/ 600
688

Tịnh Độ Đại Kinh Giải Diễn Nghĩa

Tập 226

Chủ giảng: Tịnh Không Pháp Sư

Chuyển ngữ: Liên Hải

Biên tập: Bình Minh

Thời gian: 19.12.2010

Địa điểm: Phật Đà Giáo Dục Hiệp Hội – Hongkong


Chư vị pháp sư, chư vị đồng học, mời ngồi xuống. Mời quý vị xem Đại Thừa Vô Lượng Thọ Kinh Giải, trang 279, hàng thứ tư từ dưới đếm lên. Chúng ta bắt đầu xem từ câu thứ nhất. “Dĩ hạ đệ nhị thập thất nguyện”. Nguyện thứ 27 chỉ có một câu kinh văn, “thường tu thù thắng phạm hạnh”, đây là giải thích Phạm hạnh.

“Phạm nghĩa là thanh tịnh, phạm hạnh là hạnh thanh tịnh vô dục”. Đoạn dâm dục chư thiên đều gọi là phạm hạnh. Như hạnh phạm thiên đoạn dâm dục, gọi là phạm hạnh. Mấy câu này, đã nói ra được định nghĩa của chữ “phạm”, phạm là thanh tịnh. Tiêu chuẩn của thanh tịnh là gì? Không có dục vọng. Dục này trong Phật Pháp nói là tam giới: dục giới, sắc giới, vô sắc giới. Từ Tha hóa tự tại thiên trở xuống, đều gọi đó là Dục giới. Dục giới có sáu tầng trời. Ở trong kinh Đức Phật thường nói năm loại dục vọng lớn, tài xếp vào hàng thứ nhất, sắc là hàng thứ hai, tài sắc danh thực thùy. Đây là năm loại lớn dục vọng trong cõi dục giới. Sáu tầng trời cõi dục: Tứ vương thiên là tầng số một, Đao lợi thiên là tầng trời thứ hai. Thông thường chúng ta nói là thiên thần, đa phần là nói hai cõi trời Tứ vương và Đao lợi. Tu thượng phẩm ngũ giới thập thiện, đều có thể sanh lên cõi trời này. Hai tầng trời này, ngũ dục gần giống với nhân gian của chúng ta, hơi nhẹ hơn chúng ta một tí. Từ đó có thể biết, tham luyến, tham luyến quá độ về ngũ dục lục trần, ngay cả dục giới thiên cũng không có phần.

Ở trong kinh điển đức Phật thường trích dẫn dâm dục để làm ví dụ. Tứ vương và Đao lợi thiên, dâm dục phảng phất như nhân gian, Dạ ma thiên thì nhẹ hơn, Dạ ma thiên dâm dục là ôm nhau, hướng lên trên nữa là Đâu suất thiên, Đâu suất thiên là bắt tay, Hóa lạc thiên là gặp nhau giống như chào hỏi nhau, ở Tha hóa tự tại thiên càng nhẹ hơn nữa, có thể chỉ gật đầu mỉm mỉm cười, vì thế càng lên trên thì càng nhẹ nhàng hơn. Đến Sơ thiền thiên thì không còn nữa. Niệm dục không phải là họ đã đoạn, chưa đoạn. Nếu như đoạn được, vậy là chứng quả rồi, đó là Thánh nhân, họ không phải là phàm phu. Họ dùng định công đè bẹp nó xuống. Tứ thiền thiên là tu bốn loại thiền định: sơ thiền, nhị thiền, tam thiền, tứ thiền. Tứ thiền tổng cộng có 18 tầng trời. Sơ thiền ba tầng. Nhị thiền ba tầng. Tam thiền ba tầng. Tứ thiền có chín tầng, cho nên tổng cộng có 18 tầng. Hướng lên trên nữa là Tứ không thiên. Tứ Không thiên định công càng thâm sâu hơn Tứ thiền thiên. Chúng ta gọi là tứ thiền bát định. Họ dập được phiền não, cảnh giới trong định phiền não không khởi hiện hành được, tức không khởi tác dụng. Họ chưa đoạn. Nếu như đoạn được rồi, thì không gọi phàm phu, mà gọi là Thánh nhân. Người như thế nào đoạn được? Tiểu thừa tứ quả tứ hướng. Quả thứ tư là A la hán, vậy là họ ra khỏi lục đạo luân hồi. Từ tứ quả tứ hướng trở xuống đều chưa ra khỏi lục đạo. Vẫn còn trong lục đạo. Họ đoạn phiền não chứ không phải là đè nén phiền não. Cho nên xưng là Thánh, Tiểu thừa là tiểu Thánh. Trong Đại thừa, trong Kinh Hoa Nghiêm chúng ta đã đọc được rồi, là Bồ Tát thập tín vị. Từ sơ tín đến Tín thứ sáu chưa ra khỏi lục đạo, vẫn còn trong lục đạo luân hồi, họ là thánh nhân. Bởi vì họ đoạn được phiền não, họ không phải là đè nén phiền não, họ đoạn được rồi. Thất tín vị thì vượt qua được lục đạo. Nói công phu đoạn chứng tương đồng với A la hán. Bát tín là Bích chi Phật, cửu tín là Bồ Tát, thập tín là Phật, chính là Phật ở trong thập pháp giới, đó là thánh nhân. Từ A la hán đến Phật là cõi Phương tiện hữu dư của Phật Thích Ca Mâu Ni, cũng gọi nó là Tịnh độ. Chữ tịnh này là đối với lục đạo mà nói. Lục đạo là uế độ, không thanh tịnh. Tứ Thánh này là thanh tịnh, là Tịnh độ, nhưng chưa kiến tánh. Phật trong thập pháp giới cũng chưa kiến tánh. Chưa kiến tánh, thì không thể tính là Phật thực sự. Cho nên Thiên Thai đại sư tức là đại sư Trí Giả nói họ là tương tự tức Phật, Thiên Thai đại sư phân giáo nói lục tức Phật, tức sáu loại Phật. Đây là Phật học thường thức, người học Phật nhất định phải biết. Thứ nhất gọi là lý tức Phật, từ trên lý mà nói tất cả chúng sanh đều là Phật. Trong đại kinh Phật thường nói, “tất cả chúng sanh vốn là Phật”, đây là nói về lý, là thật, không phải là giả. Nhưng chúng ta bị mê lý này, mê mất tự tánh, lý là tự tánh. Mê mất tự tánh, cho nên hiện tại trở thành phàm phu. Hơn nữa trở thành phàm phu lục đạo, điều này đáng thương quá, mê sâu quá, mê lâu quá rồi. Không thể không biết. Tu học Phật Pháp không có gì khác, chỉ là phá mê khai ngộ, trở về với tự tánh mà thôi. Quí vị tu hành đến cuối cùng quí vị thành Phật, trở về với tự tánh, quí vị vốn là Phật. Đây là Phật thứ nhất.

/ 600