Tịnh Độ Đại Kinh Giải Diễn Nghĩa
Tập 3
Chủ giảng: Lão pháp sư Tịnh Không
Thời gian: Ngày 5 tháng 04 năm 2010
Địa điểm: Hương Cảng Phật Đà Giáo Dục Hiệp Hội
Chuyển ngữ: Bửu Quang Tự đệ tử Như Hòa
Giảo chánh: Đức Phong, Trịnh Vân và Huệ Trang
Thưa chư vị pháp sư, chư vị đồng học, xin mời ngồi xuống. Xin xem Đại Kinh Giải, hàng thứ hai từ dưới đếm lên.
Chúng ta từ “nhi kỳ trung chi Vô Lượng Thọ Kinh giả, nãi Tịnh Độ quần kinh chi thủ yếu, Tịnh Tông đại đức thường xưng vi Tịnh Độ đệ nhất kinh giả dã” (nhưng trong ấy, kinh Vô Lượng Thọ chính là kinh đứng đầu, chủ yếu trong các kinh Tịnh Độ; các bậc đại đức trong Tịnh Tông thường gọi kinh này là kinh Tịnh Độ bậc nhất). Trong phần trước, tôi đã nói với quý vị, câu này là do lão cư sĩ từ bi vô tận, trí huệ chân thật, vừa mở đầu, trong đoạn ngắn thứ nhất này, đã giới thiệu bộ kinh điển hy hữu này với chúng ta. Trong đời này, chúng ta may mắn có thể nghe, có thể đọc, có thể y giáo phụng hành, chúng ta có thể nói giống như ông Bành Tế Thanh: “Một ngày hiếm có khó gặp từ vô lượng kiếp đến nay”, ông ta nói nguyên văn như thế. Một ngày như vậy quá khó có! Nói “một ngày” thì chúng ta phải nắm chắc ngày ấy, ngày ấy không chỉ là vĩnh viễn thoát ly luân hồi lục đạo, mà thưa cùng quý vị, còn là vĩnh viễn thoát ly mười pháp giới. Thoát ly lục đạo luân hồi, nhưng chưa thoát ly mười pháp giới, do thoát ly mười pháp giới khá khó khăn. Sau khi có được pháp môn này, sẽ thoát ly mười pháp giới. Ở đây nói là “Tịnh Độ quần kinh chi thủ yếu” (đứng đầu, trọng yếu nhất trong các kinh Tịnh Độ); theo tôi thấy, không chỉ là Tịnh Độ, mà còn là đứng đầu, trọng yếu nhất trong các kinh thuộc Đại Tạng Kinh! Quý vị đều biết: Bát Nhã Ba La Mật Đa Tâm Kinh là kinh đứng đầu, trọng yếu nhất của Bát Nhã bộ[1], chẳng dài, hai trăm sáu mươi chữ. Đức Phật nói kinh Đại Bát Nhã suốt hai mươi hai năm, hai mươi hai năm giảng những gì? Tâm Kinh triển khai thành bộ Đại Bát Nhã sáu trăm quyển, quy nạp lại, bèn thành hai trăm sáu mươi chữ này, bất tăng, bất giảm; nhưng Tịnh Độ Tông cũng có tâm kinh, tâm kinh là gì vậy? Kinh cuối cùng trong Tịnh Độ Ngũ Kinh là do Ấn Quang đại sư đề xuất, ghép vào sau Tịnh Độ Tứ Kinh, trở thành Tịnh Độ Ngũ Kinh. Tôi thấy cử chỉ này, kinh ngạc khôn cùng, thật sự rất tuyệt, đấy chính là Đại Thế Chí Bồ Tát Niệm Phật Viên Thông Chương trong kinh Lăng Nghiêm. Kinh văn của chương này là bao nhiêu? Còn ít hơn Bát Nhã Tâm Kinh, hai trăm bốn mươi bốn chữ. Bát Nhã Tâm Kinh có hai trăm sáu mươi chữ; chương này có hai trăm bốn mươi bốn chữ, là Tâm Kinh của Tịnh Tông. Tịnh Tông là phần quan trọng hàng đầu trong giáo pháp của cả Đại Tạng Kinh. Nói cách khác, Đại Thế Chí Bồ Tát Viên Thông Chương có thể nhiếp trọn vẹn hết thảy kinh giáo và vô lượng pháp môn do thập phương tam thế hết thảy Như Lai đã nói, thật đấy, chẳng giả đâu! Viên Thông Chương dạy chúng ta: “Bất giả phương tiện tự đắc tâm khai” (chẳng nhờ vào phương tiện, tâm tự khai ngộ), “đô nhiếp lục căn, tịnh niệm tương kế” (nhiếp trọn sáu căn, tịnh niệm tiếp nối) bèn thành công, bèn viên mãn. Đây là chỗ chẳng thể nghĩ bàn trong Phật pháp, trong một đời này chúng ta được gặp gỡ, may mắn khôn sánh, phải giữ chắc. Nếu chẳng giữ lấy, đáng tiếc quá! Quý vị luân hồi trong lục đạo, ngày nào mới có thể gặp được những thứ này?
