Tịnh Độ Đại Kinh Giải Diễn Nghĩa
Tập 157
Chủ giảng: Tịnh Không Pháp Sư
Chuyển ngữ: Hạnh Chơn
Biên tập: Bình Minh
Thời gian: 04.10.2010
Địa điểm: Phật Đà Giáo Dục Hiệp Hội – Hongkong
Chư vị pháp sư, chư vị đồng học, mời ngồi xuống. Mời quý vị xem Đại Thừa Vô Lượng Thọ Kinh Giải, trang 182, hàng thứ ba từ dưới đếm lên, bắt đầu xem từ phẩm Phạm Hạnh trong Kinh Niết Bàn.
“Phẩm Phạm Hạnh Kinh Niết Bàn nói: Vì sao gọi là Như Lai? Như những gì Chư Phật quá khứ nói không hề thay đổi, vì sao nói không thay đổi? Chư Phật quá khứ vì độ chúng sanh mà nói 12 bộ kinh, Như Lai cũng như vậy, nên gọi là Như Lai”.
Ý trong kinh nói đã hiển thị cho chúng ta rất rõ ràng, rất minh bạch. Chư Phật Bồ Tát ứng hóa đến thế gian, các ngài đến để làm gì? Để nói 12 bộ kinh, giảng kinh dạy học, các ngài đến thế gian là vì điều này. Vì sao phải giảng kinh dạy học? Cổ đức nói rằng, “từ bi vi bổn, phương tiện vi môn”. Từ bi là không nhẫn tâm khi thấy chúng sanh chịu khổ, làm sao để giúp chúng sanh rời khổ được vui. Khổ phải lìa khổ cứu cánh, khổ cứu cánh là gì? Là sanh tử, sanh tử là cái khổ lớn. Làm sao để giúp chúng sanh vĩnh viễn thoát ly nỗi khổ lớn của sanh tử.
Lạc là gì? Lạc là cứu cánh lạc, thuật ngữ trong kinh gọi là Đại bát niết bàn, đây là dịch âm tiếng Phạn. Theo ý này mà nói, niềm vui vĩnh hằng sẽ không có khổ, viễn ly tất cả khổ, đây là cảnh giới của đại niết bàn. Trong kinh luận nói khổ, thông thường nói ba loại lớn: Khổ khổ, hoại khổ, hành khổ. Trong khổ khổ có tám loại, gọi là tám khổ giao xen lẫn nhau, đây là tám loại lớn. Bốn loại ở trước là sanh lão bệnh tử, không ai tránh khỏi, giàu nghèo phú quý đều lãnh chịu như nhau. Ngoài điều khổ này ra còn có cầu bất đắc khổ, ái biệt ly khổ, oán tắng hội khổ, ngũ ấm xí thạnh khổ. Ngũ ấm xí thạnh khổ đặc biệt hiển thị ở thân tâm chúng ta không được mạnh khỏe, nên nhiều ưu tư nhiều bệnh hoạn. Hạng người này không ít. Đại bát niết bàn vĩnh viễn không có những hiện tượng khổ, quả báo khổ này. Đức Phật là vì điều này. Vì sao dùng phương pháp dạy học? Vì chúng ta không biết khổ từ đâu đến, khổ đến từ mê hoặc tạo nghiệp, mê hoặc tạo nghiệp quả báo chính là khổ. Nên Phật ví luân hồi lục đạo là biển khổ: khổ hải vô biên, quay đầu là bờ.
Chúng ta biết Đức Phật Thích Ca Mâu Ni và tất cả Chư Phật Bồ Tát thị hiện ở thế gian, là giúp chúng ta quay đầu. Quay đầu, là từ mê hoặc điên đảo quay đầu chính là giác ngộ, giác mà không mê, nghĩa là đã quay đầu. Mê mà không giác, đây là nhân của luân hồi lục đạo. Từ đó cho thấy, ân huệ lớn nhất mà Phật đối với chúng sanh, là giúp chúng ta phá mê khai ngộ. Phương tiện để giúp chúng sanh phá mê khai ngộ- phương tiện vi môn. Phương là phương pháp, tiện là tiện nghi, hợp lại nói là phương pháp thích hợp nhất, phương pháp thích ứng nhất chính là dạy học. Cho nên đức Thế Tôn xuất hiện, thị hiện trong thân phận một người thầy giáo. Là một thân phận như thế, chúng ta cần phải biết. Trong kinh điển chúng ta thường thấy một danh từ, gọi là: “Thiên nhơn sư”, trong mười hiệu có Thiên Nhơn Sư. Cho nên thân phận của Phật là người thầy giáo, dùng thân phận này xuất hiện ở thế gian. Ngài thị hiện cho chúng ta thấy, năm 30 tuổi khai ngộ_ngày xưa Khổng tử nói một đời của ông, 15 tuổi đặt chí hướng vào học tập, 30 học xong. Đức Phật cũng gần như vậy, 19 tuổi rời xa gia đình. Gia đình của ngài là gia đình đế vương, vậy mà ngài từ bỏ vinh hoa phú quý ra đi tham học. 19 tuổi đến 30 tuổi, thời gian 12 năm, tất cả học phái và Tôn giáo của Ấn độ ngài đều đến học hỏi. Không còn gì để học, cũng không còn nơi nào để học, nhưng vẫn không giải quyết được vấn đề, vấn đề lớn, ngàn vạn năm nay, nhân loại đều thảo luận vấn đề này: Vũ trụ từ đâu đến? Con người từ đâu đến? Tôi từ đâu đến? Vì sao có tôi? Đây là vấn đề lớn! Đức Thế Tôn học suốt 12 năm cũng không tìm ra đáp án, đành từ bỏ, không học nữa. Ngài liền nhập định dưới cây Tất Bát La bên bờ sông Hằng, ngài biết chỉ có thiền định thâm sâu mới có thể giải quyết được vấn đề. Định đến trình độ nhất định sẽ khai ngộ, quả nhiên không sai, Đức Phật đã khai ngộ. Khai ngộ, vấn đề được giải quyết, thành tựu trí tuệ đức tướng viên mãn, và bắt đầu công việc dạy học. 79 tuổi ngài viên tịch, dạy học được 49 năm.
Nếu ta hiểu giai đoạn hành nghi này một cách rõ ràng minh bạch, thì không thể nói Đức Phật và Tôn giáo có liên quan, cũng không thể nói không có liên quan, vì sao vậy? Vì ngài từng học Tôn giáo, tất cả Tôn giáo của Ấn độ ngài đều học qua, nhưng ngài không thuộc về một Tôn giáo nào cả. Thật vậy, ngài cũng không phải Tôn giáo. Theo tư tưởng của người xưa thì Đức Phật đúng nghĩa của một người thầy giáo, giống như Khổng tử vậy, dùng thân phận một người thầy giáo xuất hiện ở thế gian. Vì thế hàng đệ tử đời sau, xưng Đức Phật Thích Ca Mâu Ni là Bổn Sư, người thầy căn bản. Nói như cách nói hiện nay, chúng ta tiếp thu là giáo dục Phật giáo, người thầy đầu tiên sáng lập giáo dục Phật giáo, nên xưng ngài là Bổn Sư. Chúng ta với ngài là quan hệ thầy trò, chúng ta tự xưng đệ tử, đệ tử người bây giờ gọi là học sinh. Chúng ta với đức Phật Thích Ca Mâu Ni là mối quan hệ thầy trò. Chư vị Bồ Tát, A la hán trong quá khứ đều là học trò của Phật, hiện nay chúng ta cũng là học trò của Phật Thích Ca Mâu Ni. Vậy chư Bồ Tát và A la hán với chúng ta có quan hệ gì? Là mối quan hệ đồng học, chúng ta có cùng một vị thầy. Họ học trước, chúng ta học sau, quan hệ của chúng ta là học huynh và học đệ, là mối quan hệ này. Bồ Tát Quán Thế Âm là học huynh. Mối quan hệ thuộc về luân lý, chúng ta cần phải hiểu rõ ràng minh bạch. Giữa chúng ta không có quan hệ Tôn giáo, chúng ta hoàn toàn là quan hệ thầy trò, là mối quan hệ đồng học với Bồ Tát và A la hán. Đều là những người tiếp thu giáo dục Phật giáo. Mục tiêu sau cùng của giáo dục Phật giáo, là giúp chúng ta phá mê khai ngộ, lìa khổ được vui. Kim Phật cũng như cổ Phật, vì chúng ta giảng 12 bộ kinh. 12 bộ kinh này, ba loại trước là thể văn khác nhau, ba loại thuộc thể văn. Mấy loại sau thuộc về nội dung những gì ngài nói, ngài nói những gì? Nói về hai phần là lý luận và chân tướng sự thật. Trong 12 bộ kinh chúng ta học đến loại thứ 8, hôm nay chúng ta bắt đầu từ loại thứ chín.
Thứ chín là “Luận nghị”. “Dùng kinh văn pháp lý nghị luận vấn đáp”. Loại này thuộc về luận nghị, đây là nói đến nội dung, trong kinh nói cho chúng ta biết về đạo lý, chân lý. Trong đây, trong rất nhiều kinh luận chúng ta đều thấy vấn đáp, như đại chúng đều biết Kinh Đại Phật Đảnh Thủ Lăng Nghiêm, là thuộc về thể loại kinh này. Trong thể văn nó là trường hàng, thể tản văn, nhưng nội dung nó là luận nghị. Hàng đệ tử đưa ra nghi vấn, Đức Phật giải đáp; Đức Phật cũng đưa ra câu hỏi để cho hàng đệ tử giải đáp. Đây là người hỏi người đáp, chúng ta ở bên cạnh nghe hiểu, giác ngộ được. Loại kinh văn này gọi là luận nghị, hiện nay trong Đại Tạng Kinh, Luận tạng thuộc về loại này.
