/ 600
747

Tịnh Độ Đại Kinh Giải Diễn Nghĩa

Tập 190

Chủ giảng: Tịnh Không Pháp Sư

Chuyển ngữ: Liên Hải

Biên tập: Minh Tâm

Thời gian: 09.11.2010

Địa điểm: Phật Đà Giáo Dục Hiệp Hội – Hongkong


Chư vị pháp sư, chư vị đồng học, mời ngồi xuống. Mời quý vị xem Đại Thừa Vô Lượng Thọ Kinh Giải, trang 221, hàng thứ năm từ dưới lên.

Hựu Thám Huyền Ký viết: “nhất tâm giả, tâm vô dị niệm cố”. Chúng ta xem câu này trước, đoạn trước nói đến chuyên nhất tự tâm, giảng đến “tư duy cứu cánh, tiện nhất kỳ tâm” trong kinh. Nhất tâm chính là chân như, tức là chân tâm. Nhất tâm đầy đủ thập pháp giới, giống như Huệ Năng đại sư lúc khai ngộ đã nói. Pháp thế gian xuất thế gian, thế gian đại thánh đại hiền, điểm mà chư Phật Bồ Tát xuất thế gian, và phàm phu chúng ta không giống nhau, chính là dùng tâm không giống nhau, lục đạo phàm phu dùng là vọng tâm, thánh hiền Phật Bồ Tát dùng là chân tâm, nhất tâm là chân tâm.

Vọng tâm là gì? Quí vị xem nhất tâm, tâm không có niệm khác, đây là nhất tâm. Trong tâm chúng ta ý niệm quá nhiều, niệm này nối tiếp niệm khác, niệm trước diệt niệm sau sanh, tâm này gọi là vọng tâm. Cho nên chư vị nhớ kỹ chân tâm không có ý niệm, chân tâm ly niệm, vọng tâm thì có niệm. Nhất tâm không có niệm, nhị tâm mới có niệm, cho nên nói ba tâm hai ý. Ba tâm là nói gì? A lại da, mạt na, ý thức gọi là ba tâm. Hai ý thì sao? Thứ sáu là ý thức và mạt na là ý căn, gọi là hai ý. Nói cách khác, dùng A lại da chính là vọng tâm. Chuyển A lại da thành đại viên cảnh trí đó chính là chân tâm, tức là quí vị có thể chuyển trở lại. Chuyển trở lại thì thành Phật, chuyển không được thì là phàm phu.

