/ 600
616

Tịnh Độ Đại Kinh Giải Diễn Nghĩa

Tập 320

Chủ giảng: Tịnh Không Pháp Sư

Chuyển ngữ: Hạnh Chơn

Biên tập: Bình Minh

Thời gian: 12.03.2011

Địa điểm: Tịnh Tông Học Viện _Úc Châu

 

Chư vị pháp sư, chư vị đồng học, xin mời ngồi. Mời quý vị xem “Đại Thừa Vô Lượng Thọ Kinh Giải”, trang 376, hàng thứ 6 đếm từ dưới lên.

“Chí ư thuyết pháp giả thị hà thân”, chúng ta bắt đầu xem từ đoạn này. “Chí ư thuyết pháp giả thị hà thân. Cứ Di Đà Sớ Sao ý, thuyết pháp giả đương thị ứng thân, nhiên diệc kiêm báo. Như Quán Kinh vân lục thập vạn ức na do tha hằng hà sa do tuần chi thân. Tắc thị báo thân thuyết pháp. Sớ Sao hựu vân, hữu vị thuyết pháp thị ứng thân báo thân. Hữu vị tam thân tề thuyết, các tuỳ cơ kiến”.

Cách nói này rất hợp lý. Về mặt lý luận mà nói thì ba thân đều thuyết pháp. Đây là tiếp tục nói rõ về “kim hiện tại thuyết pháp”.

Phật A Di Đà thuyết pháp ở thế giới Cực Lạc, xưa nay chưa hề dừng nghỉ. Nếu quí vị muốn hỏi dùng thân nào để thuyết pháp? Mọi người đều biết Phật có ba thân là pháp thân, báo thân, ứng thân. Pháp thân không có tướng, nhưng nó có thể hiện tướng, có thể hiện tất cả tướng. Như Hoàn Nguyên Quán nói “xuất sanh vô tận”. Trong Pháp Bảo Đàn Kinh nói “năng sanh vạn pháp”. Đó là pháp thân. Pháp thân là pháp tánh, pháp tánh hiện tướng gọi là pháp tướng. Pháp tánh và pháp tướng là một không phải hai, giống như lấy vàng làm đồ trang sức, thì mọi thứ đều là vàng. Như vậy có thể nói tất cả hiện tượng đều là pháp thân Như Lai.

Quí vị phải đặc biệt chú ý hai chữ “Như Lai” này. Trong kinh điển đại thừa xưng chư Phật là từ tướng mà nói, xưng Như Lai tức là từ tánh mà nói. Nên chúng ta biết pháp tánh biến khắp mọi nơi, pháp tướng cũng không ngoại lệ. Pháp tướng chính là pháp tánh. Nên chúng ta có thể nói, tất cả pháp tướng đều là pháp thân của Như Lai. Ở đây dẫn chứng một câu trong Sớ Sao: “các tuỳ cơ kiến”. Câu này nói rất hay. Cũng có nghĩa là căn tánh của ta như thế nào, sẽ thấy hình tướng Chư Phật Bồ Tát không giống nhau.

Từ đó cho thấy, chúng ta có thể chứng minh cảnh tuỳ tâm chuyển. Tâm Bồ Tát nhìn thấy pháp thân là tướng Bồ Tát, là tướng Phật. Thiện tâm, tâm thanh tịnh nhất định thấy ứng thân, báo thân của Như Lai. Nếu là tâm tham sẽ thấy tướng ngạ quỷ. Tâm sân hận nhất định thấy tướng địa ngục. Không có tướng nhất định, tướng tuỳ theo ý niệm mà chuyển. Tâm như thế nào sẽ nhìn thấy tướng như thế đó. Đều là pháp thân Như Lai, đều là tự tánh biến hiện. Thông thường chúng ta thường hỏi về thế giới Cực Lạc, Thế giới Cực Lạc có tứ độ, có tam bối cửu phẩm. Mỗi cấp bậc không giống nhau nên nhìn thấy tướng Phật cũng không giống nhau. Thông thường nói, cõi phàm thánh đồng cư nhất định thấy ứng hoá thân. Cõi phương tiện hữu dư cũng là thấy ứng hoá thân. Tuy là ứng hoá thân, nhưng trong đó sự thắng liệt không tương đồng.

Bồ Tát trong cõi phương tiện thấy Phật A Di Đà, chắc chắn tướng thù thắng hơn cõi đồng cư nhìn thấy. Đây là đạo lý nhất định. Cõi thật báo nhất định thấy là pháp thân Như Lai. Trong Quán Kinh nói: “Phật hiện cao đại thân, lục thập vạn ức na do tha hằng sa do tuần chi thân”. Thân tướng này chúng ta không cách nào tưởng tượng được, quá cao lớn. Đây chắn chắn là Bồ Tát cõi thật báo thấy. Vì sao? Bởi trong cõi thật báo đều chứng được báo thân. Thân Phật A di Đà cao lớn như vậy, thân của mọi người cũng cao lớn như vậy, nên không có gì lạ. Họ thấy thực sự là thân bình đẳng. Cảnh giới này tuỳ theo trí tuệ, thần thông, đạo lực của mỗi người mà hiện ra tướng bất đồng. Nên đây là báo thân thuyết pháp.

“Sớ Sao hựu vân”. Sớ Sao là của Liên Trì Đại sư. “Hữu vị thuyết pháp thị ứng thân, báo thân”. Tất cả đều nói thông suốt. Trong mười pháp giới là ứng thân, cũng chính là cõi đồng cư và cõi phương tiện. Trong cõi thật báo khẳng định là báo thân. “Hữu vị tam thân tề thuyết”, điều này có thể nói được. Ba thân đều thuyết pháp, biến pháp giới hư không giới. Cổ nhân thường nói, sơn hà cho đến đại địa đều hiện thân Như Lai. Đó chính là pháp thân. Tất cả hiện tượng hiện ra, đều là giúp chúng sanh tiêu trừ nghiệp chướng, tăng trưởng trí tuệ, nâng cao cảnh giới. Vấn đề là ở chỗ chúng ta có biết như vậy hay không thôi.

Tục ngữ có câu: “Nội hàng khán môn đạo, ngoại hàng khán nhiệt náo”. Nội hàng chính là người biết, người biết thì nhìn tài năng. Ngoại hàng là người không biết, người không biết thì nhìn sự đông đúc. Mười pháp giới y chánh trang nghiêm, người không trong nghề chỉ là xem náo nhiệt, nhưng người trong nghề đều biết. Mười pháp giới y chánh trang nghiêm không có pháp nào không phải Phật pháp. Thành tựu chúng sanh tiêu nghiệp chướng, đoạn phiền não, khai trí tuệ, thành Phật đạo. Phải là người trong nghề mới có thể nhìn ra được.

/ 600