Thứ mười là “Tự thuyết”, không có hỏi, không ai thỉnh giáo, Đức Phật tự thuyết. “Kinh văn không có người hỏi, do Phật tự nói, như Kinh A Di Đà vậy”. Kinh A Di Đà chúng ta đều thuộc làu, không có ai hỏi, từ đầu đến cuối đều một mình Đức Phật nói. Kêu tên ngài Xá Lợi Phất, ngài Xá Lợi Phất cũng không nói lời nào, mà chỉ cung kính lắng nghe. Trong hội này toàn là tự Phật Thích Ca Mâu Ni nói, vì sao vậy? Vì pháp này quá thâm sâu, người thường không biết đâu để hỏi. Đức Phật thấy nhân duyên thuần thục, duyên là gì? Đức Phật nói ra chúng hội có thể tin, có thể hiểu, có thể hành trì, đây là đã thuần thục. Ở sau là có thể chứng, tín giải hành chứng đều đầy đủ. Niệm Phật vãng sanh là chứng quả. Nhân duyên thành thục không thể không nói, không có ai đến thỉnh pháp cũng phải nói, hiện thị lòng từ bi tột đỉnh của Đức Phật, đúng là “đệ tử Phật môn không bỏ một ai”. Hàng đệ tử Phật chúng ta cần phải hiểu rõ về thầy mình, nếu không hiểu về thầy, tâm cung kính không sanh khởi được, tôn sư trọng đạo, đối với thầy không sanh khởi tâm cung kính. Nhận thức càng rõ, tâm cung kính càng thù thắng, bản thân mới được lợi ích. Đại sư Ấn Quang thường nói: Một phần thành kính được một phần lợi ích, mười phần thành kính được mười phần lợi ích.
Thầy giáo dạy học, rất nhiều học trò_khi tôi còn trẻ, theo học kinh giáo với thầy Lý. Thầy mở một lớp học kinh điển, trong lớp có hơn 20 học viên. Một mình thầy giáo dạy, có hơn 20 học sinh trình độ khác nhau. Nguyên nhân gì? Vì tâm cung kính của mỗi người đối với thầy khác nhau, chân thành, cung kính. Thành kính đối với thầy là bên ngoài, là biểu hiện bên ngoài. Bên trong là gì? Bên trong là cung kính đối với Phật pháp, thành kính bên trong tự nhiên hình thành ra bên ngoài. Bên trong người ta không nhìn thấu được, nhưng từ dáng vẻ bên ngoài có thể nhận ra nội tâm của quý vị.
Bởi thế những học sinh này, ai có thành tựu, ai không có thành tựu, thầy đều rất rõ ràng minh bạch. Đối với người có thể thành tựu thì chuyên tâm hướng dẫn, đối với người không thể thành tựu cũng rất hoan hỷ, xem như thế nào? Học sinh dự thính, cũng không cự tuyệt họ, cho họ trồng thiện căn!
Ngày xưa thầy giáo muốn đào tạo người, phải tuyển học sinh, hoàn toàn là xem từ phương diện này. Nếu thầy muốn truyền pháp, muốn truyền đạo, chính thức chỉ định quý vị, tuyển chọn quý vị ra làm người kế vị, điều này cần phải khảo sát 5 năm trở lên, mới có thể nhận ra rõ ràng, quý vị có gánh vác được trọng trách này chăng. Tục Phật huệ mạng, hoằng pháp lợi sanh, quý vị có thể đảm nhận được chăng. Không có năng lực này không truyền được, là đại từ đại bi, vì sao vậy? Vì truyền cho người không có năng lực, không gánh nỗi trách nhiệm này, đó chính là tạo tội. Tội nghiệp này, quý vị xem trong giới kinh kết tội là địa ngục A tỳ, tội rất nặng. Nên thầy rất cẩn thận, quan sát vô cùng tường tận trước khi tuyển chọn.
Giống như ngày xưa các bậc đế vương chọn người kế thừa, chọn hiền và năng. Quý vị xem trong Lễ Vận Đại Đồng chọn hiền và năng, rất cẩn thận. Quan sát một người thường quan sát 10 năm, 20 năm, 30 năm, như vậy mới chọn ra được. Thứ nhất là đức hạnh, nhân phẩm, học vấn, năng lực. Nếu đích thực có thể đảm nhận trọng trách này, mới đem vương vị cho họ.
Hiền nghĩa là kế thừa vương vị, năng là kế thừa đại thần, đây là cách trị đại đồng. Ngày xưa từng xuất hiện, không phải là lý tưởng. Nghiêu, Thuấn, Vũ, chúng ta xem lịch sử ghi chép, họ lựa chọn nhân tài bằng phương pháp này. Từ vua Vũ trở về sau truyền ngôi cho con trai, nên đã trở thành nhà thiên hạ. Nhưng con trai của vua Vũ quả thật rất tốt, tức là Vương Khải, Vương Khải là con trai của Hạ Vũ. Đức hạnh, học vấn, năng lực, xử sự đối nhân tiếp vật, đương thời không ai không tán thán, không ai không khâm phục. Nên Đại Vũ cũng tiếp nhận tiến cử của đại chúng, đem vương vị truyền cho con trai, truyền cho Khải. Từ đây về sau người xưa gọi là tiểu khang, tiểu khang là nói ba đời Hạ -Thương -Chu, đây đều là bậc trung.
Thời đại Khổng tử và Mạnh tử ra đời là thời loạn, Xuân Thu Chiến Quốc. Động loạn này kéo dài hơn 400 năm, gần 500 năm. Nên Khổng Mạnh niệm niệm không quên nền chính trị của thánh hiền, luôn nhắc đến Nghiêu Thuấn Vũ Thang, là thánh nhân. Cho nên nền chính trị ngày xưa là chính trị thánh hiền, chúng ta không thể không biết điều này. Giáo dục là giáo dục thánh hiền, chính trị là chính trị thánh hiền. Bất luận là ngành nghề nào, người là thánh hiền nhân. Kinh tế là thương nhân thánh hiền; làm công là công nhân thánh hiền. Bất luận ngành nghề nào đều là thánh hiền. Quý vị muốn hỏi vì sao ư? Vì nền giáo dục ta tiếp thu là giáo dục thánh hiền, từ giáo dục gia đình đến giáo dục học đường. Đọc sách chí tại thánh hiền, đây là thiên hạ đại trị. Không dám nói là thế giới Cực Lạc, cũng tương tự với thế giới Cực Lạc. Cho nên trải qua các đời, trong lòng người đọc sách, văn nhân luôn hướng đến, khác với người bây giờ.
Bởi thế căn tánh thuần thục, có thể tiếp thu, không ai thỉnh Đức Phật liền tự nói, tự động dạy.
Thứ 11 là “Phương quảng”. “Nói chân lý phương chánh quảng đại”, loại kinh văn này có tiêu đề là Phương quảng, nổi tiếng nhất là Kinh Đại Phương Quảng Phật Hoa Nghiêm, quả đúng là chân lý phương chánh quảng đại. Nói như trong Kinh Bát Nhã, bộ Kinh Đại Phương Quảng Phật Hoa Nghiêm này, Đức Phật Thích Ca Mâu Ni đã nói những gì? Trong Kinh Bát Nhã nói là thật tướng các pháp. Quý vị nghĩ có đúng chăng? Một bộ Kinh Đại Phương Quảng Phật Hoa Nghiêm, nói về thật tướng các pháp. Các pháp là tất cả pháp, thật tướng như người hiện nay gọi là chân tướng. Chân tướng tất cả pháp giữa vũ trụ, là nói đến vấn đề này. Loại kinh này có tựa đề là Phương quảng.
Kinh sau cùng là “Thọ ký”. “Kinh văn thọ ký cho Bồ Tát thành Phật”. Loại này không chuyên tinh, trong tất cả các kinh điển Đức Phật đều nói đến vấn đề này, đoạn kinh văn này thuộc về thọ ký. Đức Phật có trí tuệ này, có năng lực này, biết được tương lai khi nào quý vị tu hành chứng quả thành Phật, thành Phật ở đâu, khi nào thành Phật, thành Phật có hiệu là gì, ngài đều có thể nói ra.
Đây gọi là 12 bộ kinh, 12 bộ kinh này chính là nội dung tất cả kinh điển Đức Phật Thích Ca Mâu Ni nói trong suốt 49 năm. Phật Phật đạo đồng, cổ Phật ra đời là nói những kinh điển này, kim Phật ra đời không khác gì cổ Phật, cũng nói những kinh điển này, bởi thế Phật Phật đạo đồng. Kim Phật như cổ Phật tái sanh, nên gọi là Như Lai.
Chúng ta xem tiếp kinh văn bên dưới: “Hội Sớ lại nói, Như Lai có ba nghĩa: Pháp thân, báo thân, ứng thân”. Ở trang 182 hàng sau cùng_cũng có thể xưng Như Lai. Pháp thân thì không cần nói nữa, pháp thân là từ tự tánh để nói; báo thân là thân tự thọ dụng; ứng hóa là thân tha thọ dụng, đều có thể xưng Như Lai, kim Phật và cổ Phật không có gì khác nhau.
Tam thân này, chúng ta cần phải hiểu nghĩa chân thật của nó. Pháp thân không có tướng, trong Tịnh độ tông gọi là thường tịch quang, thường tịch quang là pháp thân. Cõi thường tịch quang, thân thường tịch quang, thân và cõi không hai, vì sao vậy? Vì trong thường tịch quang không có hiện tượng vật chất, cũng không có hiện tượng tinh thần. Nhưng phải biết nó rất linh hoạt, nó không có gì cả, trong lục đạo nói linh hồn, nó không phải linh hồn. Nói một cách miễn cưỡng nó là linh tánh. Không có vật chất cũng không có tinh thần, nhưng nó có thể thấy có thể nghe, tất cả chúng sanh khởi tâm động niệm nó biết tất cả, rất kỳ lạ. Thật ra không có gì kỳ là cả.
