/ 600
1.019

Tịnh Độ Đại Kinh Giải Diễn Nghĩa

Tập 224

Chủ giảng: Tịnh Không Pháp Sư

Chuyển ngữ: Hạnh Chơn

Biên tập: Bình Minh

Thời gian: 17.12.2010

Địa điểm: Phật Đà Giáo Dục Hiệp Hội – Hongkong


Chư vị pháp sư, chư vị đồng học, mời ngồi xuống! Mời quý vị xem Đại Thừa Vô Lượng Thọ Kinh Giải, trang 275, bắt đầu xem từ hàng thứ sáu của kinh văn.

“Ngã tác Phật thời, quốc vô phụ nữ”. Hai câu này là nguyện thứ 22: “Nguyện nước không có người nữ”. “Nhược hữu nữ nhơn, văn ngã danh tự, đắc thanh tịnh tín, phát bồ đề tâm, yếm hoạn nữ thân, nguyện sanh ngã quốc, mệnh chung tức hóa nam tử, lai ngã sát độ”. Đây là nguyện thứ 23: “Nguyện ghét thân nữ chuyển thành thân nam”. Bên dưới, “Thập phương thế giới, chư chúng sanh loại, sanh ngã quốc giả, giai ư thất bảo trì, liên hoa trung hóa sanh”. Đây là nguyện 24: “Nguyện liên hoa hóa sanh”. Hau câu sau là tổng kết. “Nhược bất nhĩ giả, bất thủ chánh giác”. Nghĩa là nói ba nguyện này của Phật A Di Đà cũng đều đã thành tựu viên mãn.

Chúng ta xem chú giải của Hoàng Niệm Lão. “Hữu chương”, chương bên phải. “Nhiếp ba nguyện”, trong này có ba nguyện. “Quốc vô phụ nữ, là nguyện thứ 22 nước không có nữ nhân. Xem Ngô Dịch”, đây là năm loại bản dịch, câu này xuất phát từ đây, nói ra xuất xứ. “Nếu có nữ nhân, đến lúc lâm chung tức hóa nam tử, sanh vào nước ta. Là nguyện thứ 23, ghét thân nữ chuyển thân nam, lại gọi là nguyện nữ nhân vãng sanh. Nguyện thứ 24 là liên hoa hóa sanh, xem Ngô Dịch”. Ngô Dịch là một trong năm nguyên bản dịch, Ngô Dịch là bản của Khương Tăng Khải.

Nguyện thứ 22, nước không có phụ nữ. Ngô Dịch nói: khiến trong nước ta, không có phụ nữ. Hán Dịch, trong văn nguyện thành tựu. Nữ nhân vãng sanh tức hóa sanh, đều làm nam tử. Lại nói, trong nước này tất cả đều là Chư Bồ Tát, A la hán, không có phụ nữ. Luật sư Đạo Tuyên thời nhà Đường lại dẫn kinh nói, mười phương thế giới, nơi có nữ nhân, tức có địa ngục. Trong nguyện này nói Cực Lạc không có ba đường ác, cũng không có phụ nữ, thuần là 32 loại tướng đại trượng phu”.

Sau cùng Hoàng Niệm Lão đưa ta một kết luận nhỏ: “Giữa nam và nữ dễ sanh tình ái, còn là nhân duyên thoái chuyển, cho nên Cực Lạc đồng cư hơn hẳn Ta Bà”. Trong này lại rất tường tận tiết lộ cho chúng ta một tin tức, trong cõi phàm thánh đồng cư của thế giới Cực Lạc không có nữ nhân.

Trước đây tôi có một ấn tượng như vầy: có một vị cư sĩ học Phật cũng nhiều năm, ông ta không muốn vãng sanh thế giới Cực Lạc. Người ta hỏi ông ta vì sao? Thế giới Cực Lạc không có người nữ, tôi không muốn đến đó. Có người chấp trước đến như thế đấy, đương nhiên ông không thể vãng sanh. Chỉ cần có chấp trước này là không thể vãng sanh.

Trong đoạn kinh văn này chỉ có hai câu, trong chú giải Hoàng Niệm Lão đem kinh văn của hai loại bản dịch này đều trích dẫn ra đây. Nữ nhân vãng sanh đến thế giới Cực Lạc, thế giới Cực Lạc là hóa sanh, thân tướng là gì? Ở trước chúng ta đã đọc, thế giới Cực Lạc không có tướng nam nữ. Vãng sanh đến thế giới Cực Lạc, tướng hoàn toàn giống với Phật A Di Đà. Thể chất không phải thân huyết nhục, là thân kim cang bất hoại. Về tướng mạo, trong nguyện văn nói: “Đều là 32 tướng tốt 80 vẻ đẹp”, đó là tướng của Phật. Trong chú giải các bậc tổ sư nói với chúng ta rất rõ ràng, đây là Thế Tôn tùy thuận theo khái niệm người Ấn độ ngày xưa, người có 32 tướng đại trượng phu. Phật thị hiện tại Ấn độ, những tướng này đều đầy đủ. 32 tướng tốt 80 vẻ đẹp, người xưa gọi là tướng quý, tướng phú quý, Đức Phật đều có đầy đủ. Trên thực tế, chúng ta đọc thấy trong kinh điển đại thừa, cõi thật báo là cõi pháp tánh của Chư Phật Như Lai. Không giống với chúng ta ở đây, những gì chúng ta ở đây nhìn thấy là pháp tướng không phải pháp tướng. Tướng có sanh diệt, tánh không có sanh diệt. Vãng sanh đến thế giới Cực Lạc, thực tế mà nói thân ta đạt được là pháp tánh thân, mỗi trường ta cư trú là cõi pháp tánh, là tự tánh sở hiện. Trong Kinh Hoa Nghiêm nói: “duy tâm sở hiện, duy thức sở biến”. Nó chỉ có tâm hiện, không có thức biến, vì sao vậy? Vì thế giới đó_Vốn tứ thánh lục phàm trong thế giới tha phương Chư Phật là thức biến, đều lấy A lại da làm tự tâm, làm tâm của ta, lấy thân huyết nhục làm thân của ta. Đây là sai lầm, là giả, cho nên thân tâm đều bất khả đắc. Đây là trong mười pháp giới. Ra khỏi mười pháp giới là sanh vào cõi thật báo trang nghiêm, cõi thật báo của ai? Không thể không biết điều này, là cõi thật báo trang nghiêm của chính mình. Trong kinh điển đại thừa nói, cõi có bốn loại, bốn cõi toàn là tự tánh sở hiện. Hay nói cách khác, bốn cõi thực tế thì toàn là chính mình, tự tánh đầy đủ.

/ 600