/ 600
1.000

Tịnh Độ Đại Kinh Giải Diễn Nghĩa

Tập 55

Chủ giảng: Tịnh Không pháp sư

Chuyển ngữ: Tử Hà

Giảng ngày 12 tháng 06 năm 2010

Phật Đà Giáo Dục Hiệp Hội HongKong


Các vị pháp sư, các vị đồng học, xin mời ngồi xuống. Xin xem Đại Thừa Vô Lượng Thọ Kinh Giải, trang năm mươi bốn, hàng thứ hai từ dưới đếm lên, chúng ta xem Tứ

Tứ, chư pháp tương tức tự tại môn. Thượng hiển tương dung, thử biểu tương tức. Tấn dịch Hoa Nghiêm Thập Trụ Phẩm vân: Nhất tức thị đa, đa tức thị nhất, ví như thủy chi dữ ba, dĩ thủy dụ nhất, dĩ ba dụ đa, ba tức thị thủy, thủy tức thị ba, bỉ thử tương tức, nhi các tự tại. Cố vân tương tức tự tại.

Đây là giải thích tiêu đề thứ tư. Đoạn trước nhất đa tương dung quảng hiệp tự tại, đều nói lên sự tương dung của tất cả pháp, chẳng những tương dung mà còn tương tức. Nhất tức nhất thiết, nhất thiết tức nhất. Thập Môn đều nói về thật tướng của các pháp, về chân tướng của tất cả các pháp. Đây là cảnh giới Hoa Nghiêm, là cảnh giới của chư Phật Như Lai. Khế nhập được cảnh giới này, trong tông môn chính là đại triệt đại ngộ, ở giáo hạ gọi là đại khai viên giải, tịnh độ tông gọi là lý nhất tâm bất loạn. Từ đó cho thấy nghĩa lý của bộ kinh này, vô cùng sâu sắc. Còn sự thì sao? sự ở ngay trước mặt chúng ta, ngay trong cuộc sống hàng ngày. Chư Phật Bồ Tát, đây là Bồ Tát pháp thân, các ngài giác mà không mê, chúng sanh trong mười pháp giới, chúng ta càng không cần nói đến, mê mà không giác, sự ở ngay trước mắt, nhưng mê mà không giác. Tác dụng của giác là gì? Tác dụng của giác là sự sự vô ngại, chúng ta ngày nay sự sự đều bị chướng ngại. Thật sự đã nhiều năm rồi, làm một chút việc tốt thôi mà chướng ngại trùng trùng. Đó là gì? Là mê mà không giác. Cho nên đoạn kinh văn của khoa này, nghĩa là một đoạn dài nói về Thập Huyền Môn, đối với việc tu học của chúng ta, giúp rất nhiều trong việc nâng cao cảnh giới, và giác ngộ của chúng ta. Cho nên ở đoạn này chúng ta dùng nhiều thời gian, nghiêm chỉnh học tập.

Đại sư dẫn chứng kinh Hoa Nghiêm, chỉ cho bộ Lục Thập Hoa Nghiêm dịch vào đời Tấn. Trong kinh có câu này : “ nhất tức thị đa, đa tức thị nhất”. Ý nghĩa của câu này rất thâm sâu, nhất là nhiệm nhất, chứ không phải là định nhất. Nhất chính là tất cả pháp, một pháp. Thế nào gọi là một pháp? Một vi trần gọi là một pháp, một cọng lông cũng gọi là một pháp.

Đa có nghĩa là gì? Đa là pháp giới, đa là vũ trụ. Vì sao gọi là “nhất tức thị đa, đa tức thị nhất” ? Bởi tất cả pháp không rời tự tánh. Chúng ta học tập lâu rồi, ít nhất cũng phải có khái niệm, tất cả pháp từ đâu mà có? Duy tâm sở hiện, duy thức sở biến. Chúng ta nói tâm hiện, tâm đây là tự tánh. Một pháp từ tự tánh hiện ra, tất cả pháp cũng từ tự tánh hiện ra. Nó là một hay là đa?