Chúng ta lại đọc tiếp, “chí ư Phật Thuyết Đại Thừa Vô Lượng Thọ Trang Nghiêm Thanh Tịnh Bình Đẳng Giác Kinh giả, nãi tiên sư Hạ Liên Cư lão cư sĩ, hội tập Vô Lượng Thọ Kinh, Hán, Ngụy, Ngô, Đường, Tống, ngũ chủng nguyên dịch, quảng hiệt tinh yếu, viên nhiếp chúng diệu, hội thành kim kinh, hiện thôi vi Vô Lượng Thọ Kinh chi thiện bổn giả dã” (Còn như Phật Thuyết Đại Thừa Vô Lượng Thọ Trang Nghiêm Thanh Tịnh Bình Đẳng Giác Kinh là do tiên sư là lão cư sĩ Liên Cư, hội tập năm bản dịch kinh Vô Lượng Thọ trong các đời Hán, Ngụy, Ngô, Đường, Tống, chọn rộng rãi những chỗ tinh yếu, thâu tóm trọn vẹn các chỗ hay, hội tập thành bản kinh này, nay được tôn là bản hoàn thiện nhất của kinh Vô Lượng Thọ). Chuyện này không dễ dàng! Thầy của lão cư sĩ Hoàng Niệm Tổ là cụ Hạ Liên Cư, cụ Hoàng sanh trưởng trong một gia đình tin Phật pháp, cậu của cụ Hoàng là cư sĩ Mai Quang Hy. Trong thuở ấy, Phật môn có câu “Nam Mai, Bắc Hạ”, [nghĩa là] trong giới tại gia học Phật, ở phía Nam, người bậc nhất là cụ Mai Quang Hy; ở phương Bắc, người bậc nhất là cụ Hạ Liên Cư. Câu “Nam Mai, Bắc Hạ” chỉ hai vị đại đức này. Hai người họ là đồng sự bao nhiêu năm, là đồng tham đạo hữu, quan hệ vô cùng thân thiết. Hoàng Niệm Tổ là cháu được gởi sang bên cụ Hạ, theo cụ Hạ học Phật. Theo học hơn hai mươi năm, trở thành truyền nhân, là đệ tử truyền pháp của cụ Hạ, trong Phật môn chúng ta gọi là “pháp tử”. Bộ kinh này do lão cư sĩ Hạ Liên Cư hội tập dựa trên năm bản dịch gốc trong các đời Hán, Ngụy, Ngô, Đường, Tống được bảo tồn trong Đại Tạng Kinh. Nói về triều đại, Ngụy là nhà Tào Ngụy[2] thuộc thời đại Tam Quốc, triều Ngô cũng thuộc thời Tam Quốc. Ngụy và Ngô đều thuộc thời đại Tam Quốc, cùng với [các bản dịch thời] Đường và Tống, tổng cộng là năm bản dịch gốc. Sự phiên dịch này sẽ được nói trong phần sau. Với kỹ thuật ấn loát phát triển hiện tại, tìm năm bản dịch gốc chẳng khó khăn gì!