/ 600
668

Tịnh Độ Đại Kinh Giải Diễn Nghĩa

Tập 426

Chủ giảng: Tịnh Không Pháp Sư

Chuyển ngữ: Trung Tấn

Biên tập: Bình Minh

Thời gian: 27.05.2011

Địa điểm: Phật đà giáo dục hiệp hội_Hongkong


Chư vị pháp sư, chư vị đồng học, mời ngồi xuống. Mời quí vị xem Đại Thừa Vô Lượng Thọ Kinh Giải, trang 437 hàng thứ 4 đếm từ dưới lên, xem từ câu “như ba việc này”.

“Như ba việc này gọi là tịnh nghiệp”. Chính là Quán kinh tam phước ở phía trước đã nói. Quán kinh tam phước gọi là tịnh nghiệp.

“Đức Phật nói với Vi Đề Hy: ngươi nay biết không? Ba loại nghiệp này chính là tịnh nghiệp chánh nhân của ba đời chư Phật trong quá khứ hiện tại vị lai”.

Câu này vô cùng quan trọng. Phật nói với Vi Đề Hy cũng chính là nói cho mọi người chúng ta, phu nhân Vi Đề Hy là đại diện của chúng ta. Chúng ta ngày nay có biết hay không?

Ba loại nghiệp này. Loại thứ nhất: “hiếu dưỡng phụ mẫu, phụng sự sư trưởng, từ tâm bất sát, tu thập thiện nghiệp”, đây là loại thứ nhất. Loại thứ hai: “thọ trì tam quy, cụ túc chúng giới giới, bất phạm oai nghi”. Loại thứ ba: “phát bồ đề tâm, thâm tín nhân quả, đọc tụng đại thừa, khuyến tấn hàng giả”. Ba loại nghiệp này chính là quá khứ hiện tại vị lai, đây là nói về ba đời, trong ba đời nhất định sẽ bao gồm mười phương. Hết thảy tịnh nghiệp chánh nhân của mười phương ba đời chư Phật. Nói cách khác, Bồ Tát muốn thành Phật, cần phải tu ba loại nghiệp này, ba loại tịnh nghiệp, hoặc giả là tu ba loại phước này. Nếu như không tu ba loại tịnh nghiệp chánh nhân này, thì họ không thể thành Phật. Đây là nói rõ ba loại tịnh nghiệp mà trong Quán Kinh đã nói. Công đức của nó bao gồm vô lượng vô biên pháp môn, tu bất kỳ một pháp môn nào đều phải lấy cái này làm nền tảng, lấy ba loại này làm nguyên tắc chỉ đạo cao nhất. Nói cách khác, chúng ta có thể nhận thức được, ba điều 11 câu này, chính là đã thực hành được đầy đủ vô lượng vô biên pháp môn. Tất cả các pháp môn tu cái gì? Chính là tu ba điều này, chỉ là phương pháp không giống nhau, con đường không tương đồng. Tất cả đều là tu ba loại tịnh nghiệp hoặc là ba loại phước này. Chúng ta đối với ba sự việc này nếu xem nhẹ, sơ ý, thì cả đời tu học này của ta không thể thành tựu. Không thể trách chư Phật Bồ Tát, cũng không thể trách kinh điển, mà nên trách chính chúng ta lơ là sơ ý. Đọc đoạn kinh này không thể thấu hiểu được, như trong khai kinh kệ nói, chúng ta lại đối lập là: không giải được nghĩa chân thật của Như Lai. Trong 11 câu 10 câu đầu là tự lợi, câu sau cùng là lợi tha, chỉ có tự lợi mới có thể lợi tha. Tự mình chưa có thành tựu thì làm sao có thể giúp người khác? Khi chúng ta thấy đức Phật dạy: “ba đời chư Phật chánh nhân tịnh nghiệp” Ta có thể không cảnh giác, có thể không giác ngộ sao?

Từ đoạn kinh này thì chúng ta biết, pháp môn niệm Phật trong Phật pháp đại thừa là ở địa vị nào? Tôi nghĩ các vị đều có thể hiểu được. Ở trong tất cả pháp môn đó là địa vị cao nhất, địa vị thù thắng nhất, địa vị không thể so sánh được. Gặp được pháp môn này, nếu có thể lí giải, có thể chân thật phát tâm tu hành, đó là công đức lợi ích thù thắng vô lượng vô biên không gì sánh được.

Phía dưới lại nói ba loại chúng sanh, đáng được vãng sanh. Hiển bày ra sự rộng lớn của pháp môn tịnh tông, không thể nghĩ bàn, chuyên tu có thể vãng sanh có thể thành tựu, không phải chuyên tu cũng có thể thành tựu. Đây mới thực sự hiển bày pháp môn thù thắng.

Lại nói: có ba loại chúng sanh đáng được vãng sanh, thế nào là ba? Ba loại nào?

Thứ nhất: “tâm từ không sát, đủ các giới hạnh”. Đây bao hàm hết tất cả Phật giáo. Bất luận tu học pháp môn nào đều phải trì giới, chỉ cần người có tâm từ không sát, đủ các giới hạnh, thì có thể đem công đức tu hành của họ hồi hướng cầu sanh tịnh độ, thì họ có thể vãng sanh. Nhưng không thấy nói đến phát bồ đề tâm? Thực sự tin tưởng pháp môn tịnh độ, thực sự tin tưởng đức Phật A Di Đà, thật muốn vãng sanh, đây chính là vô thượng bồ đề tâm, đó là lời dạy của Ngẫu Ích đại sư. Ở đây chúng ta thấy được tâm từ không sát, đây là tịnh nghiệp tam phước, câu thứ ba ở trong phước thứ nhất. Chúng ta ở đây tự nhiên nhận thức được, người không có lòng từ bi, làm tổn hại chúng sanh, không thể vãng sanh. Một ngày niệm mười vạn tiếng Phật hiệu cũng không thể vãng sanh, do vậy chúng ta cũng có thể nhận thức được, mỗi mỗi người ở thế giới tây phương Cực Lạc đều là từ bi, không có một người là không có lòng từ bi. Chúng ta tu tâm từ bi, lấy tâm từ để đối đãi với tất cả chúng sanh, thì biết đây là một đại sự vô cùng quan trọng, đây là tương ứng với thế giới Cực Lạc, tương ứng với phong tục tập quán của thế giới Cực Lạc, không thể không xem trọng, không thể không siêng năng học tập.

/ 600