/ 600
1.460

Tịnh Độ Đại Kinh Giải Diễn Nghĩa

Tập 27

Chủ giảng: Lão pháp sư Tịnh Không

Thời gian: Ngày 5 tháng 04 năm 2010

Địa điểm: Hương Cảng Phật Đà Giáo Dục Hiệp Hội

Chuyển ngữ: Bửu Quang Tự đệ tử Như Hòa

Giảo duyệt: Minh Tiến, Huệ Trang và Đức Phong


Chư vị pháp sư, chư vị đồng học, xin mời ngồi xuống. Xin xem Đại Thừa Vô Lượng Thọ Kinh Giải, trang hai mươi bảy, dòng thứ ba từ dưới đếm lên, chúng ta đọc từ chỗ ấy:

“Hoặc nghi niệm Phật hà dĩ hữu như thị công đức, nhân năng niệm, sở niệm, giai thị Thật Tướng cố. Di Đà Yếu Giải vân: Quang tắc hoành biến thập phương, Thọ tắc thụ cùng tam tế. Hoành thụ giao triệt, giai Pháp Giới Thể. Cử thử Thể tác Di Đà thân độ, diệc tức cử thử Thể tác Di Đà danh hiệu. Thị cố Di Đà danh hiệu tức chúng sanh Bổn Giác Lý tánh. Trì danh tức Thỉ Giác hợp Bổn, Thỉ Bổn bất nhị, sanh Phật bất nhị. Cố nhất niệm tương ứng nhất niệm Phật, niệm niệm tương ứng niệm niệm Phật dã” (Hoặc có kẻ nghi niệm Phật làm sao có công đức như thế? Vì năng niệm và sở niệm đều là Thật Tướng. Sách Di Đà Yếu Giải viết: “Quang theo chiều ngang trọn khắp mười phương, Thọ theo chiều dọc rốt ráo ba đời. Ngang và dọc xen nhau thấu triệt, đều là Pháp Giới Thể. Nêu lên cái Thể ấy để làm thân và cõi nước của Phật Di Đà, mà cũng lấy cái Thể ấy tạo thành danh hiệu Di Đà. Vì thế, danh hiệu Di Đà chính là Bổn Giác Lý tánh của chúng sanh. Trì danh là Thỉ Giác hợp với Bổn Giác; Thỉ Giác và Bổn Giác chẳng hai, chúng sanh và Phật chẳng hai. Vì thế, một niệm tương ứng một niệm Phật, niệm niệm tương ứng niệm niệm Phật”). Lần trước, chúng tôi giảng tới chỗ này, nay sẽ đọc phần tiếp theo. “Do thượng khả kiến, Di Đà danh hiệu tức Pháp Giới Thể, cố danh hiệu công đức bất khả tư nghị” (Do những điều trên đây có thể thấy danh hiệu Di Đà chính là Pháp Giới Thể, nên danh hiệu có công đức chẳng thể nghĩ bàn). Đây là tổng kết những nghĩa thú trong phần trước, để chúng ta nhận thức danh hiệu Di Đà. Câu danh hiệu này rất đơn giản, đứa trẻ ba tuổi cũng biết niệm, nhưng quả thật, nghĩa lý trong danh hiệu, đừng nói là ông lão tám mươi chẳng hiểu rõ, mà đúng như trong kinh đức Phật đã nói: “Duy Phật dữ Phật, phương năng cứu cánh” (chỉ có Phật và Phật mới có thể thấu hiểu rốt ráo). Đẳng Giác Bồ Tát đối với nghĩa lý quá sâu trong câu danh hiệu này cũng giống như cách một lớp the ngắm trăng. Công đức của danh hiệu [A Di Đà Phật] dẫu mười phương chư Phật trần thuyết, sát thuyết[1] đều nói chẳng cùng tận. Ngẫu Ích đại sư nói những lời này, câu nào cũng đều là lời thật, vì danh hiệu là thể tánh của pháp giới, nên danh hiệu có công đức chẳng thể nghĩ bàn!

