Tịnh Độ Đại Kinh Giải Diễn Nghĩa
Tập 435
Chủ giảng: Tịnh Không Pháp Sư
Chuyển ngữ: Hạnh Chơn
Biên tập: Minh Tâm
Thời gian: 04.06.2011
Địa điểm: Cang Sơn Tịnh Tông Học Hội_Nhật Bản
Chư vị pháp sư, chư vị đồng học, mời ngồi xuống. Mời quý vị xem Đại Thừa Vô Lượng Thọ Kinh Giải, trang 547, bắt đầu xem từ tựa đề của phẩm này.
“Lễ Cúng Thính Pháp Đệ Nhị Thập Lục”. Đầu tiên Hoàng Niệm Tổ giới thiệu đơn giản về tựa đề của phẩm này. Phẩm này có tên là lễ cúng thính pháp. Lễ cúng nghĩa là chư đại Bồ Tát trong mười phương thế giới, đến thế giới Cực Lạc, lễ bái cúng dường Phật A Di Đà. Thính pháp nghĩa là, Phật A Di Đà nghĩ về những người đã đến, nên vì họ mà tuyên diễn diệu pháp, chư đại Bồ tát trong mười phương đều hoan hỷ lắng nghe.
Đại ý của phẩm này đã giới thiệu một cách đơn giản. Ở đây chúng ta thấy rõ ràng rằng, thế nào là Phật pháp. Khi Đức Thế Tôn còn tại thế, Phật pháp chính là như vậy, đến thế giới Cực Lạc cũng vẫn là như vậy. Cho đến đạo tràng của mười phương ba đời tất cả chư Phật, đều là tương đồng không có ngoại lệ. Đây là dạy học, hiện nay chúng ta gọi là nhà trường.
Phật là thầy giáo, tu hành chứng quả đạt đến cảnh giới cứu cánh viên mãn. Bồ Tát tinh tấn không giải đãi, cũng đang cầu quả Phật viên mãn, nhưng chưa đạt được. Cho nên Chư Phật Như Lai là thầy giáo, Chư Bồ Tát, Thanh văn, Duyên giác là học sinh. Thanh văn là học sinh tiểu học. A la hán, Bích chi Phật là học sinh trung học. Bồ Tát là sinh viên đại học, đều là học sinh. Họ đến thế giới Cực Lạc để làm gì? Để nghe pháp, đến thỉnh giáo, nên Phật pháp là sư đạo, điều này cần nên biết.
Sau khi Đức Thế Tôn diệt độ, đệ tử của ngài đi khắp nơi để thúc đẩy công việc giáo dục này. Giáo dục điều gì? Chúng ta dùng nhãn quang thế tục để xem, là giáo dục phước đức, trí tuệ. Con người đều cầu phước cầu tuệ, nên Phật gọi là nhị túc tôn. Khi chúng ta đọc tam quy y, đọc “quy y Phật, nhị túc tôn”. Nhị ở đây chính là trí tuệ và phước báo, là hai loại này. Túc là đầy đủ, nghĩa là viên mãn không khiếm khuyết. Người học Phật phước báo không khiếm khuyết, trí tuệ không khiếm khuyết. Như vậy chúng ta biết đây là giáo dục gì.
Đệ tử Phật đi khắp nơi để đẩy mạnh phong trào giáo dục, có nơi tồn tại được một hai trăm năm, có nơi ba bốn trăm năm, sáu bảy trăm năm thì không còn. Duy nhất nhánh ở Trung hoa, chi phái này có thể duy trì gần 2000 năm, đây là nguyên nhân gì? Phật giáo chính thức truyền đến Trung hoa là năm 67 công nguyên, đến năm 2067 là tròn 2000 năm. Chúng ta phải lãnh hội được, phải quan sát được, Phật pháp là sư đạo. Sư đạo nhất định kiến lập trên cơ sở hiếu đạo, như vậy chúng ta sẽ hiểu, ngoài Trung hoa ra, các nơi trên toàn thế giới đều lơ là đối với hiếu đạo. Chỉ có người xưa coi trọng hiếu đạo, đặc biệt coi trọng hiếu đạo, nên dân tộc này, chư vị nên biết vĩnh viễn sẽ không diệt vong. Đạo lý gì? Bắt đầu từ hiếu để, gốc này quá thâm sâu. Toàn thế giới dân tộc nào lấy hiếu thân trung tín làm đầu?
Người xưa chú trọng hiếu để trung tín, ít nhất có hơn mười ngàn năm lịch sử. Ngày xưa chưa phát minh văn tự nên không có ghi chép, nhưng ta có lý do tin rằng, nó vượt qua mười ngàn năm. Trên lịch sử ghi chép, truy cứu về trước cũng chỉ có thể truy cứu đến Phục Hy Thị. Từ Phục Hy đến chúng ta hiện naylà 5500 năm. Nếu muốn tìm hiểu trước đó nữa thì phải xem khảo cổ. Khổng tử nói rất hay, đây là một người tập đại thành. Nghĩa là đem giáo huấn ngàn vạn năm của tổ tông, dùng văn tự ghi chép lại truyền cho hậu thế. Không phải Khổng tử tự nói, Khổng tử khiêm tốn là thật, những gì ông nói đều là sự thật, không phải lời khách sáo. Ông nói mình là: “thuật nhi bất tác”. Nghĩa là suốt đời ông không có phát minh, không có sáng tạo. Người hiện nay đều truy tìm cái mình phát minh sáng tạo, Khổng phu tử tương phản với chúng ta. Ông không phát minh, không sáng tạo. Nói cách khác, những gì ông học, những gì ông tu, những gì ông dạy và những gì ông truyền lại, toàn là giáo huấn của cổ thánh tiên hiền. Thái độ của ông đối với cổ thánh tiên hiền là: “tín nhi háo cổ”. Ông tin tưởng, không hoài nghi, thích giáo huấn của cổ nhân. Hơn mười ngàn năm này, các bậc tổ đức dạy chúng ta điều gì? Nhất định là tứ khoa, bốn khoa mục. Bốn khoa mục này rất đơn giản, đây là tính túy của truyền thống văn hóa xưa. Thứ nhất là luân lý_Ngũ luân. Ngũ luân chỉ có 20 chữ: “phụ tử hữu thân, phu phụ hữu biệt, quân thần hữu nghĩa, trưởng ấu hữu tự, bằng hữu hữu tín”. Quý vị xem 20 chữ này có thể truyền sai sao, truyền mười vạn năm cũng không thể truyền sai, rất đơn giản dễ nhớ, nhưng nếu quý vị học rồi sẽ có lợi ích vô cùng. Khởi tâm động niệm, ngôn ngữ tạo tác không rời tiêu chuẩn này.