Tịnh Độ Đại Kinh Giải Diễn Nghĩa
Tập 33
Chủ giảng: Tịnh Không pháp sư
Chuyển ngữ: Tử Hà
Biên tập: Bình Minh
Giảng ngày 08 tháng 05 năm 2010
Tại Tịnh Tông Học Viện Úc Châu
Các vị pháp sư, các vị đồng học, mời ngồi. Mời xem Đại Thừa Vô Lượng Thọ Kinh Giải, trang ba mươi lăm, bắt đầu từ câu thứ hai, hàng thứ ba.
Hựu Phật cáo phụ vương, nhất thiết chúng sanh tại sanh tử trung, niệm Phật chi tâm diệc phục như thị, đản năng hệ niệm bất chỉ, định sanh Phật tiền, nhất đắc vãng sanh, tức năng cải biến nhất thiết chư ác thành đại từ bi.
Đoạn này ở trong Kinh Quán Phật Tam Muội có đề cập đến. Đức Phật đã nói với phụ vương, tất cả chúng sanh ở trong luân hồi lục đạo, sanh tử ở đây là chỉ cho luân hồi lục đạo. Niệm Phật chi tâm diệc phục như thị, chúng sanh ở trong sanh tử luân hồi. Tâm luân hồi tạo thành nghiệp luân hồi, nòng cốt của tâm luân hồi chính là ngã chấp. Trong kinh điển của Pháp Tướng tông đã giảng rất rõ ràng, Mạt Na Thức là một bộ phận chấp trước kiên cố của A Lại Da, A Lại Da, vọng tâm này rất lớn, chấp trước một phần, một phần tướng phần cho là tự thân, sanh ra thân kiến, sau khi tâm niệm này sanh khởi, kiên cố chấp trước không chịu buông bỏ. Trong Phật pháp nói, ngày nào buông bỏ được thì thật sự đã quay đầu, là có thể hồi quy tự tánh, có thể viên thành Phật đạo, nhưng mà không quay đầu lại được. Câu này nói thì rất dễ nhưng làm thì khó lắm. Vì sao vậy? Không hiểu rõ ràng chân tướng sự thật, nên không quay đầu lại được, chỉ có hiểu rõ ràng minh bạch sự thật chân tướng, thật sự buông bỏ, buông bỏ được thì ngay đó khế nhập tự tánh, Tiểu thừa chứng quả Tu Đà Hoàn, Đại thừa trong 51 cấp bậc của Bồ tát, người này chứng được Sơ Tín Vị. Sơ Tín Vị tuy rất thấp, nhưng chắc chắn thứ lớp tiến lên, không hề thoái chuyển. Vì sao vậy? vì Sơ Tín Vị là chứng được vị bất thoái. Nói cách khác, người này chỉ tiến lên, mức độ tiến lên nhanh chậm khác nhau, điều này liên quan đến sự chuyên cần, nếu như dũng mãnh tinh tấn thì sẽ tiến bộ nhanh, còn như giải đãi thì sẽ tiến bộ chậm hơn một chút, nhưng chắc chắn không hề thoái chuyển. Chúng sanh ở trong sanh tử luân hồi là như thế.
Ngã chấp kiên cố, tham sân si cùng ngã chấp đồng thời khởi lên. Chấp trước kiên cố gọi là ngã kiến, ngã ái sẽ theo ngã kiến mà khởi lên. Ngã ái này chính là tham, ngã mạn chính là sân hận, một phần sân hận, cuối cùng là ngã si, bạn xem ngã ái, ngã mạn, ngã si. Tam độc phiền não tham sân si cùng với ngã kiến đồng thời khởi lên, cho nên Mạt Na Thức thường đi theo tứ đại phiền não. Chúng ta chẳng thể không thừa nhận, chỉ cần chưa chuyển thức thành trí, thì tứ đại phiền não vẫn còn. Đến khi nào vẫn còn? Đến Phật pháp giới trong Thập pháp giới vẫn còn. Vấn đề này rất nghiêm trọng, làm thế nào cũng không chuyển được.