Quý vị xem tiến sĩ Giang Bổn Thắng người Nhật làm thí nghiệm nước. Nước là một loại vật chất, nó không có mắt cũng không có tai, nhưng nó thấy được nghe được. Nó không có nhục thân khí quản, nhưng lại hiểu được ý người, đây là gì? Là linh tánh! Ai không có linh tánh? Có. Linh tánh là gì? Linh tánh là pháp thân. Chúng ta có pháp thân chăng? Đương nhiên có pháp thân, không có pháp thân thì thân này làm sao đến được? Pháp thân là thể, là bản thể. Thân này là hiện tướng.
Báo thân là Đức Phật đã đoạn tận phiền não, là thân tự thọ dụng, nghĩa là nói lìa khổ được vui. Báo thân là được niềm vui thật sự, đã đoạn tận tất cả vọng tưởng phân biệt chấp trước, đây là báo thân. Báo thân trú ở đâu? Báo thân trú trong cõi thật báo, nên gọi là báo thân. Chúng ta biết trong cõi thật báo là nơi ở của 41 vị pháp thân đại sĩ, người thường không đến được. Nghĩa là nói đã đoạn tận kiến tư phiền não, đoạn tận trần sa phiền não, cũng đoạn tận vô minh phiền não, lúc này trú trong cõi thật báo. Trong cõi thật báo có thân, có sắc tướng, có thân. Tướng này, trong kinh Đức Phật nói: Thân có vô lượng tướng, tướng có vô lượng vẻ đẹp. Không phải như bình thường chúng ta nói, 32 tướng tốt 80 vẻ đẹp. 32 tướng tốt 80 vẻ đẹp là ứng thân. Báo thân là vô lượng tướng, tướng có vô lượng vẻ đẹp. Vì sao vậy? Vì tánh đức hoàn toàn hiển thị ra từ báo thân, tánh đức vô lượng vô biên vô số vô tận, không thể nghĩ bàn, hoàn toàn đều hiện ra từ trên báo thân. Đây là tự thọ dụng, thật sự lìa khổ được vui.
Ứng thân là tha thọ dụng, ứng thân là ứng hóa trong thập pháp giới, trong lục đạo. Chúng sanh có cảm, Phật liền thị hiện, Phật thị hiện thân này gọi là ứng thân.
Đương thời Đức Thế Tôn thị hiện ở cõi Ta bà này là ứng thân. Ứng thân không gì khác với thân chúng sanh ở nơi đây, ngài đến đầu thai vào cõi người trên địa cầu chúng ta. Ngài cũng thị hiện đầu thai, hoàn toàn giống như nhân gian chúng ta. Chúng ta là con người, ngài cũng là con người, nhưng chúng ta là người mê hoặc điên đảo, ngài là người triệt ngộ rốt ráo, điều này không giống nhau. Ngài đến để làm gì? Đến để giáo hóa chúng ta, dạy người, thị hiện dạy người, dạy súc sanh thì thị hiện thân súc sanh, súc sanh nhiều loại. Nếu dạy loài hổ ngài liền thị hiện thân loài hổ, hiện thân đồng loại. Nếu không phải thân đồng loại, làm sao sống cùng nhau? Hiện thân đồng loại, đây gọi là ứng thân. Muốn dạy ngạ quỷ, ngài phải hiện thân ngạ quỷ.
Quý vị xem, trong một vài pháp sự của Phật giáo như chuẩn tế, chuẩn tế là cúng thí thực. Quỷ rất đáng thương gọi là quỷ đói, không được ăn uống. Cúng thí thực, cúng thí thực nghĩa là sao? Là mời khách, mời ai? Mời quỷ đến ăn cơm. Quý vị xem trên đài cúng thí có cắm một bài vị quỷ vương, gọi là Tiêu Diện Đại Sĩ, mặt mũi hung dữ. Tiêu Diện là ai? Bồ Tát Quán Thế Âm, hiện thân quỷ ở trong đường ngạ quỷ. Ở đường nào thì hiện thân ở đường đó, đây gọi là ứng thân. Không hiện thân này, không thể giáo hóa loại chúng sanh đó, hòa quang đồng trần với tất cả chúng sanh.
Còn một thân nữa gọi là hóa thân, hóa thân khác với ứng thân, cũng là giáo hóa chúng sanh, nhưng thời gian ngắn. Quý vị nhìn thấy họ, họ nói chuyện với quý vị, chỉ điểm cho quý vị, xong rồi liền biến mất, quý vị không tìm thấy họ nữa. Không biết họ từ đâu đến, cũng không biết họ đi về đâu, nhưng thật sự nhìn thấy họ, đây là hóa thân. Hóa thân cũng thường có, người có duyên đều gặp được. Quý vị có nhân duyên đặc biệt với Phật Bồ Tát. Chúng tôi ngày xưa_là sự thật hoàn toàn, không phải giả. Sư mẫu của tôi, vợ của thầy Chu Bang Đạo- Chu tiên sinh. Trong thời kỳ kháng chiến, chúng tôi đi học ở Quý Châu, ông là hiệu trưởng của chúng tôi. Sau khi chiến tranh thắng lợi ông trở về Nam Kinh, nhà ông ở Nam Kinh có khoảng sân rất lớn, ba lần cửa. Sau khi mở cửa lớn là sân nhà, trong này có rất nhiều cây ăn trái, một khoảng sân lớn. Sau đó mới đến cửa thứ hai, ở trước là sân. Chúng tôi ở Đài Trung học Phật với thầy Lý tình cờ gặp lại hiệu trưởng, hiệu trưởng cũng học Phật với thầy Lý. Trước đây chúng tôi là thầy trò, bây giờ chúng tôi trở thành bạn học. Vợ thầy Chu nói với tôi, khi bà ở Nam Kinh, một hôm có một vị hòa thượng_lúc đó họ không tin Phật, không có tín ngưỡng Tôn giáo, có một vị hòa thượng đến nhà bà khất thực. Bà hỏi hòa thượng, ông từ đâu đến? Đến từ Cửu Hoa Sơn, đi khất thực gieo duyên. Bà nói ông muốn gì? Hòa thượng nói cần năm cân dầu thơm, bà Chu không cho. Không cho, hòa thượng liền đi. Sau khi hòa thượng đi rồi, bà đột nhiên nhớ lại: Nhà mình muốn đến được đây là đi qua ba lần cửa, không có ai mở cửa, cũng không nghe tiếng gọi cửa, ông ta đến bằng cách nào? Khi hòa thượng đi rồi, thấy cửa vẫn đóng, ông đi bằng cách nào? Bà cảm thấy rất kỳ lạ, để chuyện này trong lòng không biết bao nhiêu năm. Khi đến Đài Trung gặp thầy Lý, bà kể lại câu chuyện này cho thầy Lý nghe. Thật vậy, lúc bà nói chuyện với vị hòa thượng cũng khoảng mười mấy phút, tuyệt đối không phải thấy sai, thật sự thấy như vậy. Vị hòa thượng này không biết từ đâu đến, cũng không biết đi về đâu. Từ núi Hoa Sơn đến khất thực năm cân dầu thơm, bà hối hận vì không cúng dường. Thầy giáo nói với bà, đó là Bồ Tát Địa Tạng, bà giật mình quỳ xuống lạy. Bồ Tát Địa Tạng đến nhà bà, đến độ bà. Nên từ đó về sau bà thờ Bồ Tát Địa Tạng, ngày ngày tụng Kinh Địa Tạng, ngày ngày niệm Chú Đại Bi, bà tu hành tinh tấn. Học sinh chúng tôi không ai không khen ngợi bà, bà đối với học sinh chúng tôi tốt hơn cả con cái mình. Nên học sinh chúng tôi lúc đó, thật sự gọi là thầy trò như cha con. Hoạn nạn, không có nhà, học đường chính là nhà, thầy giáo là cha mẹ chúng tôi, còn bạn học giống như anh em chị em vậy. Hợp tác lẫn nhau, chăm sóc lẫn nhau trong lúc hoạn nạn. Đó là gì? Là Bồ Tát Địa Tạng hóa thân.
Cho nên ứng thân, hóa thân, vì họ không mê, giác mà không mê. Ngày xưa Chư Phật Như Lai giáo hóa chúng sanh, hiện tại Chư Phật đến thị hiện ứng hóa, không khác gì cổ Phật. Cho nên có thể gọi là ứng thân Như Lai, hóa thân Như Lai.
Bên dưới, Kinh Kim Cang nói: “Không có đến, cũng không có đi, nên gọi là Như Lai, đây là pháp thân Như Lai”. Pháp tánh, thân pháp tánh, đây là nói từ trên phương diện pháp thể. Trong Kinh Kim Cang còn có câu: “Như Lai tức chư pháp như nghĩa”, cũng là nói pháp thân. Câu này nói rất hay, các pháp nhất như, cũng tức là nói tất cả pháp là nhất thể. Chư pháp như nghĩa, nói cho chúng ta biết tin tức này. Đây đều là nói luân lý của Phật giáo, luân lý Phật giáo nói rằng: muôn sự muôn vật khắp biến pháp giới hư không giới, là từ một tự tánh biến hiện ra.
