/ 600
560

Tịnh Độ Đại Kinh Giải Diễn Nghĩa

Tập 351

Chủ giảng: Tịnh Không Pháp Sư

Chuyển ngữ: Hạnh Chơn

Biên Tập: Bình Minh

Thời gian: 30.03.2011

Địa điểm: Tịnh Tông Học Viện _Úc Châu

 

Chư vị pháp sư, chư vị đồng học, xin mời ngồi. Mời quý vị xem Đại Thừa Vô Lượng Thọ Kinh Giải, hàng cuối cùng trang 409. Đoạn này tuy đã giảng, nhưng vì nó quá quan trọng, cũng quá ưu việt, nên chúng ta ôn tập một chút.

“Hựu tiểu bổn y chánh nhân quả giai bất khả tư nghị. Sớ sao viết, y vị đồng cư tức tịch quang”. Đây là y báo. Chánh báo nói “ứng thân tức pháp thân”, “nhân vị thất nhật công thành, quả vị nhất sanh bất thoái”. Đây là Liên Trì đại sư nói Tịnh độ y chánh nhân quả, thật sự nói đến tột cùng. Trong mười phương thế giới tìm không thấy, chỉ có trong cõi Tịnh độ của Phật Di Đà. Nên chư Phật tán thán Phật A Di Đà là “quang trung cực tôn, Phật trung chi vương”. Sự tán thán này không quá đáng, Tán thán như vậy khiến chúng ta thật sự nhận thức Tịnh độ. Biết được Tịnh độ là thù thắng đệ nhất trong đại thừa. Kinh Hoa Nghiêm, Pháp Hoa đều không thể sánh được.

Kinh Hoa Nghiêm và Pháp Hoa cũng là một đời thành Phật. Bảy ngày được hay không? Chắc chắn làm không được. Kinh Di Đà bảy ngày thành Phật, điều này chỉ có trong kinh Di Đà. Đứng về quả mà nói thì suốt đời không thoái chuyển. Tất cả chư Phật Như Lai trong khi giáo hoá, một đời bất thoái chỉ có vị bất thoái. Bồ Tát minh tâm kiến tánh hành bất thoái, niệm bất thoái. Nhưng thế giới tây phương Cực Lạc, mặc dù sanh đến cõi phàm thánh đồng cư hạ hạ phẩm, cũng là viên chứng tam bất thoái. Do đó tây phương tịnh độ vượt qua kinh Hoa Nghiêm và Pháp Hoa, cũng chính là vượt qua thế giới Hoa Tạng. Nếu chúng ta không có nhận thức này, thì đối với thế giới Cực Lạc không có tâm mong cầu. Chúng ta dùng tâm bình thường để xem nó, như vậy là sai.

Cơ duyên đời này ngay trước mắt bị bỏ lỡ qua, quý vị nói có đáng tiếc hay không! Trong cõi Tịnh độ của Phật Di Đà, chúng ta từ Vãng Sanh Luận và Tịnh Độ Thánh Hiền Lục, từ người niệm Phật vãng sanh trong thời cận đại, chúng ta quan sát tỷ mỷ. Thông thường, chính là phổ thông. Thông thường phải cần bao nhiêu thời gian mới thành tựu? Chúng ta thấy phải vượt trên một nửa số. Điều này có thể làm đại biểu, có thể làm tượng trưng, có thể làm chứng cứ khoa học. Ba năm có thể thành công. Cư sĩ Hoàng Trung Xướng 30 tuổi là thành tựu. Nghe tôi giảng kinh, ông ta đã phát nguyện làm thí nghiệm. Nhập thất ba năm xem có thể thành công hay không. Ông bế quan ở Thẩm Quyến. Hai năm mười tháng, còn thiếu hai tháng đầy ba năm. Ông ta đã biết trước giờ vãng sanh. Là thật không phải giả. Trong nửa thế kỷ gần đây, mới bắt đầu cũng có một vài người tu hành chân chánh trú thế. Như hoà thượng Đế Nhàn, hoà thượng Hư Vân, pháp sư Hưng Từ.