Một người suốt đời có thể niệm một câu [Phật hiệu], công đức bèn chẳng thể nghĩ bàn, nhưng người ấy có được thụ dụng hay không, cũng rất khó nói! Thật sự thụ dụng, ắt phải trọn đủ ba điều kiện Tín, Nguyện, Hạnh. Vãng sanh lại phải trọn đủ [những điều kiện] như kinh đã dạy: “Không thể do chút ít thiện căn, phước đức, nhân duyên, mà được sanh về cõi ấy”. Quý vị phải ghi nhớ, thiếu thiện căn, phước đức, nhân duyên là không được! Do vậy biết: Chúng ta muốn thật sự vãng sanh Tịnh Độ trong một đời này, quý vị phải niệm niệm tu tập, tích lũy thiện căn, phước đức, nhân duyên. Chúng ta cũng từng nghe nói, trong kinh này, đức Phật cũng có nói: Khi lâm chung, mười niệm ắt vãng sanh, có phải là mâu thuẫn với câu kinh “không thể do chút ít thiện căn, phước đức, nhân duyên, mà được sanh về cõi ấy” hay không? Có tình hình này hay không? Tôi tin là có nhiều người mang niềm hoài nghi này! Niềm hoài nghi này từ xưa tới nay đều có; trong kinh điển, luận, trước thuật, giảng giải, cổ đại đức cũng đều giảng rất rõ ràng, rất minh bạch. Kẻ suốt đời không tin tôn giáo, không tin tưởng Phật pháp, nhưng lúc lâm chung, thỉnh thoảng gặp duyên phận như vậy, gặp gỡ một vị thiện hữu khuyên kẻ ấy niệm Phật, khuyên kẻ ấy cầu sanh Tịnh Độ. Trong sát-na ấy, kẻ đó sau khi nghe xong bèn tin tưởng, tiếp nhận, phát nguyện cầu sanh Tịnh Độ, nghiễm nhiên cũng có thể vãng sanh. Đấy chẳng phải là mâu thuẫn với câu kinh Di Đà “Không thể do chút ít thiện căn, phước đức, nhân duyên, mà được sanh về cõi ấy” hay sao? Phàm phu chúng ta cảm thấy ở đây có vấn đề, nhưng đối với người thật sự có công phu, nhìn vào, không chỉ chẳng thấy có vấn đề, mà còn thấy là hoàn toàn tương ứng với những điều đã được giảng trong kinh. Do nguyên nhân nào? Suốt đời này, người ấy chẳng tu, nhưng trong kiếp trước người ta có tu, đời đời kiếp kiếp trong quá khứ đã tích lũy thiện căn, phước đức, nhân duyên, cả đời này chẳng có cơ duyên gặp gỡ Phật pháp, gần như luống uổng một đời. Nào ngờ khi lâm chung gặp gỡ thiện hữu cảnh tỉnh, dẫn khởi chủng tử thiện căn và phước đức trong A Lại Da thức của người ấy phát khởi, người ấy bèn thành tựu. Có phải là ngẫu nhiên hay chăng? Chẳng phải! Huệ Năng đại sư hai mươi bốn tuổi, ở trong phương trượng thất của Ngũ Tổ, nghe kinh chút xíu như thế, bèn đại triệt đại ngộ, minh tâm kiến tánh, có phải là ngẫu nhiên ư? Nếu là ngẫu nhiên, trong pháp hội của Ngũ Tổ, học trò đông ngần ấy, theo Ngài nhiều năm như vậy, vì sao chẳng khai ngộ? Người học Phật cần phải biết: Nhân quả thông ba đời; thiện căn, phước đức, nhân duyên đã gieo trong đời quá khứ, tới đời này, duyên chín muồi, người ấy bèn hưởng thụ. Nếu đời này thiếu duyên, vẫn phải là trong đời sau hoặc trong những đời sau nữa, nói chung khi gặp được duyên, không nhất định là khi nào, chúng ta chớ nên không biết điều này. Do vậy, đối với những điều kinh điển đã nói, hay những điều tổ sư đại đức đã dạy, chúng ta chưa thể tin tưởng thì có thể còn mang nghi vấn, nhưng đừng nên phản đối. Còn mang lòng nghi nghĩa là gì vậy? Chỗ này tôi không hiểu, nhưng tôi trọn chẳng hoài nghi hay phản bác, [bởi lẽ] đức hạnh và trí huệ của chính tôi vẫn chưa đủ. Nỗi nghi ấy là chuyện tốt, cổ đại đức thường nói “tiểu nghi tiểu ngộ, đại nghi đại ngộ”, không nghi ngờ sẽ chẳng ngộ. Nghi ở đây chẳng phải là hoài nghi, mà là sau khi ta nghe, ta tin lời người ấy giảng đúng là có lý, nhưng hiện thời ta chưa đủ trí huệ và đức hạnh, còn phải dụng công thêm; nói chung, sẽ có ngày ta hiểu rõ vấn đề này. Đấy là chính xác, là tâm thái tu học tốt đẹp trong Phật môn.

/ 600