Chúng ta đọc trong kinh điển đại thừa, “ngoài tâm không có pháp, ngoài pháp không có tâm”. Tâm ở đây nghĩa là tự tánh, là chân tâm, bản thể của tất cả pháp là chân tâm. Tôn giáo nước ngoài không gọi nó là tánh, không gọi là chân tâm, mà gọi là chân thần, gọi là thượng đế. Danh xưng khác nhau, nhưng thực tế là cùng một nghĩa.
Lần này tôi thấy_tháng trước có mấy nhà khoa học, mở hội nghị ở Sydney Úc châu, luận đàm hai ngày, có gởi thư mời cho tôi. Tôi không đi, nhưng phái mấy vị đồng tu đến tham dự, có năm sáu người đi tham dự. Tôi xem ghi chép báo cáo của họ, khiến tôi cảm thấy rất kinh ngạc, những báo cáo khoa học này ngày càng tiếp cận Phật giáo. Mặc dù họ là tín đồ Tôn giáo, nói rằng: Thượng đế tức là tôi, tôi tức là thượng đế. Tôi là thượng đế, quý vị cũng là thượng đế. Thấy báo cáo này, giống với những gì trong Phật giáo đại thừa nói: “tất cả chúng sanh vốn là Phật”, 3000 năm trước Đức Phật đã nói như vậy.
Hiện nay các nhà khoa học, có một số là tín đồ Tôn giáo, họ thừa nhận thượng đế không phải một người_điều này trước đây tôi chưa từng nghe, nên ngày càng gần với tư tưởng của Phật giáo đại thừa, đây là thật. Chủ tạo vật thật sự là ý niệm, trong kinh nói tâm hiện thức biến. Tâm chính là chân tâm, nghĩa là pháp tánh, năng sanh năng hiện. Khi khai ngộ đại sư Huệ Năng nói: “đâu ngờ tự tánh năng sanh vạn pháp”. Tự tánh này chính là pháp tánh, nghĩa là bản tánh chân như, năng sanh vạn pháp. Trong Hoàn Nguyên Quán nói, nguồn gốc của vũ trụ là nhất niệm bất giác. Nhất niệm bất giác này là A lại da sanh ra, toàn thể vũ trụ xuất hiện. Sau khi xuất hiện, đây là gì? Là hiện tượng vật chất, hiện tượng tinh thần, hiện tượng tự nhiên, cả ba hiện tượng điều xuất hiện. Bất cứ hiện tượng nào đều có ba đặc tánh, thứ nhất là “chu biến pháp giới”. Vì chúng ta biết, bất luận là vật chất hay tinh thần, nó đều có tần suất. Nên hiện nay các nhà khoa học phát hiện là vũ trụ, họ đưa ra một lý luận: “Lý luận dây đàn”. Lý luận này giống như khi đàn, khi ta gảy nó có chấn động. Muôn sự muôn vật giữa vũ trụ, vì sao có nhiều sự bất đồng đến thế? Đây là tần suất không giống nhau, tất cả đều thuộc về chấn động. Chấn động này hiện nay khoa học gọi là năng lượng, vì chấn động nên mới xuất hiện hiện tượng tinh thần, hiện tượng vật chất và hiện tượng tự nhiên. Tam tế tướng của A lại da, nghiệp tướng của A lại da chính là chấn động, lúc động chúng ta gọi nó là khởi tâm động niệm. Nó vô cùng vi tế, bản thân chúng ta không cách nào phát giác được, chấn động cực kỳ vi tế. Tốc độ chấn động này, chỉ cần vừa động nó liền chu biến pháp giới. Nói cách khác, bất cứ tốc độ nào đều không sánh bằng chấn động của tâm niệm này. Ánh sáng của mặt trời đến địa cầu phải mất tám phút, cự ly không xa lắm, nhưng ý niệm chúng ta vừa chấn động là chu biến pháp giới, nên cảm ứng đạo giao với tất cả Chư Phật Bồ Tát, không thể nghĩ bàn.
Đặc tánh thứ hai là “xuất sanh vô tận”. Nói như chúng ta hiện nay là biến hóa vô cùng, quả là không thể nghĩ bàn. Trong sự biến hóa này, mặc dù là ức vạn năm nay, không có hai hiện tượng dao động nào biến hóa hoàn toàn tương đồng. Không có, xưa nay chưa từng có, chỉ có đến khi nào tương đồng? Khi bất động là tương đồng, chỉ cần là động sẽ không có tương đồng, xuất sanh vô tận.
Đặc tánh thứ ba là “hàm dung không hữu”. Hàm không, không là hư không, hữu là vạn hữu. Vấn đề này thông thường chúng ta gọi là tâm lượng lớn, nó có thể bao dung. Trong Phật pháp thường nói là “tâm bao thái hư, lượng châu sa giới”, chính là ý này. Quý vị xem lượng này lớn biết bao! Đây là gì? Là tâm lượng của tự tánh, tâm lượng của A lại da. Tâm lượng quý vị vốn lớn như vậy, hiện nay tâm lượng lại biến thành nhỏ như vậy, hai người cũng không thể bao dung lẫn nhau. Đó gọi là gì? Là tạo nghiệp! Tạo nghiệp thì phải chịu khổ, nghiệp không phải là thật, khổ cũng không phải thật, nhưng nó nhất định có hiện tượng này, đây là định luật nhân quả. Định luật này không khó lý giải, vì sao vậy? Có thể từ trong cảnh mộng lãnh hội được. Mỗi người đều có kinh nghiệm nằm mộng, quý vị thấy ác mộng, trong mộng sợ hãi đến nỗi đổ mồ hôi lạnh toàn thân, nhưng tỉnh dậy đều là không, là giả. Nhân quả đều là giả, hiện nay chúng ta đang ở trong mộng, cần phải biết điều này.
Đức Phật dạy chúng ta, luân hồi lục đạo từ đâu mà có? Từ chấp trước, tình chấp. Chúng ta đối với tất cả pháp thế xuất thế gian không còn chấp trước, như vậy là đã tỉnh. Sau khi tỉnh mộng, lục đạo không còn, là một giấc mộng. Nhưng sau khi tỉnh mộng, quý vị vẫn ở trong mộng, vẫn còn một tầng mộng. Lục đạo là mộng trong mộng, đã tỉnh mộng.
Cảnh mộng ở trên là gì? Là tứ thánh pháp giới: Thanh văn, Duyên giác, Bồ Tát, Phật, đó cũng không phải thật. Đó là gì? Đoạn tận trần sa phiền não, nghĩa là không còn phân biệt, phân biệt vi tế hơn chấp trước. Chấp trước không còn, nhưng vẫn còn phân biệt. Phân biệt không còn, đến sau cùng có thể không khởi tâm không động niệm, mười pháp giới không còn. Trong Kinh Bát Nhã Đức Phật nói: “Phàm sở hữu tướng giai thị hư vọng”, “tất cả pháp hữu vi, như mộng huyễn bào ảnh”. Mười pháp giới y chánh trang nghiêm là pháp hữu vi, mộng huyễn bào ảnh, thật sự đã tỉnh. Tỉnh giấc mộng này, mười pháp giới không còn. Ta trú ở đâu? Thì ra là trú trong cõi thật báo trang nghiêm. Tỉnh dậy mới biết, nơi ta ở là cõi thật báo, cõi thật báo trang nghiêm của Chư Phật Như Lai là cõi thật báo của chính mình, tự tha không hai, sanh Phật không hai, chúng sanh và Phật là một không phải hai. Đây là thế giới Cực Lạc, trong này không có khổ, thật gọi là lìa khổ được vui, nhưng vẫn không phải là cứu cánh nhất. Cứu cánh nhất là như thế nào? Là trở về tự tánh. Chúng ta từ tự tánh sanh ra, sau cùng vẫn trở về tự tánh. Giống như là một vòng tuần hoàn lớn, lại trở về chỗ cũ. Cứu cánh chính là thường tịch quang Tịnh độ, đã trở về thường tịch quang. Khi nào trở về thường tịch quang? Khi đoạn tận tập khí vô thỉ vô minh.
Trong kinh điển chúng ta thường thấy: Bồ Tát Đẳng giác vẫn còn nhất phẩm sanh tướng vô minh chưa đoạn, đoạn nhất phẩm vô minh này liền thành Diệu giác vị, quả Phật cứu cánh viên mãn, vô thượng chánh đẳng chánh giác. Không còn cao hơn, họ đã đến vô thượng. Lúc này cõi thật báo cũng không còn, trở về thường tịch quang. Nên cõi thật báo cũng không phải thật, chúng ta gọi nó là nhất chân pháp giới. Nghĩa là trong cõi thật báo không có hiện tượng sanh diệt, không có hiện tượng biến dị. Sanh đến cõi thật báo, tướng giống như thế nào? Đại khái là giống như mười bảy mười tám tuổi vậy, vĩnh viễn mười bảy mười tám tuổi. Thọ mạng bao lâu? Ba đại a tăng kỳ kiếp, họ không thay đổi! Vì sao họ không thay đổi? Họ không có thức, chỉ có tâm hiện, không có thức biến. Thức là bát thức, họ ở trong cảnh giới đó là chuyển bát thức thành tứ trí. Nói cách khác, họ dùng chân tâm, chân tâm không thay đổi. Trong mười pháp dùng vọng tâm, vọng tâm thay đổi, vọng tâm thay đổi trong từng sát na, từng giây từng phút không giống nhau. Nên nó có sanh diệt. Ý niệm có sanh diệt, nên hiện tướng có sanh diệt. Ý niệm không có sanh diệt, nên nó sẽ thường trú. Người trong cõi thật báo trường thọ, vô lượng thọ, nhưng tướng mạo vĩnh viễn bất biến, vĩnh viễn không có sanh bệnh, không có hiện tượng này. Cây cỏ hoa lá mãi xanh tươi, không có điêu tàn. Trong kinh điển chúng ta đọc được rất nhiều, Đức Phật không nói: “phàm sở hữu tướng giai thị hư vọng”, cõi thật báo là ngoại lệ, không nói lời này, cho nên cõi thật báo cũng sẽ diệt tận.
