/ 600
617

Tịnh Độ Đại Kinh Giải Diễn Nghĩa

Tập 223

Chủ giảng: Tịnh Không Pháp Sư

Chuyển ngữ: Hạnh Chơn

Biên tập: Minh Tâm

Thời gian: 16.12.2010

Địa điểm: Phật Đà Giáo Dục Hiệp Hội – Hongkong


Chư vị pháp sư, chư vị đồng học, mời ngồi xuống! Mời quý vị xem Đại Thừa Vô Lượng Thọ Kinh Giải, trang 273, hàng thứ năm từ dưới đếm lên, bắt đầu xem từ kinh văn.

“Ngã tác Phật thời, thập phương chúng sanh, văn ngã danh hiệu, hệ niệm ngã quốc, phát bồ đề tâm, kiên cố bất thoái, thực chúng đức bổn, chí tâm hồi hướng, dục sanh Cực Lạc, vô bất toại giả, nhược hữu túc ác, văn ngã danh tự, tức tự hối quá, vi đạo tác thiện, tiện trì kinh giới, nguyện sanh ngã sát, mạng chung bất phục, cánh tam ác đạo, tức sanh ngã quốc, nhược bất nhĩ giả, bất thủ chánh giác”. Chương này chỉ có một nguyện, thứ 21 “Nguyện hối quá đắc sanh”.

Chúng ta xem chú giải của Hoàng Niệm Lão: “Bên phải là nguyện thứ 21, hối quá đắc sanh. Trước vô bất toại giả giống với nguyện thứ 20 của Ngụy Dịch. Câu văn áp dụng cả hai bản dịch Đường và Tống”. Nghĩa là kinh văn của chương này. Đoạn ở trước và bản dịch của Khương Tăng Khải, trích lục trong bản dịch của Khương Tăng Khải.

“Bên dưới”, đây chính là “nếu có túc ác, nghe danh tự ta trở về sau”. Kinh văn ở sau “áp dụng nguyện thứ năm của Ngô Dịch”. “Hán dịch loại chi”, loại là cơ bản tương đồng. “Kết thành nguyện này, gọi là hối quá được sanh. Khác với ba nguyện nguyện thứ 18, 19 và 20”. Thực tế mà nói đây cũng là bổ sung của ba nguyện trước, khác nhau ở đâu? “Ở chỗ người làm ác trong đời quá khứ, tội nghiệp sâu nặng, phải chịu quả báo trong tam đồ. Đời này nghe danh phát tâm, hối quá hướng thiện, chí tâm hồi hướng, thực đức cầu sanh. Khi lâm mạng chung, nhờ Phật gia bị, không đọa vào ba đường ác, vãng sanh vào cõi nước này. Đây là đức từ thù thắng của nguyện này”.

Chúng ta xem đoạn này, nguyện thứ 18 ở trước, hình như chúng tôi đã nói suốt 6 tiếng đồng hồ. Nguyện thứ 20, 21 là một chương, cũng nói hết 6 tiếng đồng hồ, đều nói với quý vị rất tường tận. Tiếp theo xem nguyện này, thấy Phật A Di Đà vô cùng từ bi, nguyện này rất quan trọng, vì sao vậy? Vì chúng sanh trong lục đạo, trong kinh Đức Phật nói rất hay, chắc chắn là thời gian ở trong ba đường lành ít, thời gian ở ba đường ác nhiều. Nguyên nhân là gì? Từ Bách Pháp Minh Môn Luận chúng ta thấy, tâm sở tương ưng với thiện ác, thiện tâm sở chỉ có 11 loại, ác tâm sở có 26 loại, đây là phiền não. Điều này chứng minh, bản tánh là giống nhau, trong bản tánh không có những điều này. Thiện ác không có, nhiễm tịnh cũng không có. Bản tánh giống nhau, nhưng tập tánh không giống nhau. Tập tánh đích thực ác nhiều thiện ít, tuy ác nhiều thiện ít, vì sao thiện vẫn có sức mạnh? Đây chính là cổ nhân nói: tà không thắng chánh. Chúng ta phải tin câu nói này, dù người bất thiện đến đâu họ vẫn còn lương tâm. Khi lương tâm hiện ra họ rất thiện, bởi vậy công đức giáo dục không thể nghĩ bàn. Con người không thể không tiếp thu giáo dục, giáo dục gì? Là giáo dục thánh hiền. Xã hội hiện nay, chư vị phải biết rằng, toàn bộ xã hội trên thế giới này đều động loạn, chưa từng xảy ra trong lịch sử. Bất luận là phương đông hay phương tây, trong lịch sử chưa từng có tình trạng hỗn loạn như thế này. Nguyên nhân do đâu? Chúng ta hồi tưởng lại sẽ rõ. Phương tây từ khi khoa học kỹ thuật phát triển, cách mạng công nghiệp, điều này khoảng 300 năm lại đây. 100 năm đầu tiên ảnh hưởng không lớn, đó là thời kỳ manh nha của khoa học kỹ thuật. 100 năm thứ hai khoa học kỹ thuật đã tiến bộ, phương tây dần dần lãng quên giáo dục Tôn giáo. Ở Trung quốc, 200 năm lại đây, chúng ta xem tập văn của ông Tăng Quốc Phiên, ông là người của 200 năm trước. Trong câu văn thể hiện sự ai oán bi phẫn, cảm nhận một cách sâu sắc nếp sống xã hội ngày càng xuống dốc. Luân lý đạo đức trong xã hội chỉ là hữu danh vô thực, đây là tình trạng của 200 năm trước. 100 năm sau, luân lý đạo đức trong xã hội chúng ta không còn nữa, đến danh cũng không còn. 200 năm trước có danh vô thực, 100 năm sau đến danh cũng không có. Bởi vậy chúng ta có thể nói người bây giờ rất xa lạ đối với truyền thống văn hóa, những gì họ hiểu còn thua xa người ngoại quốc. Đối với lịch sử địa lý của nước ngoài còn hiểu đôi chút, nhưng hoàn toàn không biết gì đến lịch sử nước mình, nguyên nhân xã hội động loạn là đây. Ta đã vứt bỏ truyền thống văn hóa, người phương tây vứt bỏ giáo dục Tôn giáo, chính là nguyên nhân gây ra động loạn cho toàn thế giới.

/ 600