/ 600
1.152

Tịnh Độ Đại Kinh Giải Diễn Nghĩa

Tập 20

Chủ giảng: Lão pháp sư Tịnh Không

Thời gian: Ngày 5 tháng 04 năm 2010

Địa điểm: Hương Cảng Phật Đà Giáo Dục Hiệp Hội

Chuyển ngữ: Bửu Quang Tự đệ tử Như Hòa

Giảo chánh: Đức Phong và Huệ Trang


Chư vị pháp sư, chư vị đồng học, xin hãy ngồi xuống. Xin xem Đại Thừa Vô Lượng Thọ Kinh Giải, trang mười chín, hàng thứ hai. Chúng ta đọc một đoạn kinh văn: “Hựu Yếu Giải vân: Ngô nhân hiện tiền nhất niệm tâm tánh, bất tại nội, bất tại ngoại, bất tại trung gian; phi quá khứ, phi hiện tại, phi vị lai; phi thanh, hoàng, xích, bạch, trường, đoản, phương, viên; phi hương, phi vị, phi xúc, phi pháp. Mịch chi liễu bất khả đắc, bất khả ngôn kỳ vô; cụ tạo bách giới thiên như, bất khả ngôn kỳ hữu. Ly nhất thiết duyên lự, phân biệt, ngữ ngôn, văn tự tướng, nhi duyên lự, phân biệt, ngữ ngôn, văn tự, phi ly thử biệt hữu tự tánh” (Lại nữa, sách Yếu Giải nói: “Một niệm tâm tánh hiện tiền của chúng ta chẳng ở trong, chẳng ở ngoài, chẳng ở khoảng giữa, chẳng phải quá khứ, chẳng phải hiện tại, chẳng phải vị lai, chẳng phải xanh, vàng, đỏ, trắng, dài, ngắn, vuông, tròn, chẳng phải hương, chẳng phải vị, chẳng phải xúc, chẳng phải pháp, tìm trọn chẳng thể được, chẳng thể nói nó là không; tạo đủ bách giới thiên như, chẳng thể nói nó là có. Lìa hết thảy duyên lự, phân biệt, ngôn ngữ, tướng văn tự, nhưng duyên lự, phân biệt, ngôn ngữ, văn tự chẳng lìa điều này mà có riêng tự tánh được”), chúng ta xem tới đoạn này. Cụ Hoàng Niệm Tổ trong phần Bổn Kinh Thể Tánh đã dẫn một đoạn từ sách Yếu Giải của Ngẫu Ích đại sư. Vì kinh Di Đà và kinh Vô Lượng Thọ thuộc cùng một bộ, cổ nhân gọi [hai kinh ấy] là Đại Bổn và Tiểu Bổn. Kinh Vô Lượng Thọ gọi là Đại Bổn, kinh Di Đà gọi là Tiểu Bổn, nhưng thể tánh để y cứ [của hai kinh] hoàn toàn tương đồng. Nói thật ra, hết thảy các kinh Đại Thừa đều có cùng một thể tánh, thể tánh ấy gọi là Thật Tướng. Chúng ta cũng có thể nói như thế này: Thuở Thích Ca Mâu Ni Phật tại thế, nói hết thảy các kinh trong bốn mươi chín năm đã dựa vào đâu? Nương vào đâu để nói? Một câu: “Chư pháp Thật Tướng”, tức là chân tướng của hết thảy các pháp, dựa vào đây để nói. Chúng ta lại hỏi một câu: Hết thảy các kinh đã nói trong bốn mươi chín năm nhằm giảng những gì? Dùng một câu để trả lời, vẫn là một câu này: “Chư pháp Thật Tướng”! Hết thảy các kinh đã nói trong bốn mươi chín năm nhằm giảng cho chúng ta chân tướng của vũ trụ và nhân sinh, một câu bèn nói minh bạch. Kinh Bát Nhã thường nói “chư pháp Thật Tướng”, bốn chữ này hay lắm! Ở đây, Ngẫu Ích đại sư đã giảng “chư pháp Thật Tướng” là như thế nào? Đoạn này nhằm miêu tả hình trạng của nó.

Điều khó hiểu là một niệm tâm tánh hiện tiền của chúng ta; câu này hết sức khó hiểu! “Hiện tiền” là chính ngay trong lúc ấy, “nhất niệm” đã chẳng dễ hiểu rồi! Bình thường, chúng ta khởi tâm động niệm, niệm ấy rất thô, ở đây nói tới “niệm vi tế”, niệm vô cùng vi tế, chúng ta phải hiểu rõ điều này! Chẳng phải là thô niệm như chúng ta đang khởi tâm động niệm trong hiện tại. Trong Bồ Tát Xử Thai Kinh có một đoạn nói đức Thế Tôn đối trước Di Lặc Bồ Tát giảng giải: “Phật vấn Di Lặc, tâm hữu sở niệm” (đức Phật hỏi ngài Di Lặc, tâm có bao nhiêu niệm). Đấy là phàm phu chúng ta, tâm khởi lên một niệm, trong thời gian rất ngắn ngủi, tạm bợ, bèn dấy lên một niệm. Trong một niệm ấy, có mấy niệm, có mấy tướng, có mấy thức? Hỏi điều này chúng ta sẽ biết: Phàm phu chúng ta dấy lên một niệm, trong một niệm ấy có bao nhiêu [tế] niệm, khiến cho chúng ta nhận biết có một niệm dấy lên, có bao nhiêu niệm? Tướng là hiện tượng vật chất, Thức là hiện tượng tinh thần. Tôi nghĩ rất nhiều người trong quý vị đều từng niệm Tâm Kinh; Tâm Kinh nói tới Ngũ Uẩn. Ngũ Uẩn là Sắc, Thọ, Tưởng, Hành, Thức. Đức Phật hỏi “mấy tướng”, thì đó là Sắc, tức sắc tướng, đây là một phần vật chất. “Mấy thức?” là nói về Thọ, Tưởng, Hành, Thức ở sau [Thức], có bao nhiêu Thọ, Tưởng, Hành, Thức? Di Lặc Bồ Tát đáp lời hỏi của Thích Ca Mâu Ni Phật: “Nhất đàn chỉ” (một cái khảy ngón tay), nói theo phía chúng ta, thời gian khảy ngón tay là một niệm, tức là trong tâm có một niệm. Thời gian khảy ngón tay rất ngắn, đại khái là một giây. Chúng ta khảy nhanh, trong một giây có thể khảy từ bốn lần tới năm lần. Nói cách khác, trong một giây chúng ta có chừng bốn tới năm niệm, đây là điều chúng ta có thể cảm giác được! Bồ Tát nói trong một cái khảy ngón tay, có bao nhiêu tế niệm? Chúng ta không có cách nào tưởng tượng được! Ngài nói “ba mươi hai ức trăm ngàn niệm”, trăm ngàn là đơn vị, trăm ngàn là mười vạn, ba mươi hai ức nhân với mười vạn, quý vị thấy một cái khảy ngón tay [là như thế đó]! Phàm phu chúng ta cảm giác đó là một niệm, nhưng trong một cái khảy ngón tay có nhiều niệm như thế!

/ 600