Trong cuốn Sớ Sao của ngài Thanh Lương, đoạn dưới đây cũng dùng: Hựu Đại Sớ vân, như kim dữ kim sắc, nhị bất tương ly. Kim là một pháp, kim sắc cũng là một pháp. Kim ví cho thể, sắc ví cho tướng. Từ từ chúng ta sẽ hiểu được ý nghĩa này. Thể là tịch, trong tịnh độ gọi là Thường Tịch Quang. Thể là Tịch, là bất động. Tướng là Quang, Tịch Quang. Nhị bất tương ly là Thường, vĩnh hằng bất biến, nó khởi tác dụng, thể có biến hóa hay không? Không! Thể biến thành hiện tượng vật chất, hiện tượng tinh thần, sao lại nói là không biến hóa? Biến ở đây là thức biến, thức là vọng thức, nó không có thật, nó là giả, là vọng. Vọng nương chân khởi, nếu không có chân lấy đâu ra vọng! Cho nên đức Phật dạy chúng ta chân vọng không hai. Đây đều là chân tướng sự thật, nếu quí vị giác ngộ sẽ thấy vọng chính là chân, chân không rời vọng. Sự khác biệt giữa giác và mê ở chỗ nào? Khi giác rồi không chấp trước, chẳng những không chấp trước mà cũng không phân biệt, chẳng những không phân biệt, mà đối với tất cả pháp không khởi tâm không động niệm. Đó là giác, cho nên được sự lợi ích vô ngại, tự tại vô ngại. Khi mê cùng sắc, cùng tâm, cùng nhất cùng đa đều không được tự tại, nơi nơi đều chướng ngại. Chướng ngại từ đâu mà có? Chướng ngại từ mê mà có, từ bất giác mà có, chúng ta phải hiểu rõ chân tướng sự thật này.

Làm thế nào để nhập vào cảnh giới Hoa Nghiêm? Cảnh giới Hoa Nghiêm và cảnh giới của thế giới tây phương Cực Lạc, không hai không khác. Nếu quí vị nhập được cảnh giới Hoa Nghiêm, vãng sanh về thế giới tây phương Cực Lạc, quí vị sẽ sanh về Thật Báo Trang Nghiêm độ, quí vị không ở Phương Tiện Độ, cũng không ở Đồng Cư Độ, nâng cao lên rất nhiều. Việc này ngày nay có cần nghiêm chỉnh học tập hay không? Cần! trong kinh đức Phật dạy chúng ta, tu tập ở thế giới Ta Bà này một ngày, bằng tu một trăm năm ở thế giới Cực Lạc. Từ đó cho thấy, nếu chúng ta ở nơi này vào lúc này, hiểu rõ được việc này, hiểu rõ ràng gọi là nhìn thấu, nhìn thấu rồi tự nhiên sẽ buông bỏ. Vì sao bây giờ không buông bỏ được? bởi không nhìn thấu, coi cảnh giới tướng là thật, cho ta là thật có, người cũng là thật, môi trường cũng thật, mà không biết tất cả là giả, không có thật. Cho nên trong kinh Bát Nhã, Kinh Kim Cang quí vị đã đọc rất nhiều, quí vị xem trong kinh Kim Cang đức Phật dạy rất rõ ràng: “phàm sở hữu tướng giai thị hư vọng”, “nhất thiết hữu vi pháp, như mộng huyễn bào ảnh”. Thế nào gọi là “pháp hữu vi ” ? Y chánh trang nghiêm trong mười pháp giới đều là pháp hữu vi, Phật, Bồ Tát, Thanh Văn, Duyên Giác trong mười pháp giới, đâu chẳng phải là pháp hữu vi ? Hữu vi có nghĩa là có sanh có diệt. Chứng được vô vi thì không còn trong mười pháp giới nữa, ít nhất là đạt đến Thật Báo độ của chư Phật Như Lai. Vì sao vậy? Bởi trong kinh nói về Thật Báo độ rất rõ ràng, đức Phật nói nghe rất thú vị, gọi là hữu sanh vô diệt, Thường Tịch Quang độ bất sanh bất diệt, Thật Báo Trang Nghiêm độ hữu sanh vô diệt, thập pháp giới hữu sanh hữu diệt, đây là nói về hiện tượng trước mắt, quí vị cảm nhận được, trên thực tế thì nói đến chư pháp tương tức, sanh diệt bất nhị, mê ngộ là một, càng giảng càng huyền, huyền nghĩa là diệu, đối với người sơ học ngày càng thấy khó, không biết chư Phật Bồ Tát nói gì, chúng ta không hiểu được. Nghe không hiểu đừng sợ, không nên hoài nghi, chư Phật Bồ Tát nói mỗi câu mỗi chữ đều là lời chân thật, chúng ta bị mê, không phải cảnh giới trước mặt chúng ta, khi nào chúng ta phá mê khai ngộ thì sẽ hiểu thôi.

/ 600