Các nhà vật lý học hiện đại, phát hiện khi nghiên cứu vũ trụ vĩ quan. Hiện nay chúng ta có thể thăm dò được, trên thực tế chỉ là 10% của toàn thể vũ trụ mà thôi, 90% vũ trụ còn lại không nhìn thấy, họ rất mơ hồ. Chúng ta nghe báo cáo này của họ vô cùng hoan hỷ, gật đầu, vì chúng ta đã hiểu. Họ không hiểu, nhưng chúng ta hiểu. 90% vũ trụ đó đi đâu? Đã trở về thường tịch quang. Trở về thường tịch quang, thì dù quý vị có tìm cũng không thấy được. Vì thường tịch quang, nó không phải vật chất, cũng không phải tinh thần. Nếu là vật chất, nhãn nhĩ tỷ thiệt thân có thể tiếp xúc được. Nó là tinh thần, đệ lục ý thức có thể tiếp xúc được. Khi trở về thường tịch quang, tám thức đều không khởi tác dụng, đều không cách nào duyên được nó, nó đã trở về tự tánh.
Phật pháp đích thực là triết học cao cấp, không những là triết học cao cấp, mà còn là khoa học cao cấp. Ngày nay vấn đề mà khoa học và triết học không giải quyết được, trong Phật pháp đều có cả. Khoa học tiến bộ, sau khi có thể thăm dò được cảnh giới này, không có cách nào tiếp tục nâng cao hơn nữa, không cách nào nâng cao thêm nữa. Nếu nâng cao hơn nữa phải dùng phương pháp của đại thừa, buông bỏ vọng tưởng phân biệt chấp trước. Sau cùng Đức Phật nói một câu, vấn đề minh tâm kiến tánh chỉ có chứng được mới biết. Cần bản thân quý vị phải tự chứng được, quý vị sẽ hiểu được. Khi quý vị không thể chứng được, dùng ý thức để duyên đó. Công năng của ý thức, đối với bên ngoài có thể duyên đến vũ trụ, đối với bên trong có thể duyên đến A lại da, nhưng không duyên được tự tánh. Thức thứ sáu có thể duyên, danh từ hiện nay của chúng ta gọi là tri thức. Từ buông bỏ tập khí phiền não, trong này chứng được gọi là trí tuệ. Cho nên Đức Phật chứng được, là ngài dùng trí tuệ, không phải tri thức. Ngày nay khoa học thăm dò được, tất cả đều thuộc về tri thức, không phải trí tuệ. Phạm vi mà tri thức có thể thăm dò được chỉ lớn chừng đó, thật đáng nể, nhưng họ chưa đoạn được phiền não. Chưa đoạn được phiền não, nói cách khác họ không ra khỏi luân hồi lục đạo, cần phải hiểu điều này! Trong Phật pháp tu học không coi trọng tri thức, chỉ coi trọng trí tuệ, coi trọng đức hạnh, coi trọng sự buông xả. Đức Phật dạy chúng ta, buông bỏ kiến tư phiền não, liền chứng được A la hán, lục đạo không còn, vượt thoát lục đạo, đây là lợi ích thật sự. Mặc dù tri thức khá cao, nhưng ta chưa trừ được thị phi nhân ngã, chưa buông bỏ được tự tư tự lợi, chưa buông bỏ tham sân si mạn. Như vậy quý vị ở trong lục đạo, phải sanh tử như thế nào vẫn là sanh tử như thế đó, vô ích, tri thức không hữu dụng. Dù tri thức cao đến đâu, nếu vẫn còn tham sân si mạn, nhất định đọa tam đồ. Nếu có trí tuệ, chắc chắn họ không còn tham sân si mạn. Không giống nhau, trí tuệ lợi ích vô cùng, chúng ta nhất định phải hiểu điều này.
Chúng ta xem tiếp bên dưới, trang 183 hàng thứ nhất: “Chuyển Pháp Luân Luận nói: Đệ nhất nghĩa đế gọi là Như, chánh giác gọi là Lai, đây là báo thân Như Lai”. Đây là nói gì? Trong cõi thật báo trang nghiêm, 41 vị pháp thân đại sĩ, đệ nhất nghĩa đế gọi là Như. Đệ nhất nghĩa đế là gì? Chính là trong kinh này nói, loại thứ nhất trong ba loại chân thật- Chân thật rốt ráo, nghĩa là tự tánh, người xưa gọi là bản tánh, bản tánh vốn thiện. Trong Tịnh độ gọi là thường tịch quang, đây là Như.
Chánh giác gọi là Lai, đệ nhất nghĩa đế là tánh đức, tự tánh vốn có. Chánh giác là tu đức, nếu chúng ta không tu, tuy có tánh đức, nhưng tánh đức không khởi tác dụng, tánh đức vĩnh viễn tùy duyên. Quý vị tạo tội địa ngục, tánh đức cũng theo đó biến ra hiện tượng địa ngục. Quý vị tạo tội súc sanh, tánh đức biến hiện súc sanh, tánh đức vĩnh viễn tùy duyên. Quả đúng là hằng thuận chúng sanh, tùy hỷ công đức, không sai chút nào. Đây là nói báo thân Như Lai, chánh giác hiện tiền. Chánh giác này là vô thượng chánh đẳng chánh giác.
Thành Thật Luận nói: “Thừa Như Lai đạo, lai thành chánh giác, nên gọi là Như Lai”. Đây là ứng thân Như Lai. Ở trước là pháp tướng, báo thân Như Lai là pháp tướng. Quý vị xem pháp thân Như Lai là pháp tánh, báo thân Như Lai là pháp tướng, ứng thân Như Lai là pháp dụng, là khởi dụng của pháp tánh, đây là ứng thân Như Lai. Thừa Như Lai đạo, là tự tánh. Lai thành chánh giác, là thị hiện ứng thân. Như đương thời Đức Phật Thích Ca Mâu Ni xuất hiện ở thế gian này, là lai thành chánh giác. Chúng ta xưng ngài là Như Lai, xưng ngài là Phật, đây là ứng thân, ứng thân Phật, ứng thân Như Lai. Những đạo lý, chân tướng sự thật này, chúng ta đều hiểu rõ ràng, sẽ biết cần tu như thế nào. Đây là đại ân đại đức mà Phật đối với chúng ta, nếu Phật không xuất thế chúng ta làm sao biết được những vấn đề này? Nhất định tùy theo tập khí phiền não mà ngày ngày tạo ác nghiệp. Không nghe Phật pháp, nhất định trôi lăn mãi trong luân hồi lục đạo. Lục đạo luân hồi cũng vậy, cũng là gặp duyên khác nhau. Nếu như gặp được cha mẹ tốt, thầy giáo giỏi, dạy cho chúng ta nhân nghĩa đạo đức, chúng ta sẽ ở trong ba đường lành của lục đạo. Nếu không gặp được thầy giỏi, nhất định ta không dứt trừ được tham sân si mạn, đây là ác nghiệp, quả báo trong ba đường ác. Cõi người là giới tuyến, đây là một điểm, là một trạm trung chuyển. Quý vị từ ba đường lành chuyển đến ba đường ác, chuyển từ đây. Từ ba đường ác chuyển đến ba đường lành, cũng từ đây chuyển. Thọ mạng ở cõi người không dài, nhưng ở trong lục đạo nó khởi tác dụng rất lớn. Nếu Chư Phật Bồ Tát thị hiện thân Phật để độ chúng sanh, đều ở cõi người. Ba đường lành như chư Thiên, thì họ hiện thân Bồ Tát, không hiện thân Phật, ba đường ác cũng hiện thân Bồ Tát, thành Phật nhất định ở cõi người. Nên cõi người đáng quý là đáng quý ở chỗ này, khổ nhiều ít vui dễ giác ngộ. Sau khi hiểu rồi, bản thân ở trong đời này, chúng ta đã tìm ra phương hướng, tìm được mục tiêu. Chúng ta tìm được kinh điển y cứ, nghĩa là bộ kinh này, y theo bộ Kinh Vô Lượng Thọ này. Phương hướng là thế giới tây phương Cực Lạc, mục tiêu là thân cận Phật A Di Đà, trong đời này tôi chắc chắn phải làm được điều này, phải hạ quyết tâm. Có thể đến đó được sao? Có thể. Dựa vào điều gì? Chỉ cần ta chịu buông bỏ là có thể đến đó được, tuyệt đối không thể đem những thứ ở thế giới này đến thế giới Cực Lạc, không thể đem theo được, buông bỏ triệt để. Ngày nào buông bỏ thì ngày đó sẽ thành công, quý vị muốn ngày nào vãng sanh, hôm nay tôi vãng sanh, hôm nay phải triệt để buông bỏ, hôm nay thật sự được vãng sanh. Vì sao vậy? Chúng ta ở đây vừa khởi tâm động niệm, Phật A Di Đà liền nhận được tin tức.
Trong Hoàn Nguyên Quán nói: Chu biến pháp giới, thế giới Cực Lạc với chúng ta là cùng một pháp giới, đương nhiên ngài nhận được tin tức. Thật sự phát nguyện, thật sự phát tâm, Phật A Di Đà sẽ đến, đây hoàn toàn là sự thật. Đừng tiếp tục tham đắm những thứ không thật, lục đạo là giả, không có gì là thật, ngay cả mười pháp giới cũng là giả. Đến thế giới Cực Lạc, là trở về đến cõi thật báo trang nghiêm. Chúng ta chưa đoạn được nhất phẩm tập khí phiền não, nhất phẩm chưa đoạn cũng vậy, cũng là cõi thật báo.
