/ 600
452

Tịnh Độ Đại Kinh Giải Diễn Nghĩa

Tập 309

Chủ giảng: Tịnh Không Pháp Sư

Chuyển ngữ: Hạnh Chơn

Biên tập: Bình Minh

Thời gian: 01.03.2011

Địa điểm: Tịnh Tông Học Viện _Úc Châu

 

Chư vị pháp sư, chư vị đồng học, xin mời ngồi xuống. Mời quý vị xem “Đại Thừa Vô Lượng Thọ Kinh Giải”, trang 362, hàng thứ năm từ dưới lên bắt đầu xem từ câu cuối cùng.

“Xá Lợi Phất, thị vi chư Phật dĩ nhất đại sự nhân duyên cố, xuất hiện ư thế.” Trên đây nói chư Phật duy nhất một đại sự nhân duyên là khai thị ngộ nhập tri kiến của Phật mà xuất hiện ở đời. Trong kinh Pháp Hoa Đức Thế Tôn dạy rằng: tất cả chư Phật trong mười phương ba đời ứng hoá ở thế gian, cũng ứng hoá trong mười pháp giới. Do nguyên nhân gì? Chính là vì giúp chúng sanh phá mê khai ngộ, trong một đời chứng được quả Phật viên mãn. Đức Phật vì nhân duyên này mà đến thế gian. Như vậy chúng ta biết, Đức Phật đối với thế gian này không có gì mong cầu. Ngài chứng được chân như tự tánh. Trong tự tánh đầy đủ trí huệ tánh đức. Như vậy ngài còn mong cầu gì? Hoàn toàn là “vô duyên đại từ, đồng thể đại bi”. Chỉ là giúp chúng sanh lìa khổ được vui, ngoài ra không còn ý gì khác. Cũng không có bất cứ mục tiêu gì.

Người thế gian vô tri, cho rằng Chư Phật Bồ Tát ham danh háo lợi. Sai, hoàn toàn sai lầm. Chư Phật Bồ Tát sẽ không trách tội người đời. Vì sao? Ngài biết người đời không hiểu, mê mất tự tánh. Chấp trước thân này là ta. Từ cái ta sẽ sanh khởi tự tư tự lợi, sanh ra tham sân si mạn. Những thứ này đời đời kiếp kiếp liên tục tạo nghiệp. Ác nghiệp nhiều, thiện nghiệp ít. Đặc biệt là trong thời đại này, trong kinh điển của rất nhiều tôn giáo nói cho chúng ta về nhân quả. Tội giết người là nặng nhất. Mỗi tông giáo đều đặt điều này lên hàng đầu.

Trong năm giới của nhà Phật, điều thứ nhất là không sát sanh. Điều thứ nhất trong thập thiện cũng là không sát sanh. Giới Bồ Tát, Giới Tỳ Kheo đều đem giới không sát sanh để ở vị trí đầu tiên. Từ đó cho thấy nghiệp sát sanh rất nặng, tội nghiệp của địa ngục A tỳ. Hiện nay ở thế gian này nghiệp sát quá nặng. Không chỉ là giết súc sanh mà còn giết người. Điều này tự mình đã biết chứ không phải không biết. Quý vị chú ý, thử đi điều tra, đi hỏi xem. Ở thế gian này, mỗi ngày có bao nhiêu người phá thai. Đó là giết người. Quý vị sẽ biết xã hội này mỗi ngày giết bao nhiêu người!

Những người này không phải là người bình thường. Giữa con cái và cha mẹ có bốn loại nhân duyên. Báo ân, báo oán, đòi nợ, trả nợ. Không phải bốn loại nhân duyên này, thì sẽ không đầu thai đến gia đình mình. Chúng đến nhưng quý vị đã giết họ. Họ đến để báo ân, thì ân biến thành thù. Nếu đến để báo oán, thì oán thù chồng chất thêm oán thù. Như vậy là làm sao chịu nổi? Còn đòi nợ và trả nợ, không những có nợ không trả hết, còn tăng thêm oán cừu. Nghiệp này phải làm sao? Đáng sợ hơn hết!

Người học Phật đều hiểu rõ, đều đã giác ngộ. Siêng năng tu hành, đem công đức của mình hồi hướng cho những hương linh này. Cầu Phật Bồ Tát giúp chúng ta điều tiết. Nhưng nếu không tin Phật pháp thì điều này rất khó, quả báo sẽ ở trong tam đồ. Đời này qua đời khác oan oan tương báo không bao giờ chấm dứt. Ngày tháng trong lục đạo này có thể sống được sao? Đời này khổ hơn đời trước, tự làm tự chịu không thể trách ai. Trong kinh Phật dạy, cứu một mạng người còn hơn xây ngọn tháp bảy tầng. Còn hại một mạng người thì sao? Thì nghĩ trái lại. Cứu một mạng người công đức lớn không có gì sánh được. Hại một mạng người thì quả khổ của ác báo cũng không cách nào tưởng tượng được.

Chư Phật Bồ Tát nhìn thấy hiện tượng này rất rõ, chúng ta có lý do tin tưởng. Các ngài nhất định ứng hoá ở thế gian này. Chắc chắn không chỉ một vị Phật Bồ Tát, mà vô lượng chư Phật Bồ Tát ở thế gian. Giúp chúng sanh quay đầu là bờ, giúp chúng sanh tỉnh ngộ. Không thể tạo thêm ác nghiệp, không thể tiếp tục sát sanh. Sát hại chúng sanh, chúng sanh có cảm thọ như thế nào? Cảm thọ này họ vĩnh viễn không bao giờ quên. Người không giác ngộ nhất định ôm tâm sân hận, chờ cơ hội để báo thù.

“Phật chi khai thị tức thị Phật chi tri kiến, cố duy hữu chư Phật nãi năng như thật tri kiến”. Hôm qua chúng ta học đến đây. Chúng sanh trong tình kiến, khởi tâm động niệm đều là vọng tưởng phân biệt. Đức Phật tuy có chủng chủng thí dụ để nói, nhưng chúng sanh đối với tri kiến của Phật như điếc như mù, không thể thật sự hiểu rõ. Đây hoàn toàn là lời nói thật. Lời của Phật là xuất phát từ chân như tự tánh mà hiển thị ra, thuần chân không có hư vọng. Nên học Phật không dùng chân tâm được chăng? Không dùng chân tâm vĩnh viễn không thấu hiểu được chân thật nghĩa của Phật.

/ 600