/ 600
515

Tịnh Độ Đại Kinh Giải Diễn Nghĩa

Tập 344

Chủ giảng: Tịnh Không Pháp Sư

Chuyển ngữ: Liên Hải

Biên tập: Minh Tâm

Thời gian: 26.03.2011

Địa điểm: Tịnh Tông Học Viện _Úc Châu

 

Chư vị pháp sư, chư vị đồng học, mời ngồi xuống. Mời quý vị xem Đại Thừa Vô Lượng Thọ Kinh Giải, trang 393, chúng ta vẫn bắt đầu xem từ hàng thứ sáu, “khoan quảng bình chánh, bất khả hạn cực.” Ở đây vẫn giới thiệu môi trường ở Thế giới Cực Lạc. Hai câu này nói về đại địa. Ở phần giải thích, bốn câu trước rất quan trọng. “tâm tịnh độ tịnh, tâm bình địa bình, tâm địa bình đẳng, tắc đại địa bình chánh.” Ở đây nêu lên nguyên nhân đất đai bằng phẳng của thế giới Tây Phương, cũng chứng thực cho chúng ta rằng: tâm hiện thức biến, cảnh tùy tâm chuyển. Thế giới hiện nay của chúng ta tai họa càng ngày càng nhiều. Có một số người tính cảnh giác tương đối cao, trong điện thoại họ nói với tôi rằng: trong cảm xúc của họ, đại thiên tai dường như đã bắt đầu rồi. Người có tính cảnh giác cao, họ sẽ đem tài sản họ có được ra làm nhiều việc tốt, họ biết những thứ này không thể đem theo được. Thực sự họ có tính cảnh giác tương đối cao. Theo dự đoán, ngay cả nhà khoa học cũng như vậy, động đất, núi lửa, dịch bệnh sẽ ngày càng nhiều. Thiên tai cũng càng ngày càng nghiêm trọng. Thậm chí rất nhiều thiên tai lớn chưa từng xảy ra, dường như đột nhiên ập đến. Trong hoàn cảnh như vậy, chúng ta thật sự phải xem lúc này, nơi này là ngày cuối cùng trong cuộc đời của mình. Lời này, đã rất nhiều lần tôi nói với quí vị. Là thật không phải giả đâu. Hôm nay là ngày cuối cùng tôi ở trên thế giới này, tôi nhất định phải làm một số việc gì. Bản thân sẽ hiểu rõ. Không những không làm việc bất thiện, ý niệm bất thiện cũng không thể nghĩ, chúng tôi hi vọng một ngày hôm nay sẽ làm được việc thuần tịnh, thuần thiện.

Cổ Thánh tiên hiền có dạy chúng ta: “đạt đến nơi chí thiện”, điều này phải làm như thế nào? Nay chúng ta rõ ràng rồi. Không còn hoài nghi nữa, hoàn toàn khẳng định, không gì bằng niệm A Di Đà Phật. Vậy thời gian một ngày hôm nay của tôi, giờ giờ phút phút tôi đều không quên niệm Phật. Vậy là đúng rồi. Nếu như mỗi ngày đều coi đó là ngày cuối cùng, mỗi ngày đều giữ chặt câu niệm Phật này không buông, lúc thiên tai ập đến, chúng ta liền vãng sanh Thế giới Cực Lạc. Điều mong cầu trong lòng từ vô lượng kiếp đến nay, mục tiêu cuối cùng đã đạt được.

Bộ kinh này giới thiệu cho chúng ta hoàn cảnh ở Thế Giới Tây Phương Cực Lạc. Mấy câu này là hoàn cảnh địa lý, nó có liên quan mật thiết với tâm niệm, tâm niệm là nhân; trang nghiêm đẹp đẽ không gì sánh được là quả báo. Cho nên tâm phải thanh tịnh, tâm phải bình đẳng. Tên của bổn kinh này là Thanh Tịnh Bình Đẳng Giác. Tôi thường nói: chúng ta quả nhiên đạt được tâm thanh tịnh. Tâm thanh tịnh tương đối dễ đạt được. Chỉ cần một câu niệm Phật này tôi niệm niệm liên tục, tâm liền thanh tịnh. Tâm thanh tịnh nhất định sanh Thanh Tịnh Độ, cõi Phàm thánh đồng cư. Tâm bình đẳng tức là lên cao thêm một bậc. Tâm bình tức địa bình, sanh về cõi phương tiện hữu dư. Đại triệt đại ngộ, minh tâm kiến tánh, sanh về cõi Thật báo trang nghiêm. Nhân quả này phải tin tưởng. Điều cuối cùng trong “Tịnh nghiệp tam phước” là “thâm tín nhân quả”, tức là tin tưởng nhân quả này, không phải là nhân quả thông thường. Niệm Phật nhất định được sanh Tịnh Độ, đó là nhân quả. Được sanh Tịnh Độ, một đời chắc chắn thành Phật. Làm cho chúng ta tin tưởng nhân quả này.

Vãng Sanh Luận kệ viết: cứu cánh như hư không, quảng đại vô biên tế. Đây là nói về thế giới Tây phương. Hoàn cảnh của đại địa rộng rãi không thể hạn cực. Không thể hạn cực, tức là nó không có số lượng. Đạo lý này người thông thường rất khó hiểu được. Chúng ta học Phật nếu như mấy chục năm nay không gián đoạn, nghe qua Hoa Nghiêm, nghe qua Lăng Nghiêm, nghe qua Kinh Vô Lượng Thọ, quí vị sẽ không hoài nghi. Trong tự tánh không có đối lập, không có lớn nhỏ, lớn nhỏ là giả, xa gần là giả, trước sau là giả. Những thứ này đều là chư Phật Bồ Tát tùy thuận tục đế mà nói. Tùy thuận chư Phật Bồ Tát mà nói, đó là chân đế.

Rộng rãi bằng phẳng, không thể hạn cực, đó là tùy thuận thánh đế mà nói. Là cảnh giới chư Phật Bồ Tát thân chứng. Những Bồ Tát này là pháp thân Bồ Tát. Bồ Tát thường không nhìn thấy được. Chúng ta bình thường tu hành, có nên chú ý tâm tịnh tâm bình hay không? Tâm muốn thanh tịnh thì không thể chấp trước, tâm muốn bình đẳng thì không thể phân biệt. Lìa phân biệt chấp trước, tâm thanh tịnh, tâm bình đẳng sẽ đạt được. Nhất định phải hiểu được tất cả pháp thế gian đều không phải là thật. “Phàm sở hữu tướng, giai thị hư vọng”, “pháp còn phải bỏ, huống là phi pháp”. Pháp là Phật Pháp, phi pháp là những pháp thế gian được nói. Pháp thế gian xuất thế gian đều không nên chấp trước, không nên phân biệt, như vậy là đúng rồi. Quí vị mới có thể cảm ứng được Tịnh Độ của Thế giới Cực Lạc.

/ 600