48 nguyện của Phật A Di Đà nói rất rõ ràng, chỉ cần sanh đến thế giới Cực Lạc, “đều làm A Duy Việt Trí Bồ Tát”. A Duy Việt Trí Bồ Tát là Bồ Tát nào? Tam bất thoái. Tam bất thoái nói như thế nào? Tiểu thừa A la hán là vị bất thoái, Bồ Tát đại thừa là hành bất thoái, minh tâm kiến tánh, Hoa Nghiêm viên giáo trở lên là niệm bất thoái. Chứng được ba loại tam bất thoái này, đó là Kinh Hoa Nghiêm viên giáo sơ trụ trở lên. 41 vị pháp thân đại sĩ, họ trú ở đâu? Họ trú cõi thật báo trang nghiêm.
Bởi thế quý vị sẽ biết, thế giới Cực Lạc tuy nói bốn cõi, nhưng lấy cõi thật báo trang nghiêm làm trung tâm. Tuy ta sanh vào cõi phàm thánh đồng cư, chưa đoạn nhất phẩm phiền não, nhưng được oai thần bổn nguyện của Phật A Di Đà gia trì, ta ở thế giới Cực Lạc, trí tuệ, thần thông, đạo lực, bình đẳng với pháp thân đại sĩ của hàng sơ trụ trở lên, đãi ngộ giống nhau. Thế giới khác không có lợi ích này. Phật A Di Đà đối xử bình đẳng, tuyệt đối không có phân biệt quý vị là cõi đồng cư hay quý vị là cõi phương tiện, không có tâm phân biệt này. Điều này hiếm có, quả thật hiếm có.
Bởi vậy bốn cõi của thế giới Cực Lạc là ở cùng nhau, một sanh tất cả sanh. Hoàn cảnh tu học thù thắng như vậy, chúng ta không đến thì đi đâu để tìm? Cần phải biết điều này. Vấn đề này là thật, không phải giả. Đối với thế gian này không hề có chút tham luyến nào. Ở thế giới này ngày nào, vấn đề hàng đầu là nâng cao cảnh giới của mình, việc lớn thứ hai là giúp những chúng sanh khổ nạn. Điều nầy cần phải hiểu rõ ràng. Nếu đem việc giúp đỡ tất cả chúng sanh khổ nạn, coi là việc lớn hàng đầu, đặt công phu tu học của mình ở vị trí thứ hai. Không tệ, quý vị tu được không ít phước báo, nhưng không về được thế giới Cực Lạc, đời sau hưởng phước báo nhân thiên, quý vị đang tạo công đức này. Khi hưởng phước báo nhân thiên, quý vị có tạo nghiệp chăng? Quý vị xem thế gian hiện nay, chức vị lớn, tiền tài nhiều, họ có tạo nghiệp chăng? Đừng nói gì khác, trong ẩm thực hàng ngày ăn thịt chúng sanh. Trong kinh Đức Phật nói rất rõ ràng: “Ăn nó nữa cân, trả nó tám lạng”. Nợ mạng phải trả mạng, nợ tiền phải trả tiền, như vậy phải làm sao? Vì thế chúng ta ở thế gian này, tất cả công đức tu học được, đều hồi hướng cho oán thân trái chủ, sám hối đối với họ. Trước đây không biết, bây giờ học Phật mới hiểu, cầu xin họ tha thứ, khi vãng sanh đừng đến quấy phá. Tôi sanh đến thế giới Cực Lạc, sau khi thành Phật sẽ trở lại độ họ. Điều kiện của chúng ta bàn thỏa đáng, tinh tấn tu hành, họ đồng ý. Nếu bàn những điều kiện này, bản thân quý vị vẫn còn tâm riêng tư, vướng vào danh văn lợi dưỡng, vị tham sân si mạn chi phối, những oan thân trái chủ này không tha cho quý vị, vì sao vậy? Vì những gì quý vị nói với tôi đều là giả, gạt tôi.
Người học Phật ngày ngày lễ lạy, ngày ngày sám hối, vì sao nghiệp chướng vẫn rất nặng, vẫn còn quá nhiều bệnh tật, thậm chí còn bị ma nhập. Như vậy nghĩa là sao? Quý vị nói toàn là giả, quý vị không tinh tấn tu hành. Tu hành chơn chánh, họ rất khâm phục, vì sao vậy? Vì họ biết quý vị có thể thành tựu, thật sự có thể thấy được Phật A Di Đà. Quý vị thấy được Phật A Di Đà, chúng tôi cũng nhờ đó mà được lợi ích. Họ không gây phiền phức cho quý vị, mà còn bảo hộ quý vị. Đạo lý này là người đồng với tâm này, tâm đồng với lý này. Chúng ta không thể không biết, nhất định phải y giáo phụng hành.
Bây giờ ta ở trên thế gian này không có thành tựu, nên phải đặt sự thành tựu của mình lên hàng đầu. Đức Phật nói: bản thân chưa độ, mà có thể độ người, không có chuyện này, không có đạo lý này. Muốn độ chúng sanh trước phải độ mình, bản thân chưa được độ không thể độ được người khác. Ta đến thế giới Cực Lạc, đến được đó rồi quay trở lại, như vậy là được. Đến thế giới Cực Lạc nghĩa là tự độ, như vậy tôi mới có năng lực giúp đỡ mọi người. Chỉ cần đến được thế giới Cực Lạc, ngày này đến, ngày mai trở lại. Được oai thần bổn nguyện của Phật A Di Đà gia trì, ta là A Duy Việt Trí Bồ Tát. Cần dùng thân gì để được độ, quý vị có thể hiện ra thân đó. Không phải đợi đến thế giới Cực Lạc, tốt nghiệp, thành tựu, không phải vậy. Chỉ cần nhập học, ta liền có bản lĩnh này. Điều này không thể nghĩ bàn, là pháp khó tin. Nếu đến khi bản thân có năng lực này, ở thế giới Cực Lạc bản thân đã tu thành A Duy Việt Trí_trong Kinh Quán Vô Lượng Thọ Phật nói rất rõ ràng, như hạng phàm phu chúng ta nhất phẩm phiền não chưa đoạn. Cõi phàm thánh đồng cư hạ hạ phẩm vãng sanh, phải tu thời gian bao lâu mới đoạn vô minh, chứng pháp thân? Là 12 tiểu kiếp, 12 kiếp, thời gian rất ngắn. Chúng ta thấy thì rất dài, nhưng đối với Bồ Tát thì rất ngắn, 12 kiếp. Cho nên ở đây tu hành nhanh hơn thế giới Cực Lạc. Đây là Đức Phật nói: Tu hành ở thế giới Ta Bà một ngày, bằng 100 năm tu hành ở thế giới Cực Lạc. Vì thế giới Cực Lạc không có chướng ngại, không có sự cám dỗ, đi một cách bình ổn. Tu hành ở thế giới này lên xuống rất nhanh, lên cũng nhanh mà xuống cũng nhanh. Khi nhất niệm sai lầm, lập tức đọa xuống địa ngục, khi một niệm chánh lập tức sanh lên cõi trời, lên xuống rất nhanh. Cho nên thật sự giác ngộ, thật sự minh bạch, thế gian này rất hay. Ở thế gian này tu hành mười năm, bằng tu hành ở thế giới Cực Lạc 1000 năm. Then chốt không phải do hoàn cảnh, đều ở chính mình. Đối với hoàn cảnh thì thuận cảnh hay nghịch cảnh đều là hoàn cảnh tốt, trong thuận cảnh thử thách chúng ta không khởi tham luyến, trong nghịch cảnh cũng thử thách chúng ta không khởi sân nhuế. Ở đây tu điều gì? Tu tâm thanh tịnh, tu tâm bình đẳng, tu giác mà không mê. Tu hành như vậy quý vị đến thế giới Cực Lạc, không phải là cõi phàm thánh hạ bối vãng sanh, nhất định là trung bối trở lên. Tương lai bản thân tu thành tựu, không dựa vào Phật A Di Đà gia trì, thông thường đại khái hay nói là ba bốn kiếp, năm sáu kiếp sẽ thành công, tuyệt đại đa số. 12 kiếp là thiểu số, đó là gì? Lúc thân mạng chung tạo nhiều tội nghiệp cầu vãng sanh, như vậy phải cần 10 kiếp đến 12 kiếp. Hiểu rõ ràng chân tướng sự thật rồi, chúng ta mới quyết một lòng theo một pháp môn này, một bộ kinh này, trong đời này bảo đảm thành tựu.
Bộ đại thừa Kinh Vô Lượng Thọ này, chính là sách đảm bảo chúng ta vãng sanh thế giới Cực Lạc. Ta y giáo phụng hành, nó bảo đảm ta vãng sanh. Cầm được cuốn sách này không làm theo cũng không hiểu nghĩa, như vậy không đáng tin, đó không phải là sách bảo đảm của quý vị. Tin thật, hiểu thật, hành thật, gọi là y giáo phụng hành, sách này là sách bảo đảm.
Bên dưới nói, Thiên Thai Thọ Lượng Phẩm Sớ_Đây là trong Kinh Pháp Hoa nói: “Như là pháp như như cảnh, không nhân không quả, có Phật không Phật, tánh tướng thường nhiên, biến khắp nơi mà không thay đổi gọi là Như, bất động mà đến là Lai, đây là chỉ pháp thân Như Lai”. Đoạn này trong Kinh Pháp Hoa cũng là nói pháp thân Như Lai, đều nói tự tánh.
