/ 600
2.550

Tịnh Độ Đại Kinh Giải Diễn Nghĩa

Tập 4

Chủ giảng: Lão pháp sư Tịnh Không

Thời gian: Ngày 5 tháng 04 năm 2010

Địa điểm: Hương Cảng Phật Đà Giáo Dục Hiệp Hội

Chuyển ngữ: Bửu Quang Tự đệ tử Như Hòa

Giảo chánh: Đức Phong, Trịnh Vân và Huệ Trang


Thưa chư vị pháp sư, chư vị đồng học, xin ngồi xuống. Xin xem trang hai trong quyển thứ nhất, phần Tiền Ngôn (lời nói đầu).

Chúng ta đã học đến chỗ cụ Niệm Tổ giới thiệu sự tán thán của cổ đại đức đối với bộ kinh này. Tiếp đó, cụ nói: “Cái dĩ bổn kinh trì danh niệm Phật pháp môn” (là vì pháp môn trì danh niệm Phật được nói trong kinh này), chúng ta đọc từ chỗ này, “viên mãn trực tiệp, phương tiện cứu cánh, nhất siêu trực nhập, tối cực viên đốn” (viên mãn, thẳng thừng, nhanh chóng, phương tiện rốt ráo, hễ vượt thoát bèn vào thẳng cảnh giới Phật, viên đốn tột bậc). Trong lần trước, chúng ta đã đọc đến câu này. Đây là nói vì sao pháp môn này được lắm người tán thán như thế, tôi nghĩ nó có quan hệ mật thiết với thập phương chư Phật. Có thể nói pháp môn này trọn khắp pháp giới hư không giới, không có vị Phật nào chẳng tán thán A Di Đà Phật. Trong kinh Di Đà, chúng ta đọc thấy sáu phương Phật ca ngợi; trong bản dịch kinh A Di Đà của Huyền Trang đại sư, ghi là mười phương Phật tán thán, nói rất cặn kẽ. Trong kinh Vô Lượng Thọ và Quán Kinh, đức Phật đều giới thiệu với chúng ta như vậy. Trong khi tu nhân, Phật Di Đà phát nguyện quá vĩ đại, chẳng thể nghĩ bàn! Phật Phật đạo đồng, chư Phật chứng đắc trí huệ và đức tướng chẳng sai biệt, nhưng do lúc tu nhân, phát nguyện và phát tâm thật sự có sai biệt. Phật pháp chẳng tách lìa nhân quả, đừng nói là pháp thế gian, Phật pháp cũng chẳng tách rời!

Lúc chúng tôi mới học Phật, thầy khuyến khích chúng tôi; thuở ấy, chúng tôi chưa hiểu sâu như thế. Thầy chỉ nói phải phát tâm, phải rộng kết thiện duyên, trong tương lai, pháp duyên hoằng pháp lợi sanh của anh sẽ thù thắng. Nói với chúng tôi chân tướng sự thật hiện tiền này, chúng tôi nghe xong cảm thấy rất vui vẻ. Kết duyên như thế nào? Thuở ấy, chúng tôi sống khá chật vật, học trò cũng chẳng có bao nhiêu tiền bạc để kết duyên với mọi người. Thầy dạy: Anh cầm một đồng, mua một bao đậu phộng, đứng ở cửa chính, người ta đến nghe kinh, tặng mỗi người một hạt. Đó là kết duyên. Mua kẹo, tặng mỗi người một chút, dùng tâm cung kính, dùng vẻ mặt tươi cười để đón người ta, tiếp đãi đại chúng tới nghe kinh. Pháp duyên giảng kinh của thầy Lý rất tốt, đại khái là thính chúng cả ba, bốn trăm người; thầy dạy tôi môn phương pháp này. Về sau, chúng tôi có sức, không chỉ dùng phương pháp này để kết duyên, mà dùng cách kết pháp duyên trọng yếu hơn. Chúng tôi bắt đầu in tặng những tấm thẻ, sau đó là kinh sách. Do khoa học kỹ thuật tiến bộ, chúng tôi tặng băng thâu âm, băng thâu hình, hiện thời bèn tặng CD. Chúng ta có truyền hình vệ tinh, có mạng Internet, đều nhằm kết pháp duyên.

