới rất nhiều nhưng không cách nào hình dung được, dùng cát của song Hằng để làm ví dụ. Ấn Độ có một con sông, giống như Trường Giang của Trung Quốc vậy, dài mấy ngàn dặm. Cát của sông Hằng rất mịn, không giống với cát của chúng ta ở đây, giống như bột mì vậy. Tôi chưa đi, nhưng ở Đài Loan có vài pháp sư đến Ấn Độ tham quan, khi trở về mang về một bình nhỏ cát của sông Hằng cho tôi xem. Đích thực giống như bột mì vậy, thật mịn. Cát trong dòng sông Hằng này có bao nhiêu? Không đếm hết! Đây là ví dụ thế giới phương đông có rất nhiều cõi Phật. Khu vực giáo hóa của mỗi vị Phật, ít nhất là tam thiên đại thiên thế giới. Như Đức Thế Tôn vì chúng ta thị hiện, khu vực ngài giáo hóa chính là tam thiên đại thiên thế giới. Tam thiên thế giới bao lớn? Các bạn học Phật đều biết, trong kinh Phật thường nói: lấy một núi Tu Di làm đơn vị. Những tinh cầu xoay quanh núi Tu Di, đây chính là một đơn vị thế giới. Đơn vị thế giới như vậy có một ngàn cái, đây gọi là tiểu thiên thế giới. Một ngàn cái là một đại tinh hệ. Lại lấy tiểu thiên thế giới làm đơn vị, tập trung một ngàn tiểu thiên thế giới gọi là trung thiên thế giới. Lại lấy trung thiên thế giới làm đơn vị, tập hợp một ngàn trung thiên thế giới, đây gọi là đại thiên thế giới, đây là khu vực giáo hóa của một vị Phật. Vì nó có tiểu thiên, trung thiên, đại thiên. Đây là nói cấu thành, sự cấu thành này của nó gọi là tam thiên đại thiên thế giới. Tam thiên đại thiên thế giới trên thực tế là một đại thiên thế giới. Một đại thiên thế giới do tam thiên tổ hợp thành. Trong này có bao nhiêu tinh cầu? Các vị pháp sư đời trước, lúc đó chúng tôi mới xuất gia, nghe các hòa thượng giảng kinh đều cho rằng đây là thái dương hệ. Thái dương hệ là một đơn vị thế giới, chúng ta đối với việc này cũng không cách nào truy cứu được.
Sau khi tôi quen cư sĩ Hoàng Niệm Tổ, vị cư sĩ này là học khoa học, dạy điện vô tuyến trong trường đại học. Ông nói với tôi, ông nói trên thực tế đơn vị thế giới này không phải thái dương hệ. Anh thử nghĩ xem, trong kinh đức Phật nói rất rõ ràng, mặt trời mặt trăng chạy quanh eo núi Tu Di, vận hành quanh trung gian của núi Tu Di. Ông nói thái dương hệ vây quanh là hệ ngân hà. Điều này nói rất có lý, trung tâm của hệ ngân hà, bây giờ các nhà khoa học thăm dò được là một động đen rất lớn. Dự ngôn của Maya nói sang năm chính là ngân hà đối tề, thiên tượng này cũng không dễ gặp được. Trung tâm của ngân hà là một hắc động, cùng với thái dương, địa cầu xếp thành một đường thẳng, đại khái là hơn hai mươi ngàn năm mới có một lần. Lần này chúng ta đã gặp được, chính là sang năm. Hắc động trong ngân hà có lực dẫn rất lớn, nên hiện tại họ đều sợ thảm họa này. Lực dẫn của hắc động này sẽ ảnh hưởng đến mặt trời, khiến bão của mặt trời tăng cao, nghĩa là nâng cao tốc độ.
Bão mặt trời, điều này rất nhiều năm trước đã biết, ở thời thượng cổ, trong Lễ Ký đều nói đến thái dương hắc tử, thái dương hắc tử thật ra chính là bão của mặt trời. Nó có chu kỳ, cứ 11 năm là một chu kỳ, chúng ta nhìn thấy một lần bão mặt trời, bão rất lớn. Cơn bão này đến địa cầu cần khoảng ba ngày, thời gian hai ba ngày nên đối với địa cầu ảnh hưởng không lớn. Cùng lắm là điện vô tuyến, khi điện có thể bị nhiễu một chút mà thôi. Nhưng có một lần, nhà thiên văn học có ghi chép, có một lần chỉ một tiếng rưỡi đồng hồ đã đến, tốc độ này quả thật đáng sợ. Đích thực là có ghi chép một lần như vậy, một tiếng rưỡi là đến.
Nếu hắc động của hệ ngân hà có dẫn lực lớn như vậy, sẽ làm cho bão mặt trời tăng cao đến mấy lần, điều này rất phiền phức, nó sẽ tạo thành tai họa đối với địa cầu. Đầu tiên các nhà khoa học biết, trên địa cầu người phát xạ, tạo vệ tinh đều bị phá hủy hết, nghĩa là điện tín của chúng ta sẽ bị quấy nhiễu. Ngoài ra là sợ điều gì? Sợ quấy nhiễu quỹ đạo của địa cầu, quấy nhiễu từ cực, nghĩa là từ trường của Nam bắc cực, sợ quấy nhiễu điều này. Những thứ này đem lại thảm họa rất lớn cho địa cầu. Cho nên dự ngôn của Maya là nói về vấn đề này. Phải chăng thật sự sẽ tạo thành thảm họa lớn như vậy?