Tịnh Độ Đại Kinh Giải Diễn Nghĩa
Tập 324
Chủ giảng: Tịnh Không Pháp Sư
Chuyển ngữ: Hạnh Chơn
Biên tập: Bình Minh
Thời gian: 14.03.2011
Địa điểm: Tịnh Tông Học Viện Úc Châu
Chư vị pháp sư, chư vị đồng học, xin mời ngồi xuống. Mời quý vị xem “Đại Thừa Vô Lượng Thọ Kinh Giải”, hàng thứ ba trang 382.
“Đệ nhị thập cửu phẩm mạt phục vân, Vô Lượng Thọ Phật ân đức bố thí bát phương thượng hạ. Vô cùng vô cực, thâm đại vô lượng, bất khả thắng ngôn”. Đoạn nhỏ kinh văn này nói Phật A Di Đà, Vô Lượng Thọ Phật chính là phật A Di Đà. Bố thí ân đức tám phương trên dưới, chính là mười phương. Tức là bố thí mười phương. Trong kinh Phật nói có ba loại bố thí.
Thứ nhất là bố thí tài. Phật A Di Đà kiến lập thế giới tây phương Cực Lạc y chánh trang nghiêm. Đây là bố thí tài đối với mười phương thế giới, tiếp dẫn tất cả chúng sanh có duyên trong mười phương. Có duyên này cần phải chú ý. Đối với pháp môn này, năng tín, năng giải, năng hành, năng chứng đều là chúng sanh có duyên. Trong bốn loại chúng sanh có duyên, thì loại cuối cùng là năng chứng. Năng chứng chính là quyết định vãng sanh, gọi là chúng sanh căn cơ thuần thục. Vì sao? Trong đời này của họ nhất định được vãng sanh tịnh độ, căn cơ đã chín mùi. Ngoài ra như năng tín, năng giải, họ không muốn đến thế giới Cực Lạc. Còn năng hành thì đối với tình chấp trong thế giới ta bà không buông xả được, nên không thể vãng sanh, không thể vãng sanh nhưng Phật A Di Đà cũng vẫn gia hộ đến.
Vì sao? Bởi gặp được pháp môn này khẳng định có lợi ích, giúp đỡ những chúng sanh có duyên nâng cao cảnh giới. Chỉ cần trong đời này, bất luận là địa vị nào, nam nữ già trẻ, các ngành các nghề, thật sự có thể tin phát nguyện cầu sanh tịnh độ, thì nhất định trong quá khứ đều có nhân duyên rất sâu. Chắc chắn là không ngừng cúng dường, một vị Phật, hai vị Phật, ba bốn năm vị Phật. Như trong kinh Bát Nhã nói: “dĩ tằng cúng dường vô lượng chư Phật”. họ có thiện căn phước đức thâm hậu lớn lao như thế. Trong đời này “nhất thân cận” chính là sanh tâm hoan hỷ. Điều này thật không thể nghĩ bàn. Pháp môn này ở Trung quốc được truyền bá rất thịnh, khoảng một nghìn bảy trăm năm.
Đại Sư Huệ Viễn thời Đông Tấn, ở Lô Sơn Giang Tây kiến lập Liên Xã. Đó chính là chi nhánh cơ cấu của Phật A Di Đà. Trên địa cầu cũng có một nơi để tiếp dẫn, có một điểm để tiếp dẫn. Đây đều là thuộc bố thí tài. Đức Phật ở thế giới Cực Lạc, mỗi ngày đều giảng kinh dạy học gọi là bố thí pháp. Vãng sanh đến thế giới tây phương Cực Lạc, thọ mạng vô lượng, nhất định thành Phật. Hoàn cảnh ở đó, dưới sự che chở của oai thần 48 nguyện, nên không sanh phiền não, đây gọi là bố thí vô uý.
Quý vị xem, nếu đầy đủ ba loại bố thí này, thì thế giới Cực Lạc cũng vậy, mà chi nhánh cơ cấu cũng không ngoại lệ. Chúng ta ở nơi thế gian này, Tịnh độ tông thịnh hành ở Trung quốc một ngàn bảy trăm năm này. Thường dựa vào những kinh điển, điều này trong lịch sử ghi chép. Thời Ngài Huệ Viễn là dựa vào kinh Vô Lượng Thọ. Ở Trung quốc kinh Vô Lượng Thọ phiên dịch sớm nhất, rất có thể là bản của ngài An Thế Cao. Đáng tiếc bản này đã bị thất truyền. Trong mục lục của Kinh tạng có, nhưng sách thì không có.
Từ Đông Hán, lúc phiên dịch kinh là thời Đông Hán cho đến thời nhà Tống là 800 năm. Kinh Vô Lượng Thọ có mười hai lần phiên dịch, nó được dịch nhiều nhất trong tất cả các kinh. Người đời sau chứng minh Đức Thế Tôn lúc tại thế đã nhiều lần tuyên thuyết kinh này. Đây là điều rất thù thắng. Lúc Thế Tôn còn tại thế, ngài giảng kinh thường chỉ giảng một lần, không lặp lại lần thứ hai. Nhưng đặc biệt Kinh Vô Lượng Thọ nhiều lần tuyên giảng. Cuối cùng giảng bao nhiêu lần thì chúng ta không thể xác định. Nhưng từ bây giờ trong đại tạng kinh bảo tồn năm loại bản dịch. Nên chí ít là ba lần, ba lần tuyên giảng, còn bảy loại thất truyền chúng ta không biết. Cho nên ở đây khẳng định Đức Thế Tôn tuyên giảng nhiều lần kinh này, vì pháp môn này quá quan trọng.
Thế Tôn giảng kinh này, chính là giới thiệu cho chúng ta thế giới tây phương Cực Lạc. Mỗi lần tuyên giảng sâu cạn rộng hay tĩnh lược đều không hoàn toàn giống nhau, nhưng đa số là tương đồng. Lâu lâu cũng có vài chỗ sai biệt nhỏ, nhưng đều vô cùng quan trọng. Ngày xưa số lượng kinh sách lưu hành rất ít, không dễ gì gặp được. Nên nếu như tất cả bản dịch quý vị đều thấy hết, thì xem như quý vị đã nhìn thấy tướng mạo viên mãn của thế giới Cực Lạc. Nhiều bản dịch như vậy, quý vị đều có thể tìm thấy, và bày ra trước mắt, thì duyên phận này không dễ gì có được!