Nhưng sau này, chúng tôi thâm nhập kinh tạng, hiểu rõ pháp môn này, trong lúc tu nhân, A Di Đà Phật đã phát nguyện quá lớn, Phật Phật đạo đồng. Giữa chư Phật có thể nói, [tức là đúng như] kinh đã nói như thế này: “Thập phương tam thế Phật, cộng đồng nhất Pháp Thân, nhất tâm, nhất trí huệ, lực, vô úy diệc nhiên” (Mười phương ba đời Phật, cùng chung một Pháp Thân, một tâm, một trí huệ, lực, vô úy cũng thế). Phật có tâm đố kỵ hay chăng? Không có! Chẳng những không có tâm [đố kỵ], mà Phật chẳng có ý niệm! Chúng ta thường nói là “chẳng khởi tâm, không động niệm, chẳng phân biệt, đừng chấp trước”, Phật làm được điều này. Nếu Ngài làm không được, còn khởi tâm động niệm, sẽ là Bồ Tát, chưa phải là Phật. Còn có phân biệt, chấp trước, sẽ là phàm phu, chưa phải là thánh nhân. Phật đâu có những đố kỵ, chướng ngại này! Tuyệt đối chẳng thể có! Do Phật Di Đà phát đại nguyện này, chư Phật hoan hỷ, đối với tất cả hết thảy chúng sanh, hết thảy chư Phật Như Lai đều giới thiệu Tây Phương Cực Lạc thế giới, kể cả Tỳ Lô Giá Na Phật trong hội Hoa Nghiêm cũng không ra ngoài lệ này. Vì thế, Văn Thù, Phổ Hiền dẫn bốn mươi mốt địa vị Pháp Thân đại sĩ trong thế giới Hoa Tạng sang thế giới Cực Lạc quy y A Di Đà Phật, Tỳ Lô Giá Na Phật chẳng tức giận. Không chỉ chẳng tức giận, mà còn hoan hỷ. Vì sao? Tu hành thành Phật trong thế giới Hoa Tạng, kinh giảng điều này rất rõ ràng, phải mất bao lâu? Ba A-tăng-kỳ kiếp mới đoạn được tập khí vô minh từ vô thỉ trong A Lại Da Thức. Vô minh đã đoạn rồi, nhưng tập khí vô minh chưa đoạn, trong thế giới Hoa Tạng phải tốn thời gian dài như thế [để đoạn]. Đến thế giới Cực Lạc thì sao? Đến thế giới Cực Lạc bèn làm được, trong một ngày là xong! Phương tiện thù thắng như thế, mười phương thế giới chẳng có, chỉ riêng A Di Đà Phật là có. Được rồi! Chỗ của Ngài có [sự thù thắng này], có thể giải quyết thì mười phương chư Phật đều đưa học trò của mình, kể cả hàng Bồ Tát, sanh sang Tây Phương Cực Lạc thế giới. Đây là biểu thị pháp cho chúng ta biết: A Di Đà Phật dạy dỗ là chư Phật Như Lai dạy dỗ. Chúng ta phải hiểu rõ đạo lý này, phải có tâm lượng này, đây là gì? Tùy hỷ công đức! Kinh Hoa Nghiêm nói “hằng thuận chúng sanh, tùy hỷ công đức”, đây là đạt tới rốt ráo viên mãn. Chư Phật Như Lai, quý vị hãy ngẫm xem, chẳng phải là thanh tịnh tự tại ư? Ta mong hết thảy chúng sanh thành Phật, đều tới thế giới Cực Lạc, đều thanh tịnh tự tại! A Di Đà Phật có mệt mỏi hay chăng? Chẳng có! Làm mà không làm, không làm mà làm! Giúp hết thảy chúng sanh thành Chánh Đẳng Giác, thành Vô Thượng Bồ Đề, trong tâm A Di Đà Phật cũng chẳng có dấu vết. Đây gọi là “tùy duyên diệu dụng”, thật sự mầu nhiệm, mầu nhiệm đến tột bậc! Đây là biểu thị pháp cho chúng ta thấy, nói thật ra, chư Phật là như thế, Phật Di Đà là như thế, mà mỗi người chúng ta cũng đều như thế. Chỉ là mê mất tự tánh, chẳng biết Thể, Tướng, Dụng của tự tánh rộng lớn như thế, không biết trong tự tánh vốn sẵn có, chẳng phải do bên ngoài mà có, chẳng liên quan gì với bên ngoài. Do vậy, pháp môn trì danh niệm Phật là tự tánh.

/ 600