Như Lai có phương tiện, đoạn này là nói đến phương tiện lực dụng của chúng ta. Pháp phương tiện là gì vậy? chính là một câu lục tự hồng danh, công phu thật sự đắc lực, trong 24 giờ đồng hồ danh hiệu không gián đoạn, người này có thể đem ngã kiến, ngã ái, ngã mạn, ngã si, dùng một câu danh hiệu để thay thế. Ở trong Mật tông, thì dùng một câu Lục Tự Đại Minh chú để thay thế. Sự tu tập của Chương Gia đại sư, chính là câu Lục Tự Đại Minh chú, trong 24 giờ không hề gián đoạn, khi tiếp khách, chúng tôi học Phật pháp với Ngài cũng như vậy, khi ngài tiếp tôi, thường thường là hai tiếng đồng hồ. Ngài Kim Cang trì, chúng ta thấy miệng Ngài mấp máy nhưng không có âm thanh, ngài trì chú, ngài trì chú gì? Án Ma Ni Bát Di Hồng. Miệng đọc chú, tay kiết ấn, tâm quán tưởng. Ngài cũng đem câu thần chú này truyền lại cho tôi, kêu tôi thường xuyên đọc. Tôi thỉnh giáo với Ngài, ý nghĩa của câu thần chú này là gì? Ngài đã dạy tôi. Án là thân thể, Ma Ni là hoa sen, chúng ta có thấy trong kinh cũng có dịch, Ma Ni là hoa sen, Ma Ni là bảo trì, đây là bảo trì của tiếng Tây Tạng, Hồng, chữ Hồng cuối cùng là ý. Chúng ta liên kết lại mà nói, thân - liên hoa - bảo trì – ý, đây là ngữ pháp của phạm văn Ấn độ, y theo ngữ pháp của Trung quốc mà nói, bảo trì thân tâm, ý là tâm, giống như liên hoa vậy. Hoa sen ra khỏi bùn mà không nhiễm ô, bùn dụ cho lục đạo, nhiễm là nhiễm ô. Hoa sen nở trên mặt nước, cọng sen thì ở trong nước, nước tượng trưng cho tứ thánh pháp giới, tịnh độ chính là Phương Tiện Hữu Dư Độ, hoa sen nở ở trên cùng, nhiễm tịnh đều lìa bỏ, đó là Thật Báo Trang Nghiêm Độ. Bạn xem bùn, rễ sen mọc ở trong bùn, bùn tượng trưng cho lục đạo- nhiễm. Cọng sen mọc trong nước, nó không ở trong bùn, mà ở trong nước, nước tượng trưng cho thanh tịnh, hoa nở trên mặt nước, có nghĩa là Nhất Chân Pháp Giới. Tôi mới hiểu được câu thần chú này ý nghĩa hay quá! Tâm bất ly khẩu, khẩu bất ly tâm, niệm niệm nghĩ rằng thân tâm của mình giống như hoa sen, chẳng những không nhiễm Lục Đạo, mà Pháp Giới Tứ Thánh cũng không nhiễm, bạn nghĩ xem ý nghĩa này hay quá, tâm quán tưởng. Tịnh tông của chúng ta dùng Nam Mô A Di Đà Phật, một câu danh hiệu này cũng là sáu chữ, sáu chữ này có nghĩa là gì? Nam Mô có nghĩa là quy y, có nghĩa là quy mạng, A dịch là vô, Di Đà dịch là Lượng, Phật dịch là Giác, Vô Lượng Giác là Chân Như Tự Tánh của chính mình, A Di Đà Phật là chân như tự tánh của chính mình, quy y Vô Lượng Giác, quy mạng Vô Lượng Giác, bạn coi nghĩa là như vậy, cho nên bạn phải hiểu ý nghĩa này. Vô Lượng Giác là cái vốn sẵn có của mình, chứ không phải tìm cầu bên ngoài. Trong Khởi Tín Luận Mã Minh Bồ tát giảng rất hay: “ bổn giác bổn hữu, bất giác bổn vô”. Bất giác là gì? A Lại Da thức bất giác. A Lại Da là ông chủ tạo nên thập pháp giới, thập pháp giới từ nó mà sanh ra, từ nó mà biến hiện. Năng biến là hư vọng, thì sở biến đâu thật có, cho nên “phàm sở hữu tướng, giai thị hư vọng”. căn là hư vọng, chân thật là tự tánh, Vô Lượng Giác là chân, vĩnh hằng bất biến. Chúng ta nên quay đầu, nên quay đầu y vào Vô Lượng Giác, quay đầu bản lai chính là Vô Lượng Giác, cho nên câu này có nghĩa là, dạy chúng ta bỏ đi tâm luân hồi, mà sanh khởi tâm niệm Phật, dùng tâm niệm Phật, thay thế tâm sanh tử luân hồi lục đạo, như vậy là đúng. Chúng ta học Phật bao nhiêu năm trời rồi, cơ bản đạo lý này đã hiểu được, “nhất thiết pháp tùng tâm tưởng sanh”, chỉ cần tâm đó chuyển lại là được. Cho nên tất cả pháp quyết định ở tâm thái, chúng ta không nên tin tưởng người khác, nhất định chúng ta phải tin tưởng vào chính mình. Đạo Phật nói về Tín, hoàn toàn không giống như những tôn giáo khác. Tôn giáo khác, thứ nhất phải tin chân thần, phải tin chân chủ, đây là điểm vô điều kiện thứ nhất, trong đạo Phật, điểm vô điều kiện thứ nhất là tin vào chính mình. Ngẫu Ích đại sư giảng trong Yếu Giải rất hay, thứ nhất là tin chính mình, thứ hai là tin Người, là Người gì? Người ở đây chỉ cho Phật. Chúng ta tu Tịnh độ, tin A Di Đà Phật, tin Thích Ca Mâu Ni Phật. Đầu tiên tin chính mình, không tin chính mình, tin Phật cũng vô dụng, đức Phật không giúp gì được. Trong đại thừa giáo đức Phật dạy chúng ta rất nhiều, cho nên nhất định chúng ta phải tin tưởng rằng, chúng ta vốn là Phật, chư Tổ cũng dạy chúng ta như vậy, nhất định phải tin tưởng chính mình bổn tánh bổn thiện, tất cả những điều bất thiện là tập tánh, bất thiện là tâm luân hồi, bổn thiện là tâm Phật. Bạn vốn là Phật, ngày nay ra nông nỗi này, chính là bị mê mất đi Tự tánh, không phải thật sự mất mà chỉ là mê thôi. Không biết rằng mình có bổn thiện, không biết rằng mình vốn là Phật. Những lời này đều là những điều Đức Phật dạy chúng ta trong kinh điển đại thừa, chúng ta phải nên thật sự hiểu rõ ràng minh bạch.