/ 28
369

QUÁN VÔ LƯỢNG THỌ PHẬT KINH SỚ SAO DIỄN NGHĨA

Chủ giảng: Lão pháp sư Tịnh Không

Tập 3

 

Xin xem dòng thứ tư trong trang mười bảy:

“Sở ngôn Phật Thuyết Quán Vô Lượng Thọ Phật giả, Phật thị sở quán thắng cảnh. Cử chánh báo dĩ thâu y quả, thuật hóa chủ dĩ bao đồ chúng. Quán tuy thập lục, ngôn Phật tiện châu; cố vân Phật Thuyết Quán Vô Lượng Thọ Phật” (Nói “Phật Thuyết Quán Vô Lượng Thọ Phật” vì Phật là cảnh thù thắng để quán. Nêu chánh báo để gồm thâu y báo, thuật hóa chủ để bao gồm đồ chúng. Tuy có mười sáu phép Quán, nhưng nói đến Phật liền trọn đủ. Vì thế nói là “Phật Thuyết Quán Vô Lượng Thọ Phật”). Tựa đề kinh có Thông và Biệt. Cái được gọi là Biệt Đề chính là chỗ khác biệt với những kinh khác. Thông Đề thì hết thảy các kinh đều giống nhau. Chữ Kinh tiếp đó chính là Thông Đề, còn Phật Thuyết Quán Vô Lượng Thọ Phật trước đó là Biệt Đề. Ở đây nói “Phật thị sở quán thắng cảnh” (Phật là cảnh thù thắng để quán), “Phật” ở đây là Vô Lượng Thọ Phật, “cảnh” (境) là cảnh giới, “thắng cảnh” (勝境) là cảnh thù thắng nhất. Trong phần trước, chúng ta đã biết nguyên do quán Phật và công đức quán Phật. “Chánh báo” (正報) là thân Phật. Chúng ta quán Vô Lượng Thọ Phật tức là đã bao gồm thế giới và hoàn cảnh sống của Vô Lượng Thọ Phật. “Hóa chủ” (化主) là giáo chủ, cũng là thầy. Nhắc tới thầy, đương nhiên cũng bao gồm các học trò của Ngài. Thế giới Cực Lạc giống một ngôi trường đại học, Vô Lượng Thọ Phật là hiệu trưởng, những người khác đều có thể nói là học trò của Ngài. Các pháp Quán tuy nói đến mười sáu loại, nhưng hễ nói “Phật” thì mười sáu phép Quán đều được bao gồm. “Châu” (周) là trọn hết, toàn bộ đều được bao gồm. Do đó, tựa đề của kinh này là Phật Thuyết Quán Vô Lượng Thọ Phật Kinh. “Kinh giả, huấn pháp, huấn thường, do thánh nhân kim khẩu, cố vân Kinh dã” (Kinh là dạy về pháp, dạy về lẽ thường, xuất phát từ miệng vàng của thánh nhân, nên gọi là Kinh). Đạo tràng của chúng ta giảng kinh quanh năm không gián đoạn, những phần giống như Thông Đề có thể tỉnh lược, có thể chẳng cần nói!

Chúng ta lại xem đoạn văn tiếp theo: “Thử kinh nghĩa sớ, nhân hy tịnh báo, cố thuyết thính giả đa hỹ” (Sớ giải ý nghĩa kinh này, do người ta mong mỏi tịnh báo, nên người nói, kẻ nghe đông đảo). Đối với kinh này, Nghĩa Sớ là chú giải do Trí Giả đại sư soạn, vì người tu hành đều mong cầu sanh về Tịnh Độ, nên bản chú giải này là bộ sách vô cùng quan trọng để tu Tịnh Độ. Vì thế, người giảng nhiều, người nghe cũng đông. Kinh này giảng cặn kẽ y báo và chánh báo trang nghiêm trong thế giới Tây Phương; vì nếu không nói tỉ mỉ, chúng ta chẳng thể nào quán tưởng được, ắt cần phải nói rõ ràng, tường tận, tỉ mỉ phương pháp tu hành. Vì thế, người thật sự phát nguyện, mong cầu sanh Tây Phương Cực Lạc thế giới trong một đời này, nói thật ra, chẳng thể nào không biết đến. Mấy câu này nhằm nói rõ vì sao phải viết chú giải. Tiếp đó: “Sở bẩm Bảo Vân sư thủ chế ký văn, tương duyên chí kim, trước thuật bất tuyệt, giai tông Trí Giả” (Nhờ có thầy Bảo Vân ghi chép đầu tiên, truyền mãi đến nay, trước thuật chẳng ngừng, đều noi theo ý chỉ của ngài Trí Giả). Câu này nói về sư thừa; nếu chẳng có sư thừa, chẳng thể khiến cho kẻ khác tin tưởng. Trung Quốc và Ấn Độ hết sức coi trọng sư thừa. Những gì quý vị đã học là do học với ai? Điều này rất trọng yếu. Không như hiện tại, người hiện thời chẳng coi trọng sư thừa cho mấy! Mỗi người đều có thể tự lập một trường phái, thời cổ chẳng có chuyện ấy!

Chúng ta đọc Đàn Kinh sẽ thấy chuyện thiền sư Vĩnh Gia. Ngài Vĩnh Gia là một người vô cùng thông minh, gặp gỡ ngài Huyền Sách. Ngài Huyền Sách nhận biết Sư là một nhân tài, khuyên Sư phải tìm một bậc cao minh để ấn chứng, tức là chứng minh cho Sư. Người chứng minh cho Sư sẽ là thầy. Nếu không có ai chứng minh, nói chính mình học thành công, ngài Huyền Sách nói: “Nói theo Phật pháp, trước thời Oai Âm Vương thì có thể. Sau Oai Âm Vương Phật, nếu chẳng có sư thừa, đều là thiên nhiên ngoại đạo”. Chư vị hãy nghĩ xem, chuyện này rất nghiêm trọng! Vì thế, Ngài bèn khuyên Sư đến Tào Khê thân cận Lục Tổ, bái Lục Tổ làm thầy, tức là có truyền thừa. Ngài Vĩnh Gia thật sự thông minh, đến gặp Lục Tổ nói mấy câu liền khế nhập cảnh giới. Đã được tổ sư ấn chứng, Ngài chuẩn bị rời khỏi. Lục Tổ đại sư nói: “Ông chẳng cần đi gấp như vậy, hãy nghỉ lại một đêm. Ngày mai hãy đi thì hơn”. Vì thế, đêm Sư ở lại Tào Khê được gọi là Nhất Túc Giác (giác ngộ trong một đêm), “nhất túc” (一宿) là trong một buổi tối, Ngài liền khai ngộ, liền giác ngộ, cũng là chứng tỏ lời cổ nhân đã nói: “Nhất nhật vi sư, chung thân vi phụ” (Một ngày là thầy, suốt đời là cha). Vì thế, sư thừa chẳng nhất định là phải ở cùng thầy bao lâu, được thầy chỉ điểm, chính mình thật sự giác ngộ, triệt để giác ngộ, vậy là đủ rồi!

Nguồn: www.niemphat.net

/ 28