/ 600
1.032

Tịnh Độ Đại Kinh Giải Diễn Nghĩa

Tập 26

Chủ giảng: Lão pháp sư Tịnh Không

Thời gian: Ngày 5 tháng 04 năm 2010

Địa điểm: Hương Cảng Phật Đà Giáo Dục Hiệp Hội

Chuyển ngữ: Bửu Quang Tự đệ tử Như Hòa

Giảo duyệt: Minh Tiến, Huệ Trang và Đức Phong

 

Chư vị pháp sư, chư vị đồng học, xin hãy ngồi xuống. Xin xem Đại Thừa Vô Lượng Thọ Kinh Giải, trang hai mươi lăm, hàng thứ tư từ dưới đếm lên, xem từ chữ cuối cùng.

  “Hựu Tán Bồ Đề Tâm viết: Nhược nhân cầu Phật huệ, thông đạt Bồ Đề tâm, phụ mẫu sở sanh thân, tốc chứng Đại Giác vị” (Lại nữa, bài Tán Bồ Đề Tâm có đoạn: “Nếu ai cầu Phật huệ, thông đạt Bồ Đề tâm, từ thân cha mẹ sanh, mau chứng ngôi Đại Giác”). Trong những điều được giảng bởi bốn câu kệ này, câu đầu tiên nói về sự học Phật, các đồng học chúng ta phải chú ý, học Phật là học gì? Là cầu Phật huệ; Phật huệ ở đâu? Phật huệ vốn sẵn có. Tuy sẵn có, nhưng chúng ta mê mất. Cầu Phật huệ là tìm lại trí huệ Bát Nhã sẵn có trong tự tánh, đó gọi là “học Phật”, thật sự học Phật! Trong Đại Kinh thời thời khắc khắc nhắc nhở chúng ta một câu mà đức Phật đã nói rất nhiều lần: “Một tức là hết thảy, hết thảy tức là một”, tìm được Phật huệ thì toàn bộ vô lượng công đức trong tự tánh đều tìm được. Đức Phật thường nhắc tới trí huệ và đức tướng, ở đây chỉ nói đại lược những điều chánh yếu, chứ nói chi tiết sẽ chẳng thể nói trọn! Vô lượng vô biên trí huệ và đức tướng toàn bộ đều tìm lại được, đó là thật sự học Phật. Quan trọng nhất trong việc cầu Phật huệ là phát Bồ Đề tâm. Ở đây, “thông”“đạt” đều mang ý nghĩa “phát”. “Thông” là thông suốt, trôi chảy, chẳng có chướng ngại, “đạt” là đạt đến. Bồ Đề tâm là gì? Ngày hôm qua, tôi đã thưa cùng quý vị, “chân thành, thanh tịnh, bình đẳng, chánh giác, từ bi” viên mãn! Nay chúng ta tìm lại [Bồ Đề tâm] như thế nào? Thứ nhất, tâm chúng ta chẳng chân thành! Vì sao nói tâm chúng ta chẳng chân thành? Tâm chúng ta có chấp trước, có phân biệt, có vọng tưởng. Tiên sinh Tăng Quốc Phiên đã định nghĩa chữ Thành là “nhất niệm bất sanh thị vị Thành” (một niệm chẳng sanh gọi là Thành). Ta có một niệm sẽ chẳng thành, [định nghĩa ấy có cùng] một ý nghĩa với lời đức Phật giảng trong kinh giáo. Nếu nói thông thường rất đơn giản, thì không khởi tâm, không động niệm sẽ là chân tâm, khởi tâm động niệm là vọng tâm.

  Vì sao có vọng tâm? Đức Phật nói rất hay: “Nhất niệm bất giác nhi hữu vô minh” (một niệm bất giác bèn có vô minh). Một niệm bất giác là vô minh, gọi là vô thỉ vô minh. Vô thỉ chẳng phải là quá khứ quá lâu chẳng thể tìm được bèn gọi là vô thỉ, chẳng phải là ý nghĩa ấy! Thưa quý vị, vô thỉ là chẳng có khởi đầu, đúng vậy, nó là nhất niệm ngay trong lúc này! Di Lặc Bồ Tát đã nói, trong một giây, hiện thời chúng ta dùng giây làm đơn vị, nếu một giây khảy ngón tay năm lần, sẽ có một ngàn sáu trăm triệu niệm, một niệm trong ấy gọi là “nhất niệm bất giác”. Chẳng phải là chúng ta tưởng tượng mà nói ra; chúng ta tưởng tượng thì sẽ chẳng biết có bao nhiêu niệm, mỗi vọng tưởng đều dùng con số “triệu” để tính toán, một niệm ngắn nhất trong một cái khảy ngón tay, nhưng một cái khảy ngón tay đã trải qua ba trăm hai mươi triệu [niệm], đức Phật nói tới cái niệm ấy, niệm ấy vô thỉ. Niệm niệm đều vô thỉ; do vậy, niệm niệm cũng chẳng diệt, bất sanh, bất diệt, thật vậy! Quý vị chẳng tìm được sự sanh diệt của nó; vì thế, đối với vấn đề này, chúng ta thường hiểu nó là sanh diệt đồng thời, tốc độ quá nhanh! Không chỉ chẳng có cách nào diễn tả bằng ngôn ngữ, mà ngay cả thức thứ sáu của chúng ta cũng chẳng nắm bắt được [sự sanh diệt ấy]. Thức thứ sáu phân biệt nhanh lẹ nhất mà vẫn chẳng nắm bắt được! Vì sao đức Phật biết được ý niệm vi tế như thế là nhất niệm bất giác? Đức Phật dạy: Từ Bát Địa Bồ Tát trở lên đều biết! Chúng ta bèn hiểu Bát Địa Bồ Tát có công phu định lực ra sao, quý vị tu Thiền Định đến Bát Địa sẽ thấy. Tâm phải thanh tịnh dường ấy mới có thể cảm nhận được sự sanh diệt trong dao động vô cùng vi tế ấy, khởi lên và diệt mất có cùng ý nghĩa với sanh diệt. Vì thế, Bát Địa Bồ Tát thấy được, Cửu Địa thấy được, Thập Địa thấy được, Đẳng Giác thấy được, Diệu Giác thấy được, rất nhiều người thấy, chẳng phải chỉ một. Vì vậy, Bồ Đề là giác ngay trong một niệm hiện tiền, vô minh là một niệm mê ngay trong hiện tiền. Một niệm giác sẽ bất động; Huệ Năng đại sư đã nói rất hay: “Nào ngờ tự tánh vốn chẳng lay động”, đó là một niệm giác. Một niệm mê là vọng động, là chuyển động. Vô minh là tướng động, cho nên Nghiệp Tướng của A Lại Da là vô minh, tức vô thỉ vô minh.

/ 600