/ 600
1.209

Tịnh Độ Đại Kinh Giải Diễn Nghĩa

Tập 19

Chủ giảng: Lão pháp sư Tịnh Không

Thời gian: Ngày 5 tháng 04 năm 2010

Địa điểm: Hương Cảng Phật Đà Giáo Dục Hiệp Hội

Chuyển ngữ: Bửu Quang Tự đệ tử Như Hòa

Giảo chánh: Đức Phong và Huệ Trang


Chư vị pháp sư, chư vị đồng học, xin hãy ngồi xuống. Xin xem Đại Thừa Vô Lượng Thọ Kinh Giải, trang thứ mười tám, xem từ dòng thứ ba từ dưới đếm lên.

“Hựu Viên Giác kinh vân: Chư huyễn tận diệt, giác tâm bất động. Huyễn diệt diệt cố, phi huyễn bất diệt, thí như ma kính, cấu tận, minh hiện” (Lại như kinh Viên Giác chép: “Các huyễn tận diệt, giác tâm bất động. Sự diệt mất hư huyễn ấy đã bị diệt, chứ cái chẳng huyễn không bị diệt, giống như mài gương, chất dơ hết, ánh sáng sẽ hiện”). Chúng ta xem đoạn thứ nhất, đoạn này vẫn tiếp tục nghiên cứu thể tánh của kinh này, đây là giảng rõ đức Phật nói bộ kinh này đã căn cứ vào điều gì để nói, điều ấy được gọi là “thể tánh”. Nếu chẳng có căn cứ, kinh sẽ chẳng thể thành lập. Căn cứ gì vậy? Trong lần trước, chúng ta đã học tập, hết thảy các kinh Đại Thừa đều căn cứ trên Thật Tướng để nói. Thật Tướng, nói thông tục là chân tướng của nhân sinh và vũ trụ. Những điều được nói [trong kinh Phật] đều là chân tướng. Nếu chẳng phải là chân tướng, sẽ thành vọng ngữ. Chân tướng này rất khó hiểu, chân tướng là “Thật Tướng vô tướng, Thật Tướng vô bất tướng” (Thật Tướng vô tướng, Thật Tướng chẳng phải là không có tướng), các kinh Đại Thừa đều giảng rõ sự thật này. Ở đây, Hoàng lão cư sĩ lại dẫn kinh văn của kinh Viên Giác để nói; do vậy, chúng ta đọc bản chú giải này, giống như đọc rất nhiều kinh luận và những lời giảng giải của tổ sư đại đức. Đoạn kinh Viên Giác này hết sức trọng yếu! “Chư huyễn tận diệt, giác tâm bất động”, huyễn là gì? Trong giáo pháp Đại Thừa có nói “tam tế, lục thô”; tất cả hết thảy các huyễn pháp có cội nguồn là tam tế, lục thô. Rất khó có là hiện thời khoa học đã phát hiện tam tế tướng, họ bảo chúng ta: Trong vũ trụ, chỉ có ba thứ; trừ ba thứ này ra, thứ gì cũng chẳng có, ba thứ ấy là gì? Là vật chất, năng lượng, và thông tin. Những danh từ hiện đại này khác danh từ trong kinh Phật, nhưng có cùng một ý nghĩa. Trong kinh Phật nói tới Nghiệp Tướng. Nghiệp Tướng của A Lại Da là năng lượng, Cảnh Giới Tướng của A Lại Da là vật chất, Chuyển Tướng của A Lại Da, hoặc gọi là Kiến Tướng, chính là thông tin. Quý vị thấy: Nói về những thứ giống nhau; nhưng các nhà khoa học chẳng thể giảng rõ rệt như đức Phật: Những thứ ấy do đâu mà có? Các khoa học gia chẳng nói rõ ràng.

Trong Phật pháp, ba tế tướng này do đâu mà có? Do từ tự tánh mà có! Chỉ có tự tánh là thật, còn những tướng ấy đều chẳng thật. Vì vậy, A Lại Da là vọng tâm, chẳng phải là chân tâm; nhưng chúng sanh trong mười pháp giới rộng rãi và nhiều hơn chúng sanh trong lục đạo. Phía trên lục đạo, vượt lên khỏi lục đạo, lục đạo là giới hạn, thường là chẳng dễ gì vượt thoát lục đạo luân hồi, vượt thoát lục đạo luân hồi là A La Hán, [những người có thể vượt thoát] được gọi là A La Hán. Trên A La Hán là Bích Chi Phật, trên Bích Chi Phật là Bồ Tát, trên Bồ Tát là Phật, chúng ta gọi họ là “tứ thánh pháp giới”. [Những vị thuộc] bốn pháp giới này là thánh nhân, họ vẫn dùng A Lại Da, [tức là] vẫn dùng vọng tâm; vì vậy, chưa phải là Phật [trong Viên Giáo]. Thiên Thai đại sư gọi Phật trong mười pháp giới là Tương Tự Tức Phật, chưa phải là Phật thật sự, vì còn dùng vọng tâm, nhưng dùng [vọng tâm] rất chánh đáng, dùng rất thuần, thoạt nhìn dường như là chân Phật, trên thực tế chưa phải. Phân biệt chân và vọng như thế nào? Ở chỗ dùng cái tâm khác nhau, Phật dùng chân tâm. Quý vị phải ghi nhớ điều này: Dùng chân tâm! Chân tâm chẳng phải là ba thứ ấy (Chuyển Tướng, Nghiệp Tướng, Cảnh Giới Tướng), phải biết: Chân tâm là tự tánh của Dụng. Tổ tiên bảo: Tánh con người vốn lành. Tam Tự Kinh dạy: “Nhân chi sơ, tánh bổn thiện”; cái tánh “bổn thiện” chính là chân tâm, chẳng phải là vọng tâm. “Thiện” ấy chẳng phải là thiện trong “thiện, ác”. Nếu là thiện trong “thiện, ác” thì sẽ là vọng tâm, phải biết điều này! “Thiện” ở đây là hình dung từ, là từ ngữ ca ngợi, [nhằm hình dung] không thể diễn tả được, quá tốt đẹp, quá hoàn bị, chẳng có thiếu khuyết gì. “Bổn thiện” có thể sanh ra vạn pháp, nó mới là căn nguyên của vũ trụ và nhân sinh.

/ 600