/ 600
565

Tịnh Độ Đại Kinh Giải Diễn Nghĩa

Tập 191

Chủ giảng: Tịnh Không Pháp Sư

Chuyển ngữ: Hạnh Chơn

Biên tập: Minh Tâm

Thời gian: 10.11.2010

Địa điểm: Phật Đà Giáo Dục Hiệp Hội – Hongkong


Chư vị pháp sư, chư vị đồng học, mời ngồi xuống. Mời quý vị xem Đại Thừa Vô Lượng Thọ Kinh Giải, trang 222, hàng thứ bảy từ dưới đếm lên, bắt đầu xem từ câu Tống Dịch.

“Tống Dịch nói: Đến nơi yên tĩnh ngồi một mình tư duy, tu tập công đức trang nghiêm cõi Phật, phát đại thệ nguyện trải qua năm kiếp. Cổ đức đối với điều này, có sự lý giải khác nhau”. Đây là nói ý kiến khác nhau, Hoàng Niệm Tổ đưa ra ba loại khác nhau, chúng ta xem tiếp bên dưới.

“Thứ nhất, các đại sư Tịnh Ảnh, Cảnh Hưng lấy thời gian năm kiếp phát nguyện tu hành”. Trong Tịnh Ảnh Sớ nói_đây là pháp sư Huệ Viễn thời nhà Tùy, ngài nói: “Nương vào nguyện mà khởi hành, cho nên tỳ kheo Pháp Tạng đối với trong một thân, ở nơi Phật này tu hành năm kiếp”. Trong Lược Tiên lại nói: “Đây là nói lúc tu hành, thời gian năm kiếp, tư duy tu hành, tu hành tròn sở nguyện. Ngài đã phát nguyện, không thể không hành. Ở trên là nói rõ năm kiếp sau khi phát nguyện, và tu hành”. Đây là cách nói thứ nhất.

Những tư tưởng này gọi là chín người mười ý, mỗi người mỗi khác. Chúng ta phải_đây đều là trong nhiều tư tưởng của các bậc cao tăng tổ sư, chúng ta dùng trí tuệ của mình để chọn lựa. Chúng ta xem loại nào hợp tình, hợp lý, hợp pháp hơn, áp dụng một loại, ngoài ra có thể dùng làm tham khảo. Trong kinh Phật không có nói rõ ràng cụ thể, cho nên chư vị tổ sư mới có những tư tưởng này. Không thể nói tư tưởng nào đúng, cũng không thể nói tư tưởng nào sai, người học đời sau cần có thái độ như thế, chỉ cần nói có đạo lý đều được.

Pháp không có định pháp, chủ yếu là khiến chúng ta tăng trưởng tín tâm. Biết được thế giới Cực Lạc, không phải do tưởng tượng mà thành tựu nên, nó là sự thật. Đây là Thế Gian Tự Tại Vương Phật dạy tỳ kheo Pháp Tạng, y theo bản gốc của tất cả cõi nước Chư Phật khắp biến pháp giới hư không giới. Trong này lấy sở trường bỏ sở đoản, lấy cái thiện bỏ cái ác, như vậy thành tựu nên cõi nước Cực Lạc. Làm cho lục đạo chúng sanh trong tất cả cõi nước Chư Phật, trong một đời phát tâm tu hành chứng quả, không thể nghĩ bàn! Khiến chúng ta ở đây sanh khởi tín tâm, nguyện tâm kiên định, nhất tâm niệm Phật cầu sanh Tịnh độ, như vậy là đúng.

Đối với những gì chư vị đại sư nói, tư tưởng nào nhất trí với tình huống đương thời, đợi chúng ta đến thế giới Cực Lạc sẽ biết. Đừng nên suy đoán ở đây, đừng nên phân biệt, đừng nên chấp trước. Vì sao vậy? Vì có phân biệt có chấp trước, sẽ phá hoại công phu niệm Phật của chúng ta. Cho nên mỗi tư tưởng chúng ta đều nghe thử, đừng để trong lòng, như vậy là đúng. Đây là chủ trương năm kiếp, là tu hành sau khi phát nguyện.

Thứ hai: “Nói rõ đây là lúc phát nguyện”, năm kiếp này là lúc phát nguyện. Trong Hợp Tán có cách nói này. “Năm kiếp là thời tiết phát nguyện tư duy. Đại sư Vọng Tây cũng cho rằng lúc phát nguyện”. Đây đều là các cao tăng Tịnh tông Nhật bản thời nhà Đường. “Hội Sớ nói: Bồ Tát kiến lập Tịnh độ, như người thợ giỏi xây dựng thành lớn, trước tiên là suy nghĩ về đồ họa của nó”. Trước tiên vẽ sơ đồ, cấu trúc đồ họa. Năm kiếp tư duy, như vẽ bản đồ, thời gian năm kiếp này làm gì? Đang vẽ đồ họa. Kiến tạo không khó, y theo đồ họa thi công là được. Mấy câu sau của Hoàng Niệm Tổ chính là nói ý này: “Dùng năm kiếp này tư duy, thí như trước khi thi công phải vẽ họa đồ vậy”. Cách nói này của ông ý nghĩa tương đồng với Hợp Tán. “Vì lúc phát nguyện, mà không phải sau khi nguyện mới tu hành”, là đang vận dụng tư tưởng, dùng thời gian dài như thế. “Chân Giải cũng giống như cách nói này”. “Mọi người đều căn cứ vào cách nói của Ngụy Dịch, chính là phù hợp với Ngụy Dịch”. Ngụy Dịch là bản của Khương Tăng Khải, thời Tào Ngụy, Khương Tăng Khải phiên dịch bản này. Các bậc cao tăng của Tịnh tông Nhật bản, y cứ tu Tịnh độ đa phần đều là bản của Khương Tăng Khải. Bản này truyền đến Nhật bản rất sớm, mà bản này trong năm loại bản dịch, đích thực nói tường tận hơn. Thực tế mà nói ở Trung quốc đọc Kinh Vô Lượng Thọ, đa phần đều đọc bản này, bốn nguyên bản dịch khác, rất ít người đọc tụng. Cho nên chú giải của người Nhật bản, rất nhiều đều y theo bản này, chúng ta phải biết điều này.

/ 600