Chư vị nên biết, lục đạo phàm phu dùng A lại da làm tâm, không biết có chân tâm, không biết có chân tâm. Trong tứ thánh pháp giới, Thanh văn, Duyên giác, Bồ Tát, Phật, đây là tứ thánh pháp giới, họ biết được. Biết nhưng lại chuyển chưa được, việc chuyển này không dễ dàng gì. Chuyển là gì? Phải đem khởi tâm động niệm, phân biệt chấp trước buông xuống. Điều này thật khó. A la hán, Bích Chi Phật, đã buông bỏ kiến tư phiền não rồi, còn có trần sa, vô minh chưa buông được. Vẫn còn dùng A lại da, nhưng lại dùng chánh hơn chúng ta. Chúng ta dùng vọng tâm dùng tà rồi, đặc biệt là tà tri tà kiến trong lục đạo. Tứ thánh pháp giới thì sao? Họ có thể nói là chánh tri chánh kiến. Vì sao vậy? Hoàn toàn nương theo giáo huấn của Phật Bồ Tát. Thực sự y giáo phụng hành. Cho nên tri kiến của họ là chánh tri chánh kiến. Họ đang huân tu, huân tu chánh tri chánh kiến, chưa thể chứng đắc, nếu như chứng đắc, đó là thành Phật, chứng đắc chính là nhất tâm hiện tiền, tâm không có niệm khác. Nếu như chúng ta muốn tâm không có niệm khác, đầu tiên phải hiểu được, sáu căn tiếp xúc cảnh giới sáu trần. Thực sự làm được không khởi tâm, không động nệm, chân tâm liền hiện tiền. Cũng giống như đại sư Giao Quang trong Lăng Nghiêm Chánh Mạch có nói: Mắt quí vị thấy không phải là nhãn thức thấy. Chúng ta hiện nay dùng nhãn thức, nhãn thức là phân biệt, ý là chấp trước, nếu như không khởi tâm không động niệm, là tánh thấy thấy. Tánh thấy thấy tất cả sắc pháp, sắc pháp này không phải là sắc trần. Trần là gì? Là nhiễm ô. Sắc thanh hương vị xúc pháp nhiễm ô, nó không nhiễm ô nữa. Bởi vì quí vị không khởi tâm, không động niệm, cho nên sắc trần cũng trở thành sắc tánh. Quí vị tánh thấy thấy sắc tánh, tánh nghe nghe âm thanh tánh. Điều này gọi là minh tâm kiến tánh, kiến tánh thành Phật, sự việc này có điểm khó. Nghe cũng nghe không hiểu, quí vị tu như thế nào? Cách tu là dùng một câu A Di Đà Phật vi diệu vô cùng. Chúng ta nếu dùng pháp môn của tánh tông, pháp môn của thiền tông. Đó thật khó, quí vị không biết bắt tay từ đâu, nếu như dùng pháp môn Tịnh Tông thì dễ dàng lắm, hiệu quả vẫn tốt, thậm chí còn tốt hơn, còn cao hơn so với thiền tông, tánh tông, pháp môn này đáng được xưng tán, đó chính là mắt của chúng ta nhìn thấy bên ngoài của sắc. Phân biệt chấp trước vừa khởi liền nhanh chóng đổi nó lại, dùng thứ gì để đổi lại? Dùng A Di Đà Phật để đổi. Quí vị xem mắt thấy sắc là A Di Đà Phật, tai nghe thanh cũng là A Di Đà Phật, mũi ngửi hương cũng là A Di Đà Phật. Lưỡi nếm vị cũng là A Di Đà Phật, toàn là A Di Đà Phật, sự vi diệu của Tịnh Tông chính là vi diệu ở đây vậy. Nói cách khác, chính là quí vị có biết niệm hay không. Tôi nói rõ hơn tí nữa là quí vị có thay đổi hay không? Ý niệm vừa khởi lập tức liền đổi thành A Di Đà Phật, đây gọi là biết niệm Phật. Nếu không trong miệng vẫn niệm A Di Đà Phật, mắt thấy sắc tướng bên ngoài, tai nghe âm thanh, quí vị lại nghĩ đến thứ khác rồi. Quí vị sẽ không biết niệm. Đó là cổ nhân nói: miệng niệm Di Đà tâm tán loạn, hét rách cổ họng cũng uổng công. Quí vị không biết! Không biết thì công phu niệm Phật của quí vị không đắc lực. Nếu biết, công phu sẽ đắc lực. Nói đắc lực chính là làm vọng tưởng, phân biệt, chấp trước của quí vị dừng lại, đổi lại rồi. Đây gọi là công phu đắc lực, lâu dần sẽ dưỡng thành thói quen, tự nhiên liền đè nén được phiền não. Đây là người thực sự niệm Phật, là người thực sự học Phật, cùng với tất cả kinh giáo, với tất cả pháp môn không có liên quan gì. Thực sự có thể khế nhập tự tánh, tự tánh chính là nhất tâm. Trước đây chúng ta nói là chân thật rốt ráo, trí tuệ chân thật, lợi ích chân thật. Ba loại chân thật đều trong một câu Phật hiệu mà thôi. Xem quí vị có biết cách hay không. Niệm Phật kiêng kỵ nhất chính là thấy sắc nghe tiếng quí vị khởi phân biệt chấp trước, quí vị khởi vọng tưởng làm cho công phu của quí vị bị phá hoại hoàn toàn. Chúng ta có thể thành tựu hay không, có thể vãng sanh hay không, có thể ngay trong đời này thành Phật hay không, then chốt là ở đây vậy. Cho nên phải luôn luôn nghĩ đến, chúng ta niệm Phật mục tiêu là ở nơi nhất tâm bất loạn, trong Kinh A Di Đà nói, phải đem điều này làm thành tiêu chuẩn của chúng ta. Chúng ta ngày ngày đem tiêu chuẩn này để đo lường, hôm nay tôi có công phu hay không? có đắc lực hay không? Toàn là ở câu này. Không biết cái gì gọi là nhất tâm bất loạn, quí vị dùng câu dưới đây cũng được: tâm không có niệm khác. Tâm không có niệm khác là nhất tâm bất loạn. Niệm khác là vọng tưởng, tưởng gì cũng đều là vọng tưởng. Chỉ cho tưởng A Di Đà Phật, tưởng những điều khác đều gọi là vọng tưởng. Kinh Hoa Nghiêm, Thám Huyền Ký, đại sư Hiền Thủ nói vậy.

/ 600