Tịnh Độ Đại Kinh Giải Diễn Nghĩa
Tập 352
Chủ giảng: Tịnh Không Pháp Sư
Chuyển ngữ: Hạnh Chơn
Biên tập: Bình Minh
Thời gian: 30.03.2011
Địa điểm: Tịnh Tông Học Viện _Úc Châu
Chư vị pháp sư, chư vị đồng học, mời ngồi xuống. Mời quý vị xem Đại Thừa Vô Lượng Thọ Kinh Giải, trang 411, giữa hàng thứ bảy.
Từ “Nguỵ Dịch vi thiện tâm sanh yên”, chúng ta bắt đầu xem từ đây. Nguỵ Dịch là bản dịch của Khương Tăng Khải. “Thiện tâm sanh yên thiện sanh. Thiện tâm giả, dĩ tàm quý chi nhị pháp, cập vô tham đẳng chi tam căn, vi thiện chi tự tánh. Dữ chi tương ưng nhi khởi chi nhất thiết tâm. Tâm sở, danh viết thiện tâm”. Chúng ta xem đến đây.
Thiện ác là có tiêu chuẩn, tiêu chuẩn rất nhiều. Không thể dùng một tiêu chuẩn để đối đãi hay xử lý. Căn tánh của chúng sanh bất đồng, tạo nghiệp cạn sâu rộng hẹp cũng không giống nhau. Nên tất cả chúng sanh thọ báo đương nhiên cũng không tương đồng, đều căn cứ trên nghiệp lực. Mà nghiệp lực và thiện căn có quan hệ mật thiết. Tâm có thiện ác. Chư Phật Bồ Tát, thiên địa quỷ thần đích thực vô cùng từ bi, không muốn thấy chúng sanh chịu khổ. Tuy quả khổ này là cộng nghiệp của tất cả chúng sanh, tự làm tự chịu. Đặc biệt là chư Phật Bồ Tát, thật không nhẫn tâm nhìn thấy. Nên dùng chủng chủng phương tiện thiện xảo, hy vọng chúng sanh giác ngộ, quay đầu là bờ. Nếu thật không quay đầu thì không còn cách nào khác, thiên tai sẽ giáng xuống, cuối cùng thiên tai giáng xuống. Tôi nghĩ không phải Phật Bồ Tát ở đó chỉ huy đâu. Không phải. Đó là gì? Là nghiệp cảm. Phản ứng tự nhiên của nghiệp lực. Thiên tai này chính là nghiệp lực chiêu cảm. Không liên quan đến chư Phật Bồ Tát hay thiên địa quỷ thần. Điều này mới thật đáng sợ.
Chúng ta ở bên vách núi hét lên một tiếng dài, lập tức sẽ có hồi âm. Hồi âm này là nghiệp cảm. Thiện là việc tốt, cũng là phản ứng. Có rất nhiều chư Phật Bồ Tát tuỳ hỷ gia trì. Nghiệp bất thiện, như đại thiên tai giáng xuống, chư Phật Bồ Tát đều rơi nước mắt. Không thể đưa tay, không cách nào giúp đỡ. Chúng sanh chỉ có trong tình hình này, trong tình huống này mới có thể đem tập khí nghiệp đã tạo của mình tiêu trừ. Nên tôi thường nói, ba đường ác không phải là nơi xấu. Ba đường ác là nơi tiêu trừ nghiệp chướng của chúng sanh. Như vậy ba đường thiện cũng cùng một đạo lý, chúng sanh tu rất nhiều phước báo, đây là chỗ tiêu trừ phước báo. Việc tốt thật sự, không tạo nghiệp thiện ác là tốt nhất.
Phật Bồ Tát và thánh hiền trong thế xuất thế gian đều dạy chúng ta đoạn ác tu thiện. Đoạn ác tu thiện là nói về việc, việc phải làm, không thể có tâm. Có tâm là tạo nghiệp. Không có tâm, không có tâm gọi là tịnh nghiệp. Tịnh nghiệp không có quả báo, quả báo của tịnh nghiệp là ở thế giới Cực Lạc. Cửa của thế giới Cực Lạc vô cùng rộng lớn, không có biên giới. Đại nguyện của Phật Di Đà là tiếp dẫn tất cả chúng sanh đến thế giới Cực Lạc để làm Phật. Quý vị xem, hiện nay chúng sanh trong ác đạo niệm Phật vãng sanh, chúng ta thấy súc sanh niệm Phật vãng sanh. Cây cỏ hoa lá, hoa có hoa thần, cây có thần cây.
Trong kinh Hoa Nghiêm nói có mấy mươi loại thần. Họ nghe pháp nghe kinh niệm Phật, cũng cầu vãng sanh thế giới Cực Lạc. Quỷ thần càng không cần phải nói. Nên tâm thiện là rất quan trọng. Con người có tàm quý, nên khi làm việc bất thiện thì lương tâm bất an. Nhưng việc đã làm, đây là thiện tâm sở nên họ có hối hận. Họ có thể sám hối, có thể sửa đổi. Tâm tàm quý sanh khởi, sợ dư luận chỉ trích, sợ người khác phê phán. Do vậy không dám làm việc xấu, thường sợ dư luận đàm tiếu.
Hiện nay thế gian rất loạn, dư luận cũng loạn. Tiêu chuẩn thiện ác không còn. Điều này rất phiền phức. Điều này chiêu cảm lên đại thiên tai. Phải chăng có đại thiên tai khắp trên toàn thế giới? Không phải. Khu vực có phước báo, nghĩa là khu vực này người có phước báo nhiều, thì khu vực này sẽ không có thiên tai. Hoặc là khu vực này thiên tai rất nhỏ, không có thiên tai nghiêm trọng. Nếu người ở đây không có phước báo, tạo nghiệp nặng thì nơi này sẽ có thiên tai lớn. Điều này chúng ta không thể không biết.
Hiểu được đạo lý này, thấu suốt chân tướng sự thật, nhất định phải đoạn ác tu thiện. Thiện tâm là chúng ta vốn có_bổn thiện, người nào không có thiện tâm? Vì sao thiện tâm lại mất đi? Vì lạc mất tự tánh. Mê ở đâu? Mê ở chỗ cho rằng, thân này là ta, do đó mê trong tự tư tự lợi, mê đối với danh văn lợi dưỡng, mê với ngũ dục lục trần, mê những điều này. Lương tâm không còn, ở đây rất nhiều nhân tố, nhưng mê là nguyên nhân căn bản. Mê nên không tin Phật Bồ Tát. Đối với giáo huấn của Thánh hiền, chẳng những không thể tiếp thu mà còn cực lực bài xích, cho rằng: những điều này là mê tín theo lối phong kiến, là một loại thủ đoạn ngược đãi nhân dân của người xưa_Họ dùng cách nói này. Chính mình không tiếp nhận, còn muốn tất cả chúng sanh đều không tiếp nhận. Như vậy thì vùng này sẽ có đại thiên tai.