Lão pháp sư Đế Nhàn là người tu hành chân chánh. Đệ tử của họ cũng tu hành tinh tấn, như đệ tử của Đế Nhàn là pháp sư Đàm Hư, pháp sư Tịnh Quyền. Thật sự có thể gọi là truyền nhân của Thiên Thai, tiếp tục huệ mạng của Phật. Trong đệ tử xuất gia và tại gia của họ, có người niệm Phật vãng sanh đoan tướng hy hữu. Điều này đã chứng minh cho chúng ta. Trong Ảnh Trần Hồi Ức Lục có hơn mười người. Nhân không khó, rất dễ nhưng quả vô cùng thù thắng. Tất cả pháp môn đều không thể sánh bằng, đến đâu để tìm!

Trong Yếu Giải Ngẫu Ích Đại sư nói về năm loại không thể nghĩ bàn. Thứ nhất là nói về tu nhân. “Hoành siêu tam giới, bất kỳ đoạn hoặc”. Ngay trong nhân đạo trực tiếp vãng sanh về tây phương tịnh độ. Đây gọi là hoành siêu. Không cần từng bậc từng bậc tiến lên. Từ cõi người nâng cao đến cõi trời dục giới, rồi tiếp tục nâng cao đến cõi trời sắc giới, nâng cao tiếp đến trời vô sắc giới. Và nâng cao hơn nửa đến Thanh văn, Duyên giác, Bồ Tát, Phật. Đây gọi là đi lên theo cột dọc. Giống như lên lầu vậy, từng tầng từng tầng đi lên. Ra khỏi mười pháp giới. Đường đi của các pháp môn đều dùng cách này. Nên cần thời gian rất dài để đoạn phiền não mới có thể nâng cao cảnh giới, phiền não chưa đoạn thì không thể nâng cao. Duy nhất chỉ có pháp môn này mới không cần đoạn hoặc. Nhất phẩm phiền não chưa đoạn cũng có thể vãng sanh, cũng có thể vượt lên tam giới là dục giới, sắc giới, vô sắc giới.

Tam giới chính là lục đạo luân hồi, những đã vượt ra khỏi. Thực tế mà nói luân hồi lục đạo quá khổ nhưng vẫn còn lưu luyến, như vậy thật sự gọi là mê hoặc điên đảo đến nổi không biết đúng sai. Tâm lượng phải lớn, không thể tự tư tự lợi. Thật sự phải cần có duyên. Trái tim của Phật A Di Đà là như vậy, nguyện tất cả chúng sanh đều thành Phật. Không những là hữu tình chúng sanh, mà bao gồm cả vô tình chúng sanh như cây cỏ hoa lá, sơn hà đại địa. Trong kinh Hoa Nghiêm nói, hữu tình và vô tình đều viên thành chủng trí. Trên thân Phật A Di Đà chúng ta nhìn thấy, tôi nhìn thấy các bạn đồng học có thể buông bỏ thành kiến của mình để tuỳ thuận người khác, đây là việc tốt. Đây là một việc rất khó. Đây là tiến bộ rất lớn đối với người niệm Phật tu hành. Không kiên trì theo ý mình, người khác nói như thế nào cũng được, tuỳ thuận tất cả. Nhưng còn căn bản, căn bản là tôi, chấp thân này là tôi, điều này rất khó buông bỏ, phải đi từng bước từng bước một. Thân không phải là tôi, thân này là công cụ của tôi. Tôi cần lợi dụng công cụ này, giúp tất cả chúng sanh phá mê khai ngộ. Công cụ này là công cụ tốt. Nếu dùng công cụ này để tạo ra tham sân si mạn, tạo ra danh văn lợi dưỡng, ngũ dục lục trần, như vậy thì công cụ này không tốt. Công cụ này đưa ta đến địa ngục A tỳ.

/ 600