“Pháp như như cảnh”, như như cảnh là ví dụ, như như là không khác nhau. Tánh tướng nhất như, tánh như tướng, tướng như tánh. Tánh tướng là nhất thể, lý sự là nhất thể, nhân quả là nhất thể, tất cả mọi hiện tượng trong vũ trụ là nhất thể. “Không nhân không quả”, có nhân quả chăng? Có nhân quả, vì sao nói có nhân quả? Vì có ý niệm là có nhân quả, không có ý niệm thì nhân quả không có. Tôi đã vô niệm, vô niệm quý vị vẫn có nhân quả, vì sao vậy? Vì quý vị có vô niệm, quí vị không có cách nào, vì quí vị còn có vô niệm, vô niệm cũng không được có. Nếu khi thật sự tu vô niệm, tương lai đi về đâu? Đến Trời vô tưởng, quả báo ở Trời vô tưởng. Cho nên vô niệm cũng không có, đó gọi là gì? Đó là ý niệm thật sự không còn, đoạn tận khởi tâm động niệm. Đoạn tận khởi tâm động niệm là cảnh giới của Pháp thân đại sĩ sơ trụ trở lên. Cần phải biết điều này.
Khởi nhân của tất cả pháp là ý niệm đầu tiên, khởi tâm động niệm, nhất niệm bất giác. Nhất niệm này là nguyên nhân gì? Không có nguyên nhân, nên gọi là vô thỉ vô minh, nó không có bắt đầu. Đây là nói thật với quý vị, là chân tướng sự thật, không có bắt đầu, mê muội. Câu này rất khó hiểu.
Trước đây tôi ở Đài Trung học Kinh Lăng nghiêm, trong kinh này có câu hỏi như vậy. Vô thỉ vô minh khởi lên như thế nào? Đầu tiên chúng tôi giải thích hai chữ vô thỉ này như thế nào? Giải thích thời gian, hình như rất lâu rất lâu về trước, chúng tôi đã hiểu sai. Ý nghĩa thật sự là vốn không có bắt đầu, không có bắt đầu nó thật có như vậy. Đức Phật Thích Ca Mâu Ni_vì vấn đề này là Tôn giả Phú Lâu Na nêu ra, Phú Lâu Na là A la hán. Đức Phật đưa ra một ví dụ: “Diễn nhược đạt đa mêm đầu nhận ảnh”. Câu chuyện này mọi người đều biết, là có ngộ nhận. Diễn nhược đạt đa là có ngộ nhận, mê đầu nhận ảnh chúng ta nói cũng không dễ nói. Tôi nói một ví dụ khác hoàn toàn tương đồng với nó.
Khi tôi học cấp một và cấp hai là vào thời kỳ kháng chiến, chiến tranh Trung Nhật, lúc đó lớp năm lớp sáu tiểu học là học sinh lớp lớn. Học sinh lớp năm lớp sáu là bắt đầu học quân sự, như vậy những lớp trên thì càng không cần nói. Lớp năm lớp sáu đã học quân sự, nên chúng tôi cũng từng được huấn luyện quân sự. Trong huấn luyện quân sự, chuyện bình thường nhất là tập hợp khẩn cấp. Sáng sớm trưởng quan ở thao trường thổi một hồi còi, giới hạn trong ba phút phục trang phải chỉnh tề, đến thao trường xếp hàng, thường có trường hợp này. Khi phục trang chỉnh tề, đột nhiên hoảng hốt hỏi mọi người: Mũ của tôi không thấy, nó ở đâu? Bạn học nói, không phải mũ bạn đang đội trên đầu ư? Rờ lên là thật, gọi là mê đầu nhận ảnh. Quý vị nói mê này có thời gian chăng? Nó phát sanh khi nào? Câu chuyện diễn nhược đạt đa mê đầu nhận ảnh, tính chất cũng như câu chuyện này vậy, thật sự phát sanh hoảng hốt. Quý vị nói nhất niệm đó, đó nghĩa là nhất niệm bất giác. Quên bản thân đã đội mũ, đó là nhất niệm bất giác. Nhất niệm bất giác đó là nguyên nhân gì? Tìm không ra nguyên nhân. Ý niệm đầu tiên không có nguyên nhân, ý niệm thứ hai có nguyên nhân, là gì? Ý niệm đầu tiên là nhân, mới có ý niệm thứ hai, ý niệm thứ hai là nhân của ý niệm thứ ba. Về sau đều có, đều có nhân quả. Nên niệm thứ nhất không có nhân, niệm này không có thời gian. Quý vị nói nó khởi lên khi nào? Không có, ở ngay tại đây. Cho nên vọng niệm này là niệm này nối tiếp niệm kia, niệm này tiếp niệm kia, ta mới nhìn thấy thế giới này. Nếu chúng ta đoạn ý niệm này, thế giới này lập tức không còn, vì sao vậy? Vì nó là giả. Giống như ta xem film vậy, từng đoạn từng đoạn băng film nhựa, nếu một đoạn nào đó bị đứt, film lập tức không có, còn lại một khoảng trống, đạo lý chính là như vậy. Bởi vậy nên biết, thế giới này, khi còn tương tục, còn tồn tại là ý niệm chưa đoạn. Cá nhân là thế giới cá nhân, hai bên không liên quan lẫn nhau. Ý niệm của chúng ta đoạn, lục đạo của chúng ta không còn, nhưng lục đạo của quý vị vẫn còn. Quý vị đoạn tận vọng niệm lục đạo, đoạn nhất niệm này, khởi tâm động niệm không còn, lục đạo của quí vị không còn, nhưng lục đạo của họ vẫn còn. Cá nhân là của cá nhân, cá nhân là vũ trụ của cá nhân, mỗi người không liên quan đến nhau. Điều này trong kinh điển đại thừa Đức Phật nói rất rõ ràng, rất minh bạch. Khi giác ngộ ta mới có năng lực giúp người khác giác ngộ, mới có năng lực ứng hóa thân trong mười pháp giới. Ta ứng thân, hóa thân để giúp những chúng sanh có nhân duyên. Chúng sanh có duyên là sao? Là họ tin quý vị, những gì quý vị nói họ tin, có thể lý giải và y giáo phụng hành, đây là có duyên với mình.
Bây giờ kết duyên tiện lợi hơn ngày xưa nhiều, quý vị xem hiện nay chúng ta thông qua mạng internet kết duyên với không biết bao nhiêu người, trên toàn thế giới. Chỉ cần người ta mở kênh này ra, đều là người có duyên, truyền hình vệ tinh vô cùng phổ biến.
Nên ở đây nói không nhân không quả là thật, trong đệ nhất nghĩa không nhân không quả, trong đệ nhị nghĩa có nhân có quả. Cũng chính là nói trong mười pháp giới có nhân có quả, trong cõi thật báo trang nghiêm vẫn có nhân có quả, nó không phải đệ nhất nghĩa. Thường tịch quang là đệ nhất nghĩa, trong thường tịch quang không nhân không quả, chỉ có một cảnh giới như vậy. Nhân quả như đại sư Huệ Năng nói: “đâu ngờ tự tánh năng sanh vạn pháp”, nhân quả sanh sa đồng thời với năng sanh vạn pháp, nhân quả cũng là một trong vạn pháp. Sanh đồng thời, không có trước sau.
“Tánh tướng thường nhiên”, pháp tánh pháp tướng. Pháp tánh năng sanh năng hiện, pháp tướng sở sanh sở hiện. Các loại biến hóa trong pháp tướng đều là thức, thức là gì? Là phân biệt chấp trước. Đây là như những gì Thế Tôn nói: “Tất cả pháp từ tâm tưởng sanh”, câu này rất hay. Vì sao thế? Vì câu này bao gồm toàn thể vũ trụ, bao gồm cõi thật báo trang nghiêm. Cõi thật báo, cõi phương tiện, cõi phàm thánh đồng cư, toàn là từ ý niệm sanh, tâm tưởng sanh_tất cả pháp từ tâm tưởng sanh. Tâm tưởng không có thì tất cả đều không. Chỉ cần có tâm tưởng, tâm tưởng chưa đoạn thì nó tồn tại. Đức Phật dạy chúng ta điều gì? Ngài dạy chúng ta đoạn tận tâm tưởng.
Các bậc tổ đức chúng ta, tôi khẳng định họ là Phật Bồ Tát tái sanh, không phải là người thường. Quý vị xem họ phát minh ra chữ viết, quí vị xem chữ “tư tưởng”, thấy chữ viết này, trí tuệ sẽ khai. Tư là gì? Là trong tâm khởi phân biệt, quý vị xem từng nét từng nét, đó là khởi phân biệt. Tưởng là gì? Là tướng hiện ra, tướng là gì? Là chấp trước. Tưởng là chấp trước, tư là phân biệt. Nếu ta bỏ chữ điền đi, bỏ tướng đi, chân tâm liền hiển lộ, bên dưới là chân tâm. Chân tâm đó là gì? Là pháp tánh. Từng nét đó, tướng đó là pháp tướng.
Cổ đức không phải Phật Bồ Tát, họ có thể phát minh ra được như vậy ư? Cho nên văn tự xưa không được thay đổi, thay đổi là mất hết nghĩa của nó. Đây là phù hiệu của trí tuệ, rất đáng nể! Tuy ta không biết chữ này, nhưng ta xem cũng hiểu được, có thể biết được ý của chữ này. Làm sao để chân tâm hiện tiền? Vứt bỏ tướng, chân tâm liền hiển lộ ra. Đoạn tận phân biệt, chân tâm hiện tiền, từng bước từng bước nâng cao. Hiện nay người nghiên cứu triết học nói, họ xem Đức Phật Thích Ca Mâu Ni như một nhà tư tưởng, quý vị nói Đức Phật Thích Ca Mâu Ni có oan uổng chăng? Nhà tư tưởng là ai? Chúng sanh trong luân hồi lục đạo là nhà tư tưởng. Nên gọi là tánh tướng thường nhiên.
Chư Phật Bồ Tát thị hiện trong lục đạo, trong mười pháp giới, hòa quang đồng trần với những chúng sanh này. Cần lấy thân gì để độ thoát liền hiện ra thân đó. Trong Kinh Lăng Nghiêm nói, tùy tâm ứng lượng. Tâm này là vọng tâm của chúng sanh, nghĩa là tư tưởng, các ngài cảm ứng tùy theo tâm tưởng của chúng sanh. Họ có chướng ngại chăng? Không có. Tuy họ thị hiện, nhưng không có tư cũng không có tưởng, nên họ vĩnh viễn tương ưng với chân tâm, tương ưng với tự tánh, như vậy là đúng.
Bây giờ chúng ta tương ưng với tánh đức, nhưng bên trong có tư tưởng. Tánh đức là gì? Trong Phật pháp nói phổ biến nhất là Thập Thiện Nghiệp Đạo. Quý vị xem trong Kinh Thập thiện Nghiệp Đạo Đức Phật nói pháp nhân thiên. Cũng chính là nói ta ở trong lục đạo, được thân người, được thân trời, là gì? Nhờ Thập Thiện Nghiệp, không tu thập thiện ta không thể sanh làm trời người. Trung phẩm thập thiện được thân người, thượng phẩm thập thiện sanh lên cõi trời. Trái với thập thiện, đó là thập ác. Thập ác, hạ phẩm thập ác là đường súc sanh, trung phẩm thập ác là đường ngạ quỷ, đó là tánh đức.
Ngày xưa, người xưa nói 12 chữ, ý nghĩa như nhau. Quý vị xem người xưa nói: Hiếu để trung tín, lễ nghĩa liêm sĩ, nhân ái hòa bình, 12 chữ. 12 loại đức này là tánh đức, nhưng khi chúng ta học chúng ta vẫn còn phân biệt chấp trước, nên trở thành đạo đức thế gian. Nếu chúng ta tu theo 12 chữ này, không có phân biệt, không có chấp trước, vậy là tu giống như A la hán. Tu 12 loại này có thể chứng A la hán chăng? Có thể. Có thể thành Bồ Tát chăng? Có thể, vì nó thông với thập thiện.
Bởi thế có một số người học Phật, vô cùng chấp trước. Ngày nay chúng ta đề xướng Đệ Tử Quy, đó là sách của Nho giáo, sao chúng ta có thể học nó? Cảm Ứng Thiên là Đạo gia sao chúng ta lại học nó? Những người này không thể ra khỏi luân hồi lục đạo. Tuy rất tôn trọng Phật, nhưng lại bài xích các Tôn giáo khác, sai lầm, các Tôn giáo khác cũng là Phật, cùng một tự tánh sanh ra. Ngoài tâm không có pháp, ngoài pháp không có tâm. Nếu chúng ta hỏi Nho là ngoài tâm hay là trong tâm? Ngoài tâm chúng ta có Nho giáo chăng? Ngoài tâm có đạo chăng? Đạo bên ngoài tâm từ đâu đến? Nếu nó không phải tự tánh biến hiện, vậy nó từ đâu đến? Chẳng lẽ có hai tự tánh, ba tự tánh ư? Làm gì có đạo lý này? Tự tánh chỉ có một, từ một thể sanh ra, nếu ta bài xích là sai. Biến pháp giới hư không giới với mình là nhất thể.
Trước đây tôi phỏng vấn ở Nhật, Nhật bản có một vị hòa thượng, ông rất mến tôi. Khi tôi đến thăm, hòa thượng khoảng 100 tuổi, năm đó tôi đến thăm ông. Khi ông ra đi là 103 tuổi, đi cũng được vài năm rồi, hòa thượng Trung Thôn Khang Long. Ông nói với tôi, ông nói: tất cả người sáng lập Tôn giáo trên toàn thế giới, đều là hóa thân của Bồ Tát Quán Âm. Quý vị xem, vị hòa thượng này có bài xích các Tôn giáo khác chăng? Nhất định không! Đều là hóa thân của Bồ Tát Quán Âm. Khi tôi ra về, đệ tử của hòa thượng nói với tôi, pháp sư Kiều Bổn, hiện nay là phương trượng. Pháp sư Kiều Bổn nói: Thầy Tịnh Không à, hòa thượng chúng tôi xưa nay chưa từng nói như vậy, không biết sao hôm nay gặp thầy lại nói như vậy? Tất cả người sáng lập Tôn giáo, đều là hóa thân của Bồ Tát Quán Thế Âm. Người sáng lập Nho và Đạo giáo, đương nhiên là hóa thân của Phật Bồ Tát, cũng bao gồm Thần đạo giáo của Nhật bản, là một không phải hai. Tánh tướng thường nhiên, ý câu này rất thâm sâu.
Biến khắp mọi nơi mà không có thay đổi, đây là Như, không có sai khác, nhất định phải biết điều này. Bất động mà đến là Lai, đích thực bất động mà đến. Hiện tượng này cũng phổ biến khắp mọi nơi, chỉ là chúng ta không phát giác được. Chúng ra sản sanh ra rất nhiều hiểu lầm, tất cả đều do vọng tưởng phân biệt chấp trước chi phối. Vọng tưởng rất khó đoạn, chỉ cần buông bỏ được phân biệt chấp trước, những gì trong kinh điển đại thừa nói ta đều thấy được. Ở ngay trước mắt, ngay trong cuộc sống hằng ngày. Cho nên đây là chỉ pháp thân Như Lai.
Bên dưới nói: “Phật có ba thân là pháp thân, báo thân, hóa thân, nên giải thích về Như Lai- chính là giải thích- cũng có pháp thân, báo thân, ứng thân, tức sự khác biệt của hóa thân”, có ba cách nói như vậy. “Căn cứ giải thích trong Hội Sớ”, Hội Sớ là do một vị pháp sư người Nhật trước tác, ông chú giải về Kinh Vô Lượng Thọ nói rằng: “Không đến không đi là pháp thân. Chánh giác với đệ nhất nghĩa đế, như chân thật tướng như vậy mà đến là báo thân. Thừa đạo chân như thật tướng mà thành chánh giác mà đến là ứng thân”. Ở đây nói rất hay, nói rất rõ ràng. “Các giải thích đều có thể y theo thuyết của Hội Sớ mà biết được ý này”, Hội Sớ nói một cách rõ ràng minh bạch, dễ hiểu.
Không có đến đi, không có sanh diệt. Nói như chúng ta hiện nay, nó không phải tương đối, không có tương đối, đây là pháp thân. Nói rõ ràng hơn một chút, không có đối lập là pháp thân.
Loại thứ hai là nương vào pháp thân, báo thân này là nương vào pháp thân mà đến. Chánh giác đối với đệ nhất nghĩa đế, đây chính là nương pháp thân. “Chân như thật tướng như vậy mà đến”, chân như thật tướng là tu đức, đây là báo thân, chính là trong Kinh Hoa Nghiêm nói 41 vị pháp thân đại sĩ. Bên dưới là ứng hóa, chúng sanh có cảm, Phật liền có ứng. Ứng thân này, cần dùng thân gì để độ thoát liền thị hiện thân đó, ứng thân không có hiện tướng nhất định: “Tùy chúng sanh tâm, ứng sở tri lượng”.
Ứng thân thuyết pháp, cần nói pháp gì họ liền nói pháp đó, họ thị hiện tuyệt đối không có khởi tâm động niệm, hoàn toàn cảm ứng. Chúng sanh muốn điều gì, họ liền nói điều đó. Quý vị muốn học tiểu thừa, họ liền nói pháp tiểu thừa cho quý vị nghe. Nếu muốn học đại thừa, họ liền nói cho quý vị về đại thừa. Nếu muốn học thiền, họ dạy thiền cho quý vị. Còn như muốn học tịnh, họ liền dạy Tịnh cho quý vị. Hằng thuận chúng sanh, tùy hỷ công đức. Phật Bồ Tát tuyệt đối không có ý niệm, nếu như các ngài có ý, như vậy sẽ hạ thấp ngài, ngài liền trở thành phàm phu. Lục đạo phàm phu có ý niệm, trong tứ thánh pháp giới có ý niệm, họ không dùng ý niệm, vì sao vậy? Vì họ tiếp thu giáo huấn của Phật. Tuy tiếp thu giáo huấn của Phật, nhưng họ chưa đoạn ý niệm, chỉ là chế phục lại một nơi không dùng đến, cho nên họ cao siêu hơn chúng ta. Khởi tâm động niệm, tất cả tạo tác của họ rất giống Phật, nhưng không phải là chân Phật. Họ học rất giống, đó là tứ thánh pháp giới. Họ thật sự dùng chân tâm, thì họ không ở trong tứ thánh pháp giới, mà biến thành báo thân. Chúng ta cần phải biết điều này.
Nói tóm lại một câu tất cả đều ở chỗ buông bỏ. Tu học Phật pháp không có gì khác, công phu chính là ở chỗ buông bỏ, buông bỏ chính là chân công phu. Không thể không biết điều này. Danh hiệu Như Lai, ở đây là nói mười thông hiệu của Phật, cũng chính là vô lượng đức năng trong tự tánh, quy nạp thành mười điều. Đây là trong kinh điển đại thừa giải thích cho chúng ta. Hôm nay chúng ta học điều đầu tiên là “Như Lai”.
Hết giờ rồi, hôm nay chúng ta học đến đây.
Hết tập 157