/ 600
472

Tịnh Độ Đại Kinh Giải Diễn Nghĩa

淨土大經解演義

Tập 208

Chủ giảng: Tịnh Không Pháp Sư

Chuyển ngữ: Liên Hải

Biên tập: Bình Minh

Thời gian: 28.11.2010

Địa điểm: Phật Đà Giáo Dục Hiệp Hội – Hongkong

 

Chư vị pháp sư, chư vị đồng học, mời ngồi xuống. Mời quý vị xem Đại Thừa Vô Lượng Thọ Kinh Giải, trang 254, hàng thứ tư từ dưới lên, bắt xem từ đoạn nguyên văn.

“Ngã tác Phật thời, thọ mạng vô lượng, quốc trung Thanh Văn thiên nhân vô số, thọ mạng diệc giai vô lượng”. Đoạn này là nguyện thọ mạng vô lượng, chúng ta tiếp tục xem đoạn dưới đây.

“Giả linh tam thiên đại thiên thế giới chúng sanh tất thành Duyên giác, ư bá thiên kiếp, tất cộng kế hiệu, nhược năng tri kỳ lượng số giả, bất thủ chánh giác.” Đây là nguyện thứ mười sáu Nguyện Thanh Văn vô số. Chương này, trong chú giải của Hoàng lão, chương này gồm nguyện thứ mười lăm Thọ mạng vô lượng, và nguyện thứ mười sáu Thanh văn vô số. Cho đến trong nguyện thọ mạng vô lượng, đã chỉ thọ mạng của Phật vô lượng, và nói rõ trong nước đó vô số Thanh văn thiên nhân thọ mạng cũng đều vô lượng. Nay nguyện này, trong bản Ngụy dịch chia làm hai nguyện. Có thể thấy 48 nguyện trong hội bản này, nhiếp thọ nguyện đức của Di Đà, rộng hơn bất cứ bản cổ dịch nào. Đây chính là bản hội tập, đích thực hội tập rất tốt, đem tinh yếu trong năm bản nguyên dịch, toàn bộ đều sưu tập vào trong bản này, cho nên đọc quyển này, thì năm bản nguyên dịch đều đã đọc được rồi.

Trong nguyện thứ mười lăm Thọ mạng vô lượng, đầu tiên là giáo chủ quốc độ đó thọ mạng vô lượng. Cổ đức cho rằng nguyện này là đức thứ nhất của Tịnh Tông. Đức là nói đức năng. Mười phương thế giới, thọ mạng của nhân thiên đều có nhất định. Nói cách khác, chúng sanh trong thập pháp giới, bao gồm cả nhị thừa, bao gồm cả quyền giáo Bồ Tát, đều là có sanh có diệt. Trong biến dị sanh tử nói có thỉ có chung. Duy chỉ có Thế Giới Tây Phương Cực Lạc, nhị thừa và thiên nhân, thọ mạng đêu tương đồng với Phật A Di Đà. Phật vô lượng thọ, cho nên ngay cả thiên nhân cũng vô lượng thọ. Nguyện này vô cùng quan trọng. Không có thọ mạng dài như vậy, chúng ta học tập sẽ không được viên mãn. Thọ mạng dài, thứ có đủ là thời gian. Cho nên trong một đời có thể viên thành Phật đạo. Đây là điều kiện thứ nhất.

Chúng ta ở thế gian này tu học bất luận dụng công như thế nào, thọ mạng ngắn quá, còn chưa khai ngộ thì thọ mạng đã đến rồi, vậy là hết cách. Trong đời này tu được rất tốt, đời sau không mất thân người, vẫn trở lại thế gian này, nhưng sanh ra họ lại trở thành một con người, ít nhất trong đó phải gián đoạn hai mươi năm, hai mươi năm bị gián đoạn này, rồi trở lại tu tập luôn có những khó khăn, nói là mỗi một lần đều có những sự cách âm mê lầm. Phàm phu có, sự việc kiếp trước không nhớ được. Muốn học điều gì đó, đều phải học lại từ đầu. Nhân thiên như vậy, nhị thừa cũng không ngoại lệ. Bồ Tát có mê cách âm, đầu thai trở lại, sự việc của đời trước thông minh hơn chúng ta, nhưng họ còn có chướng ngại. Đây chính là chúng sanh ở thế giới phương khác không bằng Thế Giới Tây Phương Cực Lạc. Thọ mạng người ta dài. Thế giới Cực Lạc là thế giới bình đẳng.

Trước đây chúng ta đã học qua, tướng mạo con người tương đồng, thể chất tương đồng, môi trường sinh sống tương đồng, cho nên tâm phân biệt chấp trước không sanh khởi được. Thế giới này của chúng ta, kiểu vọng niệm tình chấp này rất dễ dàng sanh khởi lên, nguyên nhân chính là bất bình, không bình đẳng, thí dụ như tướng mạo, dung mạo, người dung mạo tốt dễ dàng khởi tâm ngạo mạn; người dung mạo không tốt liền có cảm giác tự ti, có tâm tật đố, những thứ này sẽ nổi lên. Cho nên Phật A Di Đà của thế giới Tây phương, tham quan nhiều quốc độ chư Phật như vậy, những sự việc này ngài đều rất thấu triệt. Ngài kiến lập đạo tràng mới này, những vấn đề này đều được giải quyết hết, tránh khỏi tất cả những điều đó, sinh hoạt trong thế giới bình đẳng. Chúng ta ở trong bộ kinh này, bộ kinh này là Phật Thích Ca Mâu Ni giới thiệu cho chúng ta một cách tường tận về Thế giới Cực Lạc. Trong bộ kinh điển này, không có nhìn thấy Thế Giới Tây Phương Cực Lạc có tổ chức chính trị, có tổ chức chính phủ, không nhìn thấy. Trong kinh từ đầu đến cuối không nghe thấy thế giới Tây phương có chính phủ trung ương, có chính phủ địa phương, không có lời này. Không nghe nói ở đây có quốc vương có thượng đế, chưa từng nghe nói. Cũng không nghe nói ở đây có sĩ nông công thương, các ngành các nghề cũng không nghe nói đến. Nói cho chúng ta, để cho chúng ta nhìn thấy, Thế giới Cực Lạc dường như chỉ có hai hạng người. Một là Phật, một là Bồ Tát, chỉ có hai bậc này. Phật là thầy giáo, Bồ Tát là học trò. Hình như thế giới này cũng giống như một trường học vậy, có từng lớp, quí vị thấy nó có tứ độ tam bối cửu phẩm, không phải là có từng lớp rồi sao? Học sinh trình độ có phân chia cao thấp. Ngoài điều này ra, trạng thái xã hội này rất đặc thù, khác với quốc độ trong mười phương. Đây là một thế giới thanh tịnh, bình